Vương Cung Thánh Ðường 1.600 tuổi ở đáy hồ

Tàn tích của một Vương Cung Thánh Đường Byzantine 1.600 năm tuổi đã được phát hiện dưới đáy hồ Iznik thuộc tỉnh Bursa ở miền tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Vương Cung Thánh Ðường 1 600 tuổi ở đáy hồ
Tại nơi từng diễn ra Công đồng Nicea thứ nhất vào năm 325 đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm đạt đến sự thống nhất của Kitô giáo, người Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm được phần còn sót lại của một Vương Cung Thánh Đường cổ xưa cách bờ hồ Iznik khoảng 20m. Theo tờ Hurriyet, đây là nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 nhằm vinh danh thánh tử đạo Neophytos, người đã thiệt mạng dưới bàn tay của lính La Mã vào năm 303, dưới thời Hoàng đế La Mã Diocletian (284-305), trước khi có Sắc lệnh Milan.
 

Lịch sử dưới lòng hồ

Cách đây 3 năm, giới hữu trách thành phố Bursa, thuộc miền tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, đã triển khai dự án chụp ảnh từ trên không với mục tiêu kiểm kê các địa điểm lịch sử và văn hóa lâu đời. Trong lúc bay ngang hồ Iznik, đội ngũ chuyên gia bất ngờ phát hiện những hình ảnh mờ nhạt của một cấu trúc bên dưới mặt nước. Sau khi gởi các đội người nhái đến khảo sát, họ xác định được đây là một tàn tích nhà thờ cổ, nằm ở độ sâu từ 1 mét rưỡi đến 2 mét. Các nhà khảo cổ học, sử gia và chuyên gia về mảng lịch sử nghệ thuật lập tức vào cuộc với nỗ lực trả lại danh tính cho nơi này.

Giới chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng nhà thờ được xây dựng vào năm 325, theo sau sự kiện tổ chức ra Công đồng Nicea thứ nhất cùng năm. Hurriyet dẫn lời ông Mustafa Sahin, giáo sư khảo cổ học thuộc Đại học Bursa Uludag cho biết: “Chúng tôi đã tìm được tàn tích của nó, với cách bố trí của một Vương Cung Thánh Đường và có 3 gian giữa”. Giáo sư Sahin ước tính Vương Cung Thánh Đường nhiều khả năng được xây dựng vào thế kỷ thứ 4, nhằm vinh danh Thánh Neophytos.


Thánh Neophytos

Theo sử sách, thánh Neophytos đã đến Nicaea để lên án tín ngưỡng dị giáo trong giai đoạn bức hại dưới thời Hoàng đế Diocletian. Vương Cung Thánh Đường đã được xây dựng trên địa điểm hành hình vị thánh trẻ tuổi. Tương truyền, binh lính La Mã đã treo ngài lên cây, dùng roi bò quất vào cơ thể của người thiếu niên dũng cảm và tiếp tục hành hình bằng vuốt sắt. Kế đến, bọn chúng quẳng ngài vào một lò nướng nóng hổi, nhưng theo truyền thuyết, thánh Neophytos vẫn còn sống bất chấp bị nung 3 ngày đêm trong lò. Không biết làm gì với tội nhân, lính La Mã quyết định dùng kiếm xử tử vị thánh khi ngài mới 16 tuổi, theo thông tin do Orthodox Church of America cung cấp. Có thể nói ngài phải chịu đựng sự tra tấn tàn nhẫn nhất từng được ghi lại vào thời đó.

Sự hồi sinh

Phải đợi đến 10 năm sau, hoàng đế La Mã Constantine I mới công bố Sắc lệnh Milan, với nội dung chấp nhận Kitô giáo và bãi bỏ những trừng phạt đối với các Kitô hữu. Thánh Neophytos là một trong những người tử vì đạo trong các cuộc thảm sát người theo đạo Kitô trước thời điểm sắc lệnh được ban hành. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Vương Cung Thánh Đường nhiều khả năng nhất là được xây dựng vào năm 325, sau khi công đồng kết thúc. “Điều thú vị là chúng tôi có được các bản khắc từ thời Trung Cổ mô tả lại cảnh hành hình này. Qua đó, chúng tôi biết được thánh Neophytos bị giết hại trên bờ hồ”, theo giáo sư Sahin. Họ cũng xác định nhà thờ đã đổ sụp trong một trận động đất vào năm 740 và chưa bao giờ được xây dựng lại một lần nữa. Theo thời gian, phần còn lại của cấu trúc xưa chìm dần xuống nước do nước hồ dâng lên. Và việc phát hiện Vương Cung Thánh Đường trên đã được vinh danh là một trong những khám phá quan trọng nhất trong những năm gần đây của Viện Khảo cổ châu Mỹ.

baoconggiao.info
Thành phố Bursa Thổ Nhĩ Kỳ

Trong thời gian tới, tàn tích xưa kia sẽ trở thành điểm hành hương dưới nước cho những người quan tâm. Trang tin Aleteia cho hay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch biến nơi này thành một viện bảo tàng nước, cho phép các tín hữu Kitô giáo có thể quan sát phần móng của nhà thờ cổ.

LING LANG

Nguồn tin: Công Giáo và Dân Tộc