Chào bạn,
Nhiều người trong chúng ta cho rằng chỉ có linh hồn ta là được về trời, còn thân xác là thứ nhơ nhuốc, đầy những xấu xa, nên không thể được cứu. Vào những thế kỷ đầu, có rất nhiều trường phái triết học cho rằng thân xác chính là tù ngục của linh hồn, là cái đã giam hãm linh hồn con người. Hồn lìa khỏi xác cũng hệt như một cuộc giải thoát. Bởi thế, việc phải trở lại kết hiệp với xác chẳng khác nào đưa hồn vào tù ngục. Chính vì lý do này mà thánh Phaolo đã thất bại khi rao giảng về việc người chết sống lại tại Aten, một thành phố đậm mùi triết coi thường thân xác và chỉ tin vào sự bất tử của linh hồn (x.Cv 17,16-34). Ngoài ra, thật khó để có thể tưởng tượng được là khi thân xác phục sinh thì nó sẽ thế nào. Thân xác phục sinh của tôi sẽ là thân xác lúc tôi bao nhiêu tuổi? Những người đã chết từ hàng ngàn năm trước, xương cốt đã thành tro, họ sẽ sống lại thế nào? Thậm chí, có những người đã chết không toàn thây, bị thú dữ ăn thịt, xé xác… thì phục sinh ra sao? Còn nữa, chẳng lẽ những người có thân hình xấu xí, bị thương tật, bị khiếm khuyết gì đó lại phải sống thân xác tồi tệ này khi phục sinh? Nếu thế thì thà chẳng phục sinh còn hơn!
Vậy tại sao Giáo Hội lại tin rằng thân xác cũng phải phục sinh? Là bởi vì chúng ta chỉ có thể là con người trọn vẹn khi có cả hồn (phần linh thiêng) và xác (phần vật chất). Nếu chỉ có hồn hoặc chỉ có xác thôi thì không phải là ta. Thân xác là một phần của ta, hay thậm chí có thể nói, nó chính là ta. Ta sẽ không thể nhận ra, tiếp xúc, đụng chạm với ai nếu người đó không có thân xác, và ngược lại. Trong khi đó, Đức Giêsu đến thế gian này là để cứu con người của ta một cách trọn vẹn, chứ không chỉ cứu linh hồn ta mà thôi. Nếu Ngài chỉ cứu linh hồn ta thì Ngài đang cứu “cái gì đó”, chứ không phải là ta. Đấng Cứu Thế đã muốn mặc lấy xác phàm và trở thành một con người thực thụ chính là muốn cứu lấy cả “xác phàm”, phần vật chất của con người, chứ không chỉ là phần thiêng liêng. Bởi thế, nếu thân xác không được phục sinh thì việc xuống thế làm người của Đấng Cứu Thế trở nên vô nghĩa. Tin vào sự phục sinh của thân xác chính là tin vào phẩm giá cao quý của thân xác và tin vào ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con người xét như một tổng thể đầy đủ của hồn và xác.
Nhưng phải làm sao để giải quyết những vấn đề khúc mắc ở trên liên quan đến thân xác? Hay nói cách khác, chúng ta cần phải hiểu như thế nào về sự phục sinh của thân xác? Dựa vào mặc khải của Kinh Thánh và dựa vào lý trí, chúng ta có thể tìm được câu trả lời dù rằng trong chúng ta, chưa ai trải nghiệm được điều này. Hơn hết, chúng ta có một mẫu gương rõ ràng và khả tín nhất là chính Đức Giêsu phục sinh. Căn cứ vào những gì Kinh Thánh nói với chúng ta về Đức Giêsu sau khi Ngài đã phục sinh, chúng ta có thể biết chắc hai điều:
Thứ nhất, thân xác được phục sinh phải là một thân xác đã chết vì nếu không chết thì cũng sẽ không có chuyện phục sinh. Đó cũng phải là thân xác mà ta đang sở hữu đây vì nếu hồn của ta kết hợp với một thân xác khác thì sẽ trở thành người khác, chứ không phải là ta. Nếu Thiên Chúa làm nên một cái xác khác hoặc sử dụng cái xác của ai đó để kết hợp với hồn của ta thì càng không phải là ta. Quả vậy, khi Đức Giêsu phục sinh, thân xác phục sinh của Ngài là chính thân xác Ngài đã sống trước đó, với tất cả những dấu đinh, vết sẹo (x. Lc 24,39). Thân xác Ngài phải như trước thì các môn đệ mới nhận ra Ngài được. Nếu Đức Giêsu phục sinh với một thân xác khác thì hẳn là xác chết của Ngài vẫn còn trong mộ. Nhưng thực tế là từ sau ngày phục sinh, không ai – kể cả những kẻ thù của Ngài – có thể tìm thấy xác Ngài. Ngoài ra, thân xác được phục sinh phải là thân xác mà ta có thể đụng chạm được cách cụ thể, chứ không phải là một cái bóng mờ mờ ảo ảo. Đức Giêsu cũng khẳng định với các môn đệ rằng Ngài vẫn “có xương có thịt”, chứ không phải ma (x.Lc 24,39). Chính Tôma là người đã được Đức Kitô phục sinh cho đụng chạm vào cạnh sườn mình (x. Ga 20,27).
Thế nhưng – điều thứ hai và điều rất quan trọng – thân xác phục sinh là một thân xác được biến đổi theo một cách thức mà thánh Phaolo gọi là “mầu nhiệm” (1Cr 15,51), bởi vì “xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (1Cr 15,50). Ngài còn nói thêm: “…tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát… Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,52-53). Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolo nói: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,31). Ở đây, ta thấy thánh nhân nói rằng Đức Giêsu sẽ biến đổi “thân xác chúng ta” (chứ không phải một thân xác lạ lẫm nào khác), và thân xác được biến đổi ấy sẽ giống như “thân xác vinh hiển của Người”, nghĩa là thân xác phục sinh của Đức Giêsu thế nào thì thân xác phục sinh của chúng ta cũng sẽ giống như vậy.
Như thế, thân xác phục sinh của chúng ta sẽ là một thân xác không còn bị huỷ hoại, không còn vết tích của sự dữ, không còn lệ thuộc vào thời gian không gian, không phải chịu một giới hạn nào, không bị lão hoá, không bệnh tật…Thân xác ấy sẽ như thân xác của Đấng Phục Sinh. Chúa sẽ thanh tẩy thân xác hư nát này của chúng ta thành một thân xác thanh thiết và ngập tràn ân sủng. Thân xác ấy trông như thế nào, chẳng ai trong chúng ta biết được, nhưng với mạch suy tư này, ta có quyền đi đến kết luận rằng vào lúc phục sinh, người khác nhìn vào ta thì sẽ thấy ta và nhận ra ta (vì ta có thân xác) và sẽ nhìn thấy nơi ta một sự sáng láng tuyệt đẹp, thanh khiết đến lạ kỳ (vì những hậu quả xấu xa của sự dữ và tội lỗi làm cho thân xác của chúng ta bị huỷ hoại và xấu đi đã bị ơn cứu độ của Đức Giêsu gỡ bỏ).
Nhưng với những trường hợp như bị phanh thây, bị chặt đầu, tùng xẻo, hay thậm chí có rất nhiều các nhà truyền giáo đã bị thú dữ hoặc các bộ tộc hoang dã ăn thịt, họ sẽ phục sinh như thế nào? Họ đâu còn thân xác nữa mà phục sinh! Chúng ta biết rằng ngay cả những người chết với một thân xác bình thường, thì sau một thời gian bị chôn vào lòng đất , thân xác họ cũng không còn được nguyên vẹn. Thân xác của chúng ta, dù chết cách nào đi chăng nữa, cũng sẽ bị mục nát và không còn hình hài. Cơ thể của chúng ta sẽ tan ra, bị chia nhỏ, trở về với các nguyên tố hoá học. Thật khó để chúng ta tưởng tượng là khi phục sinh, các nguyên tố này sẽ kết hợp lại với nhau ra sao để làm nên con người ta trở lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin rằng Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể biến từ không ra có tất cả mọi sự thì chuyện làm cho một cái xác bị thối rữa được sống lại và biến đổi chẳng có gì là khó với Ngài. Bạn có thể đọc trong sách Tiên Tri Ezekiel, chương 37,1-14, nói về thị kiến mà Thiên Chúa ban cho vị Tiên Tri này để hiểu hơn về quyền năng của Thiên Chúa. Trong đoạn này, Ezekial đã thấy Thiên Chúa ban Thần Khí nối các xương người chết, lắp thịt gân… ban hơi thở để làm cho người chết sống lại. Những hình ảnh giúp chúng ta nghĩ đến ngày chính mỗi người chúng ta cũng được cho sống lại trong quyền năng của Thần Khí Đấng Phục Sinh.
Thánh Phaolo cũng lấy hình ảnh hạt giống gieo vào đất và nảy mầm thành một cây mới để minh hoạ cho sự phục sinh này. Khi chẻ đôi một hạt lúa, ta không hề thấy trong đó có cây lúa nào. Vậy mà khi gieo xuống đất, tưới nước, bón phân, ta lại thấy chính tại nơi ta gieo hạt lúa nảy sinh một cây lúa. Cây lúa này chính là hạt lúa lúc trước chứ không phải từ một hạt gì khác, hay thậm chí là hạt lúa khác. Ta biết chắc rằng cây lúa này từ hạt lúa kia mà ra, nhưng ta không biết được là tại sao hạt lúa lại trở thành cái cây như vậy. Hạt lúa trước kia chính là cái cây mà ta đang thấy lúc này đây. Hạt lúc không còn nữa, chỉ còn lại cây lúa. Nói cách khác, hạt lúa ấy đã được biến đổi để trở nên một cái gì đó khác đi, hoàn hảo hơn, tràn đầy sức sống hơn.
Hình ảnh minh hoạ này giúp chúng ta hiểu về sự biến đổi thân xác diệu kỳ mà ơn phục sinh của Thiên Chúa sẽ thực hiện trên chúng ta. Chúng ta chỉ đang ở trong giai đoạn “hạt lúa”, cần phải chết đi trong niềm tin vào Đấng Phục Sinh, để Đấng ấy làm nơi ta một sự biến đổi lạ thường chỉ “trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên.” (1Cr 15,52).
Đề tài này vẫn còn nhiều chi tiết cần bàn đến nhưng hy vọng một vài gợi mở nhỏ bé này đã đủ để giải đáp thắc mắc của bạn cũng như khơi lên niềm hy vọng trong lòng bạn.
Thân ái,
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ