Chỉ trong một tuần lễ, hai tài liệu quan trọng của Giáo Hội Công Giáo được chính thức công bố. Tài liệu thứ nhất là thông điệpLaudato Si (Chúc tụng Chúa) của Đức giáo hoàng Phanxicô. Tựa đề thông điệp được rút ra từ Bài Ca Mặt Trời của thánh Phanxicô Assisi, trong đó ngài bày tỏ sự thân thiện và gần gũi với thế giới tự nhiên qua những tên gọi như “Anh Mặt Trời”, “Chị Trăng”, Mẹ Đất”… Như thế, chính tên gọi của thông điệp đã diễn tả giáo huấn của Đức giáo hoàng về việc bảo vệ và chăm sóc môi sinh thiên nhiên. Thật vậy, thông điệp trình bày những thực tế về thiên nhiên đang bị tàn phá nặng nề và gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên đời sống của ngôi nhà toàn cầu, đồng thời phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay, cuối cùng đề ra hướng giải quyết trên mọi bình diện: cá nhân, cộng đồng xã hội, tổ chức quốc tế.
Tài liệu thứ hai là Instrumentum Laboris (Tài liệu làm việc) của Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về Gia đình, sẽ nhóm họp tại Rôma vào tháng 10 năm nay. Tài liệu này là một tổng hợp bản đúc kết của khóa họp năm ngoái, cộng thêm những ý kiến của các Hội Đồng Giám Mục cũng như các tổ chức khác gửi về Tòa Thánh. Đây sẽ là cơ sở nền tảng để các nghị phụ tham dự Thượng Hội Đồng tiếp tục làm việc, thảo luận và đưa ra những hướng dẫn mục vụ.
Sự tiếp nối giữa hai tài liệu khiến tôi nghĩ đến gia đình như là môi sinh quan trọng nhất cho sự sống con người. Thật vậy, gia đình là môi trường đầu tiên và căn bản, nơi con người được sinh ra, nuôi dưỡng, học tập những gì là căn bản nhất cho cuộc sống làm người. Thế nhưng, cũng như môi trường thiên nhiên, môi sinh gia đình ngày nay đang bị tàn phá trầm trọng. Khi phân tích tình trạng thế giới ngày nay, Đức giáo hoàng Phanxicô nói đến chủ nghĩa tiêu thụ, nền văn hóa “vứt bỏ” (throw away culture), cơ cấu kinh tế duy lợi nhuận… như là những chủ trương và thái độ sống dẫn đến sự tàn phá thiên nhiên, cuối cùng chính nhân loại phải gánh chịu hậu quả hiện nay cũng như cho thế hệ tương lai. Cũng thế, lối sống hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân khiến cho nhiều gia đình không còn là bầu khí quyển lành mạnh, để mỗi thành viên có thể hít thở và phát triển nhân cách của mình cách đúng đắn.
Vì thế, cùng với việc bảo vệ và chăm sóc môi sinh thiên nhiên, người Kitô hữu cần phải quan tâm đến việc bảo vệ và chăm sóc môi sinh gia đình theo lý tưởng Phúc Âm. Những gia đình Công giáo lành mạnh sẽ cung cấp cho Giáo Hội những Kitô hữu trưởng thành và những con người có khả năng xây dựng một xã hội lành mạnh theo định hướng Nước Trời.
Ngày 27.06.2015
Người Mỹ Tho