Bảy sự thật ẩn giấu của Đức Phanxicô

Ngược với vị tiền nhiệm của mình, ngay từ đầu Đức Phanxicô đã được giáo dân mến mộ, được giới truyền thông làm đẹp nên đã tạo một số thông tin trái chiều về con người của mình. Một giáo hoàng thư thái, cách mạng, sẵn sàng làm đảo ngược Giáo hội Công giáo chăng? Không đơn giản như vậy.

  1. PopeFrancis-30Nov2016-09.jpgĐó là con người có quyền uy 

    Ở Buenos Aires, người ta nói ngài không bao giờ cười. Tổng giám mục nổi tiếng cau có. Bây giờ thì chúng ta đã biết và hình dung rất rõ: khuôn mặt khép kín, cằm vểnh, miệng chỉ cười một nửa… Khuôn mặt nặng chình chịch này đã làm cho Tổng thống Pháp François Hollande chưng hửng khi ông bắt tay ngài ngày 24-1-2014 vừa qua. Khuôn mặt này người ta cũng thấy trong lễ phong thánh Đức Gioan-Phaolô II và Đức Gioan XXIII ngày 27-4-2014.

Vậy thì giáo hoàng này khắt khe. Nhưng ngài lại có khả năng trở thành vị mục tử vui vẻ một khi ngài ở giữa đám đông như ngài đã cho chúng ta thấy, ngay khi xong thánh lễ phong thánh, ngài lên xe mui trần đi vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô. Hoặc vào mỗi sáng thứ tư, trong buổi tiếp kiến chung, ngài chào đám đông trong vòng 45 phút ở Quảng trường Thánh Phêrô. Một tỷ lệ ngược với Đức Bênêđictô, người đã dành trọn sáng thứ tư cho giáo huấn và một phần thời gian tương xứng để chào. Còn Đức Phanxicô thì vậy. Giáo hoàng Argentina sống theo nhịp tiếp xúc trực tiếp với dân chúng. Ngài thích hôn họ, chạm vào họ, giúp đỡ họ. Nhưng ngài không biết giấu sự chán nản của mình trong một vài trường hợp mà chức vụ buộc ngài phải làm. Hoặc lộ ra sự không tán thành của mình trong một vài cuộc gặp gỡ.

Không phải như vị thần hai mặt Janus (vị thần trong huyền thoại Hy Lạp), Đức Phanxicô chỉ có một bộ mặt. Con người của lòng nhân hậu, ngài có khả năng làm dịu một hoàn cảnh đặc biệt bằng cách điện thoại trực tiếp cho người ngài muốn gặp. Vững chắc, ngài không cần mang găng tay để giải quyết. Một năm sau ngày được bầu chọn, ngài còn nổi tiếng ở Vatican là ông chủ có uy quyền, muốn kiểm soát tất cả mọi chuyện và không có gì kháng cự lại được ngài.

 

  1. Một giáo hoàng-cha xứ theo kiểu xưa 

    Một «giáo hoàng-cha xứ», người ta nói về ngài như thế. Jorge Mario Bergoglio không thích triều đình hoành tráng Rôma, phong cách đơn sơ, thoải mái giữa đám đông, cách ngài bắt tay, cách ngài hôn các em bé và chúc lành cho người khuyết tật chứng minh cho thấy: người lãnh đạo Giáo hội trước hết là một chủ chăn. Nơi ngài có chất cha xứ, khi các bài giảng của ngài triển khai những ngụ ngôn luân lý rút tỉa từ kinh nghiệm thực tế của mình. Nơi ngài có chất cha xứ, khi ngài trình bày đức tin Kitô theo tầm mức cụ thể nhất của nó. Ngài 27-1, trong một trong những suy niệm tự phát của ngài ở Nhà nguyện Thánh Mácta, ngài vinh danh «rất nhiều cha xứ ẩn danh», những người mang sức mạnh đến cho giáo dân, đã giảng dạy giáo lý, ban các phép bí tích, có nghĩa là họ thánh thiện».

Nhưng vị giáo hoàng được cho là cách mạng này lại theo truyền thống Công giáo nghiêm nhặt nhất. Sốt sắng kính mến Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ, lần chuỗi, đọc kinh cầu các thánh, sợ hỏa ngục, sợ ma quỷ, ngài kêu gọi giáo dân thanh tẩy bằng cách ăn năn đền tội. Trong một buổi dạy giáo lý ngày 19 tháng 2, ngài kêu gọi: «Lần cuối anh chị em xưng tội là ngày nào? Đừng chần chừ thêm một ngày nữa, các anh chị em nên đi xưng tội ngay.»

So với vị tiền nhiệm, về mặt phụng vụ, các lễ hàng ngày của ngài ở Nhà nguyện Thánh Mácta là những thánh lễ cực kỳ đơn sơ. Những ai tham dự đều được đánh động qua cách ngài đắm mình trong lời cầu nguyện khi dâng Mình Thánh Chúa.

Ngoài những khác biệt hiển nhiên về hình thức, thì về mặt này, ngài và vị tiền nhiệm cùng đi theo một giòng truyền thống liên tục. Tháng vừa qua, ngài tái bổ nhiệm giám mục Guido Marini, trưởng ban phụng vụ giáo hoàng thời Đức Bênêđictô XVI ở lại chức vụ cũ. Một chỉ dẫn khác, dù ít quan tâm đến vấn đề truyền thống, tháng 11 vừa qua, Đức Phanxicô cũng gởi lời khuyến khích cho các thành viên Huynh Đệ thánh Phêrô, được Đức Joseph Ratzinger thành lập cách đây 25 năm nhằm đào tạo các linh mục vẫn hiệp nhất với Rôma nhưng cử hành thánh lễ theo truyền thống la tinh xưa.

Đối với Đức Phanxicô, linh mục là người của Chúa, và phụng vụ là sự «đột nhập» của Chúa vào đời sống con người. Những ai mơ một Giáo hội không có linh mục thì chỉ phí sức mơ: giáo hoàng là linh mục đầu tiên của các linh mục.

 

  1. Đức Phanxicô là nhà thần nghiệm 

    Giáo hoàng này nổi tiếng mở vòng tay ra với các tôn giáo khác, đi đến các vùng «ngoại biên» mà Giáo hội ít khi đến đó theo tinh thần «cởi mở» của Công Đồng Vatican II. Nhưng về mặt tu trì thì ngài không chểnh mảng, chấp hai tay sấp mình quỳ lạy, ngài cầu nguyện hàng giờ. Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên thuộc trường phái cổ. Một tu sĩ Dòng Tên thần nghệm, «in trí», như ngài tự nói, bởi sứ mạng rao giảng Phúc Âm cho thế giới, nhưng cũng in trí với chọn lựa tận căn mà con người phải chọn: Chúa hay «quỷ». Một chọn lựa ngài nêu ra không ngượng ngùng.

Như thế một hình ảnh giáo hoàng thiên về xã hội, thuộc «cánh tả», như các phân tích xã hội-chính trị của ngài vạch ra, là sai. Giảm xuống như vậy là không thấy động lực chính của con người ngoại hạng này: động lực thiêng liêng của ngài. Khuôn mặt siêu năng động nơi con người của Chúa này sẽ không tồn tại nếu không có nhiên liệu là lời cầu nguyện dù trong chốc lát, dù liên lỉ nhưng lúc nào cũng tận căn. Từ lòng sùng kính này, kể cả lòng sùng kính Đức Mẹ, ngài không làm với tính cách trình diễn cho người khác thấy. Nhưng ngài quỳ gối, trong thinh lặng ở phòng mình, ngài mở đầu ngày của mình rất lâu và rất sớm.

Một chân dung khác của ngài thường bị coi thường, đó là ngài có tinh thần Kitô nhiều hơn là tinh thần Công giáo. Đúng là ngài không gượng nhẹ khi chỉ trích những người Công giáo ngồi hàng ghế đầu, ngài đẩy họ ra ngoài sân nhà thờ. Ngài cũng đả kích một tu sĩ quá ham muốn chức vị. Nhưng chỉ cần đọc kỹ Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii gaudium) là biết được Đức Phanxicô căn bản là một chủ chăn không nhân nhượng đối với giáo điều Công giáo. «Ai để Chúa Giêsu cứu mình, ngài viết, thì người đó được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn bã, khỏi bị trống vắng nội tâm, khỏi bị cô lập.» Chính niềm vui sâu đậm của đức tin Kitô mà nhà thần nghiệm này muốn chia sẻ với giáo dân.

 

  1. Có lòng thương xót với kẻ có tội nhưng không nhượng bộ với tội lỗi 

    «Tôi là ai mà phán xét họ?» Ngài buột ra nói trên chuyến bay từ Rio về Rôma tháng 7-2013, câu nói này chắc chắn là câu nói nổi tiếng nhất của Đức Phanxicô. Nhưng câu nói này bị cắt cụt, bị đem ra khỏi ngữ cảnh của nó. Đức giáo hoàng đã nói như trên khi trả lời câu hỏi của một ký giả hỏi ngài, trường hợp của một giám chức cao cấp Ý vừa mới được bầu làm cố vấn cho cuộc cải cách ngân hàng ở Vatican, mà một ký giả trong vùng vừa cho biết, trong những năm 90, vị giám chức này bị tai tiếng vì khuynh hướng đồng tính của ông. Lúc đó Đức Phanxicô trả lời nguyên văn như sau: «Vấn đề không phải là có khuynh hướng đó, vấn đề là vận động hành lang. Nếu một người đồng tính và họ thiện tâm đi tìm Chúa, thì tôi là ai mà phán xét họ?» Sau đó bị hỏi về vấn đề hôn nhân đồng tính, Đức giáo hoàng nói thêm: «Ông đã biết rõ quan điểm của Giáo hội rồi.»

«Tôi là ai mà phán xét?» Không phải là xá giải mà không dè dặt về vấn đề đồng tính, câu trả lời nổi tiếng này nhắc lại quan điểm của Giáo hội: không lên án khuynh hướng đồng tính nhưng lên án các hành vi đồng tình dục, còn về hôn nhân thì Giáo hội chỉ chấp nhận sự phối hợp giữa người nam và người nữ. Tuy nhiên đúng là hôm đó, Đức Phanxicô muốn né tránh một câu hỏi bẫy của báo chí, là quy đạo đức Kitô giáo vào một chuỗi chuyện cấm, đặc biệt là những chuyện cấm về tình dục. Chủ đề tình dục không ở trọng tâm trong giáo điều Công giáo : trong quyển sách Giáo lý Công giáo dài 700 trang, chỉ có 7 đoạn nói về tình dục…

Trong lãnh vực này cũng vậy, Đức Phanxicô theo bước chân của Đức Bênêđictô XVI. Đức Bênêđictô XVI, ngược với định kiến có sẵn, cho rằng cứ lặp lại một cách máy móc giáo huấn của Giáo hội về đạo đức trong phạm vi tình dục thì cuối cùng sẽ làm mờ đi thông điệp Phúc Âm, và phải đề cao thông điệp Phúc Âm để thấy quan hệ yêu thương kết hợp Thiên Chúa với con người. Đối với Đức Phanxicô, ngài cũng muốn đề cao trước hết là tình yêu giữa Đấng Tạo Hóa với tạo vật của mình, đạo đức Kitô giáo không phải là chuyện phụ, nhưng là chuyện khác: nó từ tầm nhìn của con người và của thế giới mà nó phải sống trước khi biến chúng thành những điều răn.

Đức Phanxicô sẽ không thay đổi quan điểm của Giáo hội, một quan điểm dựa trên Sách thánh, không chấp nhận việc phá thai cũng như trợ tử và xem hôn nhân là bất khả phân ly. Nhưng ngài lo lắng, trong thời buổi mà các nguyên tắc này không còn bị buộc phải chấp nhận, và ngài nhắc lại, Thiên Chúa của tín hữu Kitô trước hết là Thiên Chúa của lòng thương xót.

 

  1. Một giáo hoàng có tinh thần xã hội chứ không phải là người theo chủ nghĩa xã hội 

    «Tôi chưa bao giờ là người bảo thủ», Đức Phanxicô khẳng định như trên trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dòng Tên vào tháng 8-2013. Bản văn tiếng Ý rõ ràng hơn: «Tôi chưa bao giờ ở cánh hữu » (Non sono mai stato di destra). Nếu ngài không phải là người bảo thủ cũng không phải là người cánh hữu (ở Châu Mỹ La Tinh, những chữ dùng trong ngoặc kép không có cùng nghĩa như ở Âu châu), vậy thì giáo hoàng ở cánh tả?

Ở Mỹ, có một số người nghĩ ngài theo chủ nghĩa xã hội khi họ đọc Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Bản văn này công bố vào tháng 11 năm 2013 là bản văn phê phán nghiêm khắc các lệch lạc của nền kinh tế thị trường. Đức giáo hoàng tấn công lý thuyết của nền kinh tế này, theo đó chính phủ giảm thuế cho những người có lợi tức cao, thì một cách máy móc, những người nghèo nhất sẽ được hưởng lợi vì người giàu chi tiêu thì sẽ tạo việc cho người nghèo. Theo Đức Phanxicô, công chính xã hội không phát xuất từ việc phân phát cặn bã của người giàu cho người nghèo: nạn nghèo khó cũng là sự lệ thuộc về mặt tâm lý và nó đòi hỏi một cách giải quyết.

Triết gia Công giáo người Mỹ Michael Novak, tác giả quyển sách Luân lý Công giáo và tinh thần tư bản chủ nghĩa, trước đây ông là cố vấn cho Đức Gioan-Phaolô II, ông cho rằng phân tích về chủ nghĩa tư bản của Đức Phanxicô đã lỗi thời, quá lệ thuộc vào cái nhìn theo kiểu Châu Mỹ La Tinh của ngài. Đối diện với cuộc luận chiến sôi nổi, Đức giáo hoàng đã trả lời phỏng vấn của tờ báo La Stampa, ngài nhắc lại, ngài không theo chủ nghĩa mácxít… Quả vậy, từ khi còn ở Argentina, ngài đã chống thần học giải phóng, loại thần học đã lẫn lộn Phúc Âm với sứ điệp chính trị mang tính cách mạng.

Cuộc luận chiến chưa kết thúc. Tuy nhiên tất cả các tông thư giáo hoàng cho thấy giáo điều của Công giáo về mặt xã hội đều đặt lại vấn đề uy quyền tối cao của tiền bạc, kể từ Tông thư Năm Thứ Một Trăm (Centesimus annus) được Đức Gioan-Phaolô II công bố năm 1991, cho đến Tông thư Bác Ái Trong Chân Lý (Caritas in veritate) được Đức Bênêđictô XVI công bố năm 2009 đều gặp những kháng cự.

 

  1. Được bầu để cải cách giáo triều, ngài vẫn là con người của quyền lực 

    Đức Phanxicô cho cảm tưởng mình là giáo hoàng dân chủ, nhưng qua việc cải cách giáo triều của ngài, ngài củng cố một cách đáng kể quyền lực tối thượng của giáo hoàng, ngài đặt lại vào trung tâm tất cả các quyết định của ngài. Cho đến bây giờ, quyền lực bình thường được giáo triều La Mã thực thi một cách rộng rãi: một chính quyền với hai mươi bộ dưới quyền của thủ tướng, ở đây là Quốc vụ khanh, người lọc hết tất cả hồ sơ, chỉ lựa những hồ sơ quan trọng mới đua lên giáo hoàng quyết định.

Tù khi được bầu chọn, mọi chiến lược của Đức Phanxicô đều tránh theo cơ chế này, dù trên nguyên tắc là để phục vụ ngài nhưng ngài dè chừng một cách công khai. Đừng quên là khi bầu chọn ngài làm giáo hoàng, các hồng y không phải người Ý đã xin ngài cải cách mạnh mẽ các cơ chế này.

Công việc này đang tiến hành. Tiến hành không phải là không gặp cản trở. Ngài biết có những kháng cự trong nội bộ. Hai hồ sơ đang tiến hành: các quản trị toàn bộ của giáo hoàng và vấn đề tài chánh. Đức Phanxicô luôn áp dụng một phương pháp: ngài bổ nhiệm một ban cố vấn từ bên ngoài giáo triều La Mã, gồm những nhân vật nổi tiếng mà ngài giao cho họ chuẩn bị công việc cải cách nhưng cũng là để trả lời cho ngài, chỉ một mình ngài.

Nói một cách khác, ngài cắt gọn kiểu quyết định cũ, một cách nào đó giáo hoàng là người được thông báo cuối cùng… Ngoại trừ dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, ngài tiếp rất nhiều người ở bên ngoài và ở tại chỗ. Và thế là Đức Phanxicô trở thành người nắm quyết định trên cao của hệ thống. Cũng là quản trị Giáo hội. Trước hết, Đức giáo hoàng chọn tám hồng y trên nhiều châu lục mà ngài giao cho họ nhiệm vụ giúp ngài lèo lái công việc cải cách giáo triều. Rồi ngài cắt đặt họ thành ban cố vấn thường xuyên cho chính quyền. Tám hồng y này chỉ đến Rôma bốn hoặc năm lần một năm, nhưng họ được Đức Phanxicô thường xuyên hỏi ý kiến khi có một quyết định quan trọng cần giải quyết. Điều này có nghĩa ban chiến lược cao của Giáo hội không còn ở trong tay độc quyền của giáo triều La Mã, các hồng y ngoài La Mã này mới thật sự là các cố vấn của giáo hoàng.

Cũng một chiến thuật cho các vấn đề tài chánh. Ba cơ quan nội bộ không còn giữ nhiệm vụ quản trị và điều hành các cổ phiếu nhưng là một hội đồng gồm mười lăm nhân vật  – trong đó có bảy giáo dân, họ là những chuyên gia có kinh nghiệm tài chánh quốc tế – cố vấn cho giáo hoàng và trả lời trực tiếp với ngài. Và cuối cùng là ngài quyết định.

Đức Phanxicô áp dụng cách làm việc của Công đồng Vatican II, có nghĩa là cùng làm việc chung với nhau, cùng quyết định chung với nhau, nhưng ngài nói tiếng nói mạnh hơn – chưa có kể từ thời Giáo hoàng Piô XII! – quyền lực trực tiếp và nhân viên của giáo hoàng. Theo cách mà Giáo hội sống trước thời Công đồng Vatican II…

 

  1. Nhà địa chính trị này không phải là nhà ngoại giao 

    Đức Phanxicô là người Châu Mỹ La Tinh không thích đi đây đi đó nhưng ngài có một ý tưởng chính xác về hành tinh này. Nếu vị tân cha xứ toàn cầu này được báo giới ca tụng thì tầm nhìn địa-chính trị và các cách hành động của ngài không gây được sự đồng tình. Là người Argentina, trước hết ngài giữ một khoảng cách văn hóa rõ rệt đối với siêu cường Mỹ. Chẳng hạn, một kiểu hành động độc lập tự nhiên đã dẫn đến việc vào tháng 9-2013, vượt khỏi mọi thể thức ngoại giao quốc tế, ngài nhanh chóng, đơn phương đưa ra sáng kiến ngoạn mục – một ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, theo đó là bức thư ngõ gởi cho Tổng thống Vladimir Poutine, người đang chủ tọa cuộc họp của G20. Với giáo hoàng vừa được bầu chọn sáu tháng trước đây, kiểu mở đầu cho địa-chính trị này là một thành công. Từ đó các nguyên thủ Quốc gia trên thế giới không lầm. Họ sắp hàng chờ để được gặp ngài tại Rôma vì đứng bên cạnh vị giáo hoàng hiện tượng này họ sẽ được mọi người thấy. Về vấn đề Syria, quan điểm hòa bình bằng mọi giá của Giáo hội là một quan điểm cổ điển. Nó bắn trúng hồng tâm trong bối cảnh mọi người sợ một cuộc chiến tranh hóa học sắp bùng phát mà nước Pháp đứng đầu trong chiến dịch cổ động quốc tế. Nhưng đó là phương pháp cú đấm của Đức Phanxicô đập vào các não hệ. Ngay lập tức, nó đem lại thế đứng của Tòa Thánh trong ván cờ địa chính trị toàn cầu, nắm cương vị thực thể đạo đức được mọi người công nhận. Như thời vàng son của Đức Gioan-Phaolô II…

Ngược lại, gay go hơn là chuyến đi Lampedusa bất ngờ, chống lại lời khuyên của Quốc vụ khanh, ngài quyết định một mình đi đến đảo Lampedusa, ở miền Nam Sicile, nơi những người di dân Phi châu lén lút đến Âu châu. Ở đó, tháng 7-2013, Đức Phanxicô tuyên bố một bài diễn văn thô tháp và đơn giản quá mức, ngài lên án «sự dửng dưng được toàn cầu hóa», bài diễn văn không được Âu châu chấp nhận vì họ không biết phải làm sao để đối đầu với kiểu di dân  này.

Một phong cách gây sốc, thiếu tính ngoại giao nên có thể có nhiều ngạc nhiên trong chuyến đi Đất Thánh sắp tới. Cũng như hồ sơ về Á châu. Vị giáo hoàng Dòng Tên này có nhiều tham vọng cho Giáo hội. Khi còn là linh mục trẻ, ngài đã mơ đi truyền giáo ở Nhật bản.

(Nguyễn Tùng Lâm, phanxico.vn 01.12.2016/
Le Figaro, Jean-Marie Guénois, Jean Sevillia, 23-5-2014)