Nhà thờ Delle Nevi của giáo xứ công giáo duy nhất trên đất Nam Cực, buộc lòng phải đóng cửa, không phải vì thiếu linh mục, nhưng là vì thiếu giáo dân.
Ảnh: lastampa.it
Giáo xứ Delle Nevi, có thể dịch sang tiếng Việt là giáo xứ băng tuyết, không thể được hội nhập vào một đơn vị mục vụ khác vì ở quá xa, cách vùng Đất Lửa thuộc Nam Mỹ 1000 cây số, cách New Zealand 2200 cây số, cách Úc châu 2250 cây và cách Nam Phi 3600 cây. Trước đây, con số các chuyên viên nghiên cứu làm việc tại Nam cực lên đến vài ngàn người, nhưng từ vài năm nay, chỉ còn trên dưới 400 người và sự hiện diện của tín hữu công giáo trong số này thật là ít ỏi,
Kể từ năm 1957, cứ mỗi mùa hè tại Nam Cực, Giáo phận Christchurch của New Zealand lại gửi một linh mục đến trụ sở giáo xứ cạnh trạm Mc Murdo của Hoa Kỳ trên địa bàn Ros. Hồi năm 1911, nhà thám hiểm người Anh tên Robert Falcon Scott đã khởi hành từ một trạm gốc gần Mc Murdo để đi đến Nam Cực lần đầu tiên trong lịch sử loài người. Vị linh mục đầu tiên đặt chân lên vùng đất này theo một con tàu phá băng Hoa Kỳ là cha Ronald O’Gorman, tiếp sau đó là cha Gerry Creagh suốt 25 năm rồi cha John Coleman, 20 năm. Sau khi cha Coleman qua đời, người ta đã lấy tên cha đặt cho một đỉnh núi tại đây. Cha Dan Doyle, vị linh mục sau cùng được Quỹ Khoa học quốc gia, là cơ quan Hoa Kỳ quản trị trạm Mc Murdo, gửi đến giáo xứ Băng Tuyết năm nay sẽ không đến đây nữa. Trong một cuộc phỏng vấn những ngày qua trên đài BBC, cha thú nhận rất buồn vì đây là kết cục của một chuyến phiêu lưu phi thường. Từ 14 năm nay, cha bay suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ đế đến làm việc mỗi mùa hè bên cạnh các mục sư Tin Lành. Mỗi hai tuần cha lại đi suốt 1360 cây số để đến trạm Amundsen Scott thăm người dân tại đây, giữa tiếng gió hú qua các đỉnh băng. Cha ghi khắc trong tim nhiều kỷ niệm tuyệt vời chẳng hạn như tiếng reo vui của băng đá khi có người chạm đến hay là muôn ngàn màu sắc mà băng đá phát ra khi có người ở giữa chúng. Tại Nam Cực không cử hành tang lễ vì không ai được chôn cất nơi đây, cũng không có hôn lễ hay lễ rửa tội cho trẻ em vì lãnh thổ này cấm sự hiện diện của thiếu niên dưới 16 tuổi. Nhưng việc linh hướng sẽ không bị gián đoạn vì các tuyên úy quân đội Hoa Kỳ bảo đảm lễ nửa đêm Giáng Sinh, một mục sư Tin Lành cử hành các lễ nghi liên tôn và ở phía bên kia Nam cực, trên đảo King George, có một linh mục chính thống thuộc giáo hội Nga.
Lãnh thổ Nam Cực đã được biết đến từ lâu, nhưng chỉ mới được thám hiểm gần đây. Cộng đồng khoa học thế giới bắt đầu chú ý đến Nam Cực sau khi các giới săn cá voi và hải cẩu đến vùng này. Năm 1959 thỏa hiệp quản lý Nam Cực được ký kết giữa 12 quốc gia Argentina, Australia, Bỉ, Chi lê, Pháp, Nhật Bản , Na Uy, New Zealand, Anh Nam Phi, Nga và Hoa Kỳ, điều hành việc xây cất những trạm nghiên cứu quốc tế và cấm mọi thử nghiệm hạt nhân. Năm 1991, thêm một thỏa hiệp được ký kết tại Madrid xác định cả các mục tiêu bảo vệ môi sinh.
(Mai Anh, RadioVaticana 08.08.2015)