Bước chân lữ hành

Thiên Chúa tạo dựng con người vì tình yêu nhưng không, Ngài đặt vào tâm khảm họ nỗi niềm khát khao tìm về nguồn chân, thiện, mỹ nên cuộc đời con người là một biến cố xuất hành. Con người lữ hành là lữ hành trong ơn nghĩa tròn đầy, như lời thánh Augustinô nói: Lạy Chúa, Chúa tạo dựng nên con, và lòng con khắc khoải cho đến khi được an nghỉ bên Chúa. Như vậy, con người luôn sống trong tình trạng lữ hành, một cuộc lữ hành không ngừng để tìm về nguồn cội của mình. Thiên Chúa của người Kitô hữu là Thiên Chúa của cuộc Xuất hành, Ngài luôn ở phía trước, luôn mới mẻ trong mọi giai đoạn, mọi thời kì.
 
Ngược dòng lịch sử cứu độ ta thấy, khi nguyên tổ bẻ gãy tình hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật. Đó cũng là lúc con người bắt đầu lên đường, trở thành di dân. Tuy nhiên, con người không thoát khỏi tầm nhìn của Thiên Chúa. Ngài vẫn quan phòng, yêu thương chăm sóc họ. Ngài còn hứa ban Người Con Một làm bạn đồng hành với họ trên bước đường di dân.
 
Ápraham được Thiên Chúa kêu mời lên đường đến một miền đất lạ. Ông chấp nhận trở thành di dân, ra đi trong tin yêu và phó thác vào Thiên Chúa. Kết quả cuộc di dân ấy là hoa trái: một vùng đất làm sản nghiệp; một dòng dõi hùng cường; một lời chúc phúc.
 
Dân Ítraen, vì phản bội giao ước với Thiên Chúa nên cũng đã thành một dân tộc di dân trong suốt hành trình dài. Song, dân tộc ấy vẫn đón nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn đồng hành với họ, Ngài đã đưa họ vào vùng đất tràn trề sữa và mật.
 
Chính Đức Giêsu, Đấng mà thiên hạ ước ao lâu đời cũng đã phải lên đường, Ngài hòa mình vào dòng chảy di dân ngay khi mới lọt lòng mẹ. Sự xuất hiện của Ngài là nguyên cớ cho nhiều người vấp phạm nên họ đã tìm cách thủ tiêu Ngài. Họ không muốn Ngài hiện diện trong cuộc sống. Từ đó chúng ta thấy, ngay cả Thiên Chúa mà họ cũng chẳng tha. Thế nhưng, vì yêu thương, Ngài chấp nhận trở thành di dân, chấp nhận mọi khổ đau, thậm chí là hy sinh cả mạng sống để cứu con người, những di dân thứ thiệt trên đường lữ hành trở về nguồn cội.
 
Không dừng lại ở đó, Giáo hội sơ khai cũng lên đường. Giáo hội lữ hành, thành di dân trong những cuộc bách hại đạo gắt gao. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong từng biến cố, từng giai đoạn hầu có thể làm cho Giáo hội ngày càng vững mạnh.
 
Ngày nay, Giáo hội – dân Thiên Chúa vẫn đang lữ hành giữa một thế giới đầy biến động, phát triển không ngừng, nhất là ngành công nghệ thông tin. Đức Bênêđictô thứ XVI trong sứ điệp ngày thế giới di dân năm 2012 nói rằng, Giáo hội cần phải bước lên con tầu Tân Phúc âm hóa giữa đại dương mênh mông đầy sóng gió của nhân loại. Ngài mong muốn con cái mình hãy gia tăng các hoạt động truyền giáo ngay tại những nơi có truyền thống về đức tin, chứ không phải là tại những vùng miền lần đầu tiên đón nhận Tin mừng. Hơn nữa, Giáo hội phải tìm ra cách tiếp cận mục vụ cũng như các phương thế hữu hiệu để có thể lên đường và tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, thâm nhập Lời Chúa và thông truyền Lời cách sinh động hơn, đồng thời mở ra cho nhân loại một chân trời hy vọng và hòa bình.
 
Vì thế trong sứ điệp ngày quốc tế di dân và tị nạn 2015, Đức Phanxicô đã kêu mời chúng ta hãy nhớ đến cuộc lưu vong của Thánh gia bên đất Ai cập để thấy được Thiên Chúa luôn luôn đồng hành cùng với con người. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta tin vào tình yêu của Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn cùng vai sát cánh với mỗi người chúng ta trên bước đường hành hương về quê hương đích thực.Lam Ngã