Đi hoang thời nay

Cô đơn cô đơn nỗi đau cõi đời lạc lõng như vô tình

Sao quên đi những tháng năm êm đềm hạnh phúc trong tầm tay

Tha phương xa cố hương tiếng còi tàu xé tan cõi lòng

Xót xa khi mảnh đời về đâu đêm tối … ơi người hỡi…

 

Cô đơn và buồn tủi đến cùng cực, hắn miên man suy nghĩ về thân phận. Tâm trạng của hắn thật lẻ loi cô độc. Thể xác như bị giằng co, như bị vắt kiệt đến từng giọt máu. Bao “tháng năm êm đềm” và “hạnh phúc trong tầm tay” bị phá sản chỉ trong một phi vụ mà hắn tưởng rồi sẽ đưa hắn lên hàng thiên hạ đệ nhất ăn chơi. Giờ đây, trong màn đêm tha hương lạnh buốt con tim này, hắn cảm thấy ê chề, tê tái.

Ngày ấy …

Cứ ngỡ rằng gia đình là thành luỹ chôn vùi tuổi xuân, cầm cố sự tự do bay nhảy, còn “ngoài kia đời vẫn xanh mơ”, tâm trí hắn bắt đầu nhen nhúm về một dự án ra đi. Khi chưa thoát ly, lúc nào hắn cũng có cảm tưởng như đang đứng giữa ổ kiến lửa vậy. Hắn luôn thành kiến với gia đình, luôn xem cha là người bảo thủ, lỗi thời ; anh trai thì cần cù nhưng hắc ám. Tiền của nhiều như thế mà chẳng biết tiêu xài cho sướng thân, lại đi ném vào những công tác từ thiện vô ích. “Bác ái nơi nao, cầu ao không bắc”, hắn đã nhiều lần tranh cãi với cha về điều đó, vì cho rằng mình đã không được thoả mãn các nhu cầu tiền bạc khả dĩ đua tranh với bạn bè. Hắn bực nhất cái kiểu “huấn giáo” của ông cụ. Lúc nào cũng sửa lỗi hắn rồi còn nhắc bảo nên làm điều này, không làm điều nọ. Ôi ba cái thứ lễ nghĩa gia phong hồi xửa hồi xưa mà sao “ổng” cứ nhắc đi nhai lại vậy ? Hắn không thấy cần thiết phải đi lễ, cầu nguyện, tại sao phải nhọc nhằn để rồi lại dư tiền giúp kẻ khác. Hoài công ! Rất nhiều chuyện mà hắn thấy là vô lý. Nhưng có lẽ người mà hắn gờm hơn cả là ông anh Hai khó nết. Ông này mới khó chơi đấy. Cha chỉ nghiêm khắc vậy thôi, nhưng cũng còn qua mặt được, và nếu hắn xui xẻo có bị quả tang thì cha cũng còn bao dung cho. Còn ông anh Hai này thật là vô hồn, vô cảm. Đó là một con người nghiêm chỉnh và vận hành như một cỗ máy. Suốt ngày quần quật lam lũ mà không dám tiêu xài. Cù lần trong giao tế nhưng cũng ranh ma đủ để ngăn chặn thằng em này tiêu tán dùm tài sản. Sợ nhất là tính cố chấp của anh trai, một người không bao giờ cảm thông, nhiều lúc, hắn chỉ biết cầu cứu tới cha thôi. Ông anh này là giọt nước làm tràn ly bất mãn của hắn.

 

Mong manh mong manh khói sương vẫn là ngọn gió hay vô tình

Mơ xa xôi trong giấc mơ bóng người chợt đến ta nào hay

Đôi khi nghe bao xót xa tiếc thời xuân đã trôi quá mau

Hãy quên đi ngày xưa chợt bừng tỉnh giữa cơn mê ..

 

Thực ra để vui chơi thoả chí, hắn thường xuyên lấy tiền của cha, và cũng nhiều lần bị anh trai gây khó dễ … Tức giận và muốn cho anh biết thế nào là dân chơi kinh điển, hắn âm mưu lập ra phương án để thoát khỏi sự cuơng toả khó chịu đó. Hắn biết khi mình ra đi, anh trai sẽ khoái chí, nhưng nếu ra đi mà mang theo gia tài, chắc chắn anh ta sẽ phản đối. Thế nên, suy đi nghĩ lại, hắn Lợi dụng điểm yếu của cha là rất yêu hắn. Hắn vẽ ra một tiền đồ về “ngày mai tươi sáng” và vào vai một cách trót lọt ngoài sức tưởng tượng. Khi ông cụ đồng ý chia gia tài, hắn tuởng đã bị ông anh nhảy vào ăn sống nuốt tươi rồi. Và cũng chính vì điều đó mà ông cụ thương hắn hơn, thông cảm hơn cho cái lý ra đi của hắn. Hắn ngạo nghễ bước đi với túi tiền trên vai như thách thức anh trai, nhưng đã phải cúi mắt xuống, không dám nhìn thẳng vào đôi mắt cha mà nói lời từ biệt. Có điều gì trong đó, hắn bị ám ảnh mãi về đôi mắt cha lúc ấy. Hắn đã ra đi như thế.

Từ đó, hắn chuyển thẳng hộ khẩu vào “Những khu vui chơi 24 giờ cung cấp các dịch vụ giải trí từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt – những địa điểm lý tưởng cho những người thích cuộc sống sôi động về đêm!” Hắn khoái trá tận hưởng “sự vui nhộn về đêm tại các câu lạc bộ và những quán rượu, thưởng thức những hoạt động vui chơi giải trí sống lúc 3 giờ sáng, và khiêu vũ suốt đêm” (một pha quảng cáo “độc đáo singapore”).

 

Giã từ dĩ vãng quay lưng còn vương chi kiếp tội tình

Giã từ dĩ vãng mây trôi đã xa rời xa quê nhà

Giã từ quên đi cay đắng quên đi giọt nước mắt rơi

Giã từ giã từ dẫu là chẳng còn chi nữa …

 

“Ngày tháng nào đã ra đi” mà hắn vẫn còn trầy trật thụp lặn trong vũng lầy. Bạn bè rồi từng người tình cũng đã rời bỏ hắn không thương tiếc khi hắn bắt đầu yêu cầu quyền trợ giúp. Cảm thấy ngày tàn của đời mình đang đến, nhưng hắn cũng chẳng lo lắng gì. Lo lắng mà chi khi chẳng còn gì để mất ? Thân xác là thứ duy nhất còn lại thì cũng tả tơi và đang là nỗi kinh hoàng dày vò với bao nhiêu thứ bệnh. Tiêu đời đi cho xong thế mà hay. Ngày mới bước chân ra đi với túi tiền rủng rỉnh, bạn bè đứa nào cũng vui vẻ tay bắt mặt mừng, các người tình lần lượt thay nhau đến xin được nâng khăn sửa túi, trọn đời thuỷ chung để rồi bây giờ hắn ra thân tàn ma dại cô đơn nơi chốn này.

Cũng có lúc hắn lải nhải “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” nhưng bây giờ hình như hắn không muốn gì nữa cả, chỉ buông xuôi như lục bình trôi. Hắn thật sự không dám nghĩ tới mình được thứ tha. Chẳng phải mình đã lừa cha mà ra đi đó sao ? Chẳng phải mình đã biết cha yêu thương nhưng vẫn hằn học cha đó sao ? Chẳng phải mình đã lợi dụng lòng tin và sự nhân hậu của cha đó sao ? Càng nghĩ hắn càng sợ hãi, vì hình bóng ánh mắt của cha vẫn còn đó theo từng buớc thăng trầm của đời hắn. Không thể trốn mãi, hắn nhìn thẳng vào đôi mắt vô hình ấy nơi khoảng không trước mặt. Và rồi hắn đã hiểu. Hắn biết mình phải làm gì. Nhất quyết đoạn tuyệt quá khứ, đây không còn là lúc gặm nhấm, nhai lại đau thương. Không phải là lúc ray rứt với những gì đã làm nhưng là thời điểm quyết tâm mình sẽ làm gì. Phải, đã tới lúc “giã từ dĩ vãng quay lưng còn vương chi kiếp tội tình”, đã hết rồi “dĩ vãng mây trôi đã xa rời xa quê nhà”, đã tới lúc phải “quên đi cay đắng quên đi giọt nước mắt rơi”. Dẫu biết rằng “giã từ là chẳng còn chi nữa …”. Dẫu biết rằng hắn rất sợ tòa giải tội.

Lấy lại chút tàn hơi hắn dứt khoát : “tôi phải ra đi trở về cùng cha”.

Và bạn có biết những gì xảy ra cho hắn trong ngày trở về không ? Xin mời đọc Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu trong Tin Mừng Luca 15, 11-32

 

 

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng