Cuộc Sống Không Hoàn Hảo

Có câu chuyện kể về một cái vòng tròn. Nó luôn tự hào về vóc dáng tròn trịa hoàn hảo của mình. Một sáng nọ thức dậy, vòng tròn hoảng hồn khi thấy mình bị mẻ mất một góc lớn. Nó rất thất vọng và lo lắng. Quyết tâm không để hình ảnh của mình bị tổn hại, vòng tròn bắt đầu lên đường đi tìm lại mảnh vỡ của mình. Vì khuyết một góc, vòng tròn phải lăn rất chậm. Nhờ thế, nó được ngắm mọi cảnh sắc thiên nhiên chung quanh, được thưởng thức bao cảnh đẹp diệu kì của tạo hóa. Nó mê man với việc ngắm cảnh đến nỗi suýt quên nhiệm vụ của mình. Nó dằn lòng đi tiếp. Cuối cùng, nó cũng tìm được một mảnh vỡ vừa khít với chỗ khuyết của mình. Nó rất hài lòng vì hình dáng mình đã trở lại tròn trịa hoàn hảo. Và nó lại bắt đầu lăn. Vì đã trở lại tròn trịa nên nó lăn rất nhanh. “Nhanh đến nỗi các bông hoa nhòe đi trong mắt nó, tiếng chuyện trò thì bạt đi trong gió”. Vòng tròn nhận ra thế giới xung quanh nó trở nên khác hẳn khi nó lăn quá nhanh. Nó bèn dừng lại, đặt mảnh vỡ bên đường rồi chầm chậm lăn.

 

Câu chuyện mang lại cho mỗi người một suy nghĩ. Đối với tôi, tôi nghĩ rằng, khiếm khuyết không phải là một bất hạnh mà đôi khi đó lại là cái hay. Hoàn hảo là cái con người luôn mong muốn đạt đến nhưng trong cuộc sống không có gì là hoàn hảo cả. Nếu hoàn hảo thì không còn là cuộc sống nữa. Cuộc sống luôn chứa đựng những mâu thuẫn, những đối lập: tốt – xấu, thiện – ác, giàu – nghèo…Vì vậy, hoàn hảo và mỹ mãn là những từ không dễ tìm kiếm trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Có chăng, hoàn hảo hay không là do cách chúng ta đánh giá, nhìn nhận vấn đề. Nếu chúng ta biết mở rộng lòng mình để đánh giá người khác và dùng cặp mắt đẹp để nhìn đời thì mọi thứ trong cuộc sống này đều đẹp và hoàn hảo.

 

Cuộc sống của con người gồm có hai mặt: mặt vật chất và mặt tinh thần. Một cuộc sống hoàn hảo là một cuộc sống mà con người phải thỏa mãn cả về vật chất lẫn tinh thần, Nhưng trên thực tế liệu có ai làm được điều đó và có ai đạt được điều đó hay chưa? Tôi xin mạnh dạn trả lời rằng chưa bởi vì khái niệm hoàn hảo rất mơ hồ, chẳng có một chuẩn nào tuyệt đối. Ví dụ đứng trước một cô gái đẹp, tôi có thể xuýt xoa khen rằng cô gái đẹp không chỗ nào chê. Nhưng có thể dưới cái nhìn của người khác, ở một thời điểm khác, cô gái ấy không còn đẹp nữa bởi tiêu chuẩn cái đẹp của người đó khác và có thể ở thời điểm này họ nhận ra khuyết điểm của cô ấy. Tương tự như vậy, khi chúng ta sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, chúng ta nhìn những người giàu mà ngưỡng mộ và cho rằng cuộc sống của những người giàu mới là đáng sống nhưng chúng ta đâu biết rằng, người giàu cũng có cái khổ của người giàu. Có khi họ giàu nhưng vẫn chưa hài lòng và muốn giàu hơn, trở thành nô lệ đồng tiền hay có thể họ thỏa mãn về vật chất nhưng tinh thần không thỏa mãn.

 

Nhân loại từ ngàn xưa đã xây dựng những câu chuyện để cho thấy rằng con người chúng ta luôn có những khuyết điểm. Nhân vật Asin trong thần thoại Hy Lạp là biểu tượng cho điều đó. Asin- vi thần đại diện cho sức mạnh vô song, không đối thủ nhưng Asin vẫn lộ ra khuyết điểm ở gót chân để kẻ thù hạ gục. Đấy là thần thánh còn có khuyết điểm huống chi con người. Đến thời hiện đại, con người càng thấu hiểu điều đó, các nhà văn hiện đại Việt Nam cũng từng trăn trở trên con đường đi tìm cái đẹp hoàn thiện để phản ánh vào văn học. Nhưng văn học phản ánh cuộc sống mà cuộc sống nào có phải là bức tranh toàn bích. Tiêu biểu cho những nhà văn ấy là Nguyễn Minh Châu. Nhà văn đã thể hiện sự trăn trở trên con đường đi tìm cái đẹp của mình qua nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Bức ảnh mà Phùng bỏ ra bao công sức để chụp cho buổi triển lãm mà theo anh đó là bức tranh hoàn mỹ với khung cảnh chiếc thuyền ẩn hiện ngoài xa sau lớp sương mờ lại chưa đựng nỗi đau cuộc sống- một gia đình hàng chài đang vật lộn mưu sinh với những đói khổ, hiểm nguy và cả nạn bạo lực gia đình.

 

Trong cuộc sống, chúng ta cần hiểu rằng cuộc sống không có gì là hoàn hảo để biết chấp nhận, tập thích nghi và bằng lòng với những gì mình đang có, tránh thái độ cầu toàn, đứng núi này trông núi nọ. Bản thân tôi đã từng cảm thấy rất bất hạnh trong những ngày đầu mới lập gia đình. Từ một cô gái yêu đời có học thức, tôi phải gò mình vào những khuôn khổ nhà chồng, trở thành cô dâu út. Sống với ba mẹ chồng, tôi cảm giác mình mất hết tự do. Tôi từng ao ước được như bao đôi vợ chồng trẻ sống tự lập khác, được tự do làm những gì mình thích. Nhưng sau khi có con, suy nghĩ của tôi dần thay đổi khi nhận được sự quan tâm chăm sóc của ông bà dành cho cháu. Trong khi những đứa bạn sống tự lập quanh tôi đã rất chật vật , vất vả để chăm một đứa con thì tôi đã được ông bà san sẻ rất nhiều. Từ đó, tôi sống lạc quan hơn khi biết thích nghi với hoàn cảnh của mình và nhận ra rằng trong hoàn cảnh nào cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó.

 

Bên cạnh đó, việc chấp nhận quan điểm cuộc sống không hoàn hảo giúp ta biết nhìn đời, nhìn người ở nhiều khía cạnh. Vì việc gì cũng có hai mặt của nó. Con người cũng vậy, ai cũng có cái tốt cái xấu, ai cũng có khuyết điểm. Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ biết thông cảm, thấu hiểu và thứ tha trước lỗi lầm của người khác. Là một giáo viên, chúng tôi hay dự giờ tiết dạy của nhau để đánh giá rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thường mắc phải sai lầm là luôn nhìn thấy mặt hạn chế của tiết dạy, “bới lông tìm vết”, chỉ ra chỗ chưa được thì nhiều chứ ít ai thấy được những cái đạt được hoặc những đóng góp của tiết dạy. Trong khi, bản thân mình lên dạy chưa chắc đã được như vậy hoặc có thể cũng mắc những sai lầm tương tự. Hầu như bản thân mỗi người hay nhìn thấy khuyết điểm của người khác chứ ít ai thấy những khiếm khuyết của bản thân mình.

 

Hoàn hảo là cái đích mọi người đều muốn hướng tới. Điều đó hoàn toàn tốt đẹp vì nó tạo động lực để mọi người phấn đấu. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ ảo tưởng, mơ mộng về một cuộc sống hoàn hảo, khao khát những thứ ngoài tầm với hoặc bất chấp để đạt được những thứ ngoài khả năng của mình thì cuộc sống chúng ta sẽ trở nên bất hạnh và khái niệm hoàn hảo lại càng xa xôi. Biết nhận thức rằng cuộc sống không hoàn hảo để mỗi người biết chấp nhận và phấn đấu: chấp nhận những gì mình đang có; phấn đấu để khắc phục những khuyết điểm của bản thân, khắc phục những mặt tiêu cực của hoàn cảnh để làm cho bản thân ngày càng hoàn thiện và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đó mới là con đường đúng và gần nhất để đi đến cuộc sống hoàn hảo.

BXM – LONG XUYÊN