“Cám ơn đi, sẽ thấy nhẹ lòng !”

Nhờ trang mạng xã hội mà tôi tình cờ gặp lại hai người con trai và con gái của một chị bạn thời cùng sinh hoạt trong hội Legio Marie.

Người con gái đã lập gia đình, cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh hôm tháng Tư vừa qua. Sẽ có chẳng có gì đáng nói nếu chúng ta biết rằng hai người con phương trưởng, thành đạt hôm nay đã trưởng thành trong hoàn cảnh gia đình rất khó khăn về kinh tế. Người Cha lao động phổ thông. Công việc chính của người Mẹ là tham gia công tác tông đồ, các việc đạo đức của nhà thờ. Ban ngày thì làm công tác chăm sóc các bệnh nhân nghèo bị con cái bỏ rơi theo sự phân công của Hội Legio Maria. Ban đêm tham gia các buổi đọc kinh cầu nguyện, đặc biệt là các buổi cầu kinh cho các linh hồn vừa mới qua đời. Nếu nhìn với con mắt thế gian thì quả thật tôi không hiểu bằng cách nào mà chị ta có thể nuôi hai đứa con trưởng thành và có được những thành đạt mà một gia đình phải có kinh tế thuộc hạng trung bình khá mới có thể đạt được.

 

Mà không chỉ riêng trường hợp của chị, tôi cũng biết nhiều trường hợp khác cũng tương tự như thế. Rất nhiều người chỉ biết sống phục vụ cho Chúa, cho giáo hội và tha nhân nhưng rồi con cái của họ vẫn có được những điều mà có khi các bậc cha mẹ khác phải đầu tắt mặt tối kiếm tiền mới có thể trang trải cho con mình đủ điều kiện để đạt được những mục tiêu cần có trong cuộc sống.

 

Cũng có thể do thực tế này mà chúng ta có câu “ Làm việc Chúa, Chúa trả công” .Trong niềm tin của một tín hữu Kitô, chúng ta tin tưởng rằng Chúa luôn là Ông Chủ hào phóng sẽ không bao giờ để lòng tốt của ai bị thiệt thòi. Phúc Âm kể lại rằng chỉ cần chú bé dâng cúng năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá thôi thì Chúa đã ban bánh và cá cho hơn 5000 người ăn mà còn dư 15 thúng đầy . (Ga 6, 5-11).

 

Tuy nhiên, không biết vì cho rằng những người “ làm việc Chúa “ thì đã có “ Chúa trả công” nên khi giáo dân cống hiến thời gian và sức lực của mình vào các công việc xây dựng, tham gia các tổ chức của giáo xứ, họ thường ít khi nhận được lời cám ơn. “Thi ân bất cầu báo” cho dù sự “ cầu báo” đó chỉ là một lời cám ơn là tâm lý chung của những người làm việc công đức, việc thiện nguyện. Tuy nhiên nói LỜI CÁM ƠN thực sự là bổn phận của chúng ta đối với họ. Về nhân bản thì nó nói lên chúng ta là người có giáo dục, có văn hóa trong ứng xử. Và theo Đức Thánh Cha Phanxico thì “ Một Kitô hữu mà không biết nói lời cám ơn là người đã quên đi ngôn ngữ của Thiên Chúa. Điều này thật tệ hại”. ( Trích phát biểu của ĐTC Phanxico trong buổi tiếp kiến chung  vào sáng thứ Tư 13.05 tại Quảng trường Thánh Phêrô )

 

Khi dự lễ tại vài nhà nguyện hay nhà thờ tại Philippines, hàng tuần tôi đều nghe các LỜI CÁM ƠN của các vị linh mục chủ tế dành cho ca đoàn, cho dù số lượng ca viên của ca đoàn không nhiều bằng các ca đoàn tại Việt Nam mà tôi biết. Cá biệt, có những thánh lễ vị linh mục không ngần ngại khen ngay cả người hát solo vào dịp cuối lễ , bởi do người này đã thể hiện một bài hát quá sốt sắng, quá tâm tình giúp mọi người như được “ cầu nguyện hai lần”. Nếu thánh lễ đó có múa dâng lễ thì vị linh mục sẽ cám ơn vũ đoàn. Nếu có ai dâng cúng điều gì, các linh mục cũng không ngần ngại công bố cho cộng đoàn biết và mời cộng đoàn cám ơn nhà hảo tâm bằng một tràng pháo tay.

 

Trong Tuyên bố chung của Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân Lần X với chủ đề : Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI, có viết : ” Giáo dân là một bộ phận không thể chuyển nhượng trong một thân thể duy nhất , nhưng đa dạng trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Đức Kitô “. Thiết nghĩ một trong những cách khuyến khích người giáo dân hoàn thành sứ mạng này cách nhiệt tâm và vui vẻ hơn đó là các vị chủ chăn nên nói LỜI CÁM ƠN một cách thường xuyên và công khai hơn.

 

Vâng ! Người Việt ta có câu: “ Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Một lời cám ơn mà được nghe nơi ngay trong thánh lễ hay ” giữa làng ” dĩ nhiên sẽ làm cho người được nhận sẽ hạnh phúc bội phần. Thiết nghĩ điều này chẳng hề làm giảm đi công đức của người đang đóng góp thiện chí của mình vào việc nhà Chúa, cũng chẳng khiến họ trở nên kiêu căng tự mãn, bởi lẽ cho dù chúng ta có cám ơn hay không thì trước mặt Chúa, giá trị việc làm của họ cũng không thay đổi. Khi làm việc tông đồ có lẽ ai cũng nhớ Lời Chúa dạy rằng “ đừng để tay trái biết việc tay phải làm” , Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự sẽ biết tấm lòng của họ, còn với chúng ta khi biết trao ban cho nhau những LỜI CÁM ƠN cách hào phóng và đúng thời điểm thì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ lòng vì “ kẻ tạo ơn và người biết ơn đều được nhấm nháp hương vị ngọt ngào như nhau!”.

 

Bình Minh