Dưới hầm mộ của Đền thờ Thánh Phêrô, trước ngôi mộ đơn sơ giản dị của Đức Phaolô VI, dáng đứng của Đức Phanxicô khi cầu nguyện, một mình, trong thinh lặng gần như có một cái gì của huyền bí.
Đây không phải là lần đầu tiên ngài đứng trước ngôi mộ của các vị tiền nhiệm. Ngày chúa nhật 6 tháng 8, Đức Phanxicô đến đây để tưởng niệm năm thứ 39 ngày Đức Phaolô VI qua đời, từ đầu triều giáo hoàng của mình, dịp này dịp khác, ngài cũng đã đến đây để cầu nguyện.
Hai giáo hoàng trong các cơn bão tố
Dù trong các thông điệp, các thư, các bài giảng, Đức Phanxicô trích nhiều các bài của các vị tiền nhiệm của mình. Nhưng chúng ta có thể thấy một sự gần gũi đặc biệt giữa Đức Phanxicô và Đức Phaolô VI.
Giáo hoàng bị chỉ trích, bị làm ầm ngay trong giáo hội của mình, Đức Phanxicô đương nhiên phải nhớ lại các cơn bão tố mà Đức Phaolô VI từng hứng chịu. Các cơn bão này đến từ hàng ngủ những người được gọi là bảo thủ, thất vọng về các kết quả của Công đồng Vatican II, cũng như đến từ hàng ngủ những người có tiếng là tiến bộ, họ chỉ trích gay gắt Thông điệp Sự sống Con người (Humanae Vitae). Thông điệp này công bố năm 1968 nói về hôn nhân và điều hòa sinh sản, Giáo hội ngoảnh mặt đi với các phương pháp ngừa thai.
Nhưng các mối dây giữa hai giáo hoàng còn sâu đậm hơn, như tác giả Paul de Charentaynoì trong quyển sách mang tên “Đức Phaolô VI, người tạo cảm hứng cho Đức Phanxicô” (Nxb Salvator, 2015) đã viết.
Vượt lên sự việc Đức Phaolô VI trút bỏ một cách quyết liệt việc thực thi quyền lực của giáo hoàng (chẳng hạn bỏ miện và một phần của sự quý phái Vatican), chúng ta chỉ nên giữ lại nét giống nhau chính yếu của hai giáo hoàng: đối thoại. Đức Phaolô VI đã thiết lập “thượng hội đồng giám mục”, một hình thức mà Đức Phanxicô muốn tái lập lại để thực thi quyền lực một cách đồng đội hơn ở Vatican. Còn với thế giới, Đức Phaolô VI đã nhận định lý thuyết về sự cần thiết phải có đối thoại qua Thông điệp Giáo hội của Người (Ecclesiam Suam). Quan tâm này là ở trọng tâm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, ngài được bầu chọn lên để hoàn tựu việc này.
Không có gì là ngây thơ ở Vatican. Bức hình Đức Giáo hoàng đứng cầu nguyện trước mộ Đức Phaolô VI giữa mùa hè, tế nhị nhắc lại Đức Phanxicô là ai: một giáo hoàng muốn trung thành với truyền thống của các vị tiền nhiệm để lại, nhưng cũng muốn làm một vài guồng máy và thói quen của Giáo hội tiến triển, theo gương Đức Phaolô VI mà chính Đức Phanxicô đã phong chân phước cho ngài.
Ở Vatican, các cơn bão thường rất mãnh liệt. Đức Phaolô VI đã trải qua và Đức Phanxicô, cũng sẽ trải qua trong vài tháng sắp tới trên lãnh vực cải cách, chắc chắn ngài cũng muốn kín đáo nhắc lại.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)