Thế nhưng, công trình này đã để lại nhiều điều suy nghĩ, ưu tư và thao thức trong lòng, không ít giáo dân và cả giáo sĩ nữa. Cố nhiên, vì lý do tế nhị và sợ bị đụng chạm, sợ bị búa rìu dư luận, sợ ăn gạch đá nên không ai dám nói ra… Là Kitô hữu, tất nhiên ai ai cũng muốn tôn tạo một linh địa thật xứng tầm với Giáo Hội Việt Nam để mọi người có thể đến đó kính viếng, hành hương… xin ơn và tạ ơn Mẹ.
Cần lắm một Vương Cung Thánh Đường xứng tầm với linh địa La Vang, Trung tâm hành hương của cả nước ta. Thế nhưng, khi quyết định xây dựng, các đấng bản quyền có nhìn đến thực tế đời sống của các tín hữu hay chưa, hay chỉ làm để thỏa mãn sở thích của mình. Các đấng có biết rằng các đấng càng “vẽ” thì giáo dân càng khổ hay không ?
Khi biết tổng số tiền xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang dự kiến là 600 tỷ đồng Việt Nam, nhiều người đã hết sức ngỡ ngàng và lắc đầu ngao ngán…
Có một chị quen với tôi ban đầu rất háo hức để chung tay góp sức vào công trình “để đời” này với số tiền là 6 tỷ đồng. Thế nhưng, khi nhận ra có quá nhiều bất cập từ việc lên dự án thiết kế cho đến thi công, chị đành lặng lẽ rút lui để dành phần 6 tỷ đó chia sẻ cho những nơi thiếu thốn thật sự, chia sẻ cho những giáo xứ nghèo hơn và những người nghèo và bệnh tật. Không phải mình chị rút lui âm thầm, nhưng có nhiều người cũng rút theo như chị sau khi phát hiện ra quá nhiều điều đáng suy nghĩ trong công trình này. Chắc chắn là công trình phải chậm lại bởi vì kinh phí đã hạn hẹp nay càng hạn hẹp thêm. Lòng nao nức mong ngày La Vang được Khánh thành nên tôi bèn mạo muội hỏi thăm một vị Giám mục có trách nhiệm trong công trình xây dựng này. Sau 2 giờ đồng hồ được lắng nghe những chia sẻ của Ngài, tôi cảm thấy quặn lòng bởi lẽ có quá nhiều điều bất cập trong công trình tầm cỡ “để đời” này.
Một trong những điều bất cập đó là việc xây dựng tầng hầm. Cụ thể số tiền chi cho mỗi mét vuông khá đắt: trên triệu đồng. Thế nhưng, tầng hầm ở đây khi đưa vào sử dụng sẽ bị ảnh hưởng bởi triều cường, bão lụt của Miền Trung, vì vùng đất nơi đây vốn là nơi “đổ bộ ưa thích” của nhiều cơn bão. Vì thế, tôi mạo muội góp ý với Ngài rằng, nếu như xây 1 mét vuông hầm thì tốn bằng 30 mét vuông đất, nhưng nếu như mua đất thêm để có bãi đậu xe thì không phải mất bảo trì bảo dưỡng hầm hay hơn sao. Thắc mắc tôi hỏi tại sao phải xây hầm tốn kém như thế thì ngài cho biết là, xe của các đấng là xe đời mới nên cần phải cho vào trong hầm để… giữ gìn xe của các đấng….
Nếu như mua đất và để xe ở ngoài để các đấng đi bộ vào thì … bất kính ! Thế nên, kính Giám mục là phải xây hầm thật tốn kém chỉ là để xe của các ngài 1 ngày 1 đêm thôi sao ? 4 năm mới có đại hội 1 lần thì thật là lãng phí…
Tôi buộc miệng hỏi Đức Cha rằng, Đức Cha có dự định mua xe điện để chở những cụ già không, những người khuyết tật từ ngoài vào Linh Địa hay không ….? Vị giám mục đó im lặng không trả lời ! Một thái độ im lặng đáng sợ khi tôi đề cập đến những người nghèo, những người khuyết tật, những người ở bên lề xã hội và Giáo Hội hiện nay.
Nhìn công trình La Vang, tôi và nhiều người đưa ra mấy vấn nạn thế này:
1. Về việc xây dựng Vương cung thánh đường La Vang : 4 năm mới có 1 lần đại hội. Có nên xây công trình có kinh phí khủng 600 tỷ không ? Công trình Đền Thánh có sức chứa 5000 người trong khi đó mỗi lần đại hội con số lên đến hơn100.000 người chắc chắn không đủ sức chứa. Thánh lễ hàng ngày tại La Vang có khoảng vài trăm giáo dân tham dự (số giáo dân của giáo xứ La Vang khoảng tầm hơn 500), như vậy xây Đền Thánh 5000 chỗ để làm gì?
2. Giáo phận Huế nói chung, cách riêng tỉnh Quảng trị quá nghèo. Trước 1975, do ảnh hưởng của chiến tranh, có quá nhiều nhà bị đổ nát đến nay nghèo không có tiền xây dựng lại. Có nên xây dựng một công trình 600 tỷ giữa nhiều giáo dân còn nghèo như hiện nay không?
3. Công trình 600 tỷ phục vụ cho ai ? Người nghèo ra công đóng góp để họ được gì ? hay mỗi lần đến hành hương họ phải ở trong những lều bạt dư nóng thừa … nước mưa.
4. Phí nhân tài : Giáo dân trên 7 triệu người, có nhiều người tài giỏi sẵn sàng có những chuyên môn để giúp Giáo hội và không hề lấy thù lao. Vậy mà nào có ai cậy nhờ đến họ…
Đọc lại lịch sử, chúng ta thấy có nhiều công trình để lại nhiều tai tiếng cho nhân loại như Vạn Lý Trường Thành, các kim tự tháp bên Ai Cập… Những công trình này tuy hôm nay được nhân loại hết mực ca ngợi nhưng quả là đã hao tốn biết bao nhiêu tiền của và chết không biết bao nhiêu người.
Công trình La Vang, theo một số người có tâm huyết đã đưa ra đề nghị:
1. Chỉ cần xây phần khán đài cho nghiêm trang và xứng tầm
2. Lều trại khi tổ chức các kỳ Đại Hội
3. Nhiều nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu cho lượng giáo dân quá lớn.
4. Phòng tắm và thay đổ để phục vụ khách hành hương trong những ngày đại lễ.
(Chính ĐGH Phanxicô đã cho xây dựng ở quảng trường thánh Phêrô những nhà tắm cho người vô gia cư)
Đây cũng chỉ là một chút đóng góp chân tình, một chút trăn trở về công trình thế kỷ của Giáo Hội Việt Nam. Bài viết chỉ mong mọi chuyện tốt đẹp và hợp lòng dân thôi chứ không có ý định chỉ trích hay chê bai. Các đấng nên cân nhắc kỹ để tránh tốn kém không cần thiết cũng như làm sao để đóng góp của đa phần giáo dân nghèo trong Giáo Hội được hiệu quả và thiết thực.
Cũng tưởng nghĩ qua công trình này, các giám mục cũng nên nghĩ đến những người nghèo và sống nghèo như gương của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các đấng bậc cũng nên chăng can đảm sống hãm mình, hy sinh như nhiều bậc tiền bối đã để lại gương sáng về đời sống nghèo và tận tình phục vụ.
Cũng tưởng nghĩ các vị chủ chăn cũng hiểu cho rằng làm kinh tế không phải là chuyện đơn giản. Làm kinh tế rất vất vả và không tránh được những rủi ro đáng tiếc. Khi nghĩ như vậy và nghĩ đến những người nghèo chắc chắn các vị sẽ cân nhắc hơn trước khi bỏ tiền ra để làm bất cứ một việc gì dù đó là việc chung cho Giáo Hội.
Micae Bùi Thành Châu