Việc trừ quỷ thực sự là một trong những quyền năng được Chúa Kitô ban cho các tông đồ của Ngài.
Bao quanh bởi những bí ẩn và hoang tưởng, hình ảnh nhà trừ quỷ vừa làm mê hoặc vừa làm lo lắng. Sử gia Yves Chiron, tác giả quyển sách “Những nhà trừ quỷ, hai mươi thế kỷ đấu tranh chống ma quỷ” (Exorcistes, vingt siècles de lutte contre le diable) nhắc nhở: “Từ nguyên thủy, Giáo hội đã thiết lập thừa tác vụ trừ quỷ để chiến đấu chống sự hiện diện và hành động của ma quỷ.”
Được sản xuất trong nhiều bộ phim, được mô tả rất chi tiết trong một số tác phẩm, các vụ trừ quỷ chiếm một vị trí rất đặc biệt trong trí tưởng tượng loài người. Dù sẵn sàng phóng đại và bóp méo để biến nó thành hiện tượng “giật gân”, trừ quỷ vẫn là một trong những sứ mệnh được Chúa Kitô giao phó cho các môn đệ của Ngài. Tác giả Yvec Chiron giải thích: “Điều thường xảy ra trong đời của các thánh lớn là họ phải chịu sự tấn công và cám dỗ của ma quỷ. Chính Chúa Giêsu, khi bắt đầu sứ mệnh, Ngài cũng đã trải qua cám dỗ của ma quỷ. Và dĩ nhiên, các môn đệ của Ngài cũng chịu sự tấn công của Kẻ Thù, satan không muốn điều thiện được thành tựu.”
Sử gia nhắc lại, Kinh Lạy Cha có lời xin: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”, có nghĩa “Xin giúp chúng con chiến đấu chống lại ma quỷ, đừng để con sa chước cám dỗ giả dối của nó. Ngay từ đầu, Giáo hội đã thiết lập thừa tác vụ trừ quỷ (tiếng Latin exorizare, ‘đuổi ra ngoài’) để chống lại sự hiện diện và hành động của ma quỷ.”
Phỏng vấn.
Vì sao việc trừ quỷ và hình ảnh nhà trừ quỷ lại làm mê hoặc đến như thế?
Yves Chiron: Có một nghịch lý. Ngày nay con người mê hoặc ma quỷ và các nhà trừ quỷ, chứng minh qua sự thành công của một số phim ảnh. Nói chung, chúng ta thấy có một sức lôi cuốn của chủ nghĩa satan và ma thuật phù thủy, đặc biệt là ở giới trẻ, qua các tác phẩm có vẻ như vô hại hoặc các nhóm nhạc rock tự xưng mình là người theo chủ nghĩa satan. Đồng thời, có một sự hiểu lầm rất lớn về giáo huấn của Giáo hội về ma quỷ, về hành động và các phương tiện để chống lại ma quỷ. Cách đây hơn 50 năm, hồng y Gabriel-Marie Garrone đã lưu ý: “Ngày nay chúng ta hầu như không dám nói về vấn đề ma quỷ đang ngự trị trong một loại âm mưu im lặng.” Trong nhiều thập kỷ, ma quỷ và địa ngục rất hiếm khi là chủ đề được rao giảng trong thánh lễ. Trong việc đào tạo các linh mục, đây là lời giảng huấn đã bị bỏ quên từ lâu. Năm 1999, giám mục danh dự Michel Dubost, khi còn là giám mục của Quân đội đã công nhận: “Tôi thuộc về một thế hệ chưa nhận được nhiều giáo huấn về Thần Dữ và chắc chắn là cũng chưa được dạy nhiều.” Chúng ta có thể nói sứ mệnh này trong Giáo hội không hề ngừng lại, dù theo thời gian nó được dành cho các linh mục được giám mục bổ nhiệm.
Ông nhắc lại, việc trừ quỷ thực sự là một trong những quyền năng được Chúa Kitô ban cho các tông đồ của Ngài. Sứ mệnh này, các tông đồ và những người kế vị các tông đồ có hoàn thành được sứ mệnh này bằng cách đặt nó lên hàng đầu không?
Chúng ta có thể nói Chúa Kitô là nhà trừ quỷ đầu tiên. Các Tin Mừng ghi lại, trong sứ mệnh trần thế của Ngài, Ngài đã giải thoát “nhiều người khỏi quỷ ám” (Mt 8:16), đã trừ “nhiều quỷ” (Mc 1:32-34); đã đuổi “một số lượng lớn ma quỷ đang la hét” (Lc 4:41). Tại Galilê, họ đưa đến cho Ngài “tất cả những người đau khổ vì đủ loại bệnh tật, những người bị quỷ ám, những người bị động kinh, những người bại liệt, và Ngài đã chữa lành họ” (Mt 4:24). Các Tin Mừng kể một số câu chuyện rất chi tiết về việc Chúa Kitô giải thoát những người bị quỷ ám. Ngài đã ban cho các tông đồ quyền trừ quỷ. Ngay khi Ngài chọn mười hai tông đồ trong đám đông đi theo Ngài, đây là một trong hai sứ mệnh Ngài giao phó cho họ: “Ngài lên núi và gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn. Và các ông đến với Ngài. Ngài lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3:15). Tin Mừng theo Thánh Mátthêu thì chính xác hơn: “Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10:1). Chúng ta có thể nói sứ mệnh này trong Giáo hội không hề ngừng lại, dù theo thời gian nó được dành cho các linh mục được giám mục bổ nhiệm.
Trong sách, ông nhìn lại hai mươi thế kỷ đấu tranh chống ma quỷ… Cuộc đấu tranh này diễn ra dưới những hình thức nào? Nó đã phát triển như thế nào qua nhiều thế kỷ?
Chúng ta nhận ra, qua nhiều thế kỷ, ma quỷ luôn hành động theo cùng một cách, nhưng ở những cấp độ khác nhau. Đầu tiên là đơn giản cám dỗ: xúi giục phạm tội mà mọi người đều biết, để “quay lưng lại với luật của Chúa”, như Đức Gioan Phaolô II đã nói (13-8-1986). Ma quỷ không ép buộc chúng ta làm sự dữ, nhưng cố gắng thuyết phục chúng ta, đó là điều không xấu. Cám dỗ là hành động bình thường của ma quỷ. Nhưng còn có những hành động khác thường, hiếm có hơn của nó. Đầu tiên là phá hoại các địa điểm hoặc đồ vật, nghĩa là sự hiện diện vô hình nhưng xấu xa của nó. Ngoài ra còn có sự bực bội, tấn công từ bên ngoài của ma quỷ chống lại con người và có thể biểu hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau: một con vật, một người quen, một phụ nữ, v.v. Sau đó là nỗi ám ảnh, đó là cách tấn công từ bên ngoài khác của quỷ. Nhưng đó là một ý tưởng cố định của một trật tự trí tuệ hoặc tâm lý, chống lại Thiên Chúa, luật lệ, đức tin của Ngài. Ma quỷ hành động theo trí tưởng tượng, trí nhớ hoặc sự nhạy cảm của con người.
Hình thức hành động cao nhất, có thể nói là nghiêm trọng nhất của ma quỷ là chiếm hữu.
Hình thức hành động cao nhất, có thể nói là nghiêm trọng nhất của ma quỷ là chiếm hữu. Lần này là sự xâm nhập, một hành động nội tại của quỷ tác động lên cơ thể con người. Ở bên ngoài, sự chiếm hữu này có thể dẫn đến những hành vi mất trật tự, vặn vẹo cơ thể, nói lời phạm thượng, nhưng cũng có thể gây ra những rối loạn về thể chất hoặc tâm lý và ngay cả bệnh tật.
Trong số rất nhiều ví dụ ông trích dẫn, có những ví dụ nào đặc biệt đáng nêu lại ở đây ngày nay không? Vì sao?
Tôi ghi lại mười nhân vật trừ quỷ, từ những thế kỷ đầu tiên trong lịch sử Giáo hội cho đến ngày nay. Vào thế kỷ thứ 3 có Thánh Antôn, người sáng lập đan viện ở Ai Cập và Thánh Hilarion ở Gaza, người sáng lập đan viện ở Palestine, là những nhân vật ấn tượng, họ đã bảo vệ đời sống cầu nguyện và khổ hạnh mà họ lãnh đạo để chống lại các cuộc tấn công của ma quỷ và giải thoát những người bị quỷ ám được mang đến cho họ. Thánh Martinô, nhà truyền giáo xứ Gaul vào thế kỷ thứ 4, là nhà truyền giáo vĩ đại. Thánh Bênađô, người làm phép lạ và làm nhiều phép trừ tà ở thế kỷ 12. Thánh Hildegard thành Bingen, cũng ở thế kỷ 12, không làm các công việc trừ quỷ dành riêng cho các linh mục. Nhưng trong số những phép lạ của ngài, có sáu phép giải thoát người bị quỷ ám và lời cầu nguyện ngài soạn ra để thực hiện phép lạ đầu tiên được xem là một trong những hình thức trừ tà lâu đời nhất còn sót lại cho đến nay. Tôi đề cập đến những nhà trừ quỷ khác, ít được biết đến hơn, nhưng hoạt động và thực hành của họ đã tạo một thời điểm quan trọng trong lịch sử trừ tà qua nhiều thế kỷ: tu sĩ dòng Đa Minh người Đức Henri Institoris ở thế kỷ 15, tu sĩ dòng Phanxicô người Ý Girolamo Menghi, một điều tra viên tham gia vào cuộc chiến chống lại phù thủy, đã xuất bản một số sách hướng dẫn trừ tà được sử dụng rộng rãi vào thế kỷ 16. Ngoài ra còn có tu sĩ Dòng Capuxinô người Ý Matteo d’Agnone, qua đời năm 1616 và tiến trình phong chân phước đang được tiến hành. Linh mục Dòng Tên Surin, nhân vật chính trong vụ nổi tiếng “Những con quỷ Loudun” thế kỷ 17 và cũng là một nhà thần bí vĩ đại. Linh mục Gassner, qua đời năm 1779, được biết đến với nhiều vụ trừ tà ở Áo và Đức và cũng là một người chữa bệnh. Gần đây hơn, Cha Amorth, qua đời năm 2016, chắc chắn là nhà trừ quỷ đương thời nổi tiếng nhất, người đã viết nhiều quyển sách về kinh nghiệm của ngài và là người đã truyền cảm hứng cho một số bộ phim và phim tài liệu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)