Gương mặt Chúa Giêsu theo khảo cổ học

Các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học pháp y đã công bố khuôn mặt mà họ cho là gần nhất với diện mạo thật của Đức Giêsu, và kết quả thu được khác xa hình ảnh quen thuộc lâu nay.

Tranh ảnh truyền thống của Công giáo luôn khắc họa Chúa Giêsu với nước da trắng, tóc dài và mắt xanh, nói cách khác là hoàn toàn mô phỏng một người Tây phương. Và các tín hữu từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh Chúa như vậy, cho đến khi báo cáo của các chuyên gia Anh đã tiết lộ một khuôn mặt hoàn toàn khác.

Nhân chủng học và Kinh Thánh

Theo các báo EsquireThe Christian Post, các nhà khoa học Anh, với sự hỗ trợ của những chuyên gia khảo cổ Israel, đã tái tạo hình ảnh mà họ cho rằng phản ánh chính xác nhất khuôn mặt của Ngài từ trước tới nay. Và họ có thể làm được điều tưởng chừng như vô vọng này bằng cách áp dụng những kỹ thuật trong ngành nhân chủng học pháp y, vốn sử dụng các biện pháp tương tự như khi cảnh sát kiểm nghiệm trong quá trình điều tra vụ án. Ông Richard Neave, chuyên gia y khoa từng làm việc tại Đại học Manchester trước khi về hưu là người đứng sau dự án quan trọng này, và ông đã áp dụng các tham chiếu về văn hóa trong Kinh Thánh để trích xuất những đặc điểm cụ thể trong nỗ lực lần theo dấu vết, nhằm tạo dựng một hình ảnh chính xác nhất về Chúa Giêsu khi còn tại thế.

“Mô tả của Thánh tông đồ Matthêu về những sự kiện ở Gethsemane đã cung cấp manh mối rõ ràng về gương mặt của Giêsu. Lẽ hiển nhiên là các đặc điểm trên khuôn mặt Ngài phải thuộc về người Galilea Semite vào thời đó. Và do vậy, bước đi đầu tiên trong dự án của Neave và đồng sự là khai quật các sọ người ở gần Jerusalem, nơi Chúa Giêsu đã cư ngụ và rao giảng. May mắn là các chuyên gia khảo cổ học Israel đã tìm được nhiều sọ người Semite trước đó, và họ sẵn sàng chia sẻ với nhóm của Neave”, theo báo cáo. Sử dụng 3 mẫu vật được bảo quản trong điều kiện tốt vào thời Chúa Giêsu, và thao tác trên các chương trình máy tính đặc biệt, họ đã có thể tái tạo phiên bản 3D của khuôn mặt Ngài.

Câu chuyện về bộ tóc

Tuy nhiên, thậm chí với sự hỗ trợ của những sọ người được bảo quản tốt, các chuyên gia Anh vẫn chưa dàn xếp được nghi vấn ở tóc của Chúa Giêsu, về màu lẫn độ dài. Thế là Kinh Thánh tiếp tục được mang ra đối chiếu với hy vọng có thể tiếp tục giúp nhóm chuyên gia lần thêm những manh mối liên quan. Để điền vào chỗ trống trên bức tranh, nhóm của ông Neave đã chuyển sang tìm kiếm các bức họa được tìm thấy tại nhiều điểm khai quật khác nhau, nhưng cùng chung niên đại là vào thế kỷ đầu tiên. Các bức vẽ trước thời Tân Ước cũng được thu thập, từ đó giúp các chuyên gia nắm được những đầu mối chủ chốt cho phép họ đưa ra kết luận rằng mắt của Chúa Giêsu phải sẫm màu chứ không ngả về màu sáng như xanh. Họ cũng cho biết, theo truyền thống của người Do Thái, Ngài đã để râu quai nón.

Cuối cùng, cũng phải nhờ vào Kinh Thánh mới giải quyết được câu hỏi về độ dài của tóc Ngài. Trong khi hầu hết các họa sĩ tôn giáo đều gán bộ tóc dài cho Chúa thì các chuyên gia chú giải Thánh Kinh lại cho rằng tóc của Ngài có lẽ ngắn và có những lọn quăn sát vào nhau. Thế nhưng, kết luận này lại trái ngược với hình ảnh trên Khăn liệm Turin, vốn được cho là chứng cứ rõ ràng nhất về diện mạo của Chúa Giêsu. Đây là tấm vải được cho là đã bao bọc thi hài của Chúa trước phục sinh. Để giải quyết nghi vấn này, nhóm chuyên gia tiếp tục quay sang tra cứu Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô. “Dù có khác biệt về quan điểm khi cho rằng Khăn liệm Turin hiển thị hình ảnh một người đàn ông tóc dài. Thế nhưng, Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, của Thánh Phaolô tông đồ, có ghi rõ: “Nếu một người đàn ông để tóc dài, đó là một điều sỉ nhục đối với người này”, nên Chúa Giêsu khi sinh thời không thể nào nuôi tóc”, các nhà nghiên cứu nhận định.

Bức họa đời đầu về Chúa Giêsu

Trong khi đó, một nhóm các nhà khảo cổ học của Tây Ban Nha cũng loan tin đã phát hiện bức vẽ được dự đoán có thể là một trong những tranh ảnh cổ nhất từng vẽ Chúa Giêsu. Tranh được vẽ trên bức tường của một cấu trúc bí ẩn được xây toàn bằng đá và nằm dưới lòng đất tại thành phố cổ của Ai Cập là Oxyrhynchus, cách thủ đô Cairo khoảng 160 km về hướng nam, mô tả một thanh niên với bộ tóc xoăn trong trang phục áo chùng dài thắt ngang lưng. “Nhân vật trong bức vẽ đưa tay lên như thể đang làm động tác cầu nguyện”, theo nhà Ai Cập học Josep Padró, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu các điểm khảo cổ tại đây. Trong dự án lần này, ông dẫn đầu một nhóm các chuyên gia của Đại học Barcelona, Tổ chức Xã hội Ai Cập học Catalan và Đại học Montpellier. “Chúng ta có thể đang đứng trước một bức họa vô cùng cổ xưa và đầu tiên của Chúa Giêsu”, ông Padró bổ sung.

Oxyrhynchus được xem là nơi thờ phụng Thần Chết Osiris, một trong những vị thần được tôn sùng nhất Ai Cập cổ đại. Trên thực tế, cấu trúc ngầm dưới đất nằm ở giữa con đường kết nối sông Nile với Osireion, đền thờ nhân danh Osiris. Tuy nhiên, bức họa có niên đại trễ hơn so với toàn bộ cấu trúc, phải được vẽ từ thế kỷ thứ 6 đến thứ 7. Để có thể đến được căn phòng dưới đất, nhóm của ông Padró đã di dời trên 45 tấn đá. Cuối cùng, các nhà khảo cổ học cũng vào được căn phòng hình chữ nhật với kích thước 8×3,6m. Khi vào bên trong, họ tìm được 5 hoặc 6 bức vẽ trên tường, với bức cuối cùng thuộc về giai đoạn Coptic của các tín hữu Kitô giáo đời đầu.

Bên cạnh hình ảnh của thanh niên tóc xoăn, các bức tường còn chứa những ký tự và hình ảnh của thực vật và các dòng chữ viết bằng ngôn ngữ Coptic. Nhóm chuyên gia đang nỗ lực dịch nghĩa những dòng chữ này với hy vọng có thể biết thêm nguồn gốc của bức ảnh.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc