Ly dị muốn lập gia đình lần nữa

Kính thưa Cha,

 

Vì để cho tinh thần được yên ổn, và lương tâm khỏi bị ray rứt, xin Cha vui lòng trả lời cho con ít câu hỏi sau đây:

 

(*)Con là một người công giáo, đã lập gia đình, sau một thời gian dài sống chung, chuyện không may đã đem đến tình trạng ly-dị được 3 năm nay; con sống mồ côi một mình, không cha mẹ, bạn bè, anh em. Và con đã mất mát hết toàn bộ những gì con có (tiền bạc, nhà cửa, con cái, ngay cả bằng lái xe, con sống trong những ngày tinh thần khủng hoảng quá nặng – và để cứu vãn tình thế – con không còn cách nào hơn, ra ngoài giao –thiệp với bạn bè thì mặc cảm. Cho nên trong thời gian gần đây, con quyết định đi về thăm VN, thăm quê hương một chuyến, và để tìm lại những gì mình đã mất mát. Con muốn tìm hiểu và làm quen với một người công-giáo khác, để làm bạn và lập gia-đình, cho tâm hồn được bình an hơn.

 

Tuy nhiên con đã gặp sự trở ngại: Mẹ cô ta biết con chưa tháo gỡ hôn phối bên công giáo nên không chấp nhận, (có tháo gỡ được thì mới chấp nhận còn không thì dĩ nhiên không đồng ý). Còn con và cô ta thì hai bên đều yêu nhau rất nhiều, bất chấp cả việc nếu mẹ cô không đồng ý thì cũng vẫn tiến tới, hai bên đã đồng ý là như vậy. Tuy thế, cô ta và con vẫn rất lo ngại về việc này (về phía con chưa tháo gỡ) lương tâm cô ta vẫn không ổn và rất lo lắng về chuyện đạo của con.

 

Vậy xin cha cho con được nêu lên vài câu hỏi như sau:

 

(*) Cô ta là một người công giáo đã có con, nhưng chưa làm phép hôn phối hay đám cưới bao giờ (kể cả bên đạo công-giáo và bên phần đời- đứa con là con của người bạn trai trước của cô ta)

 

Cô ta lấy chồng ngoại có được làm phép cưới tại nhà thờ không hay chỉ làm phép giao thôi?

 

– Cô ta là công giáo mà muốn kết hôn với một người không phải là ngoại đạo, cũng không phải là người công giáo (hoàn toàn đầy đủ tính chất của người công giáo) nói một cách rõ ràng là như trùng hợp của con đây chưa tháo gỡ được bên tôn giáo, (hay không tháo gỡ được vì Giáo-Hội phán quyết không chấp nhận). Trường hợp này cô ta có được kết hôn với con, mà lương tâm vẫn yên ổn không? và nếu được phép thì cô ta có được phép làm phép hôn phối tại nhà thờ không hay chỉ có thể làm phép giao thôi?

 

– Nếu cô ta được làm phép giao với con và tâm hồn cô ta không còn vương vấn gì luật thì cô ta được đi lễ và rước lễ, nếu không vướng mắc tội nào khác. Còn con vì không được tháo gỡ, và cũng muốn cho lương tâm được an ổn về phần đạo (xin nhắc là về phần đạo mà thôi, về phần khác con đã cố gắng và làm tất cả cho xứng đáng là một người tốt). Xin Cha cho con biết ý kiến, con có cách nào khác để cứu vãn về phần tôn giáo, để làm cho tâm hồn được bình an không?

 

Vì con đang còn trẻ, không phải là tu-hành, và cũng không phải là một người độc thân bình thường để có thể lấy vợ công giáo cách dễ dàng. Và sống một mình thì không tốt, vì đã có vợ trong quá khứ và bây giờ khó chấp nhận được cách sống độc thân.

 

Kính chúc Cha được bình an xác hồn, để dẫn dắt đàn chiên con.

 

Ca Hát.(Mr)

 

********************

 

Anh Ca Hát thân mến, dù anh ghi rằng muốn được trả lời thư riêng, nhưng vì thấy những thắc mắc của anh có thể giúp cho những người khác trong việc tìm hiểu về Giáo Luật, nên tôi mạn phép anh trả lời thư anh trên báo. Mong rằng anh không phản đối:

 

Cẩn thận hơn, tôi cũng đã sửa lại một phần của lá thư và không ghi lại tên thật của anh.

 

Đọc xong thư anh, tôi có cảm tưởng rằng anh đang bối rối lắm về hoàn cảnh và tình trạng gia đình, và mục đích anh biên thư là để tìm sự bình an hơn cho tâm hồn. Không những riêng anh mà cả cái cô nào đó ở Việt Nam, lương tâm cô ta vẫn không ổn và rất lo lắng về chuyện đạo của anh…

 

Trả lời câu hỏi *1. Cô ta chưa bao giờ làm phép cưới, do đó, nếu cô ta và một người đàn ông nào đó (không bị ngăn trở gì) thương nhau và muốn lập gia đình với nhau, thì cô ta đương nhiên có quyền làm phép cưới tại nhà thờ, dù là ông ta ngoại đạo (cô ta sẽ xin phép chuẩn kết hôn với người ngoại đạo). Xin giải thích thêm quan niệm thông thường của người công giáo Việt Nam về phép giao và phép cưới như sau:

 

Phép giao là hôn phối được cử hành ngoài Thánh Lễ, có nghĩa là chỉ cử hành hôn phối mà không dâng Thánh lễ kèm theo.

 

Phép cưới là hôn phối được cử hành chung với Thánh Lễ, có nghĩa là cử hành hôn phối đồng thời dâng Thánh lễ kèm theo.

 

Bí tích hôn phối là hôn phối cử hành trong nhà thờ giữa hai người đã rửa tội theo nghi thức đạo Công giáo. Hai người đã rửa tội trong giáo phái Kitô giáo khác mà cử hành hôn phối dân sự, thì hôn phối này cũng được kể là Bí tích. Hôn phối cử hành giữa một người rửa tội và một người chưa rửa tội không được gọi là Bí tích. Hôn phối cử hành giữa hai người chưa bao giờ rửa tội cũng không được gọi là Bí Tích.

 

Theo Giáo Luật, việc cử hành phép Giao hay phép Cưới là do quyết định của đôi hôn phối, chứ không phải là quyết định của Giáo Hội.

 

Trả lời câu hỏi *2. Điều luật 1085 của bộ luật hiện hành qui định rằng: “Một người còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân trước, không thể kết hôn hữu hiệu”. Không hữu hiệu đây buộc chính người bị ràng buộc và buộc luôn cả người dính vào với người ấy. Có nghĩa là hai người không cử hành hôn phối theo phép đạo được (vì ngăn trở đã kết hôn của một người).

 

Trả lời câu hỏi *3. Khi không cử hành theo phép đạo được, thì người từ trước tới giờ chưa bị vướng mắc, thì bây giờ bị vướng mắc (sống chung, ăn ở với người khác mà không có phép hôn phối), và như thế là cả hai người nếu sống chung với nhau thì đều bị vướng mắc:

 

– Một người bị vướng mắc về việc đã kết hôn rồi, không kết hôn được nữa.

 

– Người kia bị vướng mắc vì sống chung, ăn ở với người khác mà ngoài có phép hôn phối.

 

Cuối cùng, tìm giúp anh một lối thoát, tôi có thể đề nghị sau:

 

– Anh đến gặp Tòa Án Hôn Phối để xin Tòa Án điều tra về hôn phối anh đã cử hành trước kia, biết đâu, có một vài hà tì nào đó mà những chuyên viên luật pháp, những thẩm phán, những luật sư họ nhìn thấy trong khi anh không nhìn thấy. Nếu có, hôn nhân trước kia của anh có thể được tuyên bố vô hiệu và do đó, anh không bị ràng buộc gì, muốn kết hôn với ai tùy ý. Đọc thư anh, tôi có cảm tưởng như anh chưa làm việc này. Thử xem, biết đâu, với lòng thành như lòng của anh, Chúa lại không thu xếp một nào đó cho anh luôn bình an trong thiện tâm thiện ý của mình.

 

Thân chúc anh vui và tìm được bình an.

 

********************

 

GP KONTUM