Đức Hồng y cao niên của Hồng Kông tiếp tục lên tiếng

Đức Hồng y Trần Nhật Quân cho rằng sự ấm lên trong mối tương quan giữa Vatican và Trung Quốc chỉ là một điều vớ vẩn.

Cardinal-Zen.jpgSau một tháng bị bệnh phổi, Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, 84 tuổi, đã một lần nữa trở lại như một nhà phê bình nghiêm khắc Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, lần này, ngài nặng lời với Giáo triều Rôma.

“Thực sự rất đáng kinh ngạc khi thấy người ta có thể làm những điều sai trái như thế ở Rôma”, Đức Hồng y thốt lên trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Nikkei tại một tu viện Salediêng trên một ngọn đồi ở phía đông Hồng Kông. “Đức tân Giáo hoàng không biết rõ về Giáo hội ở Trung Quốc, và ngài đang được gợi ý đi theo hướng sai lầm,” Đức Hồng y nói. “Đấy là một tình huống rất nguy hiểm.”

Đức Hồng y Trần Nhật Quân được sinh ra ở Thượng Hải. Ngài chuyển đến Hồng Kông để nghiên cứu thần học vào năm 1948, giữa cuộc nội chiến Trung Quốc. Trong thời gian học tập tại Ý vào những năm 1950 và 1960, ngài đã được tiếp xúc với những suy tư rằng Giáo hội phải tích cực tham gia công tác xã hội. Kể từ khi được tấn phong làm giám mục của Giáo phận Công giáo Hồng Kông vào năm 2002, ngài đã cam kết dấn thân hoạt động cho tự do và nhân quyền, dẫn đầu các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.

Đức Hồng y Trần Nhật Quân lo lắng về khoảng cách quá hẹp giữa Vatican và Đảng Cộng sản. Trung Quốc vô thần và Tòa Thánh Vatican đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1951. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã thành lập Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, bổ nhiệm các giáo sĩ bị Tòa Thánh Vatican ra vạ tuyệt thông.

Đức Thánh Cha Phanxicô, được bầu năm 2013, rất coi trọng việc đối thoại với các tôn giáo và các giáo phái khác nhau. Ngài cũng sẵn sàng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, mặc dù số dân Công giáo Trung Quốc chỉ khoảng 9.000.000 đến 10.500.000, theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Holy Spirit. Trung Quốc, về phần mình, hy vọng một mối quan hệ tốt hơn với Vatican vốn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Điều này sẽ khiến cho Đài Loan phải khốn đốn.

Vào tháng Tám vừa qua, Đức Hồng y Gioan Tong Hon, người kế vị Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, đã viết trên một tuần báo Công giáo địa phương rằng Bắc Kinh và Vatican đã đạt được thỏa thuận ban đầu về vấn đề quyền bổ nhiệm giám mục – trở ngại lớn nhất trong việc đi đến quan hệ song phương.

Hai bên được cho là đang nghiền ngẫm ý tưởng thiết lập, như một thỏa hiệp, một hội đồng mới để lựa chọn các giám mục tại Trung Quốc. Theo giải pháp được đề nghị đó, hội đồng sẽ đưa ra một danh sách các ứng cử viên và Đức Giáo hoàng sẽ chỉ định giám mục theo danh sách đó. Nói cách khác, Trung Quốc thực hiện việc lựa chọn, còn Đức Giáo hoàng thì có quyền phủ quyết.

Bài báo còn bổ sung rằng trong một số giáo phận, các giám mục do Trung Quốc bổ nhiệm cũng đã được sự chấp thuận của Vatican; điều này cho thấy hai bên đang ngày càng đến gần hơn với nhau đằng sau các cánh cửa đóng kín.

Tuy nhiên, Đức Hồng y Quân, người đã dạy thần học và triết học ở Trung Quốc trong nhiều năm, tỏ ý hoài nghi giá trị của giải pháp đang được “nghiền ngẫm” nói trên. “Hội đồng Giám mục là đồ giả” – ngài nói. “Đó là một danh xưng bị chính phủ Trung Quốc lạm dụng”.  Vị Hồng y nhớ lại một lần ngài đến thăm thành phố cổ Tây An. Ngài xin vị Giám mục ở đó giúp ngài được có mặt khi hội đồng các giám mục nhóm họp lần kế tiếp. Vị Giám mục cười và nói: “Cha nghĩ chúng con có cuộc họp? Chúng con không bao giờ có cuộc họp nào cả. Chúng con họp, có nghĩa là chính phủ gọi chúng con đến và truyền cho chúng con các chỉ thị. Đó không phải là một cuộc họp. Chúng con không thể thảo luận về bất cứ điều gì. Chính phủ làm mọi thứ”.

Mối quan tâm khác là về Giáo hội được gọi là “hầm trú”, dưới lòng đất. Đó một nhóm các nhà thờ “không chính thức”, không vâng lời chính phủ Trung Quốc và kiên cường duy trì lòng trung thành với Đức Thánh Cha. Theo Đức Hồng y Tong, hội đồng giám mục mới sẽ bao gồm cả các giám mục từ các nhà thờ dưới lòng đất. Sự công khai thừa nhận nhóm này sẽ có thể là một cách để cải thiện tình hình cho các Đức Giám mục hầm trú và rất nhiều cộng đoàn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt. Tuy nhiên, Đức Hồng y Quân nói, những người thuộc Giáo hội dưới lòng đất rất sợ “Giáo hội có thể bán đứng họ hoặc phản bội họ.”

Mặc dù có tin đồn rằng Bắc Kinh và Vatican có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm 2016, nhưng thực tế, cho đến nay, vẫn không có một thông báo chính thức nào đã được đưa ra. Một người quen với các hoạt động bên trong của Vatican cho biết một số vị trong Giáo triều đang thận trọng và nghĩ rằng Trung Quốc vẫn không có tự do tôn giáo.

“Khi một thỏa thuận được ký kết, có nghĩa là Đức Giáo hoàng chấp thuận nó, … tôi sẽ giữ im lặng” – Đức Hồng y Quân nói. Nhưng hiện nay, ngài thêm, “Tôi phải lên tiếng, bởi vì tôi đang ở một vị trí có thể lên tiếng”. Đối với vị Hồng y cao niên, cuộc chiến lâu dài chống lại Đảng Cộng sản chắc sẽ không thể sớm kết thúc.

 

(N.A., dcctvn.org 02.01.2017)