“Đại gia” theo nhãn quan Tin Mừng

Thứ Bảy tuần IX
Mc 12,38-44
Ngày nay, người ta hay nhắc đến các “đại gia”, họ là những người giàu có. Điều kiện như thế nào để trở thành đại gia? Tùy hoàn cảnh, địa vị, mỗi thời có một tiêu chuẩn khác nhau. Với nhãn quan Tin mừng, “đại gia” dựa vào lòng quảng đại. Lòng quảng đại trong Kinh thánh có nhiều vô kể. Chúng ta chỉ dọi chiếu vào một vài hình ảnh cụ thể để tìm hiểu họ đã trở thành “đại gia” như thế nào, và chúng ta có thể trở thành đại gia không?Bà góa nghèo đã trở thành “đại gia” với “hai đồng tiền kẽm trị giá bằng ¼ đồng bạc Rôma” (Mc 12,42), tương đương ¼ ngày công. Mức lương lao động bình dân ở Việt nam khoảng 150.000 đồng; hai đồng tiền kẽm, trị giá khoảng 37.000 đồng. Số tiền này đủ một người nơi thành thị ăn sáng, hoặc uống nước một lần với mức bình dân. Với bà góa nghèo, bằng ấy đủ nuôi sống ba ngày với cơm rau mắm. Số tiền tuy ít ỏi nhưng đối với bà góa nghèo không còn lao động được thì rất quan trọng “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12,44). Đó là hy vọng, là gia tài của bà, nhưng bà đã quảng đại dâng hiến tất cả. Đức Giê-su đã thấu lòng bà “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43).

Trao hiến tất cả, em bé trong Tin mừng Gio-an cũng đã quảng đại dâng hiến hết những gì mình có “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá …!” (Ga 6,9). Khẩu phần cha mẹ chuẩn bị đủ cho em ăn một ngày, nhưng em đã không khư khư giữ cho riêng mình. Đoàn người đi theo Đức Giê-su rất đông, tính đàn ông đã hơn năm ngàn người, nhưng có ai dám  cho đi điều mình đang có, xu hướng vị ngã, người ta muốn nhận hơn cho. Em bé nhỏ đã trở thành “đại gia tý hon” về sự quảng đại. Qua tấm lòng rộng mở của em Chúa đã chúc lành cho nhiều người no thỏa.

Liên hệ tới lòng quảng đại của chúng ta hôm nay, nơi các xứ đạo có nhiều người vẫn âm thầm dâng hiến trao chia cách âm thầm “tay phải không cho tay trái thấy việc mình làm”, nhưng nhiều nơi lòng quảng đại trở nên khan hiếm. Mọi việc chung đều toan tính theo trị giá tiền bạc, có kẻ không đóng góp lại con bòn rút, lạm dụng của công, cảm thức xây dựng nhà Chúa đang mất dần, sự tự nguyện trở nên ít ỏi. Nếu Đức Giê-su ngồi nhìn và nói ra việc làm của người hôm nay, sẽ diễn thế nào nhi! Quan sát người lắc giỏ trong thánh lễ hay việc bỏ tiền vào hòm công đức, dầu nến các việc phụng sự, rất ít người quan tâm, nếu có thì “đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó”. Ai đếm tiền công đức sẽ thấy, phần lớn là tiền lẻ, tiền rách, có khi là tiền giả không tiêu được, cộng với đủ thứ mùi hôi tanh cá mắm…thi thoảng có đồng tiền sạch thì khi bỏ tiền người ta thanh rộng đồng tiền, đưa cao tay bỏ để mọi người nhìn thấy. Đức Giê-su sẽ nói về họ như thế nào? “Anh em phải coi chừng…” (Mc 12,38).

Có người không bao giờ tự nguyện đóng góp, xây dựng việc chung, cho đó là trách nhiệm của Giáo hội, mà quên mất mình là thành phần, là chi thể trong Giáo hội, ngược lại một số tôn giáo coi việc xây dựng những việc công ích, truyền giáo là trách nhiệm, là bổn, ý thức tự nguyện trích 10-20% thu nhập để đóng góp. Truyền thống tốt đẹp nhiều giáo xứ đạo vẫn duy trì, phát triển tinh thần quang đại, không dừng lại ở phong trào bề ngoài, mà rất thực tiễn quan tâm ý thức trách nhiệm với mọi sinh hoạt chung, cũng như trong các công việc dấn thân phục vụ, tinh thần tương thân tương trợ nâng đỡ chia sẻ giữa các hội đoàn, khu xóm, gia đình, đặc biệt nhưng người thiếu may mắn tìm được nguồn an ủi khích lệ.

Một số hình ảnh rất đẹp, nơi một số giáo xứ thói quen các cha mẹ tập cho con ý thức sống lòng quảng đại ngay từ nhỏ. Đưa quà cho con biếu người ăn xin, trao tiền cho con bỏ vào thùng công đức, các em chập chững bước đi, vui vẻ hồn nhiên  làm theo hướng dẫn của cha mẹ. Với tinh thần quảng đại và ý thức trách nhiệm được huấn luyện ngay từ nhỏ, chắc chắn các em sẻ trở thành những “đại gia” của tinh thần Tin mừng.

 
Tác giả bài viết: Laurenso Đặng