Xin trả lời ngay rằng cô dâu chú rể không nên đọc Sách Thánh trong lễ cưới của họ vì những lý do sau:
1) Thứ nhất, thực hành này không nằm trong ý định của Hội Thánh
Thật vậy, không một sách nghi thức hay tài liệu phụng vụ nào của Giáo Hội quy định hay hướng dẫn cô dâu chú rể đọc Sách Thánh trong lễ cưới của họ. Thay vào đó, Giáo Hội lại yêu cầu đôi vợ chồng tương lai nên chọn lựa bản văn Sách Thánh sẽ công bố. Sách Nghi thức Cử hành Hôn nhân viết: “Nếu tiện, (cha xứ) nên cùng với những người sắp kết hôn chọn những bài đọc Thánh Kinh, là những bài sẽ được quảng diễn trong bài giảng…”[1] Cuốn sách này liệt kê đến 9 Bài đọc Cựu Ước;[2] 7 Thánh vịnh Đáp ca;[3] 13 Bài đọc từ các thư của các Tông đồ;[4] và 10 bài Tin Mừng.[5] Do đó, trong quá trình chuẩn bị,[6] các vị hữu phụ trách nên khuyến khích đôi phối ngẫu dành nhiều thời gian đọc chung với nhau một số hoặc tất cả những bản văn Kinh Thánh này, cầu nguyện trên các bản văn, rồi chọn lựa từ đó một Bài đọc Cựu Ước, một bài Thánh vịnh Đáp ca, một Bài đọc Tân Ước và một bài Tin Mừng.[7] Như vậy, đôi hôn phối chọn lựa Bài đọc Sách Thánh, nhưng người khác sẽ công bố Lời Chúa trong lễ cưới của họ, còn đích thân họ thì không.[8]
2) Thứ hai, cử hành Thánh lễ là hành động phụng vụ của toàn thể Hội Thánh
Cử hành hôn nhân mang tính cộng đồng, vì lợi ích của Hội Thánh, chứ không là biến cố của cá nhân hay gia đình nào.[9] Mỗi cử hành phụng vụ đều là sự quy tụ của Dân Chúa như một gia đình của Thiên Chúa. Nói cách khác, là sự quy tụ của một số tác vụ thiết lập nên cộng đoàn đức tin.[10] Lễ cưới không phải chỉ thuộc về hay là ngày của đôi hôn nhân và gia đình họ mà là một biến cố của cả cộng đoàn địa phương. Bởi thế, tốt nhất, cộng đoàn giáo xứ nên tham dự lễ cưới trong đó mỗi thành viên sẽ thi hành chức năng khác nhau như đã được lãnh nhận (chức thánh, tác vụ) hay ủy thác (người nào việc nấy).[11] Trong tinh thần đó, việc đọc Sách Thánh nên phân công cho những độc viên Sách Thánh. Còn cô dâu và chú rể, họ là tác viên cử hành Bí tích Hôn phối cho nhau chứ không phải làm độc viên Sách Thánh. Bổn phận trọng đại của họ là bày tỏ sự ưng thuận kết hôn của mình trước mặt cộng đoàn đang được quy tụ.[12] Vì thế, trong phần Phụng vụ Lời Chúa, họ nên ngồi để lắng nghe Sách Thánh. Sứ điệp Lời Chúa trong dịp này được gởi trao một cách đặc biệt cho đôi hôn nhân. Thật tréo ngoe và kỳ quặc khi họ lên công bố cho người khác.[13]
3) Thứ ba, tác viên đọc sách là người công bố và chuyển đạt Lời Chúa cho cộng đồng tín hữu
Đọc Lời Chúa không phải đơn thuần như việc đọc sách báo, nhưng là làm cho Kinh Thánh thành Lời, một Lời sống động, một Lời được loan báo cho Giáo Hội nghe theo. Vì thế người đọc Sách Thánh phải thấu hiểu Bài đọc và có khả năng truyền thông Lời Chúa.[14] Những khả năng này thì không phải ai cũng có cũng như không phải ai cũng có khả năng hát hay hoặc giảng giải hấp dẫn (x. 1 Cr 12,6-10). Vì vậy, không thể cứ là cô dâu chú rể thì lên công bố Lời Chúa.
Trong thực tế, Giáo Hội đã ban tác vụ đọc sách cho một số người để họ chuyên chăm công bố Lời Chúa trong phụng vụ. Ngoài ra, mỗi giáo xứ phải tuyển lựa và huấn luyện một số thành viên làm độc viên Sách Thánh. Họ hình thành một đội hay một nhóm chuyên đọc Sách Thánh trong các cử hành phụng vụ tại giáo xứ nhằm tránh tình trạng chỉ định đột xuất hay chỉ định bất kỳ ai lên công bố Lời Chúa.[15]
Tài liệu của Hội đồng Giáo Hoàng về Gia đình nêu rõ: “Việc công bố Lời Chúa (trong Thánh lễ cưới) được thực hiện bởi những độc viên thích hợp và đã được chuẩn bị. Họ có thể được chọn trong số những người hiện diện, đặc biệt là các nhân chứng, các thành viên gia đình, bạn hữu, nhưng dường như không thích hợp để cho đôi hôn nhân làm độc viên. Quả thực, họ là người tiếp nhận đầu tiên Lời Chúa được công bố.”[16] Vì vậy, ngoại trừ cô dâu chú rể, tác viên đọc sách lý tưởng nhất chính là những độc viên Sách Thánh của giáo xứ. Trường hợp không có những tác viên này, chúng ta mới chọn lựa những người thân yêu của cô dâu chú rể lên đọc Sách Thánh. Tuy nhiên, những người này cũng phải có khả năng và tố chất phù hợp với chức năng công bố Lời Chúa. Tốt nhất, họ là người thành thạo, quen thuộc hay từng thi hành chức năng này. Chẳng hạn, họ là độc viên Sách Thánh tại giáo xứ của họ. Nên nhớ rằng, chọn lựa người công bố Lời Chúa trong Thánh lễ không bao giờ dựa trên phạm trù tình cảm hay danh dự.[17] Ở đây, cần có sự phân định thực sự để tìm kiếm người công bố Lời Chúa.[18]
4) Thứ tư, tác viên đọc Sách Thánh thường có phẩm phục riêng
Phẩm phục này có thể là áo alba (trắng dài), tu phục của các dòng tu hay thường phục xứng đáng nhằm mục đích vừa diễn tả chức vụ của tác viên vừa diễn tả lòng tôn kính và trang trọng của nghi lễ thánh.[19] Trong khi đó, y phục của cô dâu (thường là những chiếc áo soiré quá dài) đôi khi gây ra tình huống phức tạp không cần thiết khi di chuyển lên giảng đài: vừa mất thời giờ, vừa gây chia trí cho người khác.
5) Thứ năm, thực hành này gây khó khăn cho một số cô dâu chú rể
Như thực tế đã chứng minh, không ít cô dâu hay chú rể coi mình như bị bắt cóc hay ép buộc phải đọc Sách Thánh. Họ vâng phục vì nghĩ rằng đây là luật lệ hay tập tục của Hội Thánh. Khi biết mình phải công bố Lời Chúa, trong những ngày chuẩn bị lễ cưới, lẽ ra họ phải thật bình an để cầu nguyện, dọn mình lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Thánh Thể…[20] thì tâm trạng của họ lại nặng nề, lo âu và bối rối.[21] Rồi trong chính Thánh lễ, một số cô dâu chú rể run cầm cập khi đọc Sách Thánh, cố làm sao chống trọi cho qua “gánh nặng” này. Điều này hoàn toàn không phải là thái độ và tư thế của người công bố Lời Chúa.