Một linh đạo truyền giáo theo Tông huấn Evangelii Gaudium

rong mùa Phục Sinh, Giáo hội cho người tín hữu nghe lại công cuộc rao giảng Tin Mừng của các Tông Đồ (sách Công vụ Tông Đồ). Một cách nào đó, Giáo hội muốn cho người tín hữu nhìn ngắm hình ảnh những con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, đó là các Tông Đồ. Nhưng, cũng một cách nào đó, Giáo hội muốn nhắc nhở mỗi người tín hữu ý thức hơn về sứ mạng rao giảng của mình đã được lãnh nhận qua Bí tích Rửa Tội. Nhân dịp này, mời quý độc giả cùng đọc lại Tông Huấn “Evangelii Gaudium” để nhận ra một linh đạo truyền giáo theo lối nhìn của Đức giáo hoàng Phanxicô.
 
Trong bất kỳ triều đại giáo hoàng nào thì công cuộc rao giảng Tin Mừng vẫn luôn được coi trọng và đặt hàng đầu. Để khởi đầu cho triều đại giáo hoàng của mình, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ra Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng). Qua Tông hấn này, ngài đã khích lệ tất cả người Công giáo hãy chia sẻ thông điệp Tin mừng với niềm vui và lòng thương xót. Đọc Tông huấn, người ta thấy được một linh đạo truyền giáo. Linh đạo truyền giáo này tuy không mới mẻ nhưng dường như hay bị lãng quên, không xa vời mà rất gần gũi, không dành riêng cho ai nhưng là cho tất cả mọi người và rất thiết thực. Ngài đã nói rằng mỗi triều đại giáo hoàng phải trải qua một cuộc chuyển đổi để trung thành hơn với ý nghĩa mà Chúa Kitô mong muốn, cũng như cho các nhu cầu hiện tại của việc loan báo Tin Mừng.
1. Phục hồi lại sự hấp dẫn ban đầu của Tin MừngTông huấn mời gọi độc giả là các Kitô hữu phải phục hồi lại sự hấp dẫn ban đầu của Tin Mừng. Điều này được thực thi bằng cách tìm ra những con đường mới và những đường lối mới của óc sáng tạo mà không giam hãm Chúa Giêsu trong những loại mô hình nhàm chán mà Giáo hội đã và đang làm.

Việc làm cụ thể là tạo ra một sự chuyển hướng trong mục vụ và truyền giáo, phải canh tân những cơ cấu của Giáo hội để có thể quy hướng về truyền giáo. Thiên Chúa là Đấng luôn cởi mở với tất cả mọi người, chính vì thế Giáo hội phải luôn mở rộng cánh cửa để những người tìm kiếm Thiên Chúa không tìm thấy một cánh cửa đóng kín.

Các Bí tích chính là sợi dây nối kết các tín hữu, cũng là cánh cửa để đón nhận mọi con cái Thiên Chúa về với Người. Chính vì thế, không nên đóng các cánh cửa Bí tích vì bất ký lý do nào. Tông huấn nhấn mạnh đến công hiệu của Bí tích: không phải là một giải thưởng cho những người hoàn hảo nhưng là một liều thuốc mạnh và lương thực cho những người yếu đuối.

Giáo hội của Chúa phải vượt ra khỏi những hủ tục và những cố chấp để vươn đến tất cả mọi thành phần trong xã hội. Là một Giáo hội lữ hành, Giáo hội phải chấp nhận và đón nhận những “bầm dập”, những tổn thương và nhơ bẩn của đồng loại, của thế giới vì điều đó mới là thực thi giới răn yêu thương.
Trong việc rao giảng Tin Mừng, cho dù trong phụng vụ hay ngoài phụng vụ, Tông huấn nhấn mạnh rằng những nhà giảng thuyết cần phải để ý đến bài giảng. Bài giảng cần phải ngắn gọn và không được giống với hình thức của một bài diễn văn hay một bài thuyết trình. Bài giảng phải là một sự truyền thông giữa hai tâm hồn, thuần túy luân lý hay giáo điều là điều phải tránh. Người khi đã lãnh nhận sứ vụ giảng dạy thì phải thực sự có một đời sống tâm linh tốt. Bài giảng phải đưa đến một tác động tích cực, phải luôn là tin vui, là niềm hy vọng và tránh đem đến những tác động tiêu cực.

2. Hội nhập văn hóa

Lòng đạo đức bình dân là một sức mạnh tích cực của việc truyền giáo. Khuôn mặt của Giáo hội phải là một khuôn mặt đa dạng, chứ không phải chỉ đơn thuần là một cách diễn tả văn hóa. Trong công cuộc truyền giáo, không thể đòi hòi tất cả các châu lục phải diễn tả đức tin rập khuôn theo những gì Châu Âu đã làm trong giai đoạn lịch sử của họ. Các nhà thần học cũng cần nghiên cứu những phương thức mới cho việc hội nhập văn hóa, trong mọi trường hợp thì Giáo hội và thần học phải hiện hữu để loan báo Tin Mừng chứ không vì điều gì khác. Chính vì vậy, một nền thần học trên bàn giấy là điều cần tránh.

3. Tương quan với thế giới hiện đại

Tông huấn lên án hệ thống kinh tế hiện nay là bất công tận gốc, chính vì vậy Giáo hội, cụ thể là các Kitô hữu không được nhắm mắt làm ngơ, không tỉnh bơ trước những bất công của xã hội. Tất cả đều được kêu gọi chống lại nền kinh tế “loại trừ và bất bình đẳng” của nhóm độc tài thị trường và nền văn hóa tôn thờ tiền bạc.

4. Truyền giáo phải gắn liền với việc thăng tiến con người

Về vấn đề này, các mục tử có quyền và có bổn phận đưa ra chính kiến về tất cả những gì ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Hội thánh không thể và không được tiếp tục đứng ngoài lề trong cuộc đấu tranh cho công lý. Đối với Giáo hội việc chăm lo cho người nghèo được coi như một loại “thần học” chứ không đơn thuần là một loại “xã hội học”. Những vấn đề của thế giới, của con người cũng chính là những vấn đề của Giáo hội. Giáo hội phải đi đầu trong việc chăm sóc những người vô gia cư, nghiện ngập, tị nạn, thổ dân,…; Giáo hội không bị bó buộc trong một phạm vi lãnh thổ, dân tộc, màu gia, giai cấp hoặc tôn giáo nào, tất cả chúng ta phải có tinh thần cởi mở đại lượng.

Trong việc làm thăng tiến con người, Giáo hội phải đặc biệt lưu tâm đến những con người bé nhỏ, yếu đuối chưa có khả năng tự vệ, vô tội, đặc biệt là những trẻ em chưa được sinh ra. Giáo hội mãi mãi giữ vững quan điểm chống phá thai và tìm mọi cách để bảo vệ sự sống.

Tông huấn cũng cho rằng chính trị, mặc dù thường bị miệt thị, nhưng vẫn là một ơn gọi cao cả và là một trong những hình thức cao nhất của việc bác ai. Vì vậy, giữa Giáo hội và chính trị không những không được chia rẽ mà Giáo hội còn phải cầu nguyện nhiều cho các chính trị gia, để họ có thể thực sự dấn thân lo lắng cho đời sống của những người nghèo. Đây là một nét mới mẻ trong linh đạo truyền giáo mà Đức giáo hoàng đề cập.

5. Đấu tranh cho hòa bình

Để xây dựng một xã hội trong công lý, hòa bình và huynh đệ Đức Thánh Cha đã đưa ra các nguyên tắc: “thời gian lớn hơn không gian” nghĩa là làm việc chậm nhưng phải chắc chắn không vì kết quả mà chạy đua thời gian; “hiệp nhất phải trên xung đột” nghĩa là vượt qua mọi xung đột để đưa đến hiệp nhất trong sự sống; “thực tại quan trọng hơn ý tưởng” nghĩa là không được dừng lại ở việc hùng biện, nhưng phải hành động cho dù đó là cộng đồng chính trị hay cộng đồng niềm tin.

6. Đối thoại là một con đường truyền giáo

Giáo hội phải không ngừng đối thoại để hợp tác với tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, tôn giáo và văn hóa. Đối thoại đại kết là đặc biệt quan trọng, đó chính là một con đường để rao giảng Tin Mừng. Trong việc đối thoại đại kết, chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ nhau để từ đó tìm ra con đường chung cho việc làm chứng cho Tin Mừng. Đối thoại liên tôn là điều cần thiết cho hòa bình thế giới mà vẫn không làm lu mờ sứ điệp Tin Mừng và công cuộc rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra, Giáo hội còn phải đối thoại với những người vô tín ngưỡng, cho dù họ không có một niềm tin tôn giáo nào thì tất cả cũng có cùng một mục tiêu vì cuộc sống hòa bình và công lý.

7. Nhận định

Xuyên suốt Tông huấn, có lẽ người ta sẽ thấy rõ không có gì là hoàn toàn mới mẻ. Các vấn đề được trình bày trong Tông huấn cho thấy Đức Giáo Hoàng chủ trương không thay đổi gì nhiều trong Học thuyết xã hội. Song song vào đó, người đọc dễ nhận thấy có một lối trình bày mới mẻ về các Học thuyết của Giáo hội cho thế giới. Như vậy, việc rao giảng Tin Mừng trên nguyên tắc vẫn là rao truyền những chân lý ấy nhưng về phương pháp thì cần một sự linh hoạt hơn trong trình bày. Tin Mừng phải được rao truyền như một niềm vui phổ quát mà ai cũng có quyền được nghe, được biết. Thay vì niềm tin bị áp đặt, bị ép buộc thì Tin Mừng phải được đón nhận cách tự do.

Giáo hội chúng ta có khi bị mang tiếng nặng về cơ cấu. Khi hoạt động nặng về cơ cấu, việc rao truyền Tin Mừng sẽ thiếu linh hoạt và khô cứng. Đối với xã hội hiện đại, niềm tin đang dần bị đánh mất, rao giảng Tin Mừng bằng lời nói sẽ khó thuyết phục người nghe. Việc thay đổi hình thức rao giảng cần thiết hơn có lẽ là bằng gương sống và phải thực hiện trên cơ sở cụ thể từng cá nhân. Điều này tưởng như đã cũ nhưng vẫn còn mới.

Giáo hội đã và đang tranh đấu cho quyền con người. Nhưng thiết nghĩ Giáo hội phải đẩy mạnh nhiều hơn nữa, đến từng giai cấp, từng thành phần, từng quốc gia, đặc biệt tranh đấu cho bình đẳng giới. Vấn đề phụ nữ vẫn đang là vấn đề nổi cộm trên thế giới. Một khi đấu tranh bình quyền cho phụ nữ, thế giới sẽ giảm bớt được nhiều hệ luy đi theo như dân số, y tế, giáo dục,…

Kết luận

Là một trong những văn kiện đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha đã cho Giáo hội và thế giới thấy được nét vừa cũ vừa mới trong Tông huấn Evangelii Gaudium. Cũ bởi nó gần như Tông huấn trình bày lại những vấn đề đã được nói đến trước đây, nhưng mới bởi nó được trình bày theo một hướng nhìn mới nhân văn hơn, cụ thể hơn, đơn gian hơn. Qua đó, Giáo hội cần nhìn lại hành trình rao truyền đức tin của mình, cũng là để nhìn lại chính mình từ đó có cách thức xứng hợp nhất, hiệu quả nhất đem Tin Mừng đến với mọi người.

 

 Tác giả bài viết: Giuse Đoàn Văn Tuân