Có lẽ đây là một trong các biểu tượng đặc biệt đáng chú ý nhất trong chức vụ giáo hoàng: chiếc xe mui trần màu trắng nổi tiếng, quen thuộc với tên ‘Xe giáo hoàng’ (Papamobile), với thời gian chiếc xe trở thành một công cụ không thể thiếu của giáo hoàng.
Giám mục giáo phận Rôma đã sử dụng phát minh hiện đại này từ rất lâu. Nếu Đức Piô (1903-1914) đã có từ năm 1909 thì chỉ đến thời Đức Piô XI (1922-1939) ngài mới dứt khoát không dùng chiếc xe ngựa. Phải chờ cho “vấn đề La Mã” – đã có từ năm 1870 – được giải quyết vào năm 1929 nhờ hiệp ước Latran.
Để chào đón sự giải hòa này giữa nước Ý và Vatican, hai xưởng sản xuất xe tặng những chiếc xe đẹp cho quốc gia nhỏ bé nhất thế giới này. Do đó hãng xe Citroën đã tặng chiếc xe nổi tiếng Lictoria C6, bây giờ được chưng bày ở gian hàng xe tại Viện bảo tàng Vatican. Chiếc xe rất thanh lịch, bên trong được trang hoàng như phòng khách Venise thời thế kỷ 13 với ngai giáo hoàng.
Cũng trong dịp này Đức Piô XI nhận chiếc Mercedes Benz 460 Nurborg. Chiếc xe limousin có khung gầm dài và do ông Ferdinand Porsche thiết kế. Người ta nói, Đức Giáo hoàng đã rất thích cách trở lại kiểu cũ và động cơ 80 mã lực rất mạnh của chiếc xe. Tuy nhiên lần đầu tiên sau thỏa ước Latran, ngài chỉ dùng chiếc Graham-Peige để đến vương cung thánh đường Thánh Gioan Latran.
Đức Piô XI nhận chiếc Mercedes Benz 460 Nurborg năm 1929
Chiếc xe Mercedes này là chiếc đầu tiên, nhưng không phải là chiếc cuối cùng: chiếc 300 SEC Limousin 66 là chiếc xe chính Đức Gioan-Phaolô II dùng. Dưới triều giáo hoàng của ngài, Xe giáo hoàng đã thay đổi phong thái. Trước đó, từ thời Đức Phaolô VI chỉ có xe các hiệu Toyota, Mercedes, Range Rover hay Fiat Campagnola là được cải tiến, sơn trắng và nâng sườn lên cao để Đức Giáo hoàng chào giáo dân và để mọi người dễ thấy. Nhưng kể từ ngày Đức Gioan-Phaolô II bị ám sát (13 tháng 5 năm 1981) thì chiếc Xe giáo hoàng có gắn thêm kiếng chắn đạn để bảo đảm an ninh tốt nhất cho các ngài.
Đám đông và an ninh
Một chiếc Xe giáo hoàng không đơn thuần là một chiếc xe bảo đảm được an ninh tối đa, nhưng nó cũng là chiếc xe giúp giáo hoàng dễ dàng chào đám đông và ban phép lành cho họ. Tuy nhiên các giáo hoàng không thích thiết bị kiếng chắn đạn.
Đức Phanxicô không thiếu óc hài hước khi ngài đề cập đến chuyện này: “Tôi nhớ khi ở Ba Tây, người ta cho tôi chiếc xe bịt bùng. Tôi không thể đến gặp giáo dân và tôi nói tôi yêu họ khi tôi ở trong chiếc xe đóng kín như hộp cá mòi, dù hộp này bằng thủy tinh. Với tôi, nó như một bức tường”. Vì thế Đức Phanxicô bỏ đi khía cạnh an ninh để dùng chiếc xe thích nghi hơn với đám đông: “Chắc chắn bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng chúng ta hãy đối diện thực tế, ở tuổi tôi, tôi chẳng có gì để mất”.
Mặt khác chọn lựa của Đức Phanxicô là chọn lựa đơn giản. Ngài không dùng xe Mercedes lấp lánh, trong chuyến đi Mỹ năm 2015, ngài đã dùng các mẫu xe đơn giản nhất. Ở Cuba, ngài đi chiếc xe Peugeot 207 nhỏ làm tại Ba Tây, ở New York nước Mỹ ngài dùng chiếc Fiat 500 và năm 2019 khi ngài đến Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất ngài đi chiếc xe KIA Soul đến dinh tổng thống Abu Dhabi.
Chiếc Fiat 500L Đức Phanxicô dùng ở Mỹ
Các chuyến đi
Tác giả Bernard Lecomte trong quyển Từ Điển chuyên khảo về các Giáo hoàng (Dictionnaire amoureux des papes, nxb.) giải thích, từ thời Đức Gioan-Phaolô II đã có thói quen trước các chuyến tông du, các Xe giáo hoàng được gởi bằng máy bay đến trước vài ngày để tài xế của ngài quen thuộc với chiếc xe.
Nhưng gần đây, để khuyến khích khả năng sản xuất công nghệ địa phương và nâng đỡ nền kinh tế nước chủ, trong suốt chuyến tông du, giáo hoàng sẽ dùng chiếc xe được sản xuất tại địa phương. Năm 1980 trong chuyến đi Paris, Đức Gioan-Phaolô II dùng chiếc xe Citroën SM, loại xe chính thức của các nguyên thủ Quốc gia Pháp. Cũng vậy tại Tây Ban Nha năm 1982, ngài dùng chiếc Seat Panda.
Do đó các giáo hoàng được đi trên nhiều chiếc xe có nhãn hiệu khác nhau khi đó không phải là Xe giáo hoàng của ngài. Nhưng trong tất cả mọi xe, bảng số luôn là một: ‘SCV 1’ là Stato della Citta del Vaticano, veicolo numero 1, xe của Vatican số 1.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 24.07.2019/ cath.ch, I.Media, 2019-07-19)