Để lòng thương xót và cảm thông chảy tràn như sông trên mảnh đất của Đức Phật

Đây là lời kêu gọi của hồng y Charles Bo với chính quyền Myanmar, yêu cầu giảm bớt những phát ngôn thù địch và ra tay giúp đỡ các dân tị nạn người Rohingya, một sắc dân với nhiều người phải chạy trốn khỏi quê hương và đang mắc kẹt trên biển khi nhiều nước không chấp nhận cho họ cập bến.

Để lòng thương xót và cảm thông chảy tràn như sông trên mảnh đất của Đức Phật

Đây là lời kêu gọi của hồng y Charles Bo với chính quyền Myanmar, yêu cầu giảm bớt những phát ngôn thù địch và ra tay giúp đỡ các dân tị nạn người Rohingya, một sắc dân với nhiều người phải chạy trốn khỏi quê hương và đang mắc kẹt trên biển khi nhiều nước không chấp nhận cho họ cập bến. 
 
Hồng y Charles Bo kêu gọi rằng, ‘Một bi kịch kinh khủng đang diễn ra trên các vùng biển Đông Nam Á. Một làn sóng thuyền nhân mới đang trôi dạt trên biển, vì buộc phải trốn chạy nạn nghèo đói và xung đột ở Myamar và Bangladesh.
 
Nhiều người, đàn ông, đàn bà, trẻ em đang bị những kẻ buôn người vô lương tâm bóc lột. Họ bị nhồi nhét vào những hầm tàu hôi hám và thường bỏ mạng trên biển. Một vết thương mới mở ra mưng mủ. Xin hãy để lòng thương xót và cảm thông chảy tràn như sông trên mảnh đất của Đức Phật.’
 
Nói về những phản đối của các Phật tử cực đoan và sự thù địch của chính phủ một nước mà Phật giáo chiếm đại đa số, hồng y Bo thêm rằng: ‘Chúng tôi kiên quyết thúc giục chính quyền đừng dung dưỡng những bài diễn thuyết thúc đẩy thù hận gây tổn hại cho truyền thống cảm thương của người Myanmar. Người dân Myanmar có một trách nhiệm đạo đức là bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của mọi con người. Không thể bêu xấu cả một cộng đồng, và không thể chối bỏ những quyền căn bản của họ như, căn cước, quyền công dân, và quyền được tồn tại như một cộng đồng.
 
Cảm thông và thương xót là đôi mắt của quốc gia này, cho chúng ta nhìn ra hòa bình và phẩm giá. Xin hãy để lòng thương xót và cảm thông chảy tràn như sông trên mảnh đất của Đức Phật.’
 
Hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya, đã phải chạy trốn sự đàn áp nơi quê nhà, và một số con tàu di dân của họ đã bị các nước láng giềng xua đuổi. Giới chức Thái Lan đã tìm thấy những người Rohingya bị giam giữ trong các trại giữa rừng già. Báo chí cũng đã đưa tin con số dân tị nạn bị chết vì đói khát, bệnh tật, và xâm hại, là chưa tính được.
 
Giáo hoàng Phanxicô cũng đã lên tiếng cho các dân tị nạn này trong buổi kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm chúa nhật trước.
 
‘Với sự quan ngại sâu sắc, tôi tiếp tục theo dõi tình hình của vô số dân tị nạn trên eo biển Bengal và biển Andaman. Tôi cảm kích các nỗ lực của những quốc gia sẵn sàng chào  những người này, những con người đang phải đối diện với đau khổ và nguy hiểm ngặt nghèo. Tôi thúc giục cộng đồng quốc tế hãy cứu trợ nhân đạo cho họ.’
 
Trong buổi phỏng vấn vấn nhà báo Argentina, giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng tình trạng này khiến ngài ‘khóc trong lòng.’
 
‘Như khi tôi thấy những gì diễn ra cho dân chúng Rohingya,’ những người mở Myanmar, đã lên tàu tìm nơi lánh nạn. ‘Khi đến gần bờ biển, họ được cho một chút thức ăn, nước uống, rồi bị đẩy trở lại biển khơi.’
 
Khoảng 1.3 triệu người Rohingya đang sống ở bang Rakhine miền tây Myanmar, gần biên giới Bangladesh. Chính quyền Myanmar không nhìn nhận quyền công dân cho nhóm sắc tộc này, nhưng theo AP thì người Rohingya là một nhóm sắc tộc Myanmar bản xứ, là con cháu của các thương gia Ả Rập đến định cư ở Nam Á từ thế kỷ VIII.
 
Người Rohingya bị hạn chế tiếp cận với giáo dục và chăm sóc y tế, cũng như không được di chuyển, hay thực hành tôn giáo của mình một cách tự do. Hãng tin AP cho biết, trong 3 năm vừa qua, các cuộc tấn công nhắm vào người Rohingya đã khiến 280 người thiệt mạng và đẩy 140 ngàn người vào các trại tập trung quá tải, nơi họ sống dưới những điều kiện phân biệt đối xử thậm tệ, và hầu như không có cơ hội có việc làm.
 
Hồi tháng 12 năm ngoái, Hội đồng chung Liên hiệp quốc đã thông qua một giải pháp thúc giục chính quyền Myanmar hãy cho người Rohingya quyền công dân trọn vẹn và cho họ được tự do di chuyển trong nước.
 

J.B. Thái Hòa