Bận công việc, bận học hành, bận làm ăn, bận bạn bè… có rất nhiều thứ để “bận”, nhưng đằng sau những thứ bận ấy chính là “bận” sự đời hơn là “bận” Chúa. Người ta dám viện cớ bận công việc để không tham dự Thánh lễ Chúa nhật mà lại không dám nói ngược lại là bận tham dự Thánh lễ để hy sinh công việc. Nói một cách khác, nếu đặt hai việc: việc mình và phụng sự Chúa lên bàn cân thì có vẻ như là việc Chúa thường nhẹ hơn trong sự chọn lựa. Vẫn biết làm như thế là sai, là tội nhưng đâu là động lực để người tín hữu can đảm hơn trong việc chọn lựa và dám nói rằng: tôi bận tham dự Thánh lễ Chúa nhật rồi mọi việc khác xin được dời lại phía sau.Trước hết, tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật là luật truyền của Thiên Chúa: Giới răn thứ 3 Giavê Thiên Chúa đã truyền cho Môsê trong sách Xuất Hành là: “Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh” (Xh 20:8)
Thứ đến, tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật là lệnh truyền của Chúa Kitô: “Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22:14,19).
Sau nữa, tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật là lệnh truyền của Giáo hội: Công đồng chung Vatican II nói rõ khi nhắc đến Thánh lễ ngày Chúa nhật: “Thực vậy, trong ngày đó các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô” (Hiến chế về Phụng vụ, V, 106). Trong Giáo luật điều 1247, 1248 hay trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo cũng nêu rõ những chỉ dẫn cho người tín hữu thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa về ngày Chúa nhật.
Nhưng thật là nặng nề cho các tín hữu nếu việc giữ ngày Chúa nhật chỉ là việc bó buộc của lề luật. Sẽ là hình thức, sẽ là “trả nợ quỷ thần”, “đóng thuế” cho Chúa để hoàn thành bổn phận nếu không đi vào mối liên hệ của tình yêu thương.
Trong chương 15 của Tin mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn… Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi”. (Ga 15, 1 – 2. 6). Như vậy, Chúa Giêsu xác định việc liên hệ với Chúa chính là mối liên hệ sống còn (hoặc sống, hoặc chết) ở lại thì sống, không ở lại thì chết giống như cành nho liên hệ với thân nho.
Chúa Giêsu lại nói tiếp: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. (Ga 15, 10). Bí quyết để được sống là ở lại trong Chúa, mà ở lại trong Chúa chính là thực thi lời Chúa dạy. Vậy, việc thực thi Lời Chúa qua việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật chính là chọn con đường sống, con đường ở lại trong Chúa và trở thành môn đệ Chúa.
Hơn nữa, khi tham dự Thánh lễ, Thiên Chúa thết đãi cho ta hai bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể. Lời Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69). Thánh Thể Chúa là chính Chúa được ban rộng rãi cho những ai muốn lãnh nhận nhất là những ai tham dự Thánh lễ. Như vậy, tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật ta được cơ hội hiệp nhất với Thiên Chúa khi thưởng thức bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Người.
Sau cùng, tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật là việc gặp gỡ giữa những người yêu nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Khi tham dự thánh lễ ta được hiệp thông với anh chị em tín hữu và tất cả cùng nhau tuyên xưng niềm tin, cùng hiệp thông với Thiên Chúa. Người ta không nói là bị gặp người yêu mà nói là hôm nay tôi được gặp người tôi yêu. Người ta có thể phải gác lại, sắp xếp lại mọi chuyện, sẳn sàng hy sinh để đạt được mục đích là gặp người mình yêu. Với Thiên Chúa ta có dám làm như thế không?
Có nhiều nguyên do có thể làm ta lần khần trong chọn lựa của mình. Có thể vì Chúa nhật thì nhiều còn công việc thì lâu lâu có 1 lần, bỏ lễ Chúa nhật thì cũng có thể xưng tội được mà, thời gian còn dài mà gấp gì phải lo…. Những nguyên do này đã được ma quỷ sử dụng để đánh lừa ta trong chọn lựa, làm nhẹ đi lời dạy của Chúa so với quyết định của mình, lừa ta mãi trong mê lầm của tội lỗi, của sự mất cảnh giác. Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Lc 12, 20). Cảnh giác với tội lỗi không bao giờ là sự ngu dại.
Thực tế phải nhận rằng theo Chúa không phải là một chuyện dễ dàng. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9, 23). Vì thế, để có thể chu toàn bổn phận tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật đòi hỏi người tín hữu phải phấn đấu, phải bỏ mình. Nhưng sự hy sinh trong tình yêu lại là một sự hạnh phúc đích thực, hy sinh vì người mình yêu, hy sinh để được yêu.
Xin Chúa ban cho chúng con tràn đầy lòng mến để chúng con dám “Bận” vì Chúa, biết chu toàn bổn phận tôn thờ và cảm nhận được hạnh phúc vì được ở bên Chúa, ở lại với Chúa, đón nhận sự sống từ nơi Chúa khi chúng con tham dự thánh lễ nhất là Thánh lễ Chúa nhật.