Hành động quỳ gối không phải lúc nào cũng có nghĩa là biểu lộ một cử chỉ của việc thờ phượng. Người công giáo quỳ gối trước tượng Đức Maria để biểu lộ lòng tôn kính và niềm vinh hạnh được cầu khẩn sự chuyển cầu của Mẹ; không có nghĩa là quỳ gối để thờ phượng Người. Sự thật thì một người quỳ gối trước một bức tượng để cầu nguyện không có nghĩa là người ấy đang cầu nguyện với bức tượng đó, cũng như một người quỳ gối với một cuốn Kinh thánh trong tay không có nghĩa là người ấy đang tôn kính Thánh Kinh. Tượng ảnh hay bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào được sử dụng để nhắc nhớ về một người hay vật nào đó. Chúng ta dành cho Mẹ Maria lòng tôn kính cao vời nhất bởi Mẹ là duy nhất trong mọi công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Mẹ là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa tán dương một cách tuyệt vời đến nỗi Người ban Con một Người được sinh ra từ cung lòng Mẹ. Mẹ cũng có một vị trí tôn kính duy nhất trên thiên đàng và giữa mọi dân tộc trên trái đất.
Trong Kinh Thánh, thuật ngữ “tôn sùng” được sử dụng với một ý nghĩa mở rộng, nhưng trong giai đoạn đầu của Kitô hữu, các nhà thần học đã phân tích và nêu ra những khác biệt giữa các cấp bậc khác nhau của việc tôn kính, với mục đích làm sáng tỏ hơn cấp bậc nào dành riêng cho Thiên Chúa, cấp bậc nào không dành riêng cho Người. Và có ba phạm trù của việc tôn sùng. Đó là các thuật ngữ bằng tiếng Hy lạp: Latria, Dulia và Hyperdulia.
Latria (Tôn thờ): thuật ngữ này được sử dụng chỉ dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Sự tôn kính này bao gồm dâng hiến trọn vẹn cuộc sống, tâm hồn, ý nghĩ và thân xác ta làm của lễ sống động cho Thiên Chúa (Rôma 12, 1:2). Chúng ta làm việc này một cách rõ ràng qua hy lễ được cử hành trong thánh lễ.
Dulia (Tôn kính): thuật ngữ được sử dụng dành cho việc tôn kính con người, đặc biệt là những ai đã sống và chết trong tình huynh đệ với Thiên Chúa, nói cách khác đó là những vị thánh. Kinh thánh chỉ rõ rằng việc tôn kính dành cho những cá nhân này. (Mattheu 10:41b). Chúng ta cũng tôn kính ông bà tổ tiên mình. Một phần, thuật ngữ này dùng khi chúng ta xin điều gì đó. Nhưng chắc chắn rằng tôn kính không phải là thờ phượng hay tôn thờ.
Hyperdulia (biệt kính): đây là một thuật ngữ đặc biệt, chỉ việc tôn kính dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Tất cả những thuật ngữ trên đây- latria, dulia và hyperdulia thường được sử dụng bằng một thuật ngữ chung, đó là “tôn sùng” (Trong Tiếng Anh là worship); đôi khi ta đọc những cuốn sách cổ bàn luận rằng khi một người được tôn kính, họ sẽ xứng đáng với thuật ngữ “tôn kính” hay “tôn thờ”. Tuy nhiên với người thời nay cũng như những người không quen với lịch sử của những thuật ngữ này thì điều đó rất dễ nhầm lẫn.
Nhiều người không Công giáo thường xuyên cho rằng người Công giáo “tôn sùng” Đức Maria và các thánh, và vì thế, họ cáo buộc Giáo hội Công giáo tôn thờ ngẫu tượng. Vì thế, thật đáng lo ngại là việc tôn sùng Đức Mẹ và các thánh đang làm cản trở đến sự hiệp nhất Kitô giáo; bởi sau Chúa Giêsu và vì những ân sủng được ban xuống cho Mẹ, không ai hết lòng vì sự hiệp nhất Giáo Hội hơn là Mẹ Maria. Giáo hội luôn nghiêm ngặt về thuật ngữ ‘latria’ hay tôn thờ -mà chúng ta vẫn gọi chung là tôn sùng- chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa làm rạng danh các vị thánh của Người, đặc biệt là Mẹ Maria, qua những phép lạ Người thực hiện cũng những ân sủng Người ban cho ta qua lời chuyển cầu của các ngài. Và Thiên Chúa chắc chắn sẽ không làm thế nếu Người không muốn chúng ta tìm kiếm sự nâng đỡ của Người theo cách đó.
Joseph Đinh chuyển ngữ
Nguồn: Catholic Church Affairs