Lịch Sử Của Mối Tương Quan Giữa Kitô Giáo Với Các Tôn Giáo

….nhờ sự hiểu biết lẫn nhau, mà sự đối thoại giữa các tôn giáo sẽ tiến triển, giúp cho nhân loại thăng tiến đến lý tưởng Chân Thiện Mỹ, trong Công lý và Hòa bình.

Assisi-Lịch Sử Của Mối Tương Quan Giữa Kitô Giáo Với Các Tôn Giáo
Ngày cầu nguyện cho hoà bình của đại diện lãnh đạo các tôn giáo tại Assisi – 27/10/2011

 

I. QUAN ĐIỂM TRIẾT HỌC HY LẠP VỀ CÁC TÔN GIÁO

 

Chúng ta thử đi ngược dòng thời gian, để điểm lại những quan điểm của các nhà thần học Kitô giáo về giá trị của các tôn giáo trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, các quan điểm đó rất nhiều và khác biệt nhau. Vì thế chúng tôi chỉ ghi nhận những khuynh hướng chính, đặc biệt là nêu bật những yếu tố nào chi phối các quan điểm thần học. Theo thiển ý, trong lãnh vực này, một yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ là sự hiểu biết về các tôn giáo. Nên biết là khoa lịch sử đối chiếu các tôn giáo của nhân loại mới phát triển trong những thế kỷ gần đây, và còn ở giai đoạn chập chững về phương pháp. Chúng ta có quyền tự hỏi: có bao nhiêu tín đồ Kitô giáo đã nghiên cứu về các tôn giáo khác trên hoàn cầu? Có bao nhiêu tín đồ Kitô giáo đã nghiên cứu về lịch sử của chính tôn giáo của mình? Và chúng ta có thể đặt những câu hỏi tương tự cho các tín đồ của các tôn giáo khác. Ngoài ra, như sẽ thấy, có nhiều cách thức để nghiên cứu các tôn giáo: từ tâm tình hoàn toàn thụ động cho đến thái độ phê bình chỉ trích.

 

Bài này, chúng tôi xin lược qua tình hình nghiên cứu về các tôn giáo trong thế giới Hy lạp-Rôma trước khi Kitô giáo xuất hiện. Các thánh tông đồ và các giáo phụ đã chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những trào lưu đó.

 

Nói chung, con người vào thời cổ sống trong niềm tin tưởng vào một thần linh nào đó. Lòng tin đó được diễn tả qua các việc cúng bái cầu khẩn. Mặt khác, tín ngưỡng không phải là một chuyện cá nhân nhưng còn mang một chiều kích xã hội nữa. Mỗi gia đình, bộ tộc, thành phố theo một tôn giáo nào đó: tôn giáo được coi như là yếu tố liên kết các phần tử của gia đình, bộ tộc, thành phố. Ai không tham dự vào các lễ nghi tôn giáo sẽ bị khai trừ ra khỏi cộng đồng. Điều này có thể nhận thấy ngay tại xã hội Việt Nam: việc thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, tế Nam Giao là những dịp nối kết các phần tử của gia đình, làng xã, quốc gia. Điều đó cũng đúng với dân tộc Do thái, và các dân tộc khác.

 

Tuy nhiên, trong khi mà đại đa số nhân dân tuân hành các truyền thống gia phong một cách kính cẩn, thì một vài triết gia Hy lạp đã dám nghiên cứu các tôn giáo với một thái độ phê bình. Chúng ta thấy ít là có ba khuynh hướng chính:

*  Khuynh hướng hòa đồng tôn giáo

*  Khuynh hướng thống nhất tôn giáo

*  Khuynh hướng phê bình tôn giáo

 

1. Khuynh hướng hòa đồng tôn giáo

 

Những người này tỏ ra lòng kính trọng đối với hết các tôn giáo. Bụt nào cũng thiêng cả! Vì thế họ mang hết các thần linh về nhà để thờ! Nhưng sớm muộn gì, vấn đề xếp đặt thứ tự sẽ được đặt ra: ai đứng trên, ai đứng dưới, ai đi trước, ai đi sau? Từ đó, mới nảy ra những chuyện thần thoại nhằm giải thích nguồn gốc của các thần linh cũng như những mối quan hệ giữa các thần. Bên Hy lạp, hai tác giả nổi tiếng hơn cả là hai thi sĩHomêrô và Hêsiôđô (khoảng tk 8-7 tr.CN). Họ xếp đặt một hệ cấp giữa các thần, hoặc theo kiểu một gia đình (từ ông tổ lần lượt xuống ông bà nội ngoại, vợ chồng, cha mẹ, con cháu), hay là theo kiểu một triều đình (hoàng đế, ngọc hoàng) với các quan quân hầu cận. Khởi đầu với việc xếp đặt tôn ti của các thần linh quốc nội, dần dần các học giả xếp đặt các thần linh ngoại bang mà họ biết được qua những cuộc chu du hay viễn chinh. Những học giả nổi tiếng thời cổ là: ông Ecatêo Abđêra (k.320 tr.CN) nghiên cứu các thần linh bên Ai cập. Ông Megastênê (k.300 tr.CN) bàn về các thần linh bên Ấn độ. Ông Bêrôsô (tk.3 trCN) nghiên cứu các thần ở Babilonia. Tác phẩm bách khoa về các thần linh cổ đại là của ông Marcô Têrenxiô Varrone (116-27 tr.CN), Antiquitates rerum humanarum et divinarum. Dĩ nhiên, trong khi đối chiếu nguồn gốc các thần linh như vậy, cũng có người nghĩ rằng các thần hơn kém cũng như nhau, chỉ khác tên gọi mà thôi: thần Jupiter của người Rôma và thần Zeus của người Hy lạp chung quy cũng là một vị mà thôi!

 

2. Khuynh hướng thống nhất các tôn giáo

 

Khuynh hướng hòa đồng vừa nói đã dần dần dẫn tới khuynh hướng thống nhất các tôn giáo khi giải thích tất cả các thần linh đều bởi một nguồn gốc. Tuy nhiên, có những triết gia còn đi xa hơn nữa. Họ không dừng lại ở việc nghiên cứu nguồn gốc của các thần linh được nhân dân thờ cúng, nhưng họ tìm đến cội nguồn của mọi loài hiện hữu. Họ tìm nguyên nhân tối hậu của vạn vật. Trong số những triết gia này, ta có thể kể: ông Thalês (tk.6 tr.CN) cho rằng nước và lửa là nguyên tố căn bản của vạn vật; ông Anassimanđrô (tk6 tr.CN) quy tóm vạn vật về chất thể vô định (apeiron); ông Hêraclitô (k.500 tr.CN) giải trích nguyên nhân của vạn vật là Lý trí (Logos), kiểm soát hết mọi loài. Sau cùng, chúng ta có thể xếp các nhà hiền triết Platon (429-347) và Aristôt (384-322) trong hạng này, khi mà họ đặt nguồn gốc của vũ trụ nơi một vị Hóa công, một vị Đệ nhất nguyên nhân tác thành.

 

3. Khuynh hướng phê bình các tôn giáo

 

Trong khi khuynh hướng thứ nhất cố gắng thu thập hết các tinh hoa của tất cả mọi tôn giáo trên hoàn cầu, khuynh hướng thứ hai thì không muốn biết gì đến các tôn giáo, bởi vì họ chỉ bận tâm tới các quan niệm siêu hình (căn nguyên tối hậu của các hữu thể), khuynh hướng thứ ba nghiên cứu các tôn giáo với cặp mắt phê bình. Việc nghiên cứu các tôn giáo mở đường cho việc phê bình chỉ trích các tôn giáo. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng không phải những người thuộc khuynh hướng này là đều là những kẻ vô thần, phá đạo đâu! Ngược lại, việc phê bình các tôn giáo do chính lòng đạo đức thúc đẩy: họ muốn tìm về một đạo giáo nguyên tuyền trong sáng, chứ không phải là đạo do thị hiếu con người bày đặt ra.

 

Ông Sênôphanê Côlôphônê (tk.6-5 tr.CN) đã chỉ trích các thần thoại của các thi sĩ Hômêrô và Hêsiôđô là vô luân, khi gán cho các thần linh trên thiên giới tất cả những đam mê dục vọng giống như ở hạ giới này. Ông nói: “Giả như các con bò biết vẽ, ắt là chúng cũng vẽ các thần theo hình con bò!” Ông Êpicuriô (tk.6 tr.CN) nhìn nhận sự hiện hữu của các thần linh, nhưng không tin rằng họ có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân loại. Ông Prôđicô Xêôs (tk.5 tr.CN) cho rằng các thần linh (thần thái dương, thần hỏa, thần thổ, v.v…) chẳng qua chỉ là các yếu tố thiên nhiên, được con người phong thần vì thấy mang lại ơn ích cho mình. Theo ông Đêmôcritô (k.440-k.370 tr.CN), nguồn gốc của mọi tôn giáo là sự sợ hãi: tất cả những gì gây ra cho con người sợ sệt, thì được tôn kính bái lạy như thần thánh. Ông Crixia (tk.5) cho rằng tôn giáo được đặt ra để mà bảo đảm an ninh trật tự xã hội: vào thời sơ khai, luật pháp và công an không đủ để kiểm soát các hành vi của con người, cho nên người ta bịa thêm các thần linh nhằm ngăn ngừa các hành vi xấu bởi vì sợ rằng sẽ bị trời phạt. Sau cùng, ông Evêmêrô (tk.4-3) được coi như đại biểu của các thuyết chỉ trích các tôn giáo từ cổ thời cho đến hiện đại. Theo ông, các thần linh chỉ là do con người tạo ra mà thôi. Có lẽ thuyết của ông ta có cơ sở lịch sử ngay tại Hy lạp, khi mà Alexanđrô Đại đế tự phong thần cho mình, và tạo ra nghi thức cúng tế cho mình! Dù sao, hậu thế nhiều lần sẽ trở lại với thuyết của ông Êvêmêrô khi chỉ trích các tôn giáo, như chúng ta sẽ thấy nơi các học thuyết vào đầu thế kỷ 20 tại Âu châu giải thích các tôn giáo như là sự phóng dọi các ước muốn của con người, xét như cá nhân hay xét như một tầng lớp xã hội hoặc một tập thể. Tuy nhiên, như đã lưu ý trên đây, thái độ của các triết gia cổ thời thì khác với các nhà nghiên cứu tôn giáo hiện đại. Vào cổ thời, việc chỉ trích các tôn giáo được thúc đẩy bởi tâm tình đạo giáo. Người ta muốn bảo vệ lòng đạo tinh tuyền, chứ không muốn để cho tôn giáo bị pha phôi với những dục vọng bần tiện. Vì thế không lạ gì mà các giáo phụ của Kitô giáo cũng tán thành ông Êvêmêrô. Thậm chí, phải nói rằng trước ông Êvêmêrô mấy thế kỷ, ta đã tìm thấy tư tưởng đó nơi các ngôn sứ bên Israel, thí dụ Hôsêa 13,2; Isaia 44,9-20, sách Khôn ngoan 13,2-5: Các thần linh là do bàn tay con người tác tạo, theo kích thước của con người, mang theo những dục vọng sở thích của con người. Tư tưởng này cũng được thánh Phaolô lặp lại trong thư gửi Rôma (1,22-24).

 

Cả ba khuynh hướng vừa kể trên đây đều sẽ có ảnh hưởng đến các nhà thần học Kitô giáo khi bàn đến các tôn giáo. Dĩ nhiên là họ không thể chấp nhận khuynh hướng hòa đồng tôn giáo, theo nghĩa là bụt nào cũng thiêng như nhau. Khuynh hướng thứ hai gây được nhiều thiện cảm hơn cả: các nền triết học được đánh giá như ánh sáng của Thiên Chúa thu hút con người tìm về Chân, Thiện, Mỹ. Khuynh hướng thứ ba có khi được coi như đồng minh của Kitô giáo khi nó giúp cho việc thanh luyện lòng đạo, nhưng có khi nó đưa tới việc bài trừ hết mọi tôn giáo, bị ghép chung vào hạng thuốc phiện mê dân.

 

II. CÁC GIÁO PHỤ

 

Cả ba thái độ vừa nói đều có ảnh hưởng đến quan điểm của các nhà tư tưởng Kitô giáo trong những thế kỷ đầu tiên. Chúng ta biết rằng Kitô giáo không thành hình từ con số không. Đức Giêsu đã xuất thân và trưởng thành trong khung cảnh của Do thái giáo. Các môn đệ đầu tiên cũng xuất thân từ môi trường này. Mối tương quan đầu tiên được đặt lên chính là sự đồng nhất và khác biệt giữa đạo Kitô và đạo Do thái. Dù sao, các kitô hữu đầu tiên đã chịu ảnh hưởng của đạo Do thái trong khi phán đoán về giá trị của các tôn giáo khác. Các ngôn sứ đã không ngừng cảnh cáo dân Israel đừng chạy theo các ngẫu tượng: việc thờ lạy ngẫu tượng không những là dấu hiệu bất trung đối với Thiên Chúa mà còn đưa đến việc du nhập các phong tục đồi trụy khác. Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa, khi mà Ngài đã chỉ trích cả các tập tục thánh thiêng của đạo Do thái (như: các luật lệ về ngày Sabat), khi mà việc cúng tế không đi kèm theo tình thương bác ái đích thực. Đàng khác, nhiều khi Ngài cũng ca ngợi lòng tin của những người ngoại (người Samari, người Cana), bởi vì lắm lần họ thi hành luật của Thiên Chúa cách nghiêm túc hơn là dân Do thái. Chúng ta cũng bắt đầu tìm hiểu quan điểm của các nhà tư tưởng Kitô giáo kể từ thời các giáo phụ.

 

Thời các giáo phụ kéo dài hơn kém 7 thế kỷ. Trong thời gian này, thế đứng của Kitô giáo trong đế quốc Rôma đã thay đổi rất nhiều. Khi mới xuất hiện, Kitô giáo là một nhóm ly khai của Do thái giáo và bị Đế quốc Rôma bách hại. Từ thế kỷ thứ 4, Kitô giáo không những được quyền tự do hành đạo mà còn trở thành quốc giáo, lấn át các tôn giáo cổ truyền[1]. Nhưng chẳng bao lâu, lãnh thổ của Đế quốc Rôma bị quân man di xâm chiếm (Năm 402, Alaricô dẫn đoàn quân Visigôt tràn vào mạn Báwc Italia và nhập vào Rôma năm 410. Năm 406, các đoàn quân Alaman, Burgunđi, Franchi, Vanđali, Svevi chiếm miền Gaule và bán đảo Tây Ban Nha). Đạo quân này mang theo các tôn giáo cổ truyền của mình. Kitô giáo tính chuyện cải hoán họ. Vào cuối thời các giáo phụ, Hồi giáo xuất hiện, chiếm dần vùng thánh địa và lãnh thổ của các giáo đoàn phồn thịnh nhất tại Bắc phi và Trung đông. Bối cảnh lịch sử đã chi phối rất nhiều mối quan hệ giữa Kitô giáo với các tôn giáo. Chúng ta cùng bàn đến bốn vấn đề:

 

*  Sự xuất hiện của Kitô giáo trong dòng lịch sử nhân loại

*  Nguồn gốc các tôn giáo

*  Hòa đồng tôn giáo

*  Truyền giáo cho dân man di

 

A. Kitô giáo trong dòng lịch sử nhân loại

 

Các nhà hộ giáo đã phải đương đầu với một vấn nạn nan giải: làm sao Kitô giáo dám xưng mình là đạo thật mà mãi tới bây giờ mới xuất hiện? Nếu là đạo thật thì phải ra đời ngay từ thuở tạo thiên lập địa chứ?

Thánh Giustinô (tk.2) đã trả lời rằng: tuy đức Kitô mới ra đời, nhưng mà xét như là Ngôi Lời (hay Lý tính: Logos), thì Ngài đã hiện hữu ngay từ lúc vũ trụ khai sinh, và đã tác động trong thế giới. Ngài là chân lý chiếu sáng hết mọi người. Phàm ai sống theo chân lý thì đều mang mầm mống của Ngôi Lời (Logos spermatikos). Ta có thể nhận thấy dấu vết của Ngôi Lời nơi các nhà hiền triết, các đạo lý. Đức Kitô đến để mặc khải chân lý sung mãn (Apologiae, viết khoảng năm 150-160). Tuy biện hộ cho Kitô giáo, nhưng cách gián tiếp, thánh Giustinô cũng nhìn nhận có những yếu tố chân chính và tốt lành nơi các triết thuyết và các tôn giáo. Thánh Irênêo (cuối tk.2) cũng nói tới tác động của Ngôi Lời trong khắp vũ trụ; đồng thời tác giả nhấn mạnh rằng đức Kitô đã mang đến một mặc khải mới, vượt xa các tác động trước đây của Logos (Adversus haereses). Ông Tertulianô (k.150-k.230) đề cao tác động của Chân lý (Lẽ phải) ở nơi lương tâm của con người.

 

Như vậy, khi trình bày vị trí của kitô giáo trong lịch sử của loài người, các nhà hộ giáo phải đụng tới vấn đề nguồn gốc của các tôn giáo khác trên hoàn cầu. Tuy nhiên, quan điểm của các giáo phụ không đồng nhất.

 

B. Nguồn gốc các tôn giáo

 

Bàn về nguồn gốc các tôn giáo, chúng ta thấy ít là có tới 4 giả thuyết khác nhau.

 

1/. Các tôn giáo là con đẻ của ma quỷ

 

Giả thuyết này dựa trên đoạn văn của thánh vịnh 95,5 theo bản dịch Vulgata: “omnes dii gentium daemonia” (các thần linh của chư dân là ma quỷ). Vì ghen tương, ma quỷ đã tạo ra các thần linh ngẫu tượng, để lường gạt con người, xúi con người thờ lạy hắ mà mất phần rỗi (Giustinô, Taxianô, Atênagôra, Minutius Felix, Cyprianô). Ngoài ra, không thiếu các giáo phụ giải thích nguồn gốc các thần linh dựa theo thuyết của ông Êvêmêrô, nghĩa là các thần linh do tay con người tạo ra.

 

2/. Các tôn giáo khác đã bắt chước đạo Do thái

 

Nguồn gốc của thuyết này là chính các người Do thái thuộc trường phái Alexanđria. Theo họ, các nhà hiền triết và các vị sáng lập tôn giáo đã chép lại giáo lý của ông Môsê và các tiên tri. Các nhà hộ giáo như Tertullianô đã lấy lại thuyết đó.

 

3/. Đường lối sư phạm của Thiên Chúa

 

Dựa theo thư thánh Phaolô gửi Rôma, một tác giả vô danh của lá thư gửi Điônhêta (k.130-180) cho rằng Thiên Chúa đã để cho con người bị rơi vào vòng mê hoặc ngõ hầu cảm thấy sự cần thiết của ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, dần dần các tác giả khác đã trình bày học thuyết một cách tích cực hơn, theo chiều hướng của sự mặc khải tiệm tiến. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người đón nhận chân lý theo kiểu nhà mô phạm: từ những chân lý đơn giản đến những chân lý cao siêu. Nói cách khác, các tôn giáo chứa đựng những mầm mống chân lý, nhằm hướng tới chân lý viên mãn là đức Kitô. Chúng ta có thể thấy quan điểm này nơi Irênêô, Grêgôriô Nazianzênô, Eusêbiô.

 

4/. Bản tính hướng thiện của con người

 

Trong thư gửi Rôma (1,18; 2,17), thánh Phaolô đã viết rằng lý trí con người có thể nhận biết Thiên Chúa. Cựu ước đã nói đến tư tưởng này ở sách Khôn ngoan (13,1-5). Ngoài ra trường phái Stoa của Hy lạp cũng đã nói tới “những ý niệm chung” của toànthể nhân loại. Hết mọi người đều mang trong mình khả năng tìm được chân lý. Từ những tiền đề vừa nói, ông Tertullianô đi tới kết luận rằng tinh thần của con người có thể biết được Thiên Chúa, như là Đấng Tối cao, Tạo hóa, Thượng đế (Apologeticum). Nói khác đi, tuy các tôn giáo mang nhiều hình thức khác nhau, nhưng chúng bắt nguồn từ bản tính của con người tìm về chân lý. Vì thế, nếu ai sống trung thực với lương tâm của mình thì có thể coi như là kitô hữu (xc. Giustinô, I Apol. 46,2-4; Eusêbiô, Hist. Eccl. I,1,4). Mặt khác, hành trình hướng về chân lý không phải chỉ là nỗ lực của con người mà thôi. Ông Clêmentê Alexanđria nghĩ rằng Thiên Chúa quan phòng cũng mặc khải cho dân ngoại nhờ những tia sáng chân lý, chuẩn bị cho họ đón nhận Tin mừng (praeparatio evangelica: Stromata, I, c.5).

 

Tuy nhiên, cần thú nhận rằng chỉ có một số ít giáo phụ chấp nhận quan điểm này. Thực ra lý do không có gì khó hiểu. Các nhà hộ giáo cố gắng chứng minh rằng duy chỉ có một đạo thật là Kitô giáo. Vì thế mà khó lòng nhận thấy các chân lý ở nơi các tôn giáo khác. Ngoài ra, các giáo phụ phải đương đầu với một nguy cơ không nhỏ đối với đức tin, đó là khuynh hướng hòa đồng tôn giáo.

 

C. Hòa đồng tôn giáo

 

Người ta thường nghĩ rằng từ thời Hoàng đế Constantinô trở đi, Kitô giáo đã nắm giữ địa vị độc tôn trong Đế quốc, và trở thành quốc giáo. Sự thực thì không đơn giản như vậy. Các tôn giáo cổ truyền không thể nào tàn lụi một sớm một chiều, sau khi ban hành một văn kiện pháp lý. Nhiều người chỉ trở lại Kitô giáo để được yên thân, chứ thực tình họ vẫn tiếp tục thực hành các tôn giáo cổ truyền. Mặt khác, đôi khi các hoàng đế Rôma (chẳng hạn như Aurêliô, Giulianô) cũng cổ võ việc trở về với các tôn giáo cổ truyền. Đó là chưa nói đến các khuynh hướng tổng hợp, kết nạp các yếu tố của các tôn giáo cổ truyền với Kitô giáo. Dĩ nhiên, dưới khía cạnh mục vụ, các giám mục phải áp dụng những biện pháp nghiêm khắc, hầu duy trì đời sống đức tin nguyên tuyền, bài trừ những tục lệ mê tín dị đoan. Đồng thời, cũng có những học giả nghiên cứu đối chiếu giữa các tôn giáo, tìm ra những mối tương quan. Chúng ta có thể thấy một thí dụ điển hình nơi ông Origène trong cuộc tranh luận với ông Celsus (Contra Celsum). Triết gia Celsus chỉ trích quan điểm độc tôn của Kitô giáo bằng cách nêu bật rằng Kitô giáo cũng có nhiều nghi lễ giống như các tôn giáo khác. Ông Origène trả lời rằng khi đối chiếu các tôn giáo với nhau, ta không nên chỉ dừng lại ở các hình thức bên ngoài nhưng cần phải đi sâu vào động lực của chúng nữa. Chẳng hạn như có người tránh việc ngoại tình vì thấy nó nghịch với công bằng (thuyết Stoa), có người tránh ngoại tình vì thấy không lợi lộc gì (phái Epicuriô), có người tránh ngoại tình vì sợ bị trừng phạt. Một cách tương tự như vậy, có người kiêng thịt vì tin vào thuyết luân hồi, người khác kiêng thịt vì tin vào cuộc sống vĩnh cửu. Luận cứ này cũng được thánh Augustinô sử dụng (Kitô giáo cũng tôn kính các thiên thần, nhưng họ chỉ là các thụ tạo; còn các tôn giáo thì kính các thiên thần như là thần linh).

 

D. Tôn giáo của dân man di

 

Đối với dân man di, Giáo Hội một đàng cố gắng rao giảng Phúc âm cho ho[2], đàng khác cũng chấp nhận cho họ giữ duy trì những tập tục lề nghi cổ truyền. Đặc biệt là có những học giả nghiên cứu tìm hiểu các tôn giáo của họ, chẳng hạn như Grêgoriô de Tours (538-594) để lại lịch sử các phong tục Franc (Historia Francorum), Bêđa với lích sử của dân Anglô (Historia ecclesiastica gentis Anglorum).

 

Dù sao, thách đố lớn nhất là sự xuất hiện của Hồi giáo. Đây là tôn giáo mà Giáo hội thời Trung cổ phải đương đầu dưới nhiều mặt.

 

III. THỜI TRUNG CỔ VÀ PHỤC HƯNG

 

Biến cố gây xáo động nhất cho các Kitô hữu vào thời Trung cổ là sự xuất hiện của Hồi giáo. Vị sáng lập của tôn giáo này, ông Mohammet (570-632), không phải chỉ là một ngôn sứ giảng dạy một đạo lý mới mà còn là nhà lãnh đạo của một cuộc chinh phục quân sự. Lần lượt các vùng Trung đông và Tiểu Á (cái nôi của Kitô giáo), Bắc Phi, và miền Nam Âu châu đã bị đặt dưới quyền cai trị của các nhà lãnh đạo Hồi giáo, không những về mặt tôn giáo mà cả về mặt chính trị nữa[3]. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng nên quên sự bành trướng của tôn giáo này sang Á châu, đến mãi tận miền Đông Nam Thái bình dương.

 

Các tín hữu Kitô giáo đã đương đầu với Hồi giáo trên nhiều bình diện khác nhau: quân sự, tín ngưỡng, truyền giáo, cũng như văn hóa và tư tưởng.

 

1. Dĩ nhiên, sự đối kháng khá tự nhiên là giải pháp quân sự, nhằm xua đuổi quân xâm lăng Hồi giáo. Từ đó ta thấy có những chiến dịch thập tự quân nhằm giải phóng thánh địa Giêrusalem (1096-1291, ít là để bảo đảm sự tự do cho các tín hữu đi hành hương), cũng như các cuộc nổi dậy bên Tây Ban Nha. Tại đây, cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ năm 1063 và chấm dứt vào năm 1492, khi mà tất cả các tín đồ Hồi giáo và Do thái bị trục xuất hoàn toàn khỏi bán đảo này. Thực ra, cũng như bao nhiêu cuộc thánh chiến khác, không phải tất cả những ai tham gia đều là những người thánh hoặc là do động lực thánh thiêng thúc đẩy! Những tham vọng chính trị, kinh tế cũng có phần trong đó. Điều đáng tiếc nữa là trước đây, đã có những giáo đoàn Kitô bên Trung đông đã mở cửa chào đón đoàn quân Hồi giáo như là nhà giải phóng họ khỏi chế độ hà khắc của triều đình Constantinôpôli. Một cách tương tự như vậy, có lần đoàn quân Thập tự latinh thay vì sang giải phóng thánh địa Giêrusalem thì lại quay sang đánh phá kinh thành Constantinôpôli, biểu tượng của ly giáo Đông phương! Cuộc đối kháng quân sự quả đã để lại khá nhiều vết đen trong lịch sử!

 

2. May thay, đường lối quân sự không phải là giải pháp duy nhất. Nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo bắt đầu suy tư ý nghĩa của việc xuất hiện của Hồi giáo trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Đối với thánh Bonifaxiô, Mahomét chính là cái roi mà Chúa dùng để trừng phạt tội lỗi của các kitô hữu. Một vài nhà giảng thuyết còn đi xa hơn nữa, khi coi Mahomét như là điềm báo của tận thế: ông ta là Quỷ vương (Phản Kitô) mà sách Khải huyền nói tới (xc. Paulô Alvarô Corđôba đã sửa lại năm qua đời của Mahomét là 666 cho hợp với sách Khải huyền). Ngoài ra, cũng cần thêm rằng nhiều nhà thần học thời đó coi Mahomét là một người lạc đạo, bởi vì ông ta không nhìn nhận thiên tính của đức Kitô (thí dụ: Raymundo Lull). Dĩ nhiên, khi tham khảo luân lý học của Hồi giáo, người ta lại càng có dịp vạch ra nhiều điểm vô luân hơn nữa!

 

3. Thái độ thứ ba mang tính cách tích cực hơn. Sự xuất hiện của Hồi giáo là cơ hội để thức tỉnh sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Trước đó, người ta tưởng rằng muôn dân thiên hạ đã được nghe giảng Tin mừng rồi; bây giờ mới bật ngửa là còn có biết bao nhiêu người sống ngoài biên cương của Âu châu vẫn còn chưa biết Chúa Cứu thế. Thánh Phanxicô Assisi chủ trương đi gặp các tướng lãnh Hồi giáo để giảng đạo cho họ, và sẵn sàng tử đạo để làm chứng cho đức tin. Các con cái của thánh Phanxicô và Đaminh đã tiếp tục chương trình truyền giáo sang Trung đông, Á châu, không những nhắm tới người Hồi giáo mà cả tới người Mông cổ nữa.

 

4. Bình diện thứ bốn của cuộc gặp gỡ là lãnh vực văn hóa. Phải nhìn nhận rằng chính nhờ người Arập mà tư tưởng của Aristôte được truyền bá sang Âu châu, gây ra một cuộc cách mạng triết học và thần học tại đây. Đề tài chính của các đại học Âu châu thời đó là mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, nghĩa là giữa vũ trụ quan và nhân sinh quan dựa theo mặc khải Kinh thánh với vũ trụ quan và nhân sinh quan dựa theo Aristot, Averroes. Có thể coi đây như là ảnh hưởng gián tiếp của Hồi giáo. Đối lại, đó đây cũng có những học giả Kitô giáo bắt đầu nghiên cứu và dịch thuật các tác phẩm của Hồi giáo từ Ả rập sang tiếng latinh. Nhiều trường dạy tiếng Ả rập đã được mở ra nhằm huấn luyện các nhà truyền giáo tương lai.

 

Tuy Hồi giáo là mối bận tâm chính yếu của Giáo hội thời Trung cổ, nhưng thần học không chỉ dừng lại ở tôn giáo này mà thôi. Trong các thiên bàn về đức tin hoặc về ơn cứu rỗi, các nhà thần học đề cập đến các người Do thái, các người lạc đạo lẫn các người không bao giờ nghe giảng danh thánh Chúa Kitô. Một giả thuyết thường gặp thấy nơi các nhà thần học thời này là: nếu ai suốt đời ăn ngay ở lành, thì Chúa sẽ sai thiên thần đến rửa tội cho họ, ngõ hầu họ được cứu rỗi. Ngày nay, chúng ta thấy giả thuyết đó thừa thãi; tuy nhiên, nó cũng đã mở cửa cho phép những người sống ngoài Hội thánh cũng được Chúa ban ơn cứu rỗi. Hơn thế nữa, thần học Trung cổ cũng xác tín rằng con người nhờ lý trí và lương tâm có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa và lựa chọn điều ngay lành.

 

Vào cuối thời Trung cổ, trong lãnh vực nghiên cứu các tôn giáo chúng ta thấy xuất hiện khuynh hướng “hài hòa” (concordisme), điển hình nơi hồng y Nicôla Cusa (1401-1461). Trong tác phẩm De pace fidei (1451), tác giả cho rằng các tôn giáo đều là hình bóng biểu tượng: cho dù khác biệt nhau nhưng tất cả đều diễn tả cùng một chân lý như nhau. Theo ông, các tôn giáo là phản ánh của một chân lý duy nhất là Thiên Chúa. Vì thế tất cả các tôn giáo trên thế giới đều có thể xếp ngang hàng với nhau. Ông ta ước mong tất cả các tôn giáo tìm thấy sự hài hòa dưới chân của Ngôi Lời nhập thể.

 

Đúng ra, thay vì kết thúc thời Trung cổ, Nicôla Cusa mở màn cho một thời mới bên Âu châu, mang danh là Phục hưng (tái sinh: Rinascimento, Renaissance), nghĩa là phục hồi lại văn chương cổ điển Hy-La. Các tác phẩm triết học và văn chương cổ điển, xưa nay vốn bị chôn vùi ở dưới những pho sách Kinh thánh, giáo phụ, nay được mang ra ánh sáng. Nhờ đó, người ta biết được các tín ngưỡng tiền Kitô giáo, cộng thêm với các ký thuật về tín ngưỡng bên Á châu mà các nhà thám hiểm và thương gia mang về. Sự hiểu biết về các tôn giáo hoàn cầu sớm muộn gì cũng đặt ra vấn đề tương quan với Kitô giáo. Bên cạnh những quan điểm cổ truyền về đạo Kitô như là chân giáo duy nhất, ông Êrasmô (k.1466-1536) đề ra một thuyết khác, tuy không hẳn là hoàn toàn mới lạ. Theo ông, tất cả các tôn giáo đều tốt bởi vì chúng đều đưa con người về với Thượng đế: Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, mang nhiều danh hiệu khác nhau: Jupiter, thần Thái dương, Apollo, Mosê, Kitô, v.v…. Các tôn giáo đều bình đẳng với nhau, bởi vì đều chứa đựng một căn bản chung. Trong tác phẩm “Đàm thoại tôn giáo” (Colloquia, seu Convivium religiosum), ông ta đã phong thánh cho triết gia Socrate, hôn kính các tác phẩm của văn hào Cicêrô, các thi sĩ Virgiliô, Hômêro., bởi vì ông cho rằng tất cả các tác phẩm bất hủ của nhân loại đều được Chúa linh ứng.

 

Có lẽ thái độ quá cởi mở của ông Erasmô và của nhóm nhân bản đã gây ra phản ứng đối nghịch của ông Lutêrô. Ông Erasmô càng đề cao giá trị của tự do con người (De libero arbitrio), thì ông Lutêrô càng hạ thấp tự do của con người (De servo arbitrio). Ý chí của con người đã mất tự do, nó không có sức để kháng cự tội lỗi và làm điều lành. Do đó, con người tự sức mình không thể nào đạt tới sự cứu rỗi cả. Con người chỉ có thể được cứu rỗi nhờ đức tin, đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa ban cho nhờ thập giá của đức Kitô.

 

Ông Lutêrô dựa học thuyết của mình trên giáo huấn của thánh Phaolô: con người được cứu rỗi nhờ hồng ân của Thiên Chúa chứ không phải nhờ công trạng của mình. Tuy nhiên, Lutêrô nhấn mạnh một chiều về hồng ân của Thiên Chúa đến nỗi không còn đếm xỉa gì đến sự cộng tác của con người. Dĩ nhiên, đây chỉ là một vấn đề thần học ở trong nội bộ của Hội thánh, nhưng nó cũng có ảnh hưởng tới các tôn giáo khác. Thực vậy, Lutêrô nhấn mạnh rằng con người chỉ được cứu rỗi nhờ đón nhận hồng ân của Thiên Chúa ban nơi đức Kitô. Vì vậy các việc lành, các cuộc phụng tự không có giá trị gì hết đối với việc cứu rỗi. Từ đó, các nhà thần học thuộc nhóm Luthêrô đã có thái độ phê phán nghiêm khắc đối với các tôn giáo: tất cả các tôn giáo đều bị kết án là tà đạo, bởi vì họ cố gắng tìm cách cứu rỗi bằng việc lành phúc đức, nhờ sự nỗ lực cố gắng của mình.

 

Phong trào cải cách Tin lành đã gây ra những thay đổi không nhỏ trong quan điểm thần học về các tôn giáo. Ngoài hậu quả do đạo lý cứu rỗi nhờ đức tin như vừa nói, trong những cuộc tranh luận giữa Công giáo và Tin lành, đôi lúc người ta có cảm tưởng là hai bên thuộc về hai tôn giáo khác nhau. Cuộc chiến tranh giữa Công giáo và Tin lành diễn ra tại Pháp và Đức được mệnh danh là “chiến tranh giữa các tôn giáo” (guerre des religions)! Sự xung đột về tư tưởng và binh bị trong nội bộ Kitô giáo đã giảm bớt sự chú ý đến các tôn giáo khác.

 

Một sự thay đổi nữa mà các nhà thần học Tin lành không ngờ là khi đề cao địa vị tối thượng của Kinh thánh và đức tin, họ đã đặt lương tâm con người đối diện với Thiên Chúa, chứ không qua trung gian của Hội thánh. Trong tương lai, nhiều luồng tư tưởng xuất phát từ Tin lành sẽ coi lương tâm như là yếu tố then chốt khi bàn về giá trị tôn giáo.

 

IV. THỜI CẬN ĐẠI (Tk 17-19)

 

Đây là thời đại mà Âu châu mở rộng giao lưu với các đại lục khác, cũng như thời của những cuộc cách mạnh tư tưởng, chính trị, tôn giáo xảy ra tại Âu châu.

 

A. Kỷ nguyên khám phá những lục địa mới

 

Từ thế kỷ 15, nhiều nhà thám hiểm và thương gia của Âu châu đã đặt chân lên Phi châu, Á châu, Mỹ châu. Các nhà truyền giáo cũng đi theo họ. Cuộc giao lưu này đã để lại nhiều dấu vết trong quan điểm thần học về các tôn giáo.

 

1. Ảnh hưởng trực tiếp hơn cả đối với giới trí thức Âu châu là họ nhận được rất nhiều thiên ký sự thuật lại nếp sống, phong tục và tín ngưỡng của nhiều sắc dân trên hoàn cầu. Ảnh hưởng gián tiếp đối với các nhà thần học là vấn đề phần rỗi của dân ngoại. Trước đây, người ta tưởng rằng Tin mừng đã vang tới tận cùng trái đất rồi; thánh Phaolô đã chẳng khẳng định như vậy trong thư gửi Rôma (10,18) đó sao? Vì thế ai mà không chịu trở lại đạo thì bị kết án là cứng lòng tin (infidelis, infidèles). Bây giờ mới bật ngửa rằng còn có bao nhiều vùng đất bao la chưa bao giờ được nghe giảng Tin mừng; như vậy thì đâu có thể buộc tội cho họ là cứng lòng tin (bội tín) được? Vấn đề ơn cứu rỗi của những người ở ngoài Hội thánh cần phải được xét lại. Có tác giả đồng hóa số phận các người ăn ngay ở lành trong các tôn giáo với các nhi đồng chết trước khi được rửa tội, nghĩa là họ sẽ xuống lâm bô, chỉ hưởng hạnh phúc tự nhiên chứ không được hưởng kiến nhan Chúa (xc. Billot). Có người trở lại với đạo lý cổ truyền về đức tin ám tàng (fides implicita) hoặc rửa tội theo lòng ao ước (baptismus in voto). Tuy nhiên, đó là nói đến phần rỗi của người ngoại xét như là cá thể chứ không xét như là phần tử của tôn giáo.

 

2. Một cách tích cực hơn, một số nhà thần học đã nghiên cứu các tôn giáo của Á châu và Mỹ châu (đặc biệt là các sách thánh của các tôn giáo), và họ đã nêu lên thắc mắc chung quanh nguồn gốc của các tôn giáo ấy cũng như tìm cách giải thích lý do của những điểm tương đồng với đạo lý Kitô giáo. Sau đây là một vài câu trả lời điển hình.

 

– Các tôn giáo bên Mỹ châu bắt nguồn từ mặc khải cho ông Môsê: Hugo Grotius (1583-1645), Philips van Montmoreney (1518-1568), Theophile Spilezius.

 

– Các tôn giáo bắt nguồn từ mặc khải Chúa ban cho loài người vào hồi tạo dựng (révélation primitive): chẳng hạn như cha Joseph Francois Lafitau sj (1685-1740), thừa sai bên Canada (Moeurs des sauvages ameriquains comparées aux moeurs des premiers temps, Paris 1724).

 

– Các tôn giáo Á châu đã thu hút sự lưu tâm đặc biệt của các học giả Âu châu. Các nhà thừa sai Dòng tên đã lo việc dịch thuật và giới thiệu các sách Veda của Ấn độ và các bộ kinh điển Trung hoa sang tiếng Latinh và tiếng Pháp. Dưới khía cạnh thần học, không thiếu tác giả đã cho rằng các sách đó cũng được linh ứng, và ví được như là hình bóng (figura) của mặc khải Kitô giáo[4] . Dựa trên giả thuyết đó, họ đối chiếu các tư tưởng của kinh điển Trung hoa với Kinh thánh Kitô giáo, hoặc đối chiếu giữa những tục lệ phụng tự của đôi bên, nhằm vạch ra những điểm tương đồng mà họ cho là hình bóng chuẩn bị cho mặc khải Kitô giáo.

 

Tuy nhiên, cũng cần thêm rằng nhóm học giả vừa nói chỉ là thiểu số. Nói chung các nhà thần học nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã ban cho nhân loại khả năng để nhận biết sự hiện hữu của Ngài. Mặt khác, các nhà truyền giáo cũng vạch ra nhiều điểm bất toàn nơi các tôn giáo khác, không những về tín lý mà cả về luân lý nữa. Vì thế không lạ gì mà thánh Phanxicô Xavie đã triệt hạ các tượng thần đình chùa, bởi vì coi đó là nơi thờ phượng bụt thần ma quỷ. Cần thêm rằng thái độ của Phanxicô Xavie là luật chung chứ không phải là ngoại lệ! Cuộc tranh luận về các lễ nghi cúng tế tổ tiên bên Trung Hoa không có ảnh hưởng gì đến đương lối truyền giáo trong thực hành.

 

B. Tôn giáo của lý trí

 

Quan điểm thần học về các tôn giáo không phải chỉ bị ảnh hưởng do những cuộc khám phá các lục địa Mỹ châu, Á châu và Phi châu cùng với các phong tục và tín ngưỡng của họ. Tại Âu châu, vai trò độc tôn của Kitô giáo đã bị suy giảm từ Phong trào phục hưng và cuộc cải cách Tin lành. Phong trào Phục hưng đã làm sống lại các nền triết học và văn hóa cổ thời của Hy lạp, cho thấy rằng lý trí của con người có khả năng khám phá ra chân, thiện mỹ, mà không cần dựa vào mặc khải Kinh thánh. Cuộc Cải cách Tin lành đã giải thoát lương tâm con người khỏi quyền bính của Giáo hội, dọn đường cho sự tách rời thế quyền khỏi giáo quyền. Có thể coi đó là như là tiền đề cho phong trào duy lý tại Âu châu vào những thế kỷ 17-19, với những hệ quả trong lãnh vực triết lý, tôn giáo và chính trị. Ở đây, chúng tôi không muốn đi vào khía cạnh chính trị, mà đặc trưng là chủ trương tách rời giữa chính quyền và thế quyền, tuy rằng trên thực tế hai bên không ngừng tìm cách chèn ép nhau.

 

Xét về mặt triết lý và tôn giáo, chúng ta thấy một tiêu chuẩn mới được đề ra để đánh giá các tôn giáo. Trước đây, Kitô giáo được coi là chính đạo; dựa theo quy chuẩn đó, các tôn giáo khác sẽ được phê phán là đúng hay sai. Sang đến thời duy lý, tiêu chuẩn để đánh giá các tôn giáo sẽ là chúng có hợp với lý trí hay không. Dần dần, người ta sẽ gán cho lý trí vai trò sáng tạo ra tôn giáo. Thiết tưởng cũng cần thêm rằng đây không phải là sản phẩm của những đầu óc ngông cuồng đâu. Lắm lần, những học thuyết này ra đời nhằm bảo đảm một chế độ hòa đồng tôn giáo, chống lại những cuộc chiến tranh tôn giáo gây ra cảnh huynh đệ tương tàn!

 

Bên Anh quốc, Lord Edward Herbert of Cherbury (1581-1648) đã mở đầu cho tôn giáo tự nhiên với bản tuyên ngôn năm 1624 (De Veritate). Theo ông, bẩm tính con người đã mang theo 5 chân lý căn bản sau đây:

 

* Sự hiện hữu của Thiên Chúa.

* Sự cần thiết phải tôn thờ Thiên Chúa.

* Việc tôn thờ Thiên Chúa chân chính hệ tại đời sống liêm chính đạo đức.

* Sau khi đã phạm lỗi cần phải sám hối.

* Có sự thưởng phạt đời sau.

 

Đó là các chân lý căn bản gặp thấy trong hết mọi tôn giáo; đó là các chân lý cốt yếu, còn các tín điều khác chỉ là phụ thuộc.

 

Theo đường hướng đó, các triết gia Thomas Hobbes, John Locke, David Hume bên Anh; Francois Voltaire, Jean Jacques Rousseau bên Pháp sẽ nghĩ tới việc sáng chế ra một tôn giáo tự nhiên, hợp với lý trí. Tôn giáo đó không có tín điều, không có mặc khải, mà chỉ có những quy tắc luân lý sơ đẳng về việc làm lành lánh dữ. Đó là tôn giáo của con người vào lúc khởi thủy, hợp với thiên nhiên. Các thứ mặc khải là do con người đã thêm vào sau.

 

Sang tới Đức, Christian Wolff (1679-1754), Gotthold Lessing (1729-81) giao cho lý trí vai trò phê phán đạo nào đúng đạo nào sai. Theo Emmanuel Kant (1724-1804), lý trí không thể nào chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn chỉ là những thỉnh đề của luật luân lý. Như vậy là Kant đã đảo lộn thứ tự của mối liên hệ giữa Thiên Chúa với luân lý. Trước đây, người ta cho rằng Thiên Chúa ấn định luật luân lý; bây giờ thì phải nói là luật luân lý giả thiết cần có Thiên Chúa. Nói cách khác, luân lý sinh ra tôn giáo chứ không phải tôn giáo sinh ra luân lý.

 

Từ Kant trở đi, Thiên Chúa không còn nằm trong tầm nghiên cứu của lý trí nữa. Vấn đề tôn giáo được chuyển sang lãnh vực tâm linh hay siêu hình, như ta thấy nơi các triết gia Lessing, Schleiermacher, Hegel. Nguy cơ là Thiên Chúa sẽ chỉ còn là một ý niệm trừu tượng, do con người sáng tạo theo sự tiến hóa của tư tưởng.

 

Đối với thần học Kitô giáo, chủ trương của phái duy lý mang lại nguy cơ là hạ giá toànthể các chân lý mặc khải: hoặc chúng bị coi là vô giá trị bởi vì không thể dùng lý trí để chứng minh; hoặc chúng bị coi như sản phẩm của tiến hóa lịch sử. Vì thế không lạ gì mà các nỗ lực hộ giáo đã phải dồn vào để đối phó với thuyết duy lý, chống lại với một thứ tôn giáo tự nhiên. Việc suy tư về các tôn giáo lịch sử đã bị lãng quên. Thần học về các tôn giáo ra như bị thu gọn vào vấn đề tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa mặc khải và tự nhiên. Đó là chưa nói tới sự khác biệt quan điểm giữa Công giáo và Tin lành về việc truyền giáo và ơn cứu rỗi!

 

Mặt khác, khi nói đến việc nghiên cứu các tôn giáo trên hoàn cầu vào giai đoạn này, thiết tưởng không nên bỏ qua việc nghiên cứu chính Kitô giáo. Bên cạnh các phương pháp thuần lý cổ điển, người ta bắt đầu du nhập các phương pháp phê bình các bản văn Kinh thánh, lịch sử Giáo hội. Việc áp dụng phương pháp sử học cận đại giúp cho các tín hữu hiểu rõ hơn về tôn giáo của mình. Đúng ra những kết quả chỉ thấy được ở thế kỷ 20.

 

V. SỰ XUẤT HIỆN CỦA CÁC KHOA HỌC VỀ TÔN GIÁO (Tk. 20)

 

Khi giao tiếp với người khác, thái độ của ta tùy thuộc khá nhiều về sự hiểu biết về người đó: đành rằng đã “vô tri” thì tất nhiên cũng “bất mộ”; thêm vào đó lại còn biết bao nhiêu thành kiến tăng thêm khó khăn cho việc tiếp xúc! Nhận xét này không những chỉ áp dụng cho những mối quan hệ giữa cá nhân với nhau mà cả giữa các cộng đoàn nữa. Như đã có lần lưu ý, rất ít khi các tín đồ chịu khó tìm hiểu đạo lý của một tôn giáo khác: bởi vì hoặc là họ nghĩa rằng đạo nào cũng tốt như nhau, hoặc là tại họ nghĩ rằng chỉ có đạo của mình là đúng còn các đạo khác là sai hết. Tiếc rằng trong lịch sử, các nhà thần học không thoát ra khỏi định luật đó: họ không bận tâm đến việc tìm hiểu các tôn giáo khác bởi vì họ thâm tín rằng mình đã nắm chắc chính đạo rồi. Việc nghiên cứu các tôn giáo khác sẽ đưa đến nguy cơ lung lạc đức tin là đàng khác!

 

Lịch sử của quan điểm Kitô giáo đối với các tôn giáo có nhiều tiếntriển. Chúng ta cùng đề cập đến sự tiến triển của các bộ môn nghiên cứu tôn giáo trong hai thế kỷ 19 và 20, thời đại chúng ta đang sống.

 

Xưa nay, tôn giáo vốn là một lãnh vực chuyên môn của các nhà thần học và triết học. Với sự tiến triển của các khoa học thực nghiệm và nhân văn, tôn giáo đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các khoa sử học, nhân chủng, xã hội, tâm lý, ngữ học,v.v…. Sự hiểu biết về tôn giáo trở nên rộng rãi hơn. Nhưng mặt trái của huy chương là việc nghiên cứu tôn giáo trở thành mênh mông khôn cùng, khiến cho kiến thức của ta về các tôn giáo càng ngày càng bị thu hẹp lại: không ai dám tự hào là đầu óc của mình đã chứa được bộ bách khoa từ điển về tôn giáo!

 

Trong số các bộ môn khoa học cố cựu nhất để nghiên cứu các tôn giáo, chắc hẳn khoa lịch sử các tôn giáo phải được xếp hàng đầu. Dù vậy, trong những thế kỷ gần đây, khoa này đã canh tân rất nhiều về phương pháp. Viết lịch sử của một tôn giáo không phải chỉ là thu thập hết tất cả truyền kỳ về tôn giáo đó, nhưng còn phải phân tích và phê bình tín lực của các nguồn sử liệu nữa. Chúng ta có thể thấy một thí dụ ngay trong việc nghiên cứu lịch sử Kitô giáo. Người ta cố gắng truy tầm các nguồn tư liệu nguyên thủy, phân biệt các tài liệu đương thời ra khỏi các lưu truyền sau đó, tìm hiểu xem chính sự kiện đã diễn ra như thế nào và đã được giải thích ra sao. Trong khía cạnh này, chắc chắn là việc nghiên cứu lịch sử Kitô giáo tiến xa hơn các tôn giáo khác.

 

Ngoài phương pháp sử học, người ta còn áp dụng phương pháp của các khoa học thực nghiệm khác để nghiên cứu các tôn giáo. Tiếc rằng các nhà tiên phong của các bộ môn này đã sử dụng phương pháp thực nghiệm để củng cố cho những thiên kiến của mình, hơn là chăm chú theo dõi các sự kiện. Phải chờ đợi một thời gian lâu dài, các học giả mới xác định được giới hạn của các phương pháp nghiên cứu.

 

A. Có thể coi ông Auguste Comte (1798-1857) như là cha đẻ của các khoa học thực nghiệm. Nhà khoa học thực nghiệm chỉ quan sát các hiện tượng khách quan, và cố gắng giải thích các hiện tượng theo những định luật có thể kiểm chứng được, chứ không dựa theo các nguyên tắc siêu hình hay các xác tín chủ quan. Đó là thái độ căn bản của nhà khoa học thực nghiệm vẫn còn được tuân giữ cho đến nay. Tuy nhiên, ông Auguste Comte cũng đóng vai trò triết gia khi ông phát biểu lịch sử tiến hóa của nhân loại, được phân thành ba kỷ nguyên (Système de politique positive ou Traité de sociologie instituant la religion de l’humanité, 4 voll. Paris 1851-1854). Kỷ nguyên thứ nhất được gọi là “thần học”, khi con người tìm cách giải thích các hiện tượng thiên nhiên nhờ sự can thiệp của các thần linh. Tiếp theo là kỷ nguyên “siêu hình”, khi con người giải thích các hiện tượng bằng những ý niệm siêu hình. Kỷ nguyên “thực nghiệm” sẽ cố gắng giải thích bằng các định luật thực nghiệm. Nói cách khác, tôn giáo ra đời vào giai đoạn con người còn u mê ấu trĩ, và cần phải lùi bước nhường chỗ cho khoa học. Khoa học sẽ là tín ngưỡng tương lai của con người.

 

B. Một cách vô tình hay hữu ý, các nhà tiên phong của khoa học thực nghiệm đều muốn đối chọi giữa tôn giáo và khoa học: một bên là ấu trĩ, chủ quan; bên kia là khách quan và tiến bộ. Và họ đã sử dụng các quan sát thực nghiệm để chứng minh cho luận đề ấy. Khởi đầu là khoa nhân chủng học (Anthropologie). Người ta muốn đi ngược lại lịch sử, tìm về nguồn gốc của loài người. Dưới khía cạnh hình thể, loài người là đỉnh cao của một cuộc tiến hóa từ động vật. Dưới khía cạnh tinh thần, Thượng Đế cũng chỉ là sản phẩm của các cảm xúc con người. Các ông John Lubbock (1834-1913), Edward Burnett Taylor (1832-1903), Herbert Spencer (1820-1903) tuy đã đưa ra những giả thuyết khác nhau về nguồn gốc tôn giáo, nhưng tựu trung đều đồng ý rằng lúc khai nguyên, con người không có tín ngưỡng tôn giáo. Dần dần, vì khiếp sợ các hiện tượng thiên nhiên hay thây ma, nên họ đã phong thần cho chúng. Với đà tiến hóa của tư tưởng, những vị thần này trở thành Thượng Đế ở nơi các chủng tộc có nền văn minh cao. Để chứng minh cho định đề, các học giả đi khảo sát các bộ lạc sơ khai, được đồng hóa với thủy tổ của nhân loại.

 

Thế nhưng, vào đầu thế kỷ 20, Andrew Lang (1844-1912) và nhất là Wilhelm Schmidt (1868-1954) cũng đi nghiên cứu các bộ tộc sơ khai, và nhận thấy rằng những người này cũng có một ý niệm về Thượng Đế. Vì thế định đề được lật ngược lại: một dân tộc càng sơ khai bao nhiêu thì càng có ý niệm tinh tuyền về Thượng đế bấy nhiêu; bộ tộc nào càng tiến bộ về văn minh thì càng thoái hóa về ý niệm Thượng Đế.

Cần phải chờ nhiều thời gian và giấy mực bút chiến thì các học giả mới nhận thấy các khuyết điểm trong cả hai khuynh hướng đối lập. Cả hai đều mang nặng thành kiến là các bộ tộc sơ khai tượng trưng cho thủy tổ của nhân loại. Nhưng trên thực tế, sánh với thời buổi nguyên sơ (xuất hiện trên địa cầu hàng triệu năm nay rồi), các bộ tộc sơ khai hiện nay cũng đã tiến hóa nhiều rồi. Vì thế đâu có thể lấy đó làm cơ sở quan sát và lý luận được!

 

C. Một cách tương tự như vậy, các người tiên phong của xã hội học cũng mang khá nhiều thiên kiến đối với tôn giáo. Chẳng hạn như ông Emile Durkheim (1858-1917) giải thích nguồn gốc và đối tượng của tôn giáo là xã hội. Theo ông, tôn giáo của con người sơ khai là đạo thờ vật tổ (totem); nhưng xét cho kỹ, vật tổ chẳng qua chỉ là biểu tượng của bộ tộc mà thôi. Vì thế mà kết luận được rằng xã hội đã sinh ra tôn giáo, và các thần linh chẳng qua cũng chỉ là biểu tượng của xã hội. Đó là chưa nói tới lý thuyết của Karl Marx về tôn giáo! Còn đối với những người khai sáng khoa tâm lý học, ra như mọi nỗ lực đều nhằm chứng minh rằng tôn giáo là một tâm tình bệnh họan; con người trưởng thành và quân bình cần phải khai trừ tôn giáo. Thí dụ các ông J.M. Charcot và P. Janet đối chiếu tâm lý của các nhà thần bí và tâm lý của các người điên, để nêu bật những hiện tượng tương đồng; từ đó họ đi tới kết luận: các nhà thần bí là những người mắc bệnh tâm thần! Ông Sigmund Freud (cha đẻ của khoa phân tâm học), cũng đi tới kết luận tương tự: tôn giáo được giải thích như là hiện tượng lọan thần kinh, phóng dọi, ảo ảnh, v.v….

 

Những học thuyết vừa nói đã khiến cho các nhà thần học đâm ra ngờ vực các khoa học nhân văn. Ai mà đâm đầu vào những ngành này thì sớm muộn gì cũng mất đức tin! Phản ứng tương tự như vậy cũng đã xảy ra cho những người áp dụng phương pháp sử học và phê bình văn chương vào việc nghiên cứu Kinh thánh. Dần dần người ta mới nhận thấy rằng cần phải phân biệt các ý thức hệ (hay thiên kiến) ra khỏi các phương pháp thực nghiệm. Mặt khác, các khoa học thực nghiệm không thể giải thích được hết tất cả các hiện tượng. Đặc biệt là trong khoa học nhân văn, người quan sát không tài nào vô tư trước một sự kiện được! Khi quan sát thiên nhiên hay là các hiện tượng vật lý trong phòng thí nghiệm, người nghiên cứu không thấy cảm xúc! Nhưng khi quan sát một hiện tượng nhân sinh (nghèo đói, chiến tranh), người quan sát thế nào cũng bày tỏ thiện cảm hay ác cảm, chứ khó mà trơ trơ lạnh lùng! Đến khi quan sát một hiện tượng tôn giáo, thái độ vô tư khách quan hầu như không thể có. Nếu một tín đồ công giáo nghiên cứu tôn giáo của mình, thì ắt là sẽ bị nghi ngờ là chủ quan, thiếu vô tư. Nhưng thử hỏi, nếu người ngoài công giáo muốn nghiên cứu đạo công giáo thì sẽ vô tư hơn hay là sẽ rơi vào cảnh dốt đặt? Ta có thể so sánh với việc phê bình âm nhạc thì sẽ rõ: có thể nói rằng người dốt nhạc (và người điếc) sẽ vô tư khách quan hơn là các nhạc sĩ hay không?

 

Một khi đã nhận ra giới hạn của các phương pháp khác nhau, người ta mới thấy cần có sự hợp tác và bổ túc giữa các bộ môn khác nhau trong việc nghiên cứu tôn giáo. Có cấp độ thu thập và phê bình các dữ kiện. Có cấp độ giải thích các sự kiện. Có cấp độ tìm hiểu ý nghĩa không những của từng sự kiện lẻ loi mà còn của tổng bộ các sự kiện. Các phương pháp này đã được áp dụng trong việc nghiên cứu Kitô giáo. Người ta hy vọng rằng các tôn giáo khác cũng dám du nhập các phương pháp đó. Sau cùng, nhờ sự hiểu biết lẫn nhau, mà sự đối thoại giữa các tôn giáo sẽ tiến triển, giúp cho nhân loại thăng tiến đến lý tưởng Chân Thiện Mỹ, trong Công lý và Hòa bình.

 
(Hòa Bình, OP, catechesis.net)

 

 

Thư tịch

H. PINARD DE LA BOULLAYE, L’étude comparée des religions, 2 vol, Beauchesne, Paris 1922-23.

P.DAMBORIENA, La salvación en las religiones no cristianas, BAC, Madrid, 1973.

J.RIES, Les chretiéns parmi les religions, Desclée Paris 1987.

M. MESLIN, Per una scienza delle religioni, Cittadella Assisi 1972.

 


[1] Paganismus: nguyên gốc bởi “pagus” (làng mạc, xa thành thị): các tôn giáo khác bị dồn về các nơi thôn quê.

[2] Vài thí dụ: thánh Patrixiô truyền giáo bên Ailen (425/428), thánh Rêmi rửa tội cho vua Clovis (496), thánh Augustinô được Đức thánh cha Grêgoriô Cảcử đi Cantebury bên Anh (590),thánh Cirillô và Mêtôđiô giảng Tin mừng cho người Slave (863).

[3] Nói cho đúng, sự bành trướng của Hồi giáo diễn ra sau khi ông Mohamét qua đời. Giêrusalem bị chiếm đóng năm 637, Siria 638, Batư 637-651, Ai cập 641, Bắc Phi 689, miền nam Tây ban nha 711.

[4] Vài tác giả điển hình. Philippe Couplet, Confucius, Sinarum Philosophus, Paris 1687. Le Comte, Nouveaux memoires de Chine, Paris 1696. Joseph Prémare, Selecta quaedam vestigia praecipuorum religionis christianae dogmatum ẽ antiquis Sinarum libris eruta