Hôm nay là ngày kết thúc năm đặc biệt dành cho Cha Piô, bây giờ cha có tên chính thức là Thánh Piô của Pietrelcina, nhà thần bí cao cả Dòng Capuxinô, người mang dấu thánh và chữa lành của thế kỷ 20. Năm thánh bắt đầu ngày 28 tháng 7 năm 2016, đánh dấu một trăm năm ngày Cha Piô đến San Giovanni Rotondo, một thành phố nhỏ của bang Foggia, nước Ý, nơi cha ở đó suốt đời, không những cha xây được một bệnh viện lớn mà còn xây được cả một nền tảng thiêng liêng.
Trong dịp này, Đức Hồng y Angelo Amato, bộ trưởng bộ Phong Thánh đã đến San Giovanni Rotondo để chủ sự hai sự kiện: thánh lễ kỷ niệm và khánh thành “Nơi Tưởng Niệm” để giữ di sản của thánh nhân được sống động.
Ở một mức độ nào đó, sẽ dễ dàng để thấy Cha Piô không hẳn là vị thánh của thời Đức Phanxicô.
Đầu tiên Đức Phanxicô không phải là Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, người có một loạt trải nghiệm thần bí và đã thấy các hiện tượng siêu nhiên nơi Cha Piô đầy lôi cuốn. Linh đạo của Đức Phanxicô thực tế hơn, dù ngài chấp nhận có khả năng có những ơn không giải thích được như các dấu thánh hay có mặt ở hai nơi, và có thể đó không phải là những chuyện đầu tiên ngài nghĩ khi ngài chiêm niệm sự thánh thiện.
Mặt khác, Đức Phanxicô thường được xem như người có khuynh hướng tiến bộ trên một số vấn đề, còn Cha Piô là người bảo thủ nghiêm nhặt cả về mặt chính trị cũng như thần học.
Cha Piô dâng thánh lễ bằng tiếng la-tinh theo tiền Công đồng Vatican II suốt đời mình và tiếp tục cả sau Công đồng. Trong chiều hướng này thì không hợp với Đức Phanxicô! Ngoài ra Cha Piô không bao giờ rời tu viện San Giovanni Rotondo, những lần hiếm hỏi cha rời tu viện là để đi bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Kitô giáo trong những năm 40, 50 và 60, đảng này là thành trì chống lại Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản đang xâm chiếm nước Ý.
Trong quyển sách gần đây về Cha Piô, ký giả Ý Luigi Ferraiuolo nghiên cứu về sự trung thành sâu đậm này của cha. Ông ghi lại thời kỳ mà một trong những người mến mộ Cha Piô đến than phiền với cha, bà đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Kitô giáo hai lần, một lần vào năm 1948 và một lần năm 1953, nhưng cả hai lần bà cảm thấy họ bỏ rơi bà.
Câu trả lời của Cha Piô? “Ít nhất những người này họ tự nuôi sống họ. Những người này vẫn còn phải ăn.” Đó là cách nói quen thuộc của người Ý để nói, ê, họ có thể không hoàn hảo, nhưng họ là những gì chúng ta có thể có được.
Nhưng đừng hiểu lầm Cha Piô, cha rất nghiêm túc về mặt chính trị. Trong suốt cuộc đời cha, cha đã cổ động để Đảng Dân chủ Kitô giáo được bầu ở bang Foggia, mà trước đây bang này bầu cho Đảng Tự do. Câu chuyện vào cuối đời cha, năm 1966 kể lại. Có hai ứng viên tranh cử vào tòa thị chính ở San Giovanni Rotondo. Theo luật lệ thời đó, hội đồng thị chính phải quyết định nhưng họ bị kẹt, vì thế họ đến nhờ Cha Piô xin cha giải quyết vấn đề.
Ký giả Ferraiuolo kể lại, Cha Piô vào phòng họp và bất thình lình thông báo cho một trong các ứng viên, ông phải bỏ cuộc vì đối thủ của ông là bác sĩ giám đốc bệnh viện Casa Sollievo della Sofferenza, bệnh viện do Cha Piô xây dựng và là một trong các trung tâm nghiên cứu của Ý. Đối thủ này là bác sĩ Giuseppe Sala, đã đắc cử thị trưởng.
Nói cách khác, nếu theo Đức Phanxicô thì các linh mục phải ở ngoài lãnh vực chính trị.
(Nếu có khi nào bạn ở Ý, đây là cách để bạn gây ấn tượng với bạn bè người Ý, tất cả họ đều biết Cha Piô và bệnh viện Casa Sollievo della Sofferenza. Bạn hỏi họ: “Bạn có biết cái tên khác của bệnh viện này không?” Câu trả lời đúng sẽ là Clinica Fiorello La Guardia, tên của Thị trưởng nổi tiếng của New York, người năm 1946-47 đứng đầu Tổ chức Cứu trợ và Phục hồi Thế giới, có trách nhiệm tái thiết sau Thế Chiến Thứ Hai. Năm 1948 ông đã đóng góp tiền để xây bệnh viện để tưởng nhớ La Guardia, con trai của một người nhập cư từ Foggia đến Mỹ.)
(Trong một buổi lễ năm 1948, Cha Piô đích thân làm phép tấm bảng ghi tên bệnh viện là La Guardia. Nhưng một năm sau, tấm bảng bị rơi xuống và mọi người quên nó. Rốt cuộc tên của Cha Piô được ghi lại cho dự án này)
Dù có các khác biệt, nhưng sau khi xem xét kỹ thì ít nhất có ba điểm Cha Piô thật sự là một vị thánh tuyệt vời cho thời đại Đức Phanxicô.
Trước hết, Cha Thánh Piô tiêu biểu cho lòng mộ đạo bình dân. Suốt đời cha, cha bị các giới chức tu sĩ nghi ngờ, kể cả nhiều giáo hoàng, bị chính Dòng của mình, bị Văn phòng Tòa Thánh, tiền thân của bộ Giáo lý Đức tin điều tra. Dù vậy, giáo dân vẫn nườm nượp đổ xô về San Giovanni Rotondo, dự thánh lễ cha dâng, xin cha giải tội, hoặc đơn giản muốn ở trước mặt cha.
Có lần có tin đồn cha sẽ bị thuyên chuyển, giáo dân San Giovanni Rotondo đã dùng rơm rạ thắp đuốc nguyên đêm để ngăn cha không bị đem đi trong đêm. Đức Phanxicô là giáo hoàng tin rằng có một minh triết trong việc rước kiệu Đức Mẹ bình dân hơn là một kho sách thần học đầy thư viện, vì thế ngài có thể mỉm cười khi thấy sự chiến thắng bình dân của Cha Piô trên những người ưu tú.
Thứ hai Cha Piô luôn nói về người nghèo, việc xây dựng bệnh viện Casa Sollievo della Sofferenza là nơi cung cấp dịch vụ y tế cao cấp cả cho người giàu cũng như người nghèo. Nữ ký giả Mỹ Barbara Ward đã nắm được khía cạnh này trong tầm nhìn của Cha Piô, bà viết: “Chín phần mười những người đến với Cha Piô là những người nghèo không thể nào khá hơn được. Nạn nghèo khổ là gốc rễ của những bệnh tật không được chăm sóc, bệnh kinh niên, bệnh mù lòa, tàn tật và đau khổ”.
“Mỗi ngày cha đều thấy cảnh khổ này, từ sáng sớm khi cha vào nhà thờ đến những người xưng tội cuối cùng. Cha Piô là người cuối cùng trên thế giới thuyết phục bạn, không những Chúa giảng cho tâm hồn mà còn chữa lành phần xác và hứa Nước Trời dành cho những người không có áo mặc, không có gì ăn. Nếu cần săn sóc thì bệnh viện đó phải ở San Giovanni Rotondo.”
Cha Piô cũng chia sẻ cùng cảm nhận với Đức Phanxicô, rằng không thể rao giảng Tin Mừng một cách trừu tượng, nhưng phải bằng hành động ở đây và bây giờ và giống như Đức Phanxicô, cha tận tâm và rất hiểu biết khi làm công việc này.
Điều thứ ba và có thể là điều nền tảng nhất, Cha Piô và Đức Phanxicô cống hiến hết lòng và sâu đậm cho lòng thương xót. Cha Piô ngồi cả ngày trong tòa giải tội, mang lòng tha thứ của Chúa đến cho những người bị tổn thương. Những người Ý bình thường từ mọi nơi thấy cha là một bộ mặt khác của Giáo hội công giáo, không xa cách, không vương giả nhưng gần với họ, cảm nhận nỗi đau của họ. Chính mình cũng là người Ý, Đức Phanxicô hiểu rõ điều này và về loại Giáo hội mà Cha Piô đại diện trong tâm trí giáo dân.
Với tất cả những điều này, có lẽ sự tương lân giữa Cha Thánh Piô và Đức Phanxicô là như sau: là “linh mục Phanxicô” thì không ngả theo chiều hướng chính trị nào, nhưng dựa trên nền tảng gần gũi với giáo dân, đặc biệt với người nghèo và những người đau khổ. Dù chính kiến có như thế nào thì các bản năng này cũng vẫn là nền tảng. Trong nghĩa này, chắc chắn, Cha Piô thể hiện hoàn hảo phong cách của Đức Phanxicô, một nhân vật về cơ bản không nhắc cho chúng ta về mặt chính trị, nhưng là một mục tử.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn tin: Phanxico