Sống đời thanh bần với tấm lòng thanh thoát

húc cho ai có tâm hồn nghèo khó
(Mt 5, 3)
Ý nghĩa tiên khởi của khó nghèo là làm chứng cho Thiên Chúa, kho tàng đích thực của trái tim con người
(TH, số 90)

 
 
Lời khấn thanh bần được hiểu và sống cách đa dạng và phong phú trong lịch sử Giáo hội. Có khi là bán hết tài sản, có khi chỉ là “tinh thần nghèo khó” thôi[1]. Ngày hôm nay, lời khấn thanh bần được đặt trong mối liên hệ sâu xa hơn với việc phục vụ và phát triển người nghèo, trong viễn tượng là xây dựng một Giáo hội của người nghèo, cho người nghèo, vì người nghèo, và hơn nữa, một Giáo hội nghèo[2].
 

Không màng danh lợi

Khó nghèo tự nó không phải là một giá trị, nếu không muốn nói là một cái xấu cần đẩy lui, xa tránh. Thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu, nghèo nàn tới mức cùng khổ, tới mức không thể sống cho xứng với phẩm giá người là điều xấu. Chủ trương sống khó nghèo không có nghĩa là chủ trương “bần cùng hoá” con người hay xã hội. Khó nghèo ở đây là một nhân đức giúp ta thoát khỏi cái vòng kềm toả của “đổi chác”, “chiếm hữu” hay “vụ lợi”, để đi vào quỹ đạo dâng hiến cách siêu thoát, quảng đại và vô vị lợi cho Thiên Chúa và tha nhân. “Bán hết những gì mình có để chia sẻ cho người nghèo” là một tình yêu dâng hiến vô vị lợi, không tìm danh lợi, vì “người nghèo” thì chẳng có gì đáp trả lại cho những tặng vật ta đưa cho họ, có chăng chỉ là tình thương mến mà thôi!

Quả thực, lời khấn khó nghèo là chứng tá về một tình yêu trao ban. Dù được diễn tả dưới hình thức nào thì cốt lõi của việc sống thanh bần cũng là một lối sống bước theo Chúa Kitô trong tâm tình bác ái, trao tặng tới mức “tự huỷ” vì anh em mình. Hiến chế Giáo hội vì thế đã liên kết lời khấn khó nghèo và vâng phục trong số 42d và coi đây là lối sống bác ái theo gương Chúa Kitô (GH 42d). Quả thực, khó nghèo chỉ là phương tiện nên trọn lành bao lâu gắn liền với đức ái[3]. Dưới khía cạnh mầu nhiệm, đó là một tình yêu luôn khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa như là Đấng tuyệt đối, như là kho tàng đích thực của lòng mình. Dưới khía cạnh xã hội, đó là một tình yêu liên đới và chia sẻ dành cho anh em chị em mình, nhất là những người nghèo khổ[4].
 

Kho tàng đích thực

“Của cải anh em ở đâu thì trái tim của anh em ở đó” (Mt 19,23), Chúa Giê su đã nói như vậy. Điều này xem ra cũng khá quen thuộc với kinh nghiệm của chúng ta: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Cuộc đời chúng ta bị thu hút bởi hấp lực của đồng tiền, như bài vè dân dã: “Đồng tiền là tiên là phật, là sức bật lò xo, thước đo lòng người…”. Một khi dính bén với tiền của, tâm hồn chúng ta sẽ bị ràng buộc, không còn khả năng mở ra cho Thiên Chúa và anh em. Lúc đó tiền của trở thành mối bận tâm hàng đầu và thậm chí duy nhất, thành thước đo để đánh giá mọi người, mọi vật, và ngay cả trờ thành “tiên phật” thay chỗ cho Thiên Chúa. Kho tàng lòng ta bị đổ đầy và đậy nắp, dẫn đến một lối sống ky cóp, keo kiệt, thu vén.Đức khó nghèo giúp chúng ta vượt thắng các mối nguy mà tiền của có thể gây ra cho chúng ta, để chúng ta biết dùng chúng như phương tiện hầu phụng sự Chúa và phục vụ anh em, chứ không sử dụng một cách ích kỷ hoặc bữa bãi. Nói cách khác, đức khó nghèo Tin Mừng giúp ta tự do thanh thoát để có thể khước từ khuynh hướng muốn chiếm hữu và hưởng thụ vô độ, mà dấn thân quảng đại và hết mình cho Thiên Chúa, Đấng là sự giàu có đích thực của chúng ta. Mẫu gương tuyệt vời là tình yêu khiêm hạ tới mức tự huỷ của Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương đến cùng, tới mức trao bạn tất cả.

Lời khấn khó nghèo là dấu chứng về sự giàu có đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa, nơi kho tàng trên trời. Đó là thái độ sống phó thác vào Thiên Chúa và biết liên đới với người khác. Sắc lệnh Canh tân Dòng tu đã khéo léo đề cập tới khía cạnh của “khó nghèo tập thể” với những chỉ dẫn rằng “hãy làm chứng tập thể về khó nghèo” qua việc sẵn lòng chia sẻ của cải với Giáo hội, với các nhà khác của Hội Dòng cũng như những người túng thiếu (DT 13đ); đồng thời, khuyến cáo họ “hãy tránh mọi hình thức xa hoa trục lợi quá đáng (DT 13e)[5].

Chứng nhân về những giá trị vĩnh cửu

Con người hôm nay xem ra “nóng ruột kiếm tiền” và “cắm đầu hưởng thụ”[6]. Bậc thang giá trị cuộc sống bị đảo lộn khi người ta đề cao khoái lạc, hưởng thụ, tiện nghi… tới mức coi đó là những giá trị cao nhất và duy nhất phải có. Người ta không “nhục” khi sống bê bối nhưng lại “nhục” khi thấy nghèo. Trong một bối cảnh như thế, lối sống khó nghèo thực sự là một lội ngược dòng cam go và đầy thách đố[7].Mỗi người thánh hiến, vì thế,  cần trở nên chứng nhân của “sự nghèo khó đích thực”[8]. Trong một thế giới mà sự hoành hành của “chủ nghĩa vật chất thèm khát chiếm hữu, dửng dưng với những nhu cầu và đau khổ của những người yếu đuối” và hững hờ trước sự huỷ hoại của môi trường sinh thái (x. TH 89), thì đức thanh bần trở thành một chứng tá hùng hồn và có sức thuyết phục.

Người thánh hiến dám bỏ đi sự bảo đảm của vật chất là để nói lên lòng tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa như một bảo đảm chắc chắn nhất. Người thánh hiến dám khước từ nhu cầu chiếm hữu để cho thấy Thiên Chúa mới là kho tàng đích thực, mới là “gia nghiệp” đáng cho chúng ta một đời gắn bó và đeo đuổi. Người thánh hiến tự nguyện sống nghèo khó để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho một xã hội thiên về chiếm đoạt, hưởng thụ, trục lợi rằng: tiền bạc thay vì tạo nên hạnh phúc lại có thể lôi con người vào tròng nô lệ[9].

Để anh em được trở nên giàu có

Thánh Phaolô đã cho thấy được giá trị sâu xa của đức khó nghèo Tin Mừng khi Ngài liên hệ với sự nghèo khó phong nhiêu của Chúa Giêsu, “Đấng vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, ngõ hầu anh em được giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài” (2  Cr 8,9). Sự nghèo khó của chúng ta không bao giờ là sự nghèo khó của ích kỷ, ky cóp, hoặc tâm bệnh, mà là một sự nghèo khó ý thức và tự nguyện vì Đức Ái. Yêu thích nghèo khó không phải vì chúng ta thích thú đau thương nhưng là muốn mở rộng tâm lòng cho Thiên Chúa, không phải vì khoái khổ (masochism) nhưng là muốn chứng tỏ tình yêu quảng đại, không phải là muốn đày đoạ bản thân, nhưng là muốn hiến thân cách tự do thanh thoát.Như vậy, đức khó nghèo Tin Mừng là lời mời gọi sống tình yêu quảng đại, chấp nhận hy sinh, chấp nhận hao mòn, chấp nhận thiệt thòi, để hiến dâng phục vụ cách trọn vẹn, như là một sự hiện thân của Thiên Chúa Tình Thương, Đấng tìm cứu chữa thế giới khỏi những ảnh hưởng tai hại của thói tham lam và chiếm đoạt đang hoành hành ghê gớm trong thế giới hôm nay.

Vì vậy, đây chính là một sự khó nghèo “mở”, “khó nghèo Phúc Âm để phục vụ người nghèo” (TH 90), phản đối lại thói thờ tiền tài, thói dửng dưng vô cảm trước khổ đau túng thiếu, thói tiêu dùng của cải cách ích kỷ và hoang phí, hầu thể hiện một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo, cổ võ việc sử dụng của cải cách có trách nhiệm và trong tinh thần liên đới, đấu tranh chống lại bất công, hầu xây dựng một thế giới nhân đạo hơn (x. TH 90)[10].

Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô nhắc nhở các tu sĩ về trọng trách phục vụ người nghèo (XPL 35). Lãnh vực phục vụ của người thánh hiến là toàn thể thế giới, nhưng ưu tiên nhất vẫn là phục vụ những người nghèo khổ, về vật chất cũng như tinh thần như “thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tình trạng nghiện ngập ma túy, sợ bị ruồng bỏ vì tuổi già hay vì bệnh tật, sống bên lề xã hội hay việc phân biệt đối xử trong xã hội.” (Ibidem). Phục vụ người nghèo cũng có nghĩa là bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người (XPL 35). Đây là nhiệm vụ hàng đầu của truyền giáo khi phải đối diện với một xã hội phi nhân hoá, nhẫn tâm chà đạp lên các quyền lợi của con người.

Trong bối cảnh đó, “với năng động của bác ái, tha thứ và hoà giải, những người thánh hiến đấu tranh cho công lý để xây dựng một thế giới mở ra những cơ hội mới và tốt hơn để cải thiện cuộc sống và phát triển cá nhân.” Huấn thị còn đưa ra chỉ dẫn cụ thể là “để việc tham gia đấu tranh đạt hiệu quả, cần phải có tinh thần của người nghèo, được thanh luyện khỏi tư lợi, sẵn sàng phụng sự hoà bình và bất bạo động với tinh thần liên đới và đầy lòng thương cảm đối với những ai khốn khổ”, ngay cả khi phải “sẵn sàng trả giá cho việc bách hại”.

Đó cũng là sứ mệnh phục vụ sự sống (XPL 38) qua việc “biểu lộ lòng thương xót của Đức Kitô” khi gần gũi, cảm thông cũng như tạo bầu khí nhân đạo và tin tưởng, để xoa dịu niềm đau nỗi khổ của các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo khổ và bị bỏ rơi; qua việc khéo léo trình bày những lý lẽ của lập trường Kitô giáo, để “giải thích và bảo vệ các giá trị bắt nguồn từ chính bản tính con người”, hầu đề cao sự ưu việt của hồng ân sự sống và mời gọi mọi người cùng góp tay xây dựng nền văn hoá sự sống.

Đó cũng là lờ mời gọi phục vụ “trong sự sáng tạo của đức ái” (XPL 36). Với ý thức rằng phục vụ trong tinh thần bác ái là “biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho thế giới”, người thánh hiến cần lưu tâm đến sự “trung thành có sáng tạo”, một sự sáng tạo “từng làm phát sinh hàng ngàn khuôn mặt bác ái và thánh thiện dưới các hình thái đặc thù”, một sự sáng tạo cần phải được tiếp nối dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm nảy nở những hình thái mới của tình yêu hầu đáp ứng các nhu cầu mới của thời đại, như đồng hành và đồng thân phận với người nghèo, người cao niên, người nghiện ngập, những người đau khổ vì bệnh Aids, những người tha hương đang gánh chịu mọi thứ cực hình vì sống trong hoàn cảnh đặc biệt, cảnh buôn bán phụ nữ và bắt trẻ em làm nô lệ (bị lạm dụng, bị ngược đãi, bị bỏ rơi hay bị cưỡng bức tòng quân…).

Huấn thị đi xa hơn khi mời gọi giải quyết “căn nguyên” hầu nhổ tận gốc gây ra cái nghèo: những mô hình xã hội bất công, tham vọng cá nhân hoặc phe nhóm, sự dửng dưng vô tâm của nhiều người, những cơ cấu tội ác… Hơn nữa, Huấn thị cũng không quên nhắc nhở các tu sĩ về tình liên đới, sự cộng tác với dân chúng, nhạy bén với thời cuộc và nhạy cảm với các vấn đề của dân chúng. Đồng thời, trong khi luôn gia tăng các sáng kiến, các tu sĩ cũng nên biết làm việc có phương pháp với những chương trình mục vụ và kế hoạch truyền giáo khoa học, để hành động một cách có trật tự và hiệu quả hơn là tùy tiện.
 
Kết luận: Chúng ta được mời gọi sống đức khó nghèo với một tấm lòng thanh thoát. Bằng việc giảm thiểu hay từ khước sở hữu vật chất, chúng ta muốn tuyên xưng sự gắn bó và lệ thuộc tuyệt đối của chúng ta vào Thiên Chúa, làm chứng về kho tàng đích thực và vĩnh cửu mai hậu và thể hiện một đức ái quảng đại, quên mình, với một tình yêu siêu thoát, tự do, rộng mở.
 
Gợi ý suy niệm: 

–       Chúng ta có thực sự sống khó nghèo theo Tin Mừng không? Trong tinh thần (khiêm tốn, nhỏ bé)? Trong thể chất (chừng mực, đơn sơ, chăm chỉ, bác ái)?
–       Chúng ta có chia sẻ với ý thức mọi thứ là quà tặng nhưng không? với thái độ khiêm tốn trung thành? với tình yêu thanh thoát và vô vị lợi?
 
 
LỜI NGUYỆN SIÊU THOÁT
 
Lạy Chúa Giêsu!
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin. 
 
Lạy Chúa Giêsu, 
xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò từng người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa: “Các con hãy cho họ ăn đi!”.
Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại. Amen.
 
(St)
 
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng, Thắp sáng đời dâng hiến, Tủ sách Ra Khơi 2015, tr. 46-55

 

[1] Có mấy lập trường chính: Pacomio nhấn mạnh tới tính cách khổ hạnh; Basiliô và Ausgustinô chủ trương nghèo khó là chia sẻ của cải; Phanxicô và Đa Minh nêu bật khía cạnh triệt để của đức nghèo khó thực sự nơi cá nhân và tập thể; một số khác lại cho rằng chỉ cần nghèo khó trong tinh thần mà thôi. X. Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, tr. 482-486.
 
[2] X. Phan Tấn Thành, Sđd, 486-489; x. E. Gambari, Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật, quyển 1, Bản dịch của M. Nguyễn Ngọc Đính, tr. 355-361.
 
[3] TÔMA AQUINÔ, Summa Theologica II-II, q. 187, 5; q. 188, 7.
 
[4] X. Sebastian George, Sđd, tr. 23-24.
 
[5] Xét về phương diện thần học, đức thanh bần đặt con người trong thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa, thúc đẩy họ bước theo Chúa Kitô tự hạ, siêu thoát, giúp họ sống yêu thương liên đới qua việc chia sẻ với cộng đoàn và tha nhân, chứng tá cho sự tự do thanh thoát. Xét theo khía cạnh tu đức, khó nghèo có nghĩa là cần cù lao động, liên đới phục vụ người nghèo và sống bác ái chia sẻ. Xét theo hình thức thì có khó nghèo trong tâm tình (bình dị, không tạo ra nhu cầu giả tạo, không dính bén) và khó nghèo nghĩa chặt (khất thực, sống chung với người nghèo…). X. Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2, tr. 493-505.
 
[6] X. Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, tr. 15-48.
 
[7] X. S. M. Schneiders, New Wineskins, Re-imagining Religious Life Today, Paulist Press, New York/Mahwah 1986, 168-169.
 
[8] Tông thư Chúng tá Phúc Âm số 18 nói đến năm phương thức đáp lại “tiếng kêu la của người nghèo”: (1) không liên kết với bất cứ hình thức bất công xã hội nào; (2) thức tỉnh lương tâm trước hoàn cảnh bi đảt của người cùng khổ; (3) sống và chia sẻ cái nghèo với người nghèo; (4) phục vụ người nghè; (5) sử dụng một cách tiết kiệm những của cải mình có. X. Phaolô VI, Chứng tá Phúc Âm, số 17-18.
 
[9] X. Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, Roma 1993, tr. 495.
 
[10] Để có cái nhìn tổng thể về đức khó nghèo có thể xem thêm V. C. Garda- Sa. Gonzàlez Silva, “Povertà” [Sự khó nghèo], trong Rodriguez A.A. – Casas J.M.C. (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 1242-1283.

– See more at: http://gpbuichu.org/news/Chuyen-de/Song-doi-thanh-ban-voi-tam-long-thanh-thoat-1405.html#sthash.ZxFDlrlu.dpuf