Dấu Thánh Giá

Nhân đọc bài “Dấu Thánh Giá đối với kitô hữu” được đăng tải trên trang mạng https://www.gpbuichu.org, ngày 17/06/2015 do tác giả Joseph Đinh chuyển ngữ, tự nhiên ký ức về việc làm dấu và vì dấu Thánh giá trong tôi ùa về. Tôi nhớ lại từ hồi còn thơ bé, tôi đã được cha mẹ, ông bà, các dì dạy cho biết rằng: làm dấu hay vì dấu Thánh giá là thể hiện mình là Kitô hữu, là tuyên xưng niềm tin về một Thiên Chúa Ba Ngôi của mình trước người khác. Tuy nhiên, mỗi lần làm dấu hay vì dấu Thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực không hẳn là dấu chỉ biểu tượng Ba Ngôi, hay là nhắc nhớ lại biến cố tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, nhưng còn mang một ý nghĩa giáo dục thật lớn lao nằm ẩn sâu trong đó.

Trước hết, khi ta vừa đọc “Lạy Chúa chúng con…” vừa vì dấu Thánh giá trên trán. Đây là hành động đầu tiên trong tiến trình vì dấu. Hành động này nói lên việc cầu xin Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta có được một trí khôn thông minh sáng suốt. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Đấng Thượng Trí Vô Cùng ban cho chúng ta sự khôn ngoan để phân biệt phái trái, đúng sai hầu có thể hành động một cách hợp tình, hợp lý trong đời sống hàng ngày.

Thứ đến, khi chúng ta vì dấu Thánh giá trên môi, đồng thời đọc “xin chữa chúng con…”. Chúng ta cầu xin Chúa thánh hóa môi miệng chúng ta, để trở nên như môi miệng của Chúa. Có như thế thì trong cuộc sống thường nhật, chúng ta mới không thốt ra những lời độc địa, những tiếng cay chua, gắt gỏng; chúng ta mới không ngồi lê đôi mách; chúng ta mới không nói hành, nói xấu người khác, nhưng thay vào đó là nói những lời yêu thương, ngọt ngào đối với mọi người, nhất là với những người sống xung quanh chúng ta. Bởi thế, bước thứ hai trong việc vì dấunày nhắc nhở cho mỗi người Kitô hữu cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi thốt ra lời, vì phúc họa đều xuất phát từ cái miệng của mỗi chúng ta.

Sau cùng, khi chúng ta vì dấu Thánh giá trên ngực và cầu xin cho khỏi kẻ thù. Qua lần vì dấu Thánh giá này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa hoán cải trái tim khô cằn, sỏi đá, cứng cỏi của chúng ta thành một trái tim mềm mỏng nhưng lại chứa đựng một sức nặng biết yêu thương như trái tim của Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa làm cho chúng ta quên đi nhưng lỗi lầm thiếu sót của người khác, đồng thời biết mở rộng lòng mình ra đón nhận mọi người bằng một trái tim đầy sự xót thương của Thiên Chúa.

Biết là vậy, bao nhiêu năm sống trong đời. Biết bao nhiêu lần tôi làm dấu  vì dấu Thánh giá là bấy nhiêu lần tôi tự hào tuyên xưng niềm tin của mình trước mặt người khác. Biết bao nhiêu lần tôi tự mãn mình là người Công giáo. Thế mà tuyệt nhiên, tôi chưa từng ý thức một cách thực sự là mình phải sống sao cho đúng danh là Kitô hữu. Do đó, tôi vẫn cứ ỳ ra. Tôi vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi vẫn mang trong mình dòng máu ích kỷ. Tôi vẫn dùng những thủ đoạn để làm hại người khác. Chẳng mấy khi tôi nói những lời nhẹ nhàng, yêu thương. Tôi vẫn là tôi trong chính sự yếu hèn, hống hách.

Bởi thế, khi đọc bài “Dấu Thánh Giá đối với kitô hữu”, tôi chợt giật mình và chạm phải một vết nứt trong tâm hồn mà bấy lâu nay tôi cứ nghĩ là mình đang sống đúng, đi đúng và hành động đúng. Đồng thời, tôi cũng cầu xin Thiên Chúa hãy biến đổi tôi dù thật chậm, để tôi có thể học lại cùng với Đức Giêsu trong hành trình còn lại trên dương thế này một bài học yêu thương và phục vụ, một bài học tha thứ.

Lam Ngã