Ghen tương là mầm mống của nhiều tội lỗi, nó phá vỡ tương quan tốt đẹp giữa người với người, người với thiên nhiên. Biết bao tội ác, chiến tranh, huynh đệ tương tàn cũng bởi một chữ đố kỵ mà ra. Một trong những vụ đổ máu trước tiên phải kể đến, đó là vụ án trong gia đình đầu tiên của nhân loại mà Kinh Thánh nhắc đến : cặp huynh đệ Cain và Abel. Sự bất hòa xuất hiện khi hai anh em dâng lễ vật. Đức Chúa lại đoái nhìn đến lễ vật của Abel. Có người cho rằng vì Đức Chúa thiên vị mới gây ra cơ sự này.
Đức Chúa cũng có tự do của mình. Ngài muốn nhận lễ phẩm của ai là quyền của Ngài. Hơn nữa, dù không nhận lễ vật của Cain, song Đức Chúa cũng đã thấu tâm sự của ông. Sự quan tâm của Ngài thể hiện ở chỗ cảnh báo Cain rằng sự dữ đang xâm chiếm tâm hồn và nhắc ông “phải chế ngự nó” (St 4,7). Tuy nhiên, Cain đâu có lưu tâm đến tình thương của Đức Chúa, nên mới để sự dữ điều khiển hành động của mình : “Khi hai người đang ở ngoài đồng thì Cain xông đến giết Abel, em mình” (St 4,8).
Một vụ án khác mà rất nhiều người trong chúng ta đều biết : phạm nhân Giêsu thành Nazareth bị kết tội lộng ngôn, phạm thượng, xách động dân chúng tạo phản và bị đưa ra trước dinh quan tổng trấn Philatô. Riêng đối với bản thân, người viết chú ý đến diễn biến buổi thẩm tra giữa quan án với phạm nhân được thánh sử Matthêu ghi lại (x. Mt 27, 11-26) thì thấy rằng khi Philatô hỏi Đức Giêsu : “Ông là vua dân Do thái sao?” thì Ngài trả lời. Trong khi đó, các thượng tế và kỳ mục tố cáo thì Ngài không đáp lại một lời nào. Thái độ đó khiến quan án “rất đỗi ngạc nhiên”. Vụ thẩm tra đang diễn ra thì có người do vợ quan sai đến để nói nhỏ với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này”.
Vốn phân vân bởi “ thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người”, giờ lại thêm lời can ngăn của vợ, quan tổng trấn Philatô càng xác quyết sự vô tội của phạm nhân đứng trước mặt mình. Vì lẽ đó ông đưa một người tù “khét tiếng” Baraba đặt ngang với Giêsu cho dân chúng lựa chọn, hòng có thể mở lối thoát cho Giêsu. Tuy nhiên, dự tính này bị phá sản. Hỏi đi nhắc lại mấy lần đám đông càng la hét lớn và một mực đòi giết Giêsu. Thấy chẳng ích gì mà còn thêm náo động, Philatô lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27, 24-25). Được đà, dân chúng càng làm tới: “ Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!”. Trong bốn Tin mừng chỉ có Mát thêu ghi lại câu này
Đến đây không cần phải kể thêm gì nữa. Vụ đổ máu của Abel và của Đức Giêsu muốn nói với chúng ta rằng ghen tương có thể đè bẹp cả công lý và công bình. Nếu Cain tỉnh trí thì đã có thể ngẩng cao đầu: “Tại sao ngươi giận dữ ? Tại sao ngươi sa xầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không?”.
Cũng vậy, nếu người Do thái khôn ngoan họ đã nhận âm mưu hiểm độc của các thượng tế và Kinh sư. Philatô “rửa tay” không chịu trách nhiệm việc đổ máu của Đức Giêsu, còn “đám đông” bị rơi vào cái bẫy của các thượng tế và kỳ mục trong việc tha Baraba và giết hại Giêsu.
Mỗi chúng ta cũng có thể có máu ghen của Cain, thượng tế và kỳ mục hoặc có cả dòng máu của sự hèn nhát và tắc trách của Philatô. Do đó, chúng ta được mời gọi trở về sống trong tình thương của Thiên Chúa nhờ công nghiệp cứu chuộc của Đức Giêsu, Người đã đổ máu để giao hòa thế gian tội lỗi với Chúa Cha và trở nên giá cứu chuộc cho muôn dân. Tôn trọng công bình, công lý và trách nhiệm là điều không thể thiếu trong đời sống chứng tá của mỗi kitô hữu chúng ta.
Nt. Scholastica, dòng Đaminh Bùi Chu