Lịch sử tu đức ki-tô giáo

I. Tu đức là gì?
 
Một tác giả vô danh viết: “Đền thờ bí ẩn nhất của con người là đền thờ mà nơi đó chỉ có ta với Chúa, mà tiếng của Ngài được ta lắng nghe một cách thân mật nhất. Con người trở về với chính nội tâm sâu xa của mình, với trái tim của mình, nơi đó Thiên Chúa chờ đợi, vì Ngài dò xét mọi tâm can”. Khi chỉ ra những dòng trên, nhà văn này muốn trực tiếp đi vào trung tâm của đời sống con người và vấn đề đích thực của nhân loại. Hoặc là con người chỉ chào đời ngày nào đó, ra đi một ngày khác, giữa khoảng cách hai thời điểm này, chẳng có gì là chắc chắn. Hay như chính con cái Thiên Chúa, được Chúa Cha yêu thương, tích tụ trong nội tâm kỳ diệu, và mang một số phận tạm bợ và đời đời, để tạo nên cuộc phiêu lưu kỳ diệu: “số không và vô cùng”, đó là tên của một cuốn tiểu thuyết của Arthur Koestler, hay đúng hơn là “số không hay vô cùng”.
 
Vậy thì cái gì mà đúng thì không phải là số không, mà là vô cùng. Nói cách khác, con người là một hữu thể vô cùng, không chỉ vì nó thống trị trái đất, nhưng vì nó có tương quan với Thiên Chúa là Tuyệt đối. Ki-tô giáo muốn mạc khải cho thế giới thấy rằng tương quan này hết mực yêu thương, tương quan từ trái tim đến trái tim, có niềm vui và thân mật. Đời sống đích thực chính là đời sống nội tâm. Cuộc phiêu lưu vĩ đại là cuộc phiêu lưu của linh hồn.
 
Vẫn có những người phiêu lưu như thế. Có những thực thể đã tìm chọn lựa, khi đang sống trên trần gian, khi đang hoàn tất những bổn phận khác nhau, mà trước hết là sống cho nội tâm của chính mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là những người sống thiêng liêng, đôi khi người ta cũng nói là những nhà thần bí. Họ không phải là hiếm: lịch sử chỉ ra hàng trăm ngàn người, họ không phải là những người đã bị quên lãng: hiện nay có rất nhiều. Không chỉ là các đan sĩ: kinh nghiệm chứng minh rằng người ta đã gặp họ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Không cứ phải là những chuyên viên: người ta gặp họ trong mọi tầng lớp trong xã hội. Lịch sử tu đức, vì thế, là lịch sử của con người phiêu lưu trong tương quan thân mật nhất với Thiên Chúa.
 
Trong tương quan này, đã có hàng trăm ngàn những tác phẩm. Một số tác phẩm chỉ ra sự hiện diện của Thiên Chúa, số khác kể về những tôn giáo khác nhau, số khác nhằm giúp độc giả lưu tâm đến Lời Chúa, số khác phản chiếu Lời này, số khác áp dụng tất cả những điều này trong đời sống thực hành. Nhưng trong tất cả nền văn chương luôn mang giá trị này, có những tác phẩm mang thể loại khá độc đáo trong lãnh vực ý tưởng, nhưng cũng trong kinh nghiệm: người ta có thể “cảm nhận”, “thưởng thức” Thiên Chúa, biết Ngài trong tận đáy lòng không?” Nếu có, thì như thế nào? Kết quả sẽ là gì? Thế thì ở trong lãnh vực thần bí, người ta sẽ nói như một tu sĩ các-men người Pháp Jean de Saint-Samson (1571-1636): “Tự bản chất, thần bí không có gì khác ngoài Thiên Chúa được nhận biết mà không thể tẩy xóa”. Ngày nay, người ta thích dùng từ “tu đức”.
 
Cuốn sách “lịch sử tu đức” nhằm để nghiên cứu cách thức mà trong thế giới ki-tô giáo, ở mọi thời, đã cảm nhận đời sống thiên liêng. Trong đó, chúng tôi cũng đi vào sự nhận biết và mô tả cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người được thúc bách, mà một số là những người được chọn cách đặc biệt. Chúng ta tiếp cận một mầu nhiệm, khi biết rõ rằng cái chính yếu vẫn còn bị che giấu trong chúng ta, nhưng cũng biết rằng cái chúng ta có thể nói về, nó cũng đã là hết sức quan trọng.
(Còn tiếp)
 
Minh Sáng chuyển ngữ