Nói với nhau Ngày Quốc tế Lao động

‘Cơm áo  gạo tiền, cuộc sống mưu sinh’ là mối bận tâm khôn nguôi của con người, là điều mà con người nghĩ tới mỗi sớm mai thức dậy… có khi cả trong mơ còn vẩn vơ chuyện ấy. Mà không phải chỉ những người giật gấu vá vai mới có phản ứng ấy. Mọi người, không trừ ai, kể cả bậc vua chúa và bậc tu hành cũng khó thoát khỏi vòng cương tỏa này. Giờ đây, chúng ta cùng nói với nhau đôi điều về lao động và những giá trị của nó nhân ngày Quốc tế Lao động.

Lao động-một linh đạo. Lao động là chủ để lớn mà Học thuyết xã hội của Giáo hội bàn đến. Nó mang một ý nghĩa toàn diện với nhiều cấp độ và ý nghĩa: Lao động ‘không  phải chỉ để có cái ăn cái uống, mà còn để làm chủ thiên nhiên và mọi loài vật (x. St 1,28). Lao động đã trở thành phương cách thực hiện ơn gọi cao cả Thiên Chúa dành cho con người là chia sẻ quyền thống trị của Thiên Chúa trên tạo vật. Và nếu làm chủ vạn vật là đặc điểm của Thiên Chúa thì khi cùng với Chúa cai quản thiên nhiên và mọi loài qua lao động, con người trở nên giống Thiên Chúa hơn cả… Vì thế, lao động vẫn luôn luôn là bận tâm lớn nhất của con người. Đó là chưa kể: càng tham gia lao động, con người càng cảm thấy mình tiến bộ hơn từ trong hiểu biết đến trong nhân cách. Đức Giêsu chính là mẫu gương lao động hoàn hảo cho những ai muốn nên trọn lành. Ý thức rằng lao động đã bị lâm nguy bởi lòng tham của con người, nhưng vẫn không quên những giá trị ban đầu của lao động, Đức Giêsu đã không gạt bỏ lao động và không coi đó như số phận của người nô lệ, nhưng cũng không lao động như xưa nay thiên hạ vẫn làm. Đức Giêsu vừa lao động vừa phục hồi và nâng cao các giá trị của lao động.

Lao động-con đường nên hoàn thiện. Các thánh là những người đã kinh qua với những thăng trầm của đời sống cần lao. Thực ra, công việc ấy cũng chẳng có gì là to tát so với nhiều người, nhưng lại được thực thi một cách phi thường. Các ngài ý thức rằng: ‘Nên thánh không phải hệ tại làm việc nhiều và lầm những việc to tát, mà hệ tại ở làm hẳn hoi các việc ta phải làm; và đời sống thánh thiện của các thánh không hệ tại ở những công việc lớn lao rầm rộ, nhưng do những việc nhỏ bé không tên tuổi, những việc trước mắt người đời bị coi như vô nghĩa’(Anton Paduva). Hay nếu phải đến trước tòa phán xét: Chúa sẽ không xét đến những việc ta đã làm cho bằng xét đến tình yêu khi làm việc (Avila), bởi vì ‘hành động nhỏ bé nhất do tình yêu tinh tuyền sẽ làm ích cho Giáo hội hơn tất cả những công trình vĩ đại khác hợp lại’ (Gioan Thánh giá). Vì thế, chúng ta hãy có động lực tình yêu khi lao động và làm việc như các thánh, để mỗi ngày tiến gần đến con đường của sự hoàn thiện như Cha trên trời.

Lao động-một lối nẻo tiếp xúc với Thiên Chúa . Lao động không chỉ là việc kiếm kế sinh nhai để bảo tồn sự sống, nhưng là cuộc hành trình đi tìm những giá trị cao cả, thánh thiêng hơn.  Quả thực, nếu ai đã từng dấn thân vào công việc và đi tới cùng công việc ấy, thì họ đang tập làm khoa học và chạm đến cội nguồn Chân Lý như Louis Pasteur đã phát biểu: “Khoa học sâu sắc đưa ta tới gần Thiên Chúa. Khoa học nửa vời làm ta xa rời Thiên Chúa.” Hiểu được chân giá trị như vậy ta mới nghiệm ra rằng, khi nào đã hơn một lần đam mê làm việc-lao động, ta mới thấy nuối tiếc chuỗi ngày đã qua, những tháng ngày của rong chơi vô ích, những giờ miệt mài với trò chơi cuộc đời, những triền miên say sưa rượu chè, thú vui trần thế. Tất cả chỉ đưa ta đến chỗ diệt vong, thui chột ý chí, và có thể đi vào miền tăm tối. Nếu đã hơn một lần ta đi vào vấn đề gì đó thật chuyên sâu, tử tế, học cho ra học, làm cho đến nơi đến chốn, ta mới xót xa một quá khứ toàn những điều thật hời hợt, học cho qua lần, làm cho qua lượt. Có khi ta cứ tưởng mình biết mọi sự mà xem ra chẳng biết gì cho ra ngô ra khoai. Và cả đời sống ta cứ như vậy, không một tham vọng, không một đam mê để cảm nếm, làm sao có thể đưa ta tới gần Thiên Chúa như nhà bác học Pasteur.

Lao động-một lối giáo dục. Chúng ta cùng suy tư câu chuyện: Có vị giám đốc nọ để con trai độc nhất của ông đi rửa xe thuê, và những việc tương tự mà người ta vẫn cho là tầm thường. Đồng bạn và láng giềng thắc mắc về sự hà khắc của ông với con mình như vậy và tỏ vẻ xót thương. Ông nói với họ: ‘Tôi muốn như vậy, vì cha mẹ nào cũng đầu tư cho con mình học hành để lấy bằng cấp, có kiến thức; nhưng với tôi, tôi còn muốn con mình học cho biết những gì ngoài sách vở để giữ vững ý chí, để biết trân trọng và tìm về những giá trị vĩnh cửu cuộc đời,… Bắt con làm việc là tôi thương con dâu và các cháu tôi sau này’.

Thực thế, người cha này muốn con mình học cho biết thế nào là một con người trưởng thành là người tốt nghiệp loại ưu cả hai trường: trường học vàtrường đời. Bởi vì theo ông: ở trường học, bạn được dạy một bài học và sau đó được làm một bài kiểm tra. Trong khi ở trường đời, bạn được cho một bài kiểm tra và nó sẽ dạy bạn một bài học (Tom Bodett). Ông hiểu lắm: con đường đi đến thành công và hạnh phúc chỉ là một quá trình, chứ không phải là điểm đến. Thành công và hạnh phúc ấy phải được kết tinh bởi những chuỗi ngày sống của cuộc đời như Đức Cố hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã dạy: “Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng” (Đường Hy Vọng)! Như vậy, khác với nhiều bậc cha mẹ thời nay, vị giám đốc giàu có ở đây đã mua sắm cho con mình cái ‘cần câu’ và dạy con cách ‘câu cá’, thay vì cho chúng luôn những ‘con cá’… Ai khôn ai dại. Cha mẹ nào hơn cha mẹ nào? Chỉ có những trải nghiệm thực sự trên đường công danh sự nghiệp mới cho ta bài học vô giá về lối giáo dục cho hạnh phúc con người.

Lao động & Sunday. Một ý nghĩa khác của lao động, chính là việc nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi cũng là một khoảng thời gian phải có để lao động có hiệu quả và bồi bổ sức lực. Đây cũng là một trong những sự khác biệt lớn giữa người thành công và người rất thành công: ‘Người thành công ngủ bốn tiếng một ngày. Người cực kỳ thành công nghỉ ngơi đầy đủ để luôn đạt hiệu suất cao nhất. Người thành công nghĩ giải trí chỉ làm phí thời gian. Người cực kỳ thành công cho rằng giải trí cần thiết cho sự sáng tạo’(Theo Greg McKeown qua cuộc phỏng vấn với chuyên gia về kinh tế Warren Buffet). 

Một góc cạnh khác cần phân biệt giữa việc nghỉ ngơi với sự lười biếng. Người ta thường lên án những kẻ lười biếng khi trưng dẫn câu nói bất hủ của Lỗ Tấn ‘Trên đường thành công không có bước chân của kẻ lười biếng’. Lười biếng thì khác với nghỉ ngơi và giải trí, và đáng bị người đời khiển trách. Chính thánh Phao-lô cũng không ngần ngại nhắc nhở: ‘Ai không làm thì cũng đừng ăn’, và ngài khuyên họ: ‘hãy ở yên mà làm việc để có của nuôi thân’ (2Tx 3,10b-13). Còn Chúa Giê-su đã nhiều lần lên án những kẻ chỉ miệt mài thu tích của cải dư thừa, rồi ăn chơi cho đã, như chàng ngốc trong Tin Mừng: ‘Đồ ngốc, nếu đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ (Lc12,16-21).

Sunday: Nguyên nghĩa của nó cũng bao hàm một lối thực hành đức tin Ki-tô giáo. Đó là ngày để 1/phục hồi sức khỏe-2/thắt chặt liên hệ-3/trau dồi tri thức- 4/ và phụng sự Thiên Chúa. Sunday cũng chính là nguồn gốc của tuần lễ 7 ngày mang đậm nét Công giáo mà Thiên Chúa đã thiết định: ‘Ngày Sa-bát, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm… và Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó (St 2,2-3). Chính Chúa Giê-su cũng coi ngày nghỉ truyền thống của người Do Thái không chỉ như một ngày nghỉ việc lao động mưu sinh, mà còn là ngày được tự do để sống với Thiên Chúa và tha nhân, đồng thời cố gắng giúp người khác cũng được hưởng sự tự do cao quý ấy. Vì thế, chúng ta hãy sống cho tròn đầy ý nghĩa của ngày Chủ Nhật, để được ắp đầy một tinh thần lành mạnh trong một thân xác cường tráng. Đây cũng chính là phương thế Loan Báo Tin Mừng hữu hiệu cho con người và thế giới hôm nay.

Trên đường đi tìm và sống cho tròn đầy những giá trị của lao động, chúng ta hãy chạy đến với Thánh Cả Giu-se và xin Ngài dạy ta biết thực thi lời mời gọi của Thầy Chí Thánh: ‘…hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh…’ (Ga 6, 27). Chúng ta hãy mau mắn vào làm Vườn nho cho Chúa với cả tấm lòng để được Chúa ban thưởng lương phúc gấp trăm đời này và vinh phúc đời sau.

JQBC