Bài học hay từ những chờ đợi

Chiều tối thứ Ba, ngày 09 tháng 06 năm 2015, tôi chờ đợi chuyến bay từ sân bay Nội Bài tới sân bay Tân Sơn Nhất. Lần đầu, sân bay thông báo chuyến bay sẽ trễ 30 phút vì máy bay đến muộn. Tới giờ lên máy bay, sân bay mời hành khách lên tàu để chuyến bay khởi hành vào lúc 07 giờ 05 phút. Mọi người lên máy bay và chờ đợi máy bay cất cánh. Đúng thời điểm ấy, phi cơ trưởng thông báo máy bay bị trục trặc kỹ thuật và mời hành khách xuống khỏi máy bay chờ có thông báo mới của sân bay.

Thú thật rằng tôi không thấy thoải mái chút nào cả và tôi nghĩ cũng sẽ không ít người có tâm trạng như tôi vì sống trong thời buổi vội vã, thời gian là vàng, chưa kể nhiều người còn có hẹn vì công, vì đón đưa hay có việc phải đi xa hơn nữa, sân bay Tân Sơn Nhất có thể chỉ là nơi trung chuyển, thì làm sao có thể vui vẻ chờ đợi. Vậy mà tôi thấy rất lạ là không ai phản ứng gay gắt hay la ó gì cả. Mọi người vui vẻ xuống khỏi máy bay tiếp tục chờ đợi thông báo của sân bay về hướng giải quyết cho chuyến bay.

Tôi thật sự ngạc nhiên vì phản ứng nhẹ nhàng hay không phản ứng của hành khánh. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt chuyện với một số người về sự chậm chễ và sự trục trặc kỹ thuật của máy bay. Hầu hết hành khách đều có thái độ khoan dung và thông cảm. Thật ra, dù cuộc sống có hổi hả đến mấy, dù những nhu cầu riêng tư muốn được thoả mãn ngay, nhưng điều kiện không cho phép ,người ta vẫn có thể kiên nhẫn đợi chờ với thái độ thông cảm. Hành khách phản ứng nhẹ nhàng hay không phản ứng vì nhiều lý do. Có thể một mặt nếu phản ứng gay gắt, hành khách cũng không nhận được kết quả tốt hơn, mặt khác nói về kỹ thuật không ai dám hoàn toàn chắc chắn, và nhất là con người cần tử tế và biết thông cảm cho nhau trước những sự cố của cuộc đời. Làm được thế, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, thoải mái và dễ chịu hơn.

Rõ ràng việc chờ đợi tại sân bay gần 3 tiếng đồng để lại cho hành khách những mệt mỏi ít nhiều, nhưng đã cho tôi bài học kiên nhẫn, thông cảm và chấp nhận những giới hạn của phương tiện cũng như cảm thông với những con người khai thác, sử dụng các phương tiện ấy. Tuy nhiên, không phải ai ai, ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có thể hiểu và sống được các bài học giá trị này.

Với tôi, là một kitô hữu, hơn nữa là một linh mục, tôi cần sống cũng như chia sẻ cho người khác những bài học này vì sự kiên nhẫn, thứ thái và thông cảm không đơn giản là đòi hỏi tự nhiên cho con người mà còn là dấu chỉ của lòng bác ái vị tha, nét đẹp căn bản và tinh khôi của những người làm con Thiên Chúa và làm môn đệ của Đức Giêsu.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh