Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma..
Hỏi 1: Trong Thánh Lễ, các Kinh Nguyện Thánh Thể I, II, III, và IV được sử dụng đúng như thứ tự bản văn. Liệu một Giám Mục giáo phận có thể đưa thêm vào một lời cầu đặc biệt vào đó, thí dụ, lời cầu nguyện cho ơn gọi không? – B. W., Windhoek, Namibia.
Hỏi 2: Khi một vị đồng tế được chọn để đọc một phần Kinh Nguyện Thánh Thể, liệu ngài có thể đọc thêm “… và cho các linh mục, tu sĩ và toàn dân Chúa” sau khi đọc tên của Đức Thánh Cha và Giám Mục không? Ngoài ra, liệu có sự tùy chọn để đọc thêm “và Giám Mục phụ tá, hoặc Giám Mục nghỉ hưu …” không? – J. P., Pennsylvania, Mỹ.
Đáp: Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là không được. Giám Mục giáo phận không được chèn thêm lời nguyện vào Kinh Nguyện Thánh Thể. Nếu ngài muốn đưa thêm lời nguyện vào Thánh lễ, ngài có thể đưa, thí dụ, một lời nguyện đặc biệt vào trong Lời Nguyện Tín hữu.
Vì một một lý do nghiêm trọng, ngài có thể chỉ định hoặc cho phép dùng một công thức Thánh lễ đặc biệt, ngay cả nếu theo hoàn cảnh bình thường, phụng vụ sẽ không cho phép sử dụng một công thức như vậy. Thí dụ, nếu hoàn cảnh đòi hỏi, ngài có thể chỉ định cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma để gìn giữ Hòa bình và Công lý vào một ngày Chúa Nhật của mùa Giáng Sinh, hoặc mùa thường niên, hoặc vào bất kỳ ngày phụng vụ khác, trừ ngày lễ trọng, các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Phục Sinh, Tuần Thánh, tuần bát nhật Phục Sinh, Thứ Tư Lễ Tro và lễ Các Đẳng.
Các Giám Mục Anh và xứ Wales đưa ra các gợi ý rõ ràng sau đây cho việc đưa ý cầu nguyện đặc biệt trong Thánh Lễ:
“Vào chính Ngày Cầu Nguyện Đặc Biệt, và nhất là vào các ngày Chúa Nhật, thật là thích hợp để công bố ngày Cầu Nguyện Đặc Biệt trong phần mở đầu của Thánh Lễ, và cho ý cầu nguyện đặc biệt được đưa vào trong phần Lời Nguyện Tín hữu. Cần lưu ý rằng các lời nguyện còn lại của phần Lời Nguyện Tín hữu cần được soạn thảo phù hợp với các qui định được nói trong Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma.
“Khi một Ngày Cầu Nguyện hoặc sự tuân giữ khác rơi vào một ngày Chúa Nhật, Thánh Lễ và các Bài Đọc của Chúa Nhật thường được sử dụng.
“Vào ngày thường, việc sử dụng “các Thánh Lễ cho các nhu cầu và dịp khác nhau” hoặc “Thánh lễ ngoại lịch” cần được xem xét, để hỗ trợ cho Ngày Cầu Nguyện. Các bài đọc được qui định cho mỗi ngày trong Sách Bài Đọc cho các ngày trong tuần không nên bỏ qua quá thường xuyên, và không có lý do đầy đủ. Thường là hiệu quả hơn khi khám phá các ý cầu nguyện đặc biệt qua các bài đọc được qui định ngày ấy, hơn là chọn từ Phần Chung các bài đọc, vốn thoạt nhìn là thích hợp với ý cầu nguyện hơn.
“Bài giảng trong Thánh Lễ là cần thiết cho việc nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu. Nó nên triển khai một số khía cạnh của các bài đọc, từ các bài đọc Kinh Thánh hay bản văn phụng vụ của Thánh Lễ, trong khi phải chú ý đến mầu nhiệm được cử hành, hoặc các nhu cầu riêng cho người nghe. Bài giảng không nên được thu gọn chỉ trong ý định của Chu kỳ cầu nguyện, và cũng không nên được thay thế bằng bài nói chuyện không có tính giảng thuyết, hoặc để kêu gọi xin tiền”.
Tuy nhiên, nếu một Giám Mục xác tín rằng có một lý do mục vụ tốt để đưa lời nguyện đặc biệt vào trong Kinh Nguyện Thánh Thể, hoặc cần có một sự thay đổi thường xuyên cho Sách Lễ, trước hết ngài cần phải thuyết phục hai phần ba số thành viên của Hội Đồng Giám Mục rằng ý tưởng của mình là một ý tưởng tốt. Sau khi các Giám Mục đã biểu quyết ủng hộ đề xuất của ngài, thì đề xuất sẽ được gửi qua Rôma để được xác nhận, và chỉ sau khi Tòa Thánh đã đưa ra sự phê chuẩn, lúc ấy sự đổi mới có thể được đưa vào Sách Lễ tại quốc gia đó.
Đi theo thủ tục này, một số Hội Đồng Giám Mục, chẳng hạn Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha và Hội Đồng Giám Mục Ý, đã đưa thêm một lời nguyện vào Kinh Nguyện Thánh Thể vào mỗi Chúa Nhật. Họ cũng đã bổ sung thêm một số bản văn và Thánh lễ cho các phần khác của Sách Lễ.
Đối với câu hỏi thứ hai, thật là rõ ràng rằng nếu một Giám Mục không có quyền đưa thêm lời nguyện vào Kinh nguyện Thánh Thể, thì linh mục cũng không được làm như vậy.
Tuy nhiên, Giám Mục phụ tá có thể được nhắc đến tên, vì khả năng này đã được tiên liệu trong chính Sách Lễ. Về việc nhắc đến tên của các Giám Mục khác ngoài Đấng Bản quyền địa phương, Thánh Bộ Phụng Tự đã ban hành sắc lệnh ngày 8-6-2008, (Protocol số 652/08/L), vốn sửa đổi bản in mẫu thứ ba của Sách Lễ Rôma Latinh, trước khi xuất bản một bản in lại với nhiều chỉnh sửa. Nội dung của sắc lệnh này đã được đưa vào bản dịch tiếng Anh của Sách Lễ Rôma, và nội dung là như sau:
“149. Linh mục tiếp tục Kinh Nguyện Thánh Thể phù hợp với chữ đỏ, vốn được ghi trong mỗi Kinh Nguyện.
“Nếu chủ tế là một Giám Mục, trong lời nguyện, sau các chữ “Papa nostro N. (N., Đức Giáo Hoàng của chúng con), ngài đọc thêm: “Et me indigno famulo tuo (và con, tôi tớ bất xứng của Chúa). Tuy nhiên nếu Giám Mục đang cử hành Thánh lễ ngoài Giáo phận của mình, thì sau các chữ “Papa nostro N. (N., Đức Giáo Hoàng của chúng con), ngài đọc thêm: “et me indigno famulo tuo, et fratre meo N., Episcopo huius Ecclesiae N. (và con, tôi tớ bất xứng của Chúa, và người anh em của con là N., Giám Mục của Giáo phận N.).
“Giám Mục giáo phận hay bất cứ ai tương đương với ngài trong luật phải được nhắc đến tên theo công thức: “una cum famulo tuo Papa nostro N. et Episcopo (hoặc Vicario, Prelato, Praefecto, Abbate) (cùng với tôi tớ Chúa là N., Đức Giáo Hoàng của chúng con, và N., Đức Giám Mục của chúng tôi [hoặc Đại diện tông tòa, Giám chức, Giám Quản, Viện phụ]).
“Được phép nhắc tên của Giám Mục Phó và các Giám Mục phụ tá trong Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng không nhắc các Giám Mục khác đang tình cờ có mặt. Khi nhiều tên được nhắc tới, điều này được thực hiện với công thức tập thể “et Episcopo nostro N. eiusque Episcopis adiutoribus (N., Đức Giám Mục của chúng con và các Giám Mục phụ tá của ngài).
“Trong mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể, các công thức này sẽ được sửa đổi tùy theo yêu cầu của ngữ pháp.”
Khi một vị đồng tế nhắc đến tên của Giám Mục trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, III, và IV, ngài cũng theo nguyên tắc trên.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 19-5-2015)