Giáo dục luôn quan trọng với mọi xã hội, mọi thời đại. Hơn một thập niên qua, chúng ta nghe quá nhiều về cải cách giáo dục, cũng như có nhiều giải pháp được đề xuất và thử nghiệm. Thế nhưng, tất cả vẫn còn nằm trong vòng bế tắc, thậm chí tình trạng còn rất bi đát hơn. Chúng ta cùng suy niệm hình ảnh người thầy qua bài Tin Mừng hôm nay.
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Trước hết, giáo dục bao giờ cũng là một tương giao những con người với nhau, tương giao giữa thầy và trò, giữa người truyền thụ và người lãnh hội. Trong tương giao này, người thầy luôn giữ vị thế chủ động, đi bước trước, nhưng không lấn át học sinh. Tương giao này là tương giao đồng chủ động nghĩa là người thầy (nắm) rõ điều mình dạy và cần dạy; hơn nữa, người thầy còn phải hiểu được trò của mình “anh em không có sức chịu nổi”. Thầy chưa dạy, không phải thầy không biết, mà vì trò “chưa có sức chịu nổi”, nếu nhồi quá sẽ quá tải.
“Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại”. Trong tương quan giáo dục, người thầy không vị kỷ, quy hướng trò về mình, mà hướng trò tới chân lý. Chúng ta không thể mải miết ngắm nhìn bàn tay của Đức Phật và quên đi cái hướng mà ngón tay đó chỉ. Người thầy cần phải chứa đựng (nắm) những dấu vết của chân lý (tri thức), nếu không chỉ là giả tạo, nhưng trò không dừng lại ở thầy, trò phải bước qua thầy, “hãy đứng lên vai những người khổng lồ”. Người thầy không “tự nói về mình”, không trở thành chướng ngại cản lối trò, mà người thầy đúng nghĩa là người khai mở con đường cho học trò.
Tóm lại, trong thời kỳ giáo dục khủng hoảng, Tin Mừng đã đem lại cho chúng ta những ánh sáng tuyệt vời để soi rọi hoàn cảnh này. Giáo dục không chỉ là của riêng xã hội, mà còn cả của gia đình và ngay chính bản thân. Theo Tin Mừng, người thầy tránh nguy cơ nô dịch hóa học trò, tự quy về mình. Cũng thế, người học trò cũng không xây cho mình những ngẫu tượng, cản bước sự thật. Trên tất cả, chúng ta cùng hướng về chân lý và kiếm tìm chân lý.