Những nỗi đau cả về thể lý lẫn tinh thần mà con người phải chịu có thể đặt ra một câu hỏi rất lớn về vấn đề sự dữ. Bao nhiêu suy tư sâu xa của con người về vấn đề này cho tới nay, dù đã đưa ra những lý giải nhất định, nhưng vẫn phải chấp nhận một điều: mầu nhiệm – theo nghĩa, con người không thể hiểu và giải thích được một cách rốt ráo nguồn gốc của sự dữ. Tuy vậy, liệu khi đã biết được nguồn gốc của sự dữ, người ta có thể triệt tiêu được nó hay vẫn phải sống với nó, sống trong nó, mà nhiều khi còn đau đớn hơn nữa vì ‘biết mà không thể làm gì được’ – sự bất lực. Ở đây, không nhất thiết phải tranh luận về nguồn gốc hay luận lý triết học, cho bằng nhìn vào thực tại: dù biết về nguồn gốc của nó hay không, sự dữ đã tồn tại, vẫn tồn tại trong đời sống của từng con người. Vậy nên, câu hỏi có lẽ cần được quan tâm hơn đó là “Liệu con người có thể tự do với sự dữ và chiến thắng được nó trong chính mình hay không?”
Nhập thể làm người, Con Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô – đã không đến để lập luận và chỉ cho con người nguồn gốc sự dữ, một cách tiêu cực mà nói, để thỏa mãn tri thức nhân loại, hay nói một cách tích cực hơn, để khai sáng tri thức con người trong vấn đề sự dữ. Không, Ngài đã không làm vậy. Điều Ngài đã làm là đi vào trong sự dữ và chiến thắng nó. Ngài chiến thắng nó vì chúng ta, cho chúng ta.
Hãy xem cách Ngài đã chấp nhận đối diện với sự dữ, đã ở trong nó trước khi chiến thắng nó như thế nào. Nếu cái chết là một sự dữ, thì ngay khi nhập thể làm người, Ngài đã chấp nhận một quy luật, mà nói một cách bi quan, là sinh ra để…chết đi. Nếu sự chống đối và thù ghét của người khác là sự dữ, thì Ngài đã đối diện với nó, đã chịu đựng nó trong suốt thời gian Ngài rao giảng. Nếu sự hành hạ và sỉ nhục cả về tinh thần lẫn thể lý là sự dữ, thì Ngài đã gánh lấy nó trong suốt cuộc thương khó. Trước tất cả những sự dữ đó, chúng ta đã thấy Ngài phản ứng như thế nào? Ngài kêu gào đòi hỏi công lý cho mình? Ngài tra vấn tri thức nhân loại về nguyên nhân sự dữ mình phải chịu? Ngài phản kháng tiêu cực bằng bạo lực? Ngài giằng xé chính mình để rồi mang thương tổn tâm lý nặng nề? Ngài đòi hỏi người khác phải trả lẽ vì họ đã bách hại nhau và bách hại Ngài? Ngài đốt lửa thù hận trong lòng mình? Ngài nuôi lớn sự dửng dưng trong tim mình? Ngài bi quan yếm thế? Ngài chạy trốn thực tại đau đớn bằng những thứ “thuốc giảm đau”?
Không, Ngài chưa bao giờ như vậy và không bao giờ như vậy! Ngài im lặng mang tất cả những điều đó lên thập giá. Nếu thập giá là một nỗi ô nhục nhất mà con người có thể dành cho nhau, thì Ngài đã mang sự dữ trả về nơi ở của nó, đã đóng đinh nó vào chính hang ổ của mình, và ngay tại đó, trong ‘ngôi nhà’ của sự dữ, Ngài đập tan nó bằng việc thinh lặng đối diện, chấp nhận chịu đau đớn và chiến thắng nó với sự phục sinh. Ngài tự do với sự dữ, một sự tự do được thể hiện không phải với thái độ dửng dưng, bất chấp, cũng không phải với thái độ vô cảm với chính những đau khổ của mình. Ngài vẫn cảm nhận nỗi đau đang đến với mình, Ngài vẫn thấy đau khổ (như trong vườn dầu) và cần đến Thiên Chúa. Ngài không tự kết liễu đời mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngài đã chọn vâng theo ý Cha, một chọn lựa không hề bị điều khiển bởi sự dữ. Ngài chấp nhận cái chết. Đó là cách Ngài chiến thắng sự dữ. Bao lâu sự dữ còn ảnh hưởng, thao túng và nhuộm đen trái tim cũng như tâm hồn con người, nó còn chiến thắng trên họ. Đức Giêsu là Con người Đầu tiên tự do với sự dữ và chiến thắng nó với sức mạnh của Thiên Chúa – vốn được tỏ lộ trong sự yếu đuối của thân phận con người nơi Ngài.
Đức Giêsu trên thập giá là câu trả lời cho nghi vấn “Con người có thể tự do với sự dữ và có thể chiến thắng nó trong chính mình hay không?”
Nguyễn Phúc Hoàng Dũng, S.J.