Hỏi: Xin cha giải thích rõ vì sao Thánh Lễ ngày nay là sự tái diễn Hy Tế của Chúa Giêsu xưa trên thập giá.
Trả lời:
Thánh Lễ Tạ Ơn (the Eucharist = Holy Mass = Missa) được coi là đỉnh cao (summit) và là suối nguồn ơn phúc của đời sống Giáo Hội.Nghĩa là, trong Giáo Hội, không có việc đạo đức nào cao trọng và có giá trị thiêng liêng hơn Thánh Lễ Tạ Ơn.
Sở dĩ thế vì Thánh Lễ Tạ Ơn là sự tái diễn cách bí tích hai việc quan trọng nhất mà chính Chúa Giêsu đã thực hiện trước khi Người chết và sống lại. Đó là Bữa Tiệc Ly cuối cùng qua đó Chúa Giêsu đã thiết lập hai bí tích quan trọng là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh và cuộc Hy Tế cực trọng của Người ngày hôm sau trên thánh giá, trong đó Chúa Giêsu vừa là Linh mục, vừa là Bàn thờ và là Lễ vật.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã biến bánh và rượu nho thành Mình và Máu Người cho các Tông Đồ hiện diện ăn và uống với lời căn dặn “ anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19). Nghĩa là Chúa truyền cho các Tông Đồ trước hết và những người kế vị các ngài sau này là các Giám Mục và phụ tá thân cân là các Linh mục hãy tiếp tục dâng Hy Tế đền tội và tạ ơn để làm sống lại cách bí tích việc Chúa biến bánh và rượu ra Mình và Máu Người và máu này đã thực sự đổ ra trong Hy Tế trên thập giá sau đó để đền tội thay cho toàn thể nhân loại đáng phải phạt vì tội lỗi. Nói khác đi ,Thánh lễ Tạ Ơn là sự tái diễn mầu nhiệm thánh thể và Hy Tế thập giá mà Chúa Giêsu là Chủ tế một lần xưa kia trong Bữa Tiệc Ly và trên Thập giá.
Gọi là Thánh lễ Tạ Ơn vì trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu “cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, ngước mắt lên trời hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người TẠ ƠN Chúa, dâng lời chúc tụng bẻ ra trao cho các môn đệ mà nói:… Người cầm lấy chén cũng TẠ ƠN Chúa, dâng lời chúc tụng, và trao cho các môn đệ mà nói:…..(x. Kinh Nguyện Tạ Ơn I). Chúa Giêsu dâng lời cảm tạ Chúa Cha đã nhận hy tế đền tội của Người dâng thay cho cả nhân loại.Vì thế Giáo Hội đã dạy rằng : “ mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó, “Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế”( 1Cor 5,7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”(x. Lumen Gentium, số 3)
Nghĩa là , xưa trên thánh giá, Chúa Giêsu tự hiến làm con chiên bị đem đi giết và Người đã thực sự đổ máu khi bị tên lính cầm lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn khiến máu cùng nuớc chẩy ra.(x Ga 19:34).Tối hôm trước đó, khi trao chén rượu cho các Tông Đồ uống trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói: …Đây là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và cho nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Như vậy, mỗi khi cử hành Thánh Lễ Tạ ơn, thì Chúa Giêsu lại hiện diện và đổ máu cách bí tích để đền tội cho chúng ta ngày nay như Người đã đền tội cho tất cả những ai đã sinh ra và chết đi truớc khi Người đến .Xưa kia Người đổ máu thực sự trên thập giá, ngày nay trong Thánh Lễ, Người lại đổ máu một lần nữa nhưng bằng cách bí nhiệm khiến giác quan loài người không xem thấy được nhưng Giáo Hội tin và dạy con cái mình phải tin để được ơn cưú độ.
Tóm lại, Thánh Lễ Tạ ơn là sự tái diễn Bữa Tiệc Ly và Hy tế đền tội thay cho nhân loại của Chúa Kitô xưa trên thập giá được làm sống lại trên bàn thờ ngày nay qua nghi thức phụng vụ thánh mà Giáo Hội cử hành. Vì thế, Thánh Lễ Tạ ơn là việc thờ phượng cao trọng nhất, đẹp lòng Thiên Chúa nhất và có giá trị cứu rỗi nhất mà Giáo Hội dâng lên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và hiệp với Chúa Kitô qua tác vụ của các thừa tác viên có chức thánh(ordained ministers) là Giám mục hay Linh mục.
Chính vì ý nghĩa và giá trị thiêng liêng lớn lao này của Thánh Lễ Tạ ơn mà mọi người tín hữu được mời gọi nên siêng năng tham dự Thánh Lễ để hiệp cùng với Chúa Giêsu và nhờ Người, chúng ta dâng lên Chúa Cha lễ vật là chính hồn xác chúng ta cùng với mọi vui buồn sướng khổ đang trải qua trong cuộc sống hiệp thông với hy sinh cực trọng của Chúa Kitô để xin ơn tha thứ và phúc lành cho mình và cho người khác; còn sống cũng như đã qua đời.
Đó là tất cả ơn ích và ý nghĩa cao trọng của Thánh Lễ Tạ Ơn cũng như vì sao việc cử hành này được coi là “lập lại giao ước của Chúa với con người.” (x. Sacrosanctum Concilium, số 10).
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn