Xứ cổ bên thành cổ

Quảng Trị, một tỉnh nhỏ nằm ở đoạn thắt khúc ruột miền Trung vốn chịu nhiều khắc nghiệt từ thiên nhiên với nắng cháy da, mưa dầm lụt lội. Vùng đất này còn là tuyến lửa ác liệt trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam vào thế kỷ 20. Chứng tích chiến tranh ngày ấy như còn nguyên vẹn tại thành cổ Quảng Trị, nơi hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn và hàng chục ngàn người đã ngã xuống trong cuộc chiến. Nhưng ít ai biết đến, nằm cạnh thành cổ còn có một giáo xứ mà hạt giống đức tin đã trải qua biết bao thăng trầm, máu thịt của những chứng nhân đức tin đã ngã xuống trong hơn 300 năm qua trên vùng đất anh dũng và đau thương này…
Kết quả hình ảnh cho trí bưu
Nhà thờ Trí Bưu

Nơi đức tin được thử thách

Giáo xứ Trí Bưu cách thành cổ Quảng Trị non một cây số, một trong những xứ đạo lâu đời nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc Tổng giáo phận Huế. Vào thời chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, vùng đất này được chọn lập căn cứ địa với tên gọi Dinh Cát. Dưới thời các vua chúa về sau, trạm văn thư được thành lập tại đây để chuyển các công văn từ triều đình đến các phủ nên có tên gọi Trí Bưu, trước đó có tên Cổ Vưu. Theo tài liệu của cha Stanilas Nguyễn Văn Ngọc và cha Giuse Nguyễn Văn Hội, giáo xứ Trí Bưu được đón nhận đức tin từ khoảng giữa thế kỷ 17 đến cuối năm 1690, với khoảng 120 giáo hữu.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Trí Bưu là một trong những giáo xứ có đông giáo dân phải gánh chịu nhiều đau thương, nhất là trong các cuộc bắt đạo, phân tháp. Theo các sử liệu ghi lại, năm 1798, khi vua Cảnh Thịnh ra lệnh cấm đạo, nhiều cuộc bắt bớ giam cầm, truy sát đã xảy ra. Giáo dân Trí Bưu, cùng các giáo xứ xung quanh, đã bỏ nhà cửa ruộng vườn để trốn tránh vào nơi rừng núi La Vang hiện nay – cách Trí Bưu khoảng 5km. Dù sống trong cảnh rừng thiêng nước độc, đói khổ nhưng những giáo dân này vẫn phó thác cho Thiên Chúa, họ đọc kinh cầu nguyện đêm ngày. Và, Đức Mẹ đã hiện ra, trên tay bồng Chúa hài đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Mẹ đã an ủi và dạy họ hái lá cây quanh vùng để nấu uống để chữa bệnh tật. Mẹ còn hứa: “Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ ban ơn theo như ý nguyện”.

Lăng tử đạo Trí Bưu

Đức tin của giáo dân Trí Bưu một lần nữa được thử thách. Một cuộc thảm sát kinh hoàng nhắm vào người Công giáo đã xảy ra dưới thời Văn Thân. Ngày 07.9.1885, quân Văn Thân bao vây làng Trí Bưu. Một số ít giáo dân chạy thoát lên La Vang nhưng bị bắt sau đó. Nhóm này xin được chết tại nền nhà thờ La Vang. Một ít giáo dân chạy thoát phải ly tán khắp nơi. Số giáo dân còn lại hơn 600 người. Khoảng 400 giáo dân tập trung vào nhà thờ và quyết một lòng trung kiên với Chúa. Linh mục Giuse Bùi Thông Bửu, phó xứ lúc bấy giờ đã giải tội tập thể để các giáo dân dọn mình chết lành trước khi quân Văn Thân phóng hỏa đốt thiêu rụi nhà thờ. Tất cả mọi người trong nhà thờ đều bị chết thiêu. Họ còn đi lùng sục khắp làng để tìm giết khoảng 200 người đang lẩn trốn đó đây. Sau ba hôm, TGM Huế cử linh mục Thừa sai Allys Lý, sau này là Giám mục GP Huế (1908 – 1931) ra hiện trường thị sát. Ngài kể rằng, một quang cảnh rùng rợn hoang tàn không thể tả được, mấy trăm thi thể bị thiêu cháy nằm ngổn ngang. Sau đó, 600 người bị bách hại đã được chôn chung tại ngôi mộ trước nhà thờ nay gọi là Lăng tử đạo.

Cách nhà thờ Trí Bưu chừng 3km hướng đi Đông Hà, còn có một pháp trường xử tử hai thánh Jaccard Phan (linh mục) và Tôma Thiện (chủng sinh). Nơi đây, vào thời vua Minh Mạng gọi là Nhan Biều, đã xử giảo (lấy dây thắt cổ cho đến chết) hai thánh. Để tưởng nhớ hai thánh, giáo xứ Trí Bưu đã xây dựng một đền thánh trên nền pháp trường cũ, nơi đây vẫn còn lưu giữ thánh tích của hai vị tử đạo.

Vững vàng tiếp bước

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, chiến tranh một lần nữa tàn phá xứ đạo Trí Bưu. Sau năm 1975, cả giáo xứ và vùng đất xung quanh vài cây số không khác gì bình địa nhưng các vị chủ chăn Tôma Lê Văn Cầu, Antôn Dương Quỳnh, rồi đến cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà vẫn cố gắng từng bước gầy dựng lại giáo xứ cùng với giáo dân. Từ năm 1999 đến nay, giáo xứ Trí Bưu do linh mục Gioan Baotixita Lê Quang Quý coi sóc.

Trải qua bao cuộc bể dâu với vô vàn biến cố, đời sống đức tin của giáo dân Trí Bưu vẫn kiên trung và tín thác. Giáo xứ hiện có trên 1.000 giáo dân, các đoàn thể trong giáo xứ đều hoạt động quy củ và hiệu quả. Ba họ lẻ là Thạch Hãn, Ngô Xá và Quy Thiện đã được các vị mục tử xây dựng hoàn chỉnh và nâng lên hàng giáo xứ. Cho đến nay, giáo xứ Trí Bưu đã có hơn 20 ơn gọi linh mục, trong đó có Đức Tổng Giám mục Gp Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng và gần 30 ơn gọi tu sĩ.

Lăng Thánh Jaccard Phan và Tôma Thiện

Đời sống giáo dân tuy vẫn bấp bênh bởi thiên về làm nông và các việc lao động chân tay khác, nhưng giáo xứ không để một ai trong khu vực phải chịu cảnh thiếu ăn. “Chúng tôi kêu gọi các gia đình hy sinh một nạm (nắm) gạo trong phần ăn của mình để giúp những người nghèo hơn. Với cách đó, kinh tế của họ không bị xâm phạm nhưng những anh em khó khăn trong vùng đã đủ ăn”, cha Quý chia sẻ. Cái nghèo khó vẫn đeo bám, nhưng giáo dân nơi đây vẫn sống trong tinh thần bác ái Kitô giáo qua việc tương trợ người bệnh tật, già cả neo đơn trong việc chăm sóc và xây mới hoặc sửa chữa nhà cho họ.

Vì ở vùng khó khăn về nhiều mặt nên cha Quý đặc biệt quan tâm đến giáo dục cho giới trẻ, cha quan niệm chỉ có học thức cao mới giúp cuộc sống họ thoát nghèo. Vậy là cha tìm cách khuyên nhủ các gia đình quanh xứ cố gắng cho con em đi học, đồng thời lập quỹ khuyến học giúp các em trong ngoài xứ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Quỹ tuy nhỏ, chỉ dành cho khoảng 70 em, mỗi em được hỗ trợ hai triệu đồng/năm nhưng đã đạt được những thành quả nhất định. Hơn 20 em đã đậu đại học và rất nhiều em đang được chấp bước đến trường. Song song với việc học văn hóa, cha cũng chú trọng đến các lớp giáo lý để giúp các em hiểu đạo, sống đạo để noi gương tiền nhân.

Ngoài giáo dục, Trí Bưu còn củng cố và tìm cách giúp các hội đoàn trong xứ phát triển tối đa tiềm lực và khả năng của mình. “Ngày nay, có nhiều thử thách không bằng gươm giáo mà ở ngay trong chính đời sống hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình. Cách hay nhất là giúp các hội đoàn hoạt động tốt để mỗi thành viên có điều kiện thăng tiến qua đó giúp giáo xứ đi lên và giáo dân trong giáo xứ trở thành những chứng nhân loan báo Tin Mừng hiệu quả nhất”, theo cha Quý. Nhờ vậy mà từ Thiếu nhi Thánh Thể đến Hiền mẫu, từ Gia trưởng đến các hội đoàn khác như Gia đình cùng theo Chúa, Vinh Sơn, Legio Maria… của giáo xứ đều hoạt động năng nổ và hiệu quả.

Cuộc sống ngày nay đang tách lìa nhiều thành phần trong các gia đình ở giáo xứ để tha phương cầu thực. Cái nghèo khó vẫn hiện diện trong đời sống giáo dân. Nhưng không vì thế lòng đạo của giáo dân nơi đây giảm sút. Với tất cả những thăng trầm đã trải qua, giáo xứ Trí Bưu vẫn kiên vững đức tin và đang từng bước đi lên trên vùng đất anh dũng và nhiều đau thương…

BOX:

Từ năm 1867-1885, các cha sở Trí Bưu thường tổ chức những cuộc hành hương viếng Đức Mẹ La Vang. Giáo dân Trí Bưu luôn đi đầu, khua chiêng, trống, mõ để xua đuổi thú dữ. Về sau, một nhà thờ được dựng lên tại nơi Đức Mẹ hiện ra và được Tòa Thánh tôn phong là Tiểu vương cung thánh đường La Vang từ năm 1961 và Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn La Vang làm Trung tâm hành hương Thánh Mẫu toàn quốc.

Vào năm 1804, dưới thời vua Gia Long, khi việc truyền bá đức tin được tự do, Đức cha Jean Labartette đã lập Tòa Giám mục Huế tại Trí Bưu suốt gần 20 năm. Sau này, ngài mất tại đây và thi hài được an táng trong nhà thờ năm 1823. Hiện nay, hài cốt của ngài được chôn cất tại Đất Thánh của giáo xứ.

Ngày 21.6.2001, Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể đã cung hiến thánh đường mới của giáo xứ sau nhiều năm xây dựng với tước hiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

 

Phạm Ngọc – Phục Lễ

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc