Lễ Chúa Giêsu Lên Trời – Năm B: Mc 16, 15 – 20
Hiệp cùng toàn thể Giáo hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Giêsu về trời, (hay còn gọi là Lễ Chúa Thăng Thiên). Vậy chúng ta hiểu biến cố Chúa Giê-su lên trời như thế nào?
Con có đọc một câu chuyện đăng trên một tờ báo, được lưu ở một thư viện. Tờ báo ấy phát hành ngày 5-9-1961. Câu chuyện ấy có nội dung thế này:
Sau khi Liên Bang Xô Viết cũ đã đưa được người đầu tiên lên không trung, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng Bí thư Krouchev của Nga đã nói với ký giả của tờ báo New York Time lúc đó rằng: “Để điều tra trên trời có Thiên Đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử có tên là Youri Gararine lên không trung . Anh đã đi vòng quanh quả địa cầu mà chỉ trông thấy những bóng đen dầy đặc, không có gì giống như Thiên Đàng cả. Sau đó, chúng tôi đã suy nghĩ và chúng tôi lại tiếp tục gửi một thám tử khác có tên là German Titov bay lên không trung một lần nữa . Lần này chúng tôi đã dặn kỹ lưỡng anh ấy rằng: ‘Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Gagarine chưa thấy Thiên Đàng vì anh ấy chỉ mới bay có một tiếng rưỡi đồng hồ. Vậy chuyến này anh hãy nhìn cho kỹ nhé”.
Titov đã bay lên không trung, rồi lại trở về và xác nhận lời tuyên bố của Gagarine: Đúng như vậy. Chỉ là “Hư vô! Chỉ có hư vô, không có Thiên Đàng!”
Rồi Krouchev kết luận: “Cho nên người cộng sản chúng tôi không tin có Thiên Đàng, và việc Chúa lên trời là chuyện bịa đặt”.
Đó là cái nhìn của một người cộng sản, vô thần; một cái nhìn hoàn toàn duy vật. Họ coi con người chỉ là loài động vật cao cấp. Chết là hết. Bởi đó họ không tin có Thiên Đàng, không tin có đời sau. Như thế họ phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một cái nhìn như vậy thì làm sao Thiên Chúa có thể tỏ cho họ thấy được vinh quang và hạnh phúc Nước Trời. Lời Chúa Giê-su trong Tin mừng Thánh Mát-thêu đã nói rõ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan, thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25).
Còn với chúng ta, những người con bé mọn của Thiên Chúa, đã được Ngài yêu thương, mặc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời. Nhờ đó chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc mừng lễ Chúa Giê-su về trời mà Giáo hội long trọng cử hành hôm nay.
Chúa Giê-su về trời cùng Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn hiện diện ở giữa nhân loại như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Vậy, Chúa ở với chúng ta như thế nào sau khi Ngài đã về trời?
Chắc chắn không phải là một con người bằng xương, bằng thịt như trước đây nữa. Trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã hiện diện giữa các môn đệ của Ngài. Ngài hiện diện gần gũi, bằng xương, bằng thịt, đến nỗi Thánh tông đồ Gioan đã phải thốt lên: “Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống”. Thánh Phêrô cũng đã xác nhận trước cộng đoàn những người Do Thái: “Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người”. Sự hiện diện như thế quả là rất cụ thể.
Nhưng với biến cố Chúa chịu chết – sống lại và lên trời hôm nay, chúng ta thấy rõ sự hiện diện cụ thể bằng xương, bằng thịt không còn. Vì trong biến cố phục sinh và lên trời, Chúa Giê-su đã thay đổi cách thức hiện diện của Ngài: từ hữu hình sang vô hình, từ cuộc sống vật chất sang cuộc sống thần linh. Thay đổi như vậy, để rồi Người có thể hiện diện ở khắp mọi nơi, không còn phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa.
Lúc đầu, các môn đệ chưa thể chấp nhận được điều đó. Chính vì thế mà Chúa Giê-su đã phải để một thời gian tương đối dài: 40 ngày sau Phục Sinh để tập cho các môn đệ làm quen với sự hiện diện đó bằng những lần hiện ra với các ông, cá nhân cũng như tập thể, để rồi sau đó, các ngài dám sống cuộc sống chứng nhân một cách triệt để hơn, mạnh dạn hơn, bất chấp những thách đố, bắt bớ và kể cả sự chết. Vì có Chúa luôn ở với các ông.
Thật vậy, nhờ có Chúa ở cùng mà cuộc sống của các tông đồ đã hoàn toàn được đổi mới. Cộng thêm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã trở thành những chứng nhân nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời như lời Chúa Giê-su đã kêu gọi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).
Mừng lễ Chúa Giê-su về trời hôm nay, mỗi người Ki-tô hữu chúng ta cũng đang được Chúa Giê-su mời gọi hãy tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng ấy cho muôn dân, nhất là trong năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ, và Cộng đoàn Thánh hiến, để nhờ đó tất cả mọi người đều được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đồng thời đây cũng là dịp để qua đó, Giáo Hội nhắc nhở mỗi người Kitô hữu chúng ta biết rằng: mình cần phải có một cái nhìn quân bình về cuộc sống hàng ngày tại trần thế hôm nay, đó là:
Chúng ta đang sống ở giữa trần gian, nhưng lòng trí và tâm hồn chúng ta lại hướng về trời cao. Vì nơi ấy mới chính là quê hương đích thực của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta hướng tâm hồn về trời cao không có nghĩa là chúng ta bỏ bê những công việc bổn phận của mình ở trần thế này, trái lại, đang khi còn sống ở trần gian, chúng ta phải có bổn phận xây dựng cuộc sống trần thế trong gia đình, nơi quê hương, xứ sở, xóm ngõ của mình sao cho tốt đẹp hơn, thắm tình huynh đệ và đượm tình nhân ái hơn. Bởi vì hạnh phúc Nước Trời mai sau chỉ thực sự được bắt nguồn từ chính cuộc sống hạnh phúc của ngày hôm nay, tại trần thế này.
Vì thế, khi chúng ta nỗ lực để cùng nhau xây đắp nền văn minh tình thương, công lý và hòa bình để mang lại sự bình an cho quê hương, đất nước, tạo dựng sự phồn thịnh cho “Quốc thái – Dân an” để mọi người được sống trong cảnh thái bình, thịnh vượng, thì đó là lúc chúng ta đang được nếm trước hạnh phúc Thiên Đàng mai sau. Hơn nữa, những ai biết chu toàn bổn phận của mình tại trần thế này một cách tốt đẹp (thì) đó là dấu chỉ người ấy đang biết chuẩn bị cho mình một hành trang tốt nhất để tiến về trời cao, tiến về quê hương đích thực của mình. Bởi vì chính Chúa Giê-su, trước khi về trời cùng Thiên Chúa Cha, Ngài cũng đã chu toàn mọi việc bổn phận của mình ở trần gian này một cách tốt đẹp, không ai chê trách được điều gì.
Tắt một lời, tuy chúng ta đang sống ở trần gian, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn hướng về trời cao. Hướng về trời cao, nhưng chúng ta không quên việc bổn phận tại trần thế. Hội tụ được hai điều ấy trong đời sống đức tin của mình, chắc chắn chúng ta sẽ trở nên những người môn đệ hữu dụng của Chúa trong việc làm chứng và loan báo Tin Mừng cho muôn dân như lời Chúa kêu gọi chúng ta trong bài Tin Mừng Lễ Chúa Giê-su về trời hôm nay. Amen.
Lm. Đaminh Trần Văn Tường