Ngay từ tấm bé, ta đã được dạy cho bài học về lòng biết ơn. Nhận thấy và bày tỏ lòng biết ơn dành cho người khác là một thái độ cần có và rất đáng trân trọng. Một đứa trẻ không biết nói lời cảm ơn là một đứa trẻ chưa được giáo dục tốt. Lời cám ơn có một tầm quan trọng đặc biệt bởi vì nó biểu lộ cho người khác biết nhiều điều. Nó cho thấy ta là một con người trọng tình nghĩa, rằng ta nhận thấy mình đã thụ ơn người khác và lời cảm ơn là tất cả những tâm tình đơn sơ mà ta muốn diễn tả, rằng ta biết mình thuộc về một cộng đồng những con người có mối liên hệ với nhau. Khi nói lời cám ơn, ta cũng cảm thấy lòng mình mềm ra, thấy bầu khí chung quanh thật ấm áp, chan hòa. Người không có thái độ biết ơn là người tự cho mình là đủ. Người ấy tuyên bố với người khác là ḿnh chẳng cần ai. Người ấy tự tách mình ra khỏi mọi người và mọi loài, rồi đưa mình lên cao. Thái độ này chính là ngọn nguồn của mọi bất an trong cuộc sống.
Thái độ biết ơn cho ta một niềm vui vì nó tạo cho ta cảm giác như thể mình đang nhận được một món quà. Ta phải biết ơn là vì những gì ta đang có, ta đều lãnh nhận được. Không có điều gì mà ta tự làm ra cho mình, chẳng cần đến ai, chẳng cần ai giúp, không có ai ban cho. Ngay cả sự sống mà ta đang thụ hưởng cũng là một món quà mà Tạo Hóa gửi tặng cho ta qua cha mẹ. Ta hoàn toàn không ý thức gì về mình cho đến khi ta thấy nó đã “có đây rồi”. Thân xác này, khối óc này, bàn tay này… tất cả đều là quà tặng. Thành tâm mà nói, sống giữa cuộc đời này, ta đích thực là một “con nợ”. Ta nợ rất nhiều người và cũng nợ rất nhiều thứ. Nếu ta có thể tự làm ra được điều gì đấy, thì cũng chỉ là sáng tạo lắp ráp những cái đã có sẵn, chứ có phải làm ra nó từ hư vô đâu. Một thái độ biết ơn sẽ giúp ta không rơi vào sự tự phụ, nhưng giúp ta hòa điệu với mọi loài và cho ta niềm hứng khởi cũng như niềm tin để có thể vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống.
Ta biết ơn Tạo Hóa vì Tạo Hóa là chủ tể của cuộc đời ta. Chính Tạo Hóa đã cho ta hiện hữu, đã tặng ban sự sống cho ta, và đến bây giờ, Tạo Hóa vẫn tiếp tục ngự trị trong ta và làm cho ta được sống. Tạo Hóa còn khôn khéo an bài cho cuộc sống của ta bằng bao điều tuyệt diệu khác. Khung trời xanh cho ta cảm giác thanh cao, vầng dương trao tặng ta ánh sáng, vầng nguyệt ru dịu cảm giác êm, cơn mưa gợi lên bao cảm xúc, sông suối, núi đồi như trang điểm hành trình của ta. Đặc biệt hơn, Tạo Hóa đã không đặt ta cô đơn một mình giữa dòng đời. Ngài cho ta chào đời trong và nơi một gia đình ấm áp. Tạo Hóa còn bồi đắp cho cuộc sống của ta bằng biết bao tương quan khác: bạn bè, đồng nghiệp, người yêu… Ta hệt như con cá, còn Tạo Hóa là đại dương mênh mông đang bao phủ mình. Con cá chẳng thể nào tự mình ra khỏi đại dương. Con cá sống là sống trong đại dương. Dù nó có ý thức được điều đó hay không, việc đại dương bao phủ và giúp cho con cá được sống là một sự thật không thể chối cãi. Từng dòng khí trong người ta chuyển vận, từng cơ phận trên người ta thực thi chức năng, ấy đều là nhờ tài trí khôn ngoan của Tạo Hóa. Bởi thế, chẳng khi nào ta có thể ngừng cảm ơn Tạo Hóa cho được. Một tâm tình tạ ơn Tạo Hóa sẽ mang đến cho ta một niềm an vui khôn tả, vì hơn ai hết, ta cảm thấy mình được Người yêu thương quá chừng.
Ta được sinh ra là một con người nằm trong dòng chảy của lịch sử, chịu sự chi phối của không gian và thời gian. Ta có một quê hương là đại gia đình của ta. Tính cách, giọng nói, ngôn ngữ, lối hành xử ta có… chính là gia sản quê hương để lại cho mình. Quê hương của ta có thể không trù phú nổi tiếng, nhưng đó là nơi ta chôn nhau cắt rốn, nơi thấm đẫm vào trong ta những ký ức hồn nhiên và trong sáng, nơi ta cảm thấy mình thuộc về. Ta biết ơn quê hương vì chính nơi đây mà ta được hiện diện trong trời đất. Ta là người con của xứ sở này, là thành tựu và là tinh hoa của vùng đất này.
Rồi nơi quê hương, ta có một gia đình vô cùng yêu dấu. Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng nhất trên đời, vì từng thành viên thấy mình thuộc về nhau bằng một mối dây nối kết kỳ lạ, không sao chia cắt được. Dù có xa cách nhau, hay có nhiều điều khác biệt nhau, ta vẫn không thể nào thay đổi được một sự thật là mình có mối quan hệ ruột thịt với những con người nơi ấy. Ta có thay máu, lột da hay tẩy não cũng không thể làm cho mình trở nên một người khác hay tách mình ra khỏi mối liên hệ gia đình. Ngoài công ơn sinh thành, ta nợ cha mẹ những hy sinh để ta có được miếng cơm manh áo. Ta nợ họ những bài học làm người sơ khai. Ta nợ họ vì những vết chai sạn trên khuôn mặt, những tiếng ho khan mỗi trời tối, những giọt mồ hôi rớt trên ruộng đồng. Ta nợ họ những giọt nước mắt vì lo cho ta, nợ những đòn roi vì mong muốn ta nên người. Ta cũng nợ anh chị em vì những ấm nồng và bao kỷ niệm thời thơ ấy. Nợ anh sự che chở, nợ chị lời bảo ban, nợ em tình thương mến. Ta nợ ông bà, nợ họ hàng, vì họ cho ta một cảm giác mình được nâng đỡ. Ta nợ thầy cô từng con chữ. Ta nợ bạn bè những tiếng cười…
Đặt mình trong tất cả những mối tương quan, ta cảm thấy mình được lãnh nhận. Cái nợ mà ta có nơi đây không làm cho ta nặng nề khó thở bởi vì đó là cái nợ của ân tình. Nợ tiền nợ bạc thì kéo ta xuống một cấp độ thấp hơn, biến ta trở thành nô lệ, còn nợ ân tình thì giúp cả chủ nợ và con nợ thăng hoa. Ta nợ nhưng ta không nghèo. Trái lại, ta cảm thấy mình càng ngày càng giàu hơn, bởi dù có khi không có gì, ta vẫn thấy mình sao đầy đủ quá. Nhờ đó, ta sẽ lạc quan hơn, không trách đời sao bạc bẽo và phũ phàng, nhưng tạ ơn đời vì đã ban cho ta thật dồi dào và hào phóng. Người có thái độ biết ơn cũng giống như người nhìn vào chiếc cốc bị vơi đi chút nước thì bảo rằng: “Ồ may quá, vẫn còn nữa cốc”, khác với người vô ơn: “Trời ơi, chỉ còn nửa cốc à”. Chỉ là thái độ thôi, nhưng nó góp phần quyết định rất nhiều cho cuộc sống của ta, cho cung cách hành xử của ta với người khác. Có thể nói thế này, người có thái độ biết ơn là người luôn cảm thấy mình được ban cho thật nhiều, và họ luôn cảm thấy hạnh phúc; còn người vô ơn thì dù cho có cả thế giới, họ vẫn thấy mình sao bị đối xử bất công, rồi họ đâm ra phàn nàn và bất mãn.
Các bạn trẻ thân mến, bạn thuộc về dạng người nào?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ