Người thời nay có cần nước hằng sống?

Cách đây hơn hai tuần, tôi gặp lại một tín đồ Phật giáo rất sùng đạo. Trước đây, cụ không có cảm tình lắm với đạo Công giáo, và càng không quan tâm tới các linh mục. Tôi dạy đạo cho hai cháu ngoại của cụ và mỗi khi tới nhà hai cháu chơi, nếu có cụ đến thăm, các cháu bảo tôi đừng đến vì ngoại các cháu cũng tới. Ảnh tượng tôi tặng các cháu đeo trên người làm dấu chỉ đức tin cũng sẽ được cất giấu mỗi khi cụ đến thăm  vì các cháu sợ ngoại không vui.

Vậy mà sau một số lần gặp gỡ nói chuyện, nhất là qua những gì tôi cố gắng giúp hai cháu, thái độ của cụ đã dần thay đổi. Tôi nói chuyện với cụ dễ dàng hơn và cụ cũng thật cởi mở, cho dù với người già tôi không thể nói gì nhiều mà lắng nghe nhiều hơn. Lần gặp vừa rồi, cụ đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Cụ đến bên tôi, trao cho tôi một phong thư và nói với thái độ thật khẩn khoản: “Thưa cha, con có chút quà biếu cha, xin cha thương nhận cho con vui lòng”. Tôi từ chối và nói với cụ: “Cụ để tiền lo thuốc men, con cám ơn cụ”. Cụ dứt khoát không chịu, tôi đành nhận với tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn.

Tôi thật vui mừng và cảm động trước hành động khiêm tốn và chân thành của cụ. Tôi vui mừng và cảm động không phải vì món quà, nhưng vì cụ đã có cảm tình với đạo Công giáo và nhất là trân trọng một linh mục “Thưa cha, con…” . Việc này làm tôi liên tưởng đến mục 1 Sứ Điệp bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 13 họp bàn về “việc Tân Phúc Âm Hoá trong thế giới ngày nay”. Sứ điệp ấy có đoạn viết: Qua hình ảnh người phụ nữ Samari trong Tin Mừng Gioan (4,4) đến giếng Giacóp kín nước và gặp Đức Giêsu, ta nhận ra rằng con người ngày nay đang kín đáo khao khát “nước hằng sống” hay “nước ban sự sống đời đời”, dù bên ngoài có thể chỉ nói ra việc khát nước tự nhiên, đồng thời đang dò dẫm tìm kiến nguồn nước ấy.

Ai sẽ chỉ cho họ đến với nguồn nước hằng sống? Thưa, chính Giáo hội Chúa Kitô, nhất là những mục tử, những người đang đóng vai trò lãnh đạo hay phụ trách cộng đoàn. Những người này có bổn phận, trách nhiệm dẫn họ đến với Đức Giêsu để được ban nước ấy. Điều quan trọng là Giáo hội và những người này có còn đáng tín nhiệm để chỉ đường cho thiên hạ tới giếng Đức Giêsu hay không. Chẳng có cách nào thuyết phục người khác đến với giếng Giêsu cho bằng kinh nghiệm bản thân của Giáo hội và những ai từng uống và đang sống bằng nguồn nước này.

Do đó, để có thể giúp cho những con người đang khao khát và lần mò tìm kiếm nước hằng sống, mỗi kitô hữu và nhất là các mục tử, các người lãnh đạo cộng đoàn cách này hay cách khác, phải có kinh nghiệm riêng về việc uống nước hằng sống và sống sự sống vĩnh cửu từ giếng nước Giêsu bởi vì chỉ có Ngài mới làm cho con người thoả mãn mọi cơn khát và từ lòng họ, Ngài cho vọt lên nguồn nước hằng sống.  

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

– See more at: http://gpbuichu.org/news/TU-LIEU/Van-con-do-nhung-con-nguoi-khao-khat-nuoc-hang-song-1432.html#sthash.zl974dl4.dpuf