Chiến dịch tuyên truyền của những người cực đoan Hindu đang ngày một tăng dữ dội. Mục tiêu của họ là xóa sổ các nhóm thiểu số Kitô giáo và Hồi giáo ra khỏi đất nước.
Một Linh mục đứng trong một nhà thờ bị đốt trụi ở New Delhi
‘Tấn công một nhà thờ không phải là phi pháp, và không vi phạm bất kỳ luật nào.’ Tuyên bố đầy khiêu khích này, từ Munna Kumar Shukla, Tổng thư ký của Hindu Mahasabha, một đảng Hindu cực đoan, muốn kiểm soát tâm thức của giới trẻ và thúc đẩy tư tưởng loại trừ, mong muốn Ấn Độ, về mặt lý thuyết, sạch bóng các tôn giáo thiểu số. Mà trong 1,2 tỷ người cư trú ở đất nước Nam Á rộng lớn này, thì 75% là người Hindu, 13% là Hồi giáo, và khoảng 4,5% là Kitô giáo (thuộc mọi phái.)
Và hơn hết, tuyên bố trên là một lời kêu gọi hợp pháp hóa các cuộc tấn công đang không ngừng đang tàn phá các cộng đoàn Kitô giáo ở Ấn Độ suốt những tháng vừa qua. Theo báo cáo của Catholic Secular Forum, trong năm 2014, các cộng đoàn ở đây đã phải chịu hơn 7000 vụ bạo lực.
Và lãnh đạo Hindu này còn đi xa hơn nữa, ông muốn chính phủ liên bang ‘có sự bảo vệ pháp lý cho những người Hindu tấn công các nhà thờ.’ Ông này xem các nhà thờ ‘không phải là nơi thờ phượng, nhưng là các nhà máy cải người Hindu theo Kitô giáo.’
Ông Shukla thêm rằng tổ chức của ông sẽ ‘trao giải và bảo vệ cho các thanh niên Hindu tấn công các nhà thờ và cưới được các cô gái Hồi giáo.’ Ngay cả kiệt tác kiến trúc Hồi giáo, đền Taj Mahal, lăng mộ được hoàng đế Shah Jahan xây dựng vào năm 1632, cũng bị ông này xem ‘thực ra là dành để thờ thần Shiva [của đạo Hindu] và sẽ sớm trở lại là một đền thờ Hindu.’
Các phát biểu của ông Shukla nối tiếp những lời của phó chủ tịch Deva Sadhvi Thakur, khi cách đây vài tuần đã kêu gọi ‘đại diệt những người Hồi giáo và Kitô giáo để họ không phát triển thêm nữa.’
Các nhóm Hindu cực đoan dường như đang trỗi dậy sau khi Narenda Modi, lãnh đạo đảng Nhân dân Ấn Độ [Baratiya Janata] lên nắm quyền. Đảng này vươn lên nhờ vào việc ủng hộ những đường lối như trên.
Có vẻ như sự hiện diện của tổng thống Modi trong chính phủ liên bang đang thổi bùng sự hiếu chiến của các nhóm cực đoan trên toàn xã hội Ấn Độ. Họ đang được tăng cường nhờ vào những lãnh đạo chính trị tự đại: trong những tháng gần đây, các lãnh đạm chính trị đã e dè hay làm ngơ trước hiện tượng bạo lực đối với các nhóm tôn giáo thiểu số, vốn gây nhiều quan ngại và đang phá vỡ kết cấu đa nguyên của xã hội Ấn Độ.
Trong khi Thủ tướng Modi, sau một thời gian dài thinh, cuối cùng đã lên tiếng về vô số các cuộc tấn công, tất cả những thiệt hại và phạm thượng đối với các nhà thờ (5 vụ trong vòng vài tháng ở thủ đô Delhi, cộng thêm các vụ khác ở bang Telangana và Uttar Pradesh), bằng cách tuyên bố rằng chính phủ của ông ‘sẽ không để bất kỳ nhóm tôn giáo nào, dù thuộc đa số hay thiểu số, kích động thù hận chống các nhóm khác. Chúng ta không chấp nhận bạo lực chống lại bất kỳ tôn giáo nào.’ Trong khi đó, các đại diện chính quyền khác lại có vẻ không bận tâm, chẳng hạn như bộ trưởng tài chính Arun Jatley, đã xem những cuộc tấn công các nhà thờ ở Ấn Độ chỉ là những tội phạm lặt vặt mà thôi.
Nhưng theo các lãnh đạo Kitô giáo, thì đây là những ‘vụ tấn công có mục đích.’
Hội đồng Giám mục Ấn Độ đã gọi các tuyên bố của ông Shukla là ‘vô trách nhiệm,’ còn cộng đồng Kitô giáo cảm thấy ‘sốc và bị tổn thương’ tước những lời nói ‘nhắm đến leo thang bạo lực.’
Các giám mục cũng nhắc đến các tuyên bố của Mohan Bhagwat, lãnh đạo Hindu cực đoan, trưởng tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (tình nguyện viên quốc gia) khi mới đây ông này đã bác bỏ công lao của mẹ Teresa thành Calcutta, và cáo buộc mẹ ‘chiêu mộ bằng cách phục vụ người nghèo.’
Bên cạnh những lời nói, vốn có vai trò lớn bởi định hình tâm thức người dân dẫn đến những hành động cụ thể – thì các Kitô hữu ở Ấn Độ cũng không ngừng công bố Tin mừng để phục hồi phẩm giá hoàn toàn cho tất cả mọi con người trong một xã hội vẫn hằn đậm một hệ thống đẳng cấp vốn hợp pháp hóa những phân biệt xã hội không thể thay đổi được về mặt tôn giáo.
Theo tinh thần này, các cha Dòng Tên ở Patina đã dành ngày 01-5, lễ thánh Giuse thợ, để đi chùi các nhà vệ sinh ở trong trường học và ký túc xá, cùng với hiệu trưởng Tomy Nishaant của trường và các giáo viên khác nữa. Ý của các cha Dòng Tên là ‘đặt mình vào vị thế của những người thấp bé và bị chà đạp’ những người bị xã hội ruồng rẫy và bị gắn mác là ‘hạ cấp.’
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 05.05.2015/ Vatican Insider – Paolo Affatato)