Từ một câu chuyện …
Vào thời rất xa xưa, những con cá nhỏ và những con cá lớn bơi lội cùng nhau, bình thản và an bình trong biển rộng. Tất cả cùng ăn cùng một loại rong sinh sôi nẩy nở đầy dưới lòng biển. Những cây rong này rất nhiều, đủ để nuôi các loài cá sinh sống trong biển rộng.
Những con cá lớn nhất không cho rằng chúng tốt hơn những con cá nhỏ đang vui đùa bên cạnh.
Những con cá nhỏ thì hồn nhiên, vô tư bơi qua lại trước cái miệng mở rộng của những con cá lớn. Chúng còn đùa nghịch rồi thỏa thuê ăn những cọng rong còn dính vào bộ răng lởm chởm.
Tuy nhiên, một ngày nọ, một con cá lớn ngắm mình trong gương và suy nghĩ: ”Mình to lớn thật đấy ! Mình lớn hơn những con cá nhỏ đang vây quanh rất nhiều. Chẳng lẽ mình không hơn chúng? Chẳng lẽ mình không khác gì chúng? Có đúng không khi mình phải làm việc hơn những con cá bé nhỏ kia rất nhiều? Từ sáng tới chiều mình phải bơi hết từ đầu này tới đầu kia để tìm cho đủ số rong biển nhét vào cho đầy bụng. Trong khi những con cá nhỏ chỉ cần rỉa thức ăn ở răng mình cũng đã đủ no rồi”.
Ngay lúc ấy một tư tưởng chợt lóe lên trong đầu nó: Nếu mình ăn thịt những con cá nhỏ thì chỉ cần tớp một cái thôi mình cũng đã có đủ số lương thực mà có khi phải kiếm đến một giờ đồng hồ!”. Do vậy, nó chờ cho đám cá nhỏ đến gần, rồi há miệng ra và nuốt lấy chúng. Việc làm của con cá lớn này ngay lập tức được các con cá khác bắt chước. Cứ thế, cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt cá bé hơn.
Đứng trước tình hình này, những con cá nhỏ bàn với nhau để làm thành một đội quân, rồi đặt bẫy những con cá lớn và giết đi. Trong đại dương bao trùm một nỗi lo sợ lớn lao, chẳng con cá nào cảm thấy bình an, còn nước biển trở nên đỏ ngầu như máu. Những con cá khủng bố suốt ngày nằm im trong chỗ nấp.
Những con cá trẻ hỏi cha mẹ chúng: “Cuộc sống sao phải cứ như thế này?”
“Đúng” – cha mẹ của chúng trả lời – cuộc sống phải là như thế đó các con ạ. Các con hãy nghe này, đây là luật của biển cả: một là con ăn người khác, hoặc là người khác ăn con. Tóm lại là “tao ăn mày hoặc mày ăn tao”.
“Không, đây là luật của sự chết!” – những con cá trẻ kêu lên.
“Nhưng luôn là thế đấy. Đời là thế!” – các con cá trưởng thành kết luận.
Đột nhiên, mặt biển bỗng bị dao động dữ dội. Một con cá khổng lồ xuất hiện. Nó có cái miệng rộng hoác, hàm dưới to lớn với răng tua tủa. Trên lưng nó vọt lên một cột nước cao, giống như một đài phun nước. Trên trán của nó có một dấu hiệu hình ngôi sao bằng vàng, chiếu sáng trong làn nước đen tối. Con cá khổng lồ này muốn thiết lập lại trật tự trên biển cả.
“Thôi, chúng ta hết đời rồi!” – những con cá rên
Nhưng con cá khổng lồ bơi giữa đại dương, thật thanh thản và an hòa, miệng đớp đớp những cây rong biển. Những con cá khác quan sát nó với vẻ tò mò pha lẫn sợ hãi. Những con cá trẻ hơn lấy can đảm bơi lại gần. Thấy thế, những cá cha cá mẹ vội hét lên: “Chạy đi, chạy đi!”
Chẳng có gì xảy ra. Con cá khổng lồ không hề gây hại gì cho các con cá bé đang bơi lội chung quanh nó. Đàn cá tiếp tục ăn rong biển và thưởng thức lại vị ngon đã từng hưởng dùng trước đây.
Lúc này, cả những con cá lớn hơn cũng thắng vượt cơn sợ hãi, chúng bơi lảng vảng đến gần rồi cũng bắt đầu nhấm nháp những cọng rong biển. Dần dần, nỗi sợ hãi biến mất và hòa bình bắt đầu ngự trị. Chỉ có những con cá đầu đàn trước đây đã từng là các ông chủ của biển cả kéo nhau tụ lại một góc, chúng rù rì với nhau: ”Hắn ta to hơn chúng ta. Hắn có tầm ảnh hưởng lớn hơn chúng ta. Tất cả đều chạy theo hắn!”.
Chúng nói xong, đoạn đưa cặp mắt đầy ganh tị về phía các con cá khác đang bơi theo con cá khổng lồ. Nhưng giờ đây cơn giận dữ ấy chẳng làm ai sợ nữa.
… Đến luật cuộc sống
Câu chuyện lý giải về “luật của biển: Cá lớn nuốt cá bé”. Nhưng xem ra, trước khi có luật này, biển đã có một thứ luật nguyên sơ, đúng theo bản chất của biển.
Biển rộng mênh mông. Nên biển có khả năng mở ra để tiếp đón, ôm ấp mọi cư dân của biển. Biển hào phóng, nên sẵn sàng cung cấp dưỡng chất dồi dào nuôi sống từng cư dân. Biển hiền hòa. Nên các đợt sóng đập vào bờ để đem mọi tị hiềm ra xa. Biển như lòng mẹ: Tôn trọng, yêu thương tất cả, trao ban tất cả, tha thứ tất cả.
Luật “cá lớn nuốt cá bé” không phải là “Luật ban sơ của biển”, nhưng phát sinh từ ánh nhìn so đo, suy tính hơn thiệt của chính cư dân cá với nhau: ” Mình tốt hơn”, “Mình thông minh hơn, to hơn”, “Mình làm nhiều hơn”… Từ khi cất giọng so kè, tình huynh đệ biến mất, lòng tôn trọng mờ tan. Kể từ ẩy, biển cả trở thành chiến trường. Mỗi cá nhân chỉ nhìn thấy sự an nguy của mình. Nó thấy tha nhân là kẻ mang tên gọi “kẻ thù”, “người giành miếng ăn”, “kẻ đe dọa’.
Luật “cá lớn nuốt cá bé” trở thành phổ biến, thành chính luận, thành luật đến độ không ai còn động lòng trước hiện tượng “phải la” ấy. Cá lớn dửng dưng nuốt cá bé mà chẳng hề nghĩ đến nỗi đau của kẻ nhỏ. Cá bé tạo vây cánh, tự bảo vệ mình, chẳng còn thưởng thức được vị hạnh phúc. Rong rêu một thời được tìm đến, nay chẳng còn dịp để cống hiến, dâng trao.
Luật “cá lớn nuốt cá bé” sẽ nghiễm nhiên thống trị thế giới, thống trị lòng người và người ta ngủ quên trong luật đó. Cho đến một ngày, con cá khổng lồ xuất hiện, đánh thức sự thật, sự thiện có ở trong lòng đại dương, và những con cá trẻ là thành phần được thức tỉnh trước tiên.
Sự “khổng lồ” của con cá không hoàn toàn ở độ lớn bên ngoài, nhưng ở bên trong, ở niềm xác tín về chân lý, về giá trị lớn lao mà nó mang trong mình. Con cá khổng lồ muốn tái lập lại trật tự, tái lập hạnh phúc bình an cho thế giới. Con cá khổng lồ ấy là chính mỗi người thành tâm thiện ý, một con người yêu mến chân lý, thấy cái linh thánh nơi từng con người để mà kính trọng và yêu mến, thấy tha nhân là anh em, thấy mình là người anh của vũ trụ có nhiệm vụ bảo vệ và làm cho thế giới này trở nên tốt hơn, đẹp hơn.
Thế giới hôm nay cần những con người đột phá, những con người khổng lồ dám tin vào giá trị của sự thiện, của sự thật và của cái đẹp trong vũ trụ, trong lòng người. Tại sao thế?
Đó là bởi ngày hôm nay sự xấu, sự ác dường như lên ngôi. Tâm lý chung, ai cũng sợ phiền toái thiệt thòi, ai cũng thấy “thiên hạ say chẳng lẽ mình tỉnh”, hay như có lần Táo giao thông phát biểu: “Trong lúc mọi ngưồi đều đi trái đường, mình mà đi phải sẽ trở thành đi ngược chiều”, khiến chẳng ai muốn dấn thân, làm chút gì để thay đổi.
Đó là bỏi nền văn hóa “lướt, trượt’ đã đẩy con người vào thế “mọi sự phải có ngay lập tức”. Họ mất kiên nhẫn, không dám tin vào giá trị sự thiện mình đang làm. Người ta bỏ cuộc trước khi cây sự thiện, sự thật, cái đẹp được sinh hoa kết trái.
Đột phá. Kiên trì. Niềm tin. Niềm hy vọng những tâm thế cần thiết mà những “con cá khổng lồ” của thời đại chúng ta cần có để thay đổi “luật của biển”, để trả lại cho đại dương lòng tốt, sự bao dung, lòng quảng đại, tinh thần hòa bình và liên đới.
Sa Mạc Xanh