Ba loại “nghèo” theo Đức Phanxicô

Khi công bố Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy ngài không phải là người cánh tả như nhiều người muốn khép ngài vào cánh này, ngài là một mục tử hướng dẫn thiêng liêng tận căn và đòi hỏi cao. Đối với ngài, làm việc thiện là phải thấy “đau”.
Ba loại "nghèo" theo Đức Phanxicô

Khi công bố Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy ngài không phải là người cánh tả như nhiều người muốn khép ngài vào cánh này, ngài là một mục tử hướng dẫn thiêng liêng tận căn và đòi hỏi cao. Đối với ngài, làm việc thiện là phải thấy “đau”.

Người ta dễ dàng khép ngài vào hình ảnh của một giáo hoàng cánh tả, chỉ chú tâm đến một vấn đề duy nhất, vấn đề công chính xã hội. Khi công bố Sứ điệp Mùa chay ngày thứ ba 4-2 (mùa chay bắt đầu từ 5-3 đến 20-4) nhằm hướng dẫn giáo dân suy niệm trong vòng bốn mươi ngày trước lễ Phục sinh, ngài trả lời cho việc quy gán giản lược này bằng cách giải thích “nghèo” là nghèo cả về mặt “vật chất”, “tinh thần” và “thiêng liêng”. Và ngài đề nghị ba định nghĩa khác nhau về nghèo này.

“Nghèo về mặt vật chất”

Khi nói đến “nghèo”, thông thường người ta muốn nói đến “cái nghèo vật chất” là cái nghèo đánh vào những người sống trong hoàn cảnh không đúng với nhân phẩm: những người không có được quyền căn bản, không có nhu yếu phẩm như thức ăn, nước uống, điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, khả năng phát triển và tăng trưởng về mặt văn hóa.”

Ngài nhắc lại, hàng ngày Giáo hội vẫn chiến đấu chống loại nghèo này, loại nghèo “đã làm xấu đi bộ mặt nhân loại” nhưng “khi chúng ta yêu thương và giúp đỡ người nghèo là chúng ta yêu thương và phục vụ Chúa Kitô.” Vì thế giáo dân “dấn mình” để phục vụ trong lãnh vực này là “làm cho thế giới không còn nạn vi phạm nhân quyền, kỳ thị, lợi dụng, những vấn đề thường gây ra nạn nghèo khổ.”

Đừng quên rằng, “khi quyền lực, xa hoa, tiền bạc trở thành thần tượng thì nó sẽ lấn bước việc phải phân chia nguồn của cải phong phú một cách chính trực. Đó là vì sao phải có ý thức về công chính, bình đẳng, tiết độ và chia sẻ.”

“Nghèo về mặt tinh thần”

Kế đó là “nghèo về mặt tinh thần”, một cái nghèo “không phải là không đáng lo” dưới mắt Đức Phanxicô, qua đây ngài đã chỉnh lại được hình ảnh của mình, hình ảnh của một giáo hoàng chỉ lo về mặt xã hội mà ngài thường bị đóng khung vào: cái nghèo này làm cho con người “trở thành nô lệ cho thói hư tật xấu và tội lỗi. Biết bao nhiêu người sống trong lo sợ vì có người thân – thường thường là người trẻ – nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc hay nghiện các sản phẩm khiêu dâm!”.

Những hoàn cảnh phải chịu đựng vì có nhiều người “buộc phải sống trong cảnh khốn cùng này do các điều kiện bất công xã hội, thiếu việc làm, làm cho họ không có niềm tự hào đem cơm gạo về cho gia đình, thiếu bình đẳng về các quyền thuộc lãnh vực giáo dục và y tế”. Đức Thánh Cha giải thích, trong các trường hợp này, “có thể nói cái nghèo tinh thần này là bước đầu đi đến chỗ tự tử”. Dạng nghèo này cũng có “tác động làm cho nền kinh tế suy sụp”.

“Nghèo về mặt thiêng liêng”

Đức Thánh Cha giải thích định nghĩa thứ ba về nghèo: “nghèo về mặt thiêng liêng”. Nó “đánh vào chúng ta khi chúng ta xa Chúa và từ chối tình thương của Ngài. Nếu chúng ta không cần Chúa, Đấng đưa bàn tay ra đón chúng ta qua Chúa Kitô, vì chúng ta thấy mình tự đủ thì chúng ta sẽ đi trên con đường thất bại. Chỉ có một mình Chúa mới cứu được chúng ta và giải thoát chúng ta thật sự”.

Đối với Đức Thánh Cha, dù thế nào đi nữa, “Tin Mừng là phương thuốc đích thực chống lại cái nghèo thiêng liêng”. Vai trò của tín hữu là “loan báo cho muôn người ơn giải thoát vì sự dữ chúng ta làm sẽ được Chúa tha thứ” và “Chúa thì lớn hơn tội của chúng ta, Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta, yêu thương một cách nhưng không” vì “chúng ta được tạo dựng để hiệp thông và để có sự sống đời đời”.

Đức Thánh Cha kết luận một cách thực tiễn, ngài kêu gọi tín hữu hãy “hoán cải” trong mùa chay này, “làm việc thiện” tận căn, có nghĩa là phải “đau!” Không những về mặt vật chất đối với người đang sống sung túc. Nhưng “từ bỏ tận căn” một cái gì đó mà đương sự thấy mình bám vào: “Mùa chay là mùa thích hợp để từ bỏ, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh, và cũng là dịp tốt để chúng ta tự hỏi chúng ta nên hãm mình cái gì để có thể giúp đỡ và làm giàu cho người khác với cái nghèo của chúng ta. Chúng ta đừng quên cái nghèo đích thực làm cho đau: một từ bỏ mà không có chiều kích sám hối thì không có giá trị. Tôi không tin việc làm phúc mà không mất mát và không làm cho đau.”

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 12.10.2016/
Le Figaro, Jean-Marie Guénois, 2014-02-04)