Đại hội về Gia Đình tại Roma

Một số nhận định của bà Chiara Giaccardi, giáo sư Đại học công giáo Thánh Tâm Milano

 

 

Ngày mùng 6 tháng 5 vừa qua, một đại hội về gia đình đã diễn ra trong vương cung thánh đường Santa Maria in Montesanto ở Roma. Đại hội do giáo phận Roma tổ chức và bảo trợ, cùng với tổ chức phi chính quyền “Hiệp thông và văn hóa” của dòng Paoline và Đại học giáo hoàng Laterano. Đại hội có đề tài là “Thông truyền gia đình như môi trường đặc ân của sự gặp gỡ trong tình yêu nhưng không”.  Mục đích của đại hội là chuẩn bị cho Ngày truyền thông quốc tế lần thứ 49.

 

Trong sứ điệp gửi Ngày truyền thông quốc tế 2015 về đề tài: “Thông truyền gia đình: môi  trường đặc ân của sự gặp gỡ trong sự nhưng không của tình yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình là nơi đầu tiên, trong đó con người học truyền thông.

 

Lấy biến cố Đức Maria đến thăm bà Elidabét làm điểm khởi hành suy tư, Đức Thánh Cha nói câu chuyện này cho thấy truyền thông như là một cuộc đối thoại giao thoa với ngôn ngữ của thân xác:

 

– “Câu trả lời đầu tiên cho lời chào của Đức Maria, là việc Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ. Nhảy mừng vì niềm vui gặp gỡ trong một nghĩa nào đó,là một  kiểu và một biểu tượng của mọi cuộc gặp gỡ khác, mà chúng ta học trước khi ra đời. Cung lòng tiếp đón chúng ta là trường học truyền thông đầu tiên, bao gồm sự lắng nghe và tiếp xúc thể xác, nơi chúng ta tập quen với thế giới bên ngoài trong một môi trường được che chở và với tiếng nói trấn an của nhịp đập của trái tim người mẹ.

 

Sau khi chào đời, trong một nghĩa nào đó, chúng ta vẫn còn ở trong một cung lòng là gia đình. Là một cung lòng được làm thành bởi các người khác nhau,  trong tương quan, gia đình là “nơi người ta học chung sống trong sự khác biệt” (Evangelium gaudium, 66), khác biệt về giống và các thế hệ trước hết truyền thông với nhau vì chấp nhận nhau bởi có một mối dây nối kết. Rẻ quạt các tương quan và các lứa tuổi càng rộng bao nhiêu, thì môi trường cuộc sống của chúng ta càng phong phú bấy nhiêu. Và dây nối kết là nền tảng của lời nói, tới lượt nó, củng cố dây nối kết. Chính trong gia đình mà chúng ta học ngôn ngữ mẹ đẻ, nghĩa là tiếng nói của các tiền nhân. Trong gia đình, chúng ta nhận thức rằng các người khác đã đi trước chúng ta và đặt để chúng ta trong điều kiện hiện hữu và có thể sinh ra sự sống và làm điều gì tốt lành và xinh đẹp.”

 

Đức Thánh Cha viết tiếp trong sứ điệp:

 

– “Kinh nghiệm sự nối kết đi trước chúng ta, khiến cho gia đình cũng là môi trường, trong đó người ta thông truyền hình thức truyền thông nền tảng,là lời cầu nguyện. Chính trong gia đình, đa số chúng ta đã học chiều kích tôn giáo của sự truyền thông thấm nhuần tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa tự trao ban cho chúng ta và chúng ta cống hiến cho tha nhân.

 

Chính trong gia đình với khả năng ôm hôn nhau, nâng đỡ nhau, đồng hành với nhau, cùng cười cùng khóc với nhau, giúp chúng ta hiểu thực sự truyền thông như khám phá và xây dựng sự gần gũi có nghĩa là gì. Giảm đi các xa cách, tới gặp gỡ nhau và tiếp đón nhau là lý do của sự biết ơn và niềm vui. Thăm viếng bao gồm mở cửa, không đóng kín trong nhà, nhưng đi ra và găp gỡ tha nhân.

 

Hơn mọi nơi chốn khác, gia đình cũng là nơi chúng ta sống kinh nghiệm các hạn hẹp của mình và của người khác, các vấn đề lớn nhỏ của việc cùng hiện hữu, đồng ý với nhau. Không có gia đình toàn hảo, nhưng không cần sợ hãi sự bất toàn, giòn mỏng và cả các xung khắc; cần tập đương dầu với chúng một cách xây dựng. Vì thế gia đình, trong đó người ta yêu thương nhau với các hạn hẹp và tội lỗi của mình, trở thành trường học tha thứ. Tha thứ là một năng động của truyền thông, bị hao mòn, bị gẫy đổ, nhưng qua sự hối hận được bầy tỏ và tiếp nhận, có thể nối lại và làm cho lớn lên. Một trẻ em trong gia đình tập lắng nghe người khác và nói một cách kính trọng, bầy tỏ quan diểm của mình, mà không chối bỏ quan điểm của người khác, sẽ là một người xây dựng đối thoại và hòa giải trong xã hội.

 

Liên quan tới các hạn hẹp của truyền thông, các gia đình có con cái tàn tật có thể dậy chúng ta nhiều điều. Các khuyết tật luôn luôn có thể là một cám dỗ khép kín, nhưng nhờ tình yêu của cha mẹ, anh chị em và bạn bè, có thể trở thành một kích thích rộng mở, chia sẻ, truyền thông một cách bao gồm, và có thể trợ giúp học đường, giáo xứ, các hiệp hội trở thành tiếp đón hơn với tất cả mọi người, không loại trừ ai hết.

 

Thế rồi trong một thế giới, nơi người ta thường nguyền rủa, nói xấu, gieo cỏ lùng, gây ô nhiễm môi trường sống với các bép xép, gia đình có thể là một trường học truyền thông như phúc lành, kể cả tại nơi xem ra thắng thế thù hận và bạo lực… Chúc lành hơn là chúc dữ, viếng thăm thay vì đẩy xa, tiếp đón thay vì chiến đấu, là phương thế duy nhất giúp bẻ gẫy vòng xoáy của sự dữ, để chứng minh rằng sự thiện luôn là điều có thể, nhằm giáo dục con cái sống tình huynh đệ.

 

Các phương tiện truyền thông ngày nay có thể ngăn cản, cũng như trợ giúp sự thông truyền trong gia đình và giữa các gia đình với nhau. Cả trong lãnh vực này nữa, cha mẹ cũng là những nhà giáo dục đầu tiên. Nhưng cộng đoàn kitô được mời gọi đồng hành với họ trong nhiệm vụ này và không để họ cô đơn.”

 

+++

 

Sau đây là một vài nhận định của bà Chiara Giaccardi, giáo sư Đại học công giáo Thánh Tâm Milano, về đại hội này.

 

Hỏi: Thưa giáo sư Giaccardi, qua đối thoại, nảy sinh tất cả mọi hạt giống của gia đình hiện có trên thế giới này. Và đây là thách đố mà gia đình ngày nay gặp phải. Gia đình được mời gọi rộng mở cho tha nhân, chứ không đóng kín trong chính mình, có đúng thế không?

 

Đáp:

 

Tôi tin rằng vẻ đẹp của sự thông truyền trong gia đình là sự đa diện của các cách thức diễn tả từ cái ôm hôn cho tới nước mắt, cho tới sự thinh lặng, trong đó người ta cảm thấy gần nhau, và nhất là sự tha thứ, bởi vì gia đình là một nhân tố chặt chẽ, và vì thế trong đó, người ta thực sự ở sát bên nhau – đụng lưng nhau – do đó thật dễ xảy ra điều gì đó gây thương tích cho người khác, cũng như vài hiểu lầm, vài mệt nhọc. Như vậy, sự tha thứ là điều cho phép tiến tới, là điều cho phép bắt đầu trở lại, vào đời như là những người mớí mẻ yêu thương nhau.

 

Hỏi: Tự do bên trong hôn nhân, có nghĩa là gì, thưa giáo sư?

 

Đáp:

 

Trong hôn nhân, người ta có cơ may quý báu của sự tự do, bởi vì một người quyết định cột buộc đời mình vào vào cái gì và quyết định làm công trình này của cuộc sống mình: quyết định chạy vào cuộc mạo hiểm của cuộc đời với một người khác. Nó là một tình trạng thám hiểm, bởi vì để ở trong cuộc mạo hiểm đó, cần phải biết sáng tạo thực sự, vì nếu người ta để cho cái bất động của các sự vật đẩy đưa, thì sẽ không thành công trong việc ở với nhau nữa. Nhưng đó là một thách đố gây hứng khởi, nếu người ta sống nó cho tới tận cùng.

 

Hỏi: Phải làm thế nào để khuyến khích các người trẻ lập gia đình, thưa giáo sư?

 

Đáp:

 

Bằng cách khích lệ họ đừng sợ hãi, và nhất là không cần các điều vô ích. Cũng cần đánh cá một chút trên sự kiện các việc được xây dựng từng tí một, và có biết bao nhiêu việc đối với chúng ta xem ra  cần thiết, nhưng trong thực tế, chúng lại không cần thiết, trong khi có biết bao nhiêu việc khác quan trọng, mà chúng ta lại không chú ý vun trồng chúng đủ. Và vẻ đẹp của gia đình được diễn tả ra qua ơn nhưng không của tình yêu cho phép lớn lên và sinh hoa trái.

 

+++

 

Tiếp theo đây là nhận định của ĐC Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về gia đình.

 

Hỏi: Thưa ĐC, ĐC nghĩ gì về sự nhưng không của tình yêu?

 

Đáp:

 

Sự nhưng không của tình yêu, có nghĩa là chúng ta phải giống Thiên Chúa Cha trên Trời, không chờ đợi những người khác đến. Chính Ngài đi gặp gỡ họ. Khi đó, tôi tin rằng đối với các gia đình ngày nay, Giáo Hội phải tái khám phá ra nỗi đam mê lớn lao này, là ở bên cạnh các gia đình, bởi vì tương quan giữa Giáo Hội và gia đình là bất khả phân ly. Đó, sự đam mê này đối với gia đình, đối với những gì chúng ta biết về gia đình, phải là điều chúng ta phải tái khám phá ra và sống nó, để mỗi một đam mê trở thành một nghệ thuật: nghệ thuật ở bên cạnh, nói mà không xúc phạm; nghệ thuật không phán đoán một cách khinh thị; nghệ thuật của tình yêu biết sửa dậy mà không gây thương tích. Nếu cần phải cắt tiả, thì cắt tiả, nhưng để tất cả mang lại nhiều hoa trái hơn.

 

+++

 

Trong đại hội, giải thưởng Paoline về truyền thông và văn hóa 2015 cũng đã được phát cho gia đình ông Enrico và bà Chiara Petrillo, vì đã biết làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa qua hôn nhân của họ, cả trong những lúc khó khăn như khi bà Chiara bị bệnh, khi 28 tuổi bà đã hy sinh mạng sống, bằng cách giãn các chữa trị  bệnh tật để chờ cho đứa con mà họ chờ đợi sinh ra.

 

Sau đây là chứng tá của ông Roberto Corbella, thân phụ của bà Chiara:

 

Hỏi: Thưa ông, gia đình của con gái ông đã là một gia đình như thế nào?

 

Đáp:

 

Tôi tin rằng đó là một gia đình đặc biệt vì nó là một gia đình bình thường. Trước hết, là tình yêu giữa Chiara và Enrico: hai người yêu thương nhau. Hôn nhân của hai người đã thực sự là một cuộc hôn nhân xác tín, và khi hai người lấy nhau, đó đã là một thời điểm của hạnh phúc. Khi cháu Francesco chào đời, thì niềm hạnh phúc ấy lại càng lớn hơn nữa, bởi vì sau hai người anh đã lên trời ngay lập tức, Francesco đã là đứa con khiến cho hai người nếm hưởng tình yêu. Tôi tin rằng sự kiện họ sống hạnh phúc như vậy, và tôi dùng động từ ở thì hiện tại, bởi vì ngày nay, họ vẫn hạnh phúc, cả khi Chiara không còn nữa, Francesco và Enrico vẫn cảm thấy Chiara như thành phần của gia đình. Tôi tin rằng sự kiện này có thể là một gương mẫu nói lên rằng các chuyện trong đời, không cần phải được sống một cách phức tạp. Không có các chương trình lớn lao phải làm.. Thế rồi Chiara rất thích câu nói của các cha dòng: “bước đi các bước bé nhỏ có thể”: không thể yêu sách và nghĩ rằng phải giải quyết tất cả mọi chuyện và hiểu biết mọi sự, cần phải đương đầu một chút với các biến cố như chúng đến, và rồi mọi sự đều có khía cạnh tích cực của nó. (RG 8-5-2015)

 

(Vatican 20.5.2015)

 

Linh Tiến Khải