Dấu Thánh Giá là một cử chỉ đơn giản và đẹp tóm tắt toàn bộ đặc tính của người Kitô hữu chúng ta. Đó là một sự biểu lộ sâu sắc của niềm tin, đặc biệt đối với tín hữu Công giáo và Chính thống giáo. Chúng ta bắt đầu và kết thúc mọi kinh nguyện bằng Dấu Thánh Giá. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta không nhận ra rằng bản thân dấu thánh giá cũng là một lời kinh. Dưới đây là một vài ý nghĩa căn bản của việc làm Dấu Thánh Giá.
– Dấu Thánh Giá chuẩn bị tâm hồn ta đón nhận phúc lành của Chúa. Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta mở lòng mình ra đón nhận ơn Chúa. Giáo phụ Tertullian nói rằng người Công giáo chúng ta cần phải làm Dấu Thánh Giá mọi lúc, mọi nơi. Như một hành động được lặp lại trong suốt những giây phút quan trọng trong ngày, Dấu Thánh Giá thánh hóa mọi ngày của chúng ta. Trong bản hướng dẫn làm dấu thánh giá, Đức Giáo Hoàng Innocent III viết : “Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta gợi lại sự hiện thân của Chúa. Việc giữ hai ngón tay, ngón cái với ngón đeo nhẫn hay ngón cái với ngón trỏ cũng biểu trưng cho hai bản tính của Chúa Ki-tô.
– Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta cũng nhắc nhớ lại Cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Hành động này cũng phác thảo trên chúng ta hình chữ thập như để nhớ lại thánh giá Chúa Giê-su. “Khi kêu tên Thiên Chúa là Cha, và Con, và Thánh Thần, chúng ta quả quyết niềm tin vào Ba ngôi Thiên Chúa. Điều này cũng được củng cố bằng việc chúng ta dùng ba ngón tay để làm Dấu Thánh Giá.” – ĐGH Innocent III.
Thánh Phanxicô Salê nói rằng: “Khi đưa tay lên trán, chúng ta nhớ rằng Chúa Cha là Ngôi vị thứ nhất của Ba Ngôi. Khi đưa tay xuống ngực, chúng ta tin rằng Chúa Con được sinh ra từ Chúa Cha. Và khi đưa tay sang hai bên vai chúng ta xác tín rằng Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con.”
– Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta cầu khẩn quyền năng của danh thánh Thiên Chúa. Kinh Thánh chỉ cho thấy Thiên Chúa đầy quyền năng. Trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, thánh Phao-lô Tông Đồ viết: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Chúa Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa’”.
– Dấu Thánh Giá cũng là dấu chỉ của tình huynh đệ. Trong Tin Mừng thánh theo thánh Luca, Chúa Giê-su nói rằng: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Nhà văn Bert Ghezzi viết rằng: “Trong tiếng Hy lạp cổ đại, dấu là sphragis, có nghĩa là sự đánh dấu cho quyền sở hữu, ‘ví dụ một người chăn chiên đánh dấu con chiên của mình như quyền sở hữu nó, và người ấy gọi đó là sphragis. Cũng thế, khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta xác tín bản thân mình thuộc về Chúa Giêsu, vị mục tử đích thực”
– Trong phụng vụ, Dấu Thánh Giá nhắc lại bí tích Rửa Tội. Quả vậy, khi làm dấu, thực tế chúng ta tuyên xưng rằng : “Tôi đã cùng chết với Chúa Giê-su và sống một cuộc sống mới với Người”. Dấu Thánh Giá cũng liên kết chúng ta với thân thể Chúa Giêsu, và khi Làm Dấu này, chúng ta được nhắc nhớ về sự kết hiệp giữa mỗi người chúng ta với Chúa Giê-su là đầu.
Thông thường, chúng ta làm Dấu Thánh Giá kèm theo lời đọc : “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Khi xác tín niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, và Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cũng đang tuyên xưng đức tin của mình.
Joseph Đinh, chuyển ngữ