MẸ: NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ ĐỊA VỊ ĐỨNG NHẤT
TRONG TRÁI TIM NGƯỜI CON
(Để nhớ về người mẹ bên kia bờ Thái Bình)
Người con càng lớn và càng trải qua nhiều kinh nghiệm cuộc đời, càng thấy thấm thía với chữ “mẹ”. Và càng cảm thấy mình nợ quá nhiều đối với người đã sinh ra mình. Người mà mình đang được bà gọi bằng tiếng “con” rất ngọt ngào.
At 6 yrs “Mommy, I love you.”
At 10 yrs “Mom, whatever.”
At 16 “My Mom is so annoying.”
At 18 “I wanna leave this house.”
At 25 “Mom, you were right.”
At 30 “I wanna go to Mom’s house.”
At 50 “I don’t wanna lose my Mom.”
At 70 “I would give up everything for my Mom to be here with me.”
Tôi năm nay đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, và tôi cũng muốn “hy sinh tất cả” để mẹ tôi có mặt với tôi ở đây, và ngay trong ngày “Hiền Mẫu” này. Nhưng điều mong ước ấy đã không thành sự thật. Tôi và mẹ tôi đang ở cách xa bên này và bên kia bờ Thái Bình Dương.
Bỗng tôi nhớ lại, chỉ khoảng hai ngày trước, trong khi nói chuyện với một người bạn, người này đã bất ngờ hỏi tôi:
-Anh đã về Việt Nam bao giờ chưa?
-Có. Tôi đã về mấy lần.
-Về Việt Nam làm gì? Sao lại về nhiều thế? Vậy bà xã có về với anh không?
Anh nhấn mạnh câu “vậy bà xã có về với anh không” và nháy mắt nhìn tôi. Tôi hiểu có lẽ anh đang muốn hỏi tôi là có lần nào tôi đã xé lẻ về Việt Nam một mình không! Đàn ông con trai mà, nhiều ông ở Mỹ đã trốn vợ, lừa vợ, hoặc áp lực vợ để về Việt Nam với những lý do khác nhau, nhưng trong đó có một lý do mà không ai muốn nói ra là về “tìm bồ nhí”, hoặc có bồ nhí đang chờ đợi ở Việt Nam. Và tôi đã trả lời anh nửa thật, nửa đùa theo kiểu muốn hiểu sao thì hiểu:
-Tôi về thăm mẹ. Anh nghĩ coi, với cái thân tàn ma dại lại nghèo xác xơ như tôi đây thì có ma nào nó để ý tới. Chắc anh cũng đang muốn nói với tôi “đàn ông ở Mỹ về, gái theo như ruồi” chứ gì?! Riêng tôi những lần về Việt Nam, tôi cũng ra đường, cũng đi đây đi đó, cũng nhìn trước nhìn sau mà chẳng thấy có con ruồi nào cả mà chỉ có muỗi. Ở nhà quê, đêm đêm ngồi nói chuyện với gia đình, muỗi theo và đốt lia chia.
Nhắc đến lý do những lần về quê là “thăm mẹ già” của mình, tôi cảm thấy niềm nhớ mẹ khôn nguôn. Nhớ mẹ, muốn ở bên mẹ nhưng mỗi lần đi về là một vấn đề. Để giảm bớt nỗi nhớ nhung, để có dịp gần gũi mẹ, tôi đã nhiều lần đề nghị đem bà qua thăm Hoa Kỳ và ở lại lâu với con cháu, nhưng mẹ tôi lại không muốn như vậy. Bà đã cao niên, đi đứng khó khăn, và do đó không muốn phiền đến con cháu. Tôi biết mẹ tôi nay đã già, như câu ca dao rất thân thương: “Mẹ già như chuối chín cây” lại đang làm tôi sợ hãi. Tôi rất sợ trái chuối chín này một ngày kia sẽ rụng rơi theo cơn gió thời gian để tôi phải mồ côi: “Gió lay mẹ rụng con phải cô côi!”. Trên thực tế tôi không biết mình sẽ phải mồ côi lúc nào, vì tuổi đời mẹ tôi nay đã rất cao. Nhưng bà ra đi ở tuổi nào, thì sự mất mát này vẫn là một mất mát rất lớn đối với tôi.
Nhân Ngày Hiền Mẫu, tôi một mình ngồi ôn lại những mảnh đời đã qua, những năm tháng bên mẹ, những tâm tình mẹ đã đành cho tôi, cũng như những gì tôi đã làm cho mẹ mà lòng mình cảm thấy xôn xao. Tôi thương và nhớ mẹ! Còn nhỏ mẹ thương và lo lắng cho tôi đã đành, bây giờ tuy đã lớn tuổi mà sự lo lắng, săn sóc của người mẹ dành cho tôi vẫn như ngày còn trẻ, và có lẽ còn nhiều hơn nữa. Phải chăng vì bà cho rằng chính bà cũng chẳng còn sống bao lâu để lo cho con bà. Nhớ lại những lần về thăm mẹ, lần nào cũng như lần nào nếu tôi báo tin trước với gia đình ngày nào, giờ nào tôi có mặt tại Việt Nam thì những ngày trước đó thường là mẹ tôi mất ngủ, bỏ ăn mà chỉ ngồi ngoài hiên nhìn ra cửa mong ngóng cho đến khi thấy bóng dáng con của bà xuất hiện ở đầu ngõ. Bởi đó mà tất cả những lần về thăm mẹ, tôi đều phải nói với các cô em là không cho mẹ biết. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng, lần nào bà cũng đoán biết và thường hỏi con hoặc cháu: “Anh mày mày sắp về à? Sao chúng mày lại giấu tao?!” Hoặc, “Chúng mày đang giấu tao là bác chúng mày sẽ về phải không?”
Cái xốn xang, mong ngóng con về của bà rất đơn sơ, rất gần gũi và rất giầu tình mẫu tử. Đã có lần bà nói với con cháu: “Anh mày đi tầu bay ở trên trời lâu như vậy sợ lắm nhỉ. Lỡ mà tầu bay chết máy thì nhẩy ra làm sao được?’. Rồi khi con về đến nơi thì săn đón, giục giã đi tắm cho mát, đi ngủ sớm cho khỏe, ăn nhiều kẻo đói bụng. Luôn miệng hỏi con có muốn ăn gì, thích trái cây nào, và tìm mọi cách chiều chuộng. Điều này làm tôi càng thêm thâm tín rằng chỉ có tình mẫu tử mới giúp cho một người phụ nữ biết khám phá, biết tìm kiếm ra những cách thức chiều chuộng, lo lắng, và bày tỏ tình thương yêu đối với con bà như vậy.
Chuyện của mẹ tôi đối với tôi là thế. Còn chuyện mẹ của những đứa con tôi đối với chúng thì sao? Và chuyện của chính con cái tôi đối với con cái của chúng thì sao nữa? Tôi thấy tất cả đều có cùng mẫu số chung đó là tình thương, sự nhẫn nhục, và hy sinh vô bờ bến. Nhiều lần thấy chiều con quá, sợ con hư tôi đã lớn tiếng và một cách nào đó phiền trách những lối chiều chuộng, nuông chiều con mà tôi nghĩ là không thích hợp. Nhưng cái không thích hợp của lý trí của người cha lại là một cái gì đầy thông cảm, hiểu biết, và rất dễ dàng chấp nhận đối với trái tim của người mẹ. Và lời bào chữa cuối cùng luôn luôn vẫn là: “nước mắt chảy xuôi”. Mà nước mắt nào lại chảy ngược bao giờ, thế nên ca dao Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhưng hư hay không hư thì con vẫn là con. Xem như trái tim và suy nghĩ của người mẹ là vậy. Con hư thì hư chứ bảo đừng chiều con, đừng nhân nhượng với con cái này, cái khác là một điều hết sức khó khăn. Rồi như một dòng sông phát xuất từ trái tim của người mẹ, đến phiên con cái tôi cũng lại đối xử với con của chúng như vậy. Lắm lúc thấy chúng chiều chuộng những đứa trẻ quá đáng, nếu không muốn nói là làm hư chúng, thì cũng vẫn lại là một lời bào chữa của người mẹ “thấy thương mấy đứa nhỏ quá bố ơi!” Thương nên thấy chúng nhõng nhẽo, lè nhè, đòi cái này, cái khác và biết đó là những hành động có thể làm hư con, nhưng vẫn cứ làm.
Chính vì nước mắt chảy xuôi mà rất nhiều lần, và rất nhiều bà mẹ đã không còn nước mắt để khóc, nhất là đối với những đứa trẻ sinh ra tật nguyền tâm thần cũng như thể xác, những đứa con hư hỏng, những đứa con mà cho dù cả đời vẫn không một lần làm cho mẹ nở được một nụ cười! Ôi trái tim của người mẹ. Nó thật khó hiểu! Khó lường! Và cũng có thể sẽ chẳng bao giờ có người con nào hiểu nổi hoặc đo lường được, bởi nó bao la quá, cao vười quá, và sâu thẳm quá.
Ngày Hiền Mẫu, xin kính gửi mẹ hiền lòng trìu mến và biết ơn của con. Xa mẹ từ bên này qua bên kia bờ đại dương, nhưng con vẫn muốn nói cho mẹ nghe điều này: “Con yêu mẹ nhiều, và con rất sung sướng được làm con mẹ!”. Và tôi cũng gửi đến những người con câu ca dao sau, để nhắc nhở rằng dù suốt đời ta cũng sẽ không đền đáp nổi công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ:
“Nhớ ơn chín chữ cù lao, 1
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.”
—
1 Trong Kinh Thi của Khổng Tử đã nói đến 9 điểm, gọi là 9 chữ cù lao dành cho người mẹ. Đó lả : Sinh (sinh nở), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vỗ về), Dục (dạy dỗ), Súc (cho bú), Trưởng (nuôi lớn), Cố (trong nôm), Phục (chiều chuộng), Phúc (che chở) .
Trần Mỹ Duyệt