Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm là một trong các lễ Đức Mẹ chính ở Lyon, lễ này mang một màu sắc đặc biệt. Các ngọn đèn nhỏ thắp trên các cửa sổ của thành phố và giáo dân kéo nhau về Fourvière. Như thường lệ hàng năm, Đức Hồng y Barbarin và các phụ tá của ngài cầm đầu cuộc rước kiệu, đi sau các chủng sinh khiêng tượng Đức Mẹ.
Nhà nguyện đường du Bac là nơi thứ ba được viếng thăm nhiều nhất ở Paris
Nếu các nhà thờ đã trống vắng thì Đức Mẹ vẫn tiếp tục kéo giáo dân về với mình. Bằng chứng là nhà nguyện Đức Mẹ ở đường du Bac (quận 7 Paris) là nơi thứ ba ở Paris được người dân đến viếng nhiều nhất, sau Viện bảo tàng Louvre và tháp Eiffel. Hàng năm Đức Mẹ Ảnh Phép Lạ thu hút 1,3 triệu tín hữu và du khách.
Một nơi thiêng liêng khác của thủ đô Paris là Nhà thờ Đức Bà Chiến thắng (quận 2 Paris) cũng được nhiều người đến thăm, nữ tu Marie-Rapheel giải thích: “Từ 7h30 sáng, giờ chúng tôi mở cửa đã có nhiều người chờ để vào bên trong, và khi chúng tôi đóng cửa lúc 7h30 tối, thì chúng tôi buộc phải mời giáo dân ra ngoài!”, xơ là một trong các nữ tu Dòng Biển Đức lo việc đón tiếp và cầu nguyện ở đây. Các ngày lễ có đến 7000 đến cầu nguyện với Đức Mẹ ở bàn thờ “nơi ẩn náu của những kẻ có tội”.
Con số 37 000 tấm bia ghi lời tạ ơn làm chứng cho lời cầu xin đã được nhận lời của giáo dân đến đây hành hương. Năm 1629 Vua Louis XIII đã xin làm các bia này. Đa số các bia có từ thế kỷ 19, nhưng không hẳn như vậy. Có những lời tạ ơn gần đây như lời tạ ơn đã có được em bé, một bà mẹ đau nặng được lành hoặc kết quả các kỳ thì: “Con đã cầu nguyện Đức Mẹ khi còn sinh viên, bây giờ là bác sĩ trẻ, con xin tạ ơn Đức Mẹ. 2007”.
Đứng trước đau khổ là sự nhẹ nhàng và dịu dàng của Đức Mẹ
Vì sao ngày chúa nhật, người công giáo, người không công giáo đến các đền thờ Đức Mẹ chứ không đến nhà thờ giáo xứ mình để đi lễ? Một ngạn ngữ Phi châu tin chắc rằng: “Đến gần Tổng thống qua mẹ của ông thì dễ hơn!”. Một tư tưởng phổ biến ở Phi châu, nhưng cũng không hẳn chỉ ở Phi châu, rằng Chúa thì ở xa và vì thế không để ý đến các lo âu của nhân loại ở trần thế này. Hình ảnh Đức Mẹ biểu tượng cho lòng thương xót, còn Chúa thì cho sự công chính.
Vì thế cô Christine, 34 tuổi, vừa trở lại, cô kể con đường đến với Chúa Kitô qua Đức Mẹ của mình: “Trước đây, tôi thấy Chúa Giêsu quá xa và tôi quá rụt rè, nên đối với đứa bé chưa bao giờ đi qua thập giá như tôi, thì nói chuyện với mẹ mình dễ dàng hơn. Đôi khi tôi cầu nguyện và tôi gọi “Má ơi!”, bởi vì kêu má thì dễ hơn phải không?”
Bà Marie-Aimée, 50 tuổi, ly dị, bà ở một mình nuôi con. Bà đi tìm yên tỉnh và bình tâm trong một cuộc sống náo động, một năm bà đến Đức Mẹ Laus ở một tuần. Bà cho biết: “Nơi này thật tuyệt đẹp với cảnh trí núi non thoai thoải dịu dàng. Mẹ Maria đã chọn một nơi thật đẹp!”. Xúc động trước sự đau khổ của những người đến đây, bà Marie-Aimée nhận thấy “chúng ta tất cả đều ở trong cánh tay Mẹ và hiểu được sự dịu dàng và nhẹ nhàng của Đức Mẹ”.
Linh mục Hervé Soubias, phụ trách nhà thờ Đức Bà Chiến Thắng ở Paris, mỗi ngày đều lặp lại với giáo dân hành hương khi họ bước qua ngưỡng cửa nhà thờ: “Nếu Đức Mẹ gần anh chị em thì Chúa Giêsu cũng muốn gần anh chị em. Sự dịu dàng của Đức Mẹ chỉ là một nét phản ảnh của sự dịu dàng của Chúa Kitô. Nếu chúng ta không đặt sự việc đúng bối cảnh của nó, thì chúng ta có nguy cơ xem Mẹ Maria là một vị thần”.
Vai trò của Đức Mẹ: Hướng chúng ta về với Con Mẹ
Linh mục Hervé Soubias nhắc lại: “Dù chúng ta quay về với Mẹ dễ hơn nhưng vai trò của Mẹ là hướng chúng ta về với Chúa Kitô, con của Mẹ. Từ tiệc cưới Cana, Mẹ đã dặn chúng ta hãy làm những gì Chúa Giêsu kêu làm, Mẹ không ngừng hướng dẫn chúng ta về với Chúa Kitô. Đó là một trong các ý nghĩa của nhiều lần Đức Mẹ hiện ra. Tôi thích hình ảnh so sánh Đức Mẹ với mặt trăng. Nếu mặt trăng rọi sáng ban đêm là vì nó phản ảnh ánh sáng mặt trời, ánh sáng đến từ Thiên Chúa”.
Cũng cùng một tầng sóng gắn kết vào Đức Mẹ, cha xứ Michel-Marie Zanotti-Sorkine, họ đạo Canebière nói: “Điều đáng kể đối với Chúa Kitô là chúng ta gần với thế giới siêu nhiên, dù qua một vị thánh hay qua mẹ mình. Vì thế tôi không nghĩ giáo dân cho rằng đến với Mẹ Maria dễ hơn. Tôi nghĩ Mẹ được chú ý hơn vì Mẹ nói lên nét đẹp và sự tinh tuyền của thế giới siêu nhiên. Mẹ làm cho trí tưởng tượng của chúng ta được nuôi dưỡng”.
Cha nhấn mạnh thêm: “Tôi xem các dấu hiệu của Đức Mẹ, các lần Mẹ Maria hiện ra như ý Chúa muốn để đến với loài người mà không có cách nào khác hơn. Vì lý do này mà tôi tạ ơn: nếu ngày nay tất cả là thinh lặng của Nhà Tạm, thì đức tin chắc chắn sẽ ít vững mạnh trong lòng con người”.
Năm nơi Đức Mẹ hiện ra được viếng nhiều nhất trên thế giới:
Đức Mẹ Guadalupe, Mêhicô: 15 triệu giáo dân hành hương.
Đức Mẹ Apparecida, Ba Tây: 8 triệu giáo dân hành hương.
Đức Mẹ Lộ Đức, Pháp: 6 triệu giáo dân hành hương.
Đức Mẹ Fatima, Bồ Đào Nha: 4 triệu giáo dân hành hương
Đức Mẹ Czestochowa, Ba Lan: 4 triệu giáo dân hành hương.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn tin: Phanxico