Mục Tử nhân lành hết mình vì chiên

Chúa nhật 4 mùa Phục sinh
Cv 4, 8-12; Tv 117, 1-29; 1Ga 3, 1-2; Ga 10, 11-18
 
Chúa nhật 4 mùa Phục sinh này, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin mừng này bởi vì mùa Phục sinh là lúc chúng ta phải biết cách sâu xa Đức Giê-su là ai. Đoạn này giới thiệu cho chúng ta một định nghĩa của Chúa Giê-su về chính Ngài.
 
“Mục Tử Nhân Lành” và “chủ chiên đích thực” nghĩa là gì ? Chúa Giê-su nói: “Mục Tử Nhân Lành, chủ chiên đích thực, hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên”. Ai dám cho mạng sống mình vì người khác ? Với tình cảm nào mà người ta có thể làm như vậy ? Như thế, cho mạng sống là một thử nghiệm tột cùng về tình cảm và tình yêu. Cho mạng sống nghĩa là chấm dứt cuộc đời rồi. Đối với loài người, khi cứu ai khỏi sự nguy hiểm tính mạng, người ta phải giữ mạng sống mình trước đã. Đối với Thiên Chúa, khi Ngài cứu độ chúng ta, Ngài đã đi đến cùng của sự chết. Tuy nhiên, Ngài đã vượt qua cái chết và chiến thắng cái chết trong sự phục sinh.
 
Bình thường, khi chúng ta cho ai món quà nào cho một người nào đó, hay khi chúng ta tặng cái gì cho một tổ chức nào đó, chúng ta không cho tất cả cuộc sống chúng ta. Thế nhưng rất nhiều nhà truyền giáo của Giáo Hội đã ra đi khắp nơi trên thế giới, vì muốn theo Đức Ki-tô để có thể cho mạng sống mình với cái chết có thể ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Sự sống mà Thiên Chúa ban cho dạy chúng ta phải biết “nắm bắt” lấy nó, yêu mến nó. Tuy nhiên, cần biết đón nhận “những cái chết” nhỏ mỗi ngày để chuẩn bị cho cái chết cuối cùng, để vào nhà Cha trong khi chờ đợi sự phục sinh ngày sau hết.
 
Ở giữa bài Tin mừng, lần thứ hai, Chúa Giê-su tuyên bố: “Tôi, tôi là Mục Tử Nhân Lành”. Rồi, Ngài mạc khải cho chúng ta về sự hiểu biết. Đó là cái biết hỗ tương giữa Cha, với Ngài và chúng ta. Chúa Giê-su biết Cha cách hoàn hảo vì Cha đã ban mọi sự cho Ngài. Cha biết Con cách hoàn hảo vì Con đã nhận tất cả từ Cha. Cái biết thân mật này được tỏ ra qua sự nhân lành của Mục Tử Giê-su với Cha Ngài và với chúng ta. Cái biết này mời gọi chúng ta không ngừng thăng tiến khi tìm cách nên giống Mục Tử Nhân Lành; cái biết này mời gọi chúng ta tham dự vào sự hiệp thông hoàn hảo của Cha và Con. Sự hiệp thông hoàn hảo là sự hiệp thông của tình yêu cao cả liên kết đời đời Cha và Con. Sự hiệp thông này là nguồn của sự hiệp thông liên kết chúng ta với Chúa Con. Cho nên, Chúa Giê-su nói: “Tôi biết các chiên của tôi, và các chiên của tôi biết tôi” (c.14). Theo thánh Gio-an, biết là trao đổi, là đối thoại, là hiểu, là tin tưởng lẫn nhau, là hiệp thông tâm trí và con tim. Hơn nữa, chúng ta biết chủ chiên đích thật khi chiêm ngưỡng ơn trao ban mà Chúa Giê-su tặng cho chúng ta qua tình yêu cao cả của Ngài.
 
Tình yêu này là tên gọi của Thiên Chúa theo định nghĩa của thánh Gio-an và trong thư thứ nhất, thánh nhân nói với chúng ta: “Các con yêu dấu, hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa… Khi điều đó được tỏ ra, chúng ta sẽ nên giống Ngài vì Ngài thế nào chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài như vậy” (3,1-3). Vâng, chỉ cần được yêu mến là đủ. Cho nên, ngay từ Cựu Ước, người ta không ngừng lặp đi lặp lại: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giải thích câu này trong Tông chiếu năm thánh Lòng Thương Xót: “Từ đời đời, con người luôn luôn ở dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha” (số 7§1). Đỉnh cao của cái nhìn này là chính Đức Ki-tô mà Phê-rô đã rao giảng, được ghi trong sách Công vụ Tông đồ: “Đức Giê-su đó là viên đá bị anh em, là những thợ xây, loại bỏ, nhưng đã trở nên đã góc tường” (Cv 4, 11). Chính Chúa đã không chỉ cứu chúng ta, cứu tất cả mọi người. Mục Tử Nhân Lành hay là chủ chiên đích thật chứng tỏ Chúa Giê-su mạc khải sự mở rộng phổ quát của đàn chiên: “Tôi còn có những chiên không thuộc đàn này,… chúng sẽ nghe tiếng tôi” (c.16). Thật vậy, Đức Ki-tô là Mục Tử hoàn vũ. Từ khi công cuộc cứu độ được thực hiện, người ta không thể đếm được là bao nhiêu con chiên thuộc đàn chiên của Ngài.
 
Lạy Chúa, Ngài là Mục Tử Nhân Lành, là chủ chiên đích thật. Ngài biết chúng con và cho chúng con mạng sống. Chúng con ca ngợi Chúa và cảm tạ Chúa. Amen.
 
Lm. Vinh Sơn