Đức Hồng Y Dolan: Chúng ta không thể quên những anh chị em Ki-tô hữu của chúng ta ở Trung Đông

Là Chủ tịch Hiệp hội Trợ cấp Công giáo vùng Trung Cận Đông. Đức Tổng Giám mục New York đã đến thăm người tị nạn ở Kurdistan, lắng nghe và chuyển thông điệp đến cho họ biết rằng họ không bị bỏ rơi.

  Cardinal_Dolan_Iraq.jpg

ERBIL, Iraq — Đức Hồng Y Timothy Dolan nhớ lại nỗi đau đớn trong giọng nói của một người mẹ của Ki-tô hữu đã tử đạo. Vùng Kurdistan ở phía Bắc Iraq, người ta thường gọi là Kurdistan của người Iraq, là một nơi ẩn náu cho những người mẹ như vậy, những người mẹ đẫm nước mắt từ ngày phải rời khỏi Mosul và căn nhà của cha ông để lại trên đồng bằng Nineveh.

“Bọn chúng chế giễu tôi khi chúng giết con trai tôi; chúng nói, ‘Mụ ấy là người Ki-tô, mụ ấy sẽ tha thứ cho chúng ta mà,’” Đức Hồng Y kể lại lúc người mẹ ôm tấm ảnh đứa con trai yêu quý của bà trước mặt ngài. Khi các chiến binh thuộc nhóm Nhà Nước Hồi Giáo, có tên Daesh, đánh chiếm Mosul và đồng bằng Nineveh tháng 6 năm 2014, hơn 110,000 người Ki-tô hữu thuộc vùng Bắc Iraq — Giáo Hội Công giáo Chaldean, Giáo Hội Công Giáo Syriac và Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Phương Đông Assyrian, nhưng tất cả đều là hậu duệ của Nineveh cổ đại — đã phải bỏ đi để lại tất cả những tài sản trên đất đai của họ hơn là chối bỏ đức tin. Khi Đức Hồng Y Dolan và một phái đoàn của Hiệp hội Trợ cấp Công giáo vùng Trung Cận Đông (CNEWA) chứng kiến trong suốt chuyến đi hồi đầu tháng này, một số người dân đã phải bỏ mạng.

Trong buổi phỏng vấn ngày 14 tháng 4 với Register, Đứng Hồng Y Dolan nói về chuyến thăm của ngài đến với những người Ki-tô hữu tị nạn, những chứng nhân vững mạnh về đức tin, tình yêu và hy sinh, và nhiệm vụ của những Ki-tô hữu Mỹ là trợ giúp một cách quảng đại cho những Ki-tô hữu đang chịu đau khổ, họ là những người đã mất tất cả — các gia đình đã trao tặng cho Giáo hội những người tử đạo — để tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa.

Khi đến vùng Kurdistan của người Iraq để thăm Giáo hội ở đó, ngài chứng kiến những gì?

Những gì tôi chứng kiến pha trộn giữa nỗi buồn khủng khiếp, và ngược lại là một lòng bao dung và hy vọng đáng kinh ngạc. Buồn, vì những người này đến từ vùng Mosul hay đồng bằng Nineveh — quay lại lịch sử của các gia đình này từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, một số gia đình thậm chí từ thời Thánh Tô-ma Tông đồ — đã phải bỏ lại nhà cửa của họ chỉ trong vài giờ đồng hồ và chẳng mang theo được cái gì. Đương nhiên, họ chỉ mang theo được trẻ em và những người già. Các linh mục và nữ tu đã đi bộ cùng với họ trên hành trình dài 10 tiếng đồng hồ, và họ tìm được nơi an toàn ở đó. Tất cả những gì họ muốn chỉ là trở về nhà.

Điều vẫn còn tràn đầy hy vọng là họ vẫn giữ được đức tin sống động tuyệt vời — tính kiên cường của họ không có gì khác hơn là quá mạnh mẽ. Một điều rất cảm động khác là lòng bao dung và sự hiếu khách lớn lao của những Ki-tô hữu vùng Kurdistan đã chào đón họ.

Ngài và phái đoàn CNEWA đã đến thăm những Ki-tô hữu và những người di tản khác ở vùng  Erbil và Dohuk. Mọi việc ở đó như thế nào?

Chúng tôi đi thăm nhiều khu trại. Chắc có cả hàng ngàn người ở các khu trại tị nạn này. Những khu này thực sự khá an toàn và an ninh tốt và ở đây những Ki-tô hữu địa phương đã mở ra các trường học, các chẩn y viện và nhà thuốc. Những người ở đó nói là những người đầu tiên được chăm sóc tốt — vì vậy, tạ ơn Chúa — nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ của các Ki-tô hữu quốc tế và, vâng, một vài hỗ trợ của chính quyền vùng Kurdistan và chính phủ Iraq.

Ít nhất họ cũng có được những nhà di động an toàn để ở mà họ đặt tên nó là “xe rơ-mooc” trailers.” Và trại trông khá an ninh, những nhu cầu của họ và sức khỏe và thực phẩm đều được chăm lo, cũng như học hành cho con cái của họ. Vì vậy công tác cứu tế dành cho họ đã được làm rất tốt. Nhưng như các bạn có thể hình dung, nhu cầu quá lớn, và đó là lý do tại sao các tổ chức như Hiệp hội Cứu Trợ Công giáo vùng Trung Cận Đông — mà tôi là một thành viên trong ban quản trị — CRS [Catholic Relief Services], Aid to the Church in Need, the Knights of Malta and the Knights of Columbus, tất cả đều rất rộng lượng quả cảm.

Ngài có thể mô tả tình hình của Giáo hội địa phương?

Giáo hội địa phương rất, rất mạnh mẽ. Chúng tôi ở trong khu Ki-tô hữu của vùng Erbil, và sức sống đức tin ở đó thật sự sống động. Chúng tôi đến thăm một chủng viện, tại đây có 22 thầy đang học tiến chức linh mục.

Chúng tôi dâng lễ, và có những đám đông khổng lồ tín hữu đến dâng lễ vô cùng đẹp đẽ, cung kính và hân hoan. Chúng tôi đến trường Cao Đẳng Babel, là học viện cao cấp chuyên ngành Triết học và Thần học cho các chủng sinh, nữ tu và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Chúng tôi đã nhìn thấy ước mơ của Đức Tổng Giám mục [Bashar] Warda về một trường Đại học Công giáo trong tương lai.

Người dân cũng tâm sự với chúng tôi: “Nhóm [Daesh] có thể lấy mất nhà cửa của chúng con, và có thể lấy mất quá khứ của chúng con, chúng có thể đe dọa chúng con và làm ly tán gia đình chúng con, nhưng chúng không thể lấy mất đức tin của chúng con.” Đó, giống như hồi chuông gióng lên, thể hiện chiều sâu đức tin của họ. Chúng tôi đã rất, rất xúc động.

Ngài có thể kể một vài cuộc gặp gỡ bất ngờ đáng nhớ nhất trong chuyến đi?

Tại một trong các trường học chúng tôi gặp 1 phụ nữ người Pháp, cô là một tình nguyện viên đến đây dạy học tại trường này. Cô nói với chúng tôi rằng họ có một nhà nguyện nhỏ trong trường và có Thánh Thể. Hằng ngày, nhiệm vụ của cô là đưa những học sinh từng lớp từng lớp một đến nhà nguyện trong vòng 15 phút. Cô nói, “Tất cả công việc của con làm là cố dạy cho các em cầu nguyện. Nếu con có thể dạy các em cầu nguyện — để biết Chúa là Cha của các em, Người yêu các em và lắng nghe các em, và cho các em hiểu rằng Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống mỗi người trong con tim và tâm hồn của họ — nếu con có thể dạy cho các em cầu nguyện, thì các em có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này.” Và tôi liền nghĩ, “Ôi, lạy Chúa, đó chính là: ‘Tiên vàn hãy đi tìm nước Chúa’ — đừng sợ những kẻ có thể giết chết được thân xác: hãy lo sợ trước những ai có thể giết chết linh hồn.’”

Rồi có những chị nữ tu dòng Dominico xinh đẹp có mặt ở khắp nơi, và một chị nói với tôi, “Cha thấy các trẻ không: Một năm trước, khi chúng con mở ngôi trường này, tất cả các em đều rất buồn; các em khóc suốt; tất cả các em bị mất hết bạn bè. Bây giờ thì các em đã cười.” Tôi có thể thấy các trẻ thật hạnh phúc, và các nữ tu quá tuyệt vời. Dường như các chị được chúc phúc cùng với ơn thiên triệu của mình.

Cũng thế, tôi thực sự xúc động trước sự trung tín của các vị linh mục và nữ tu là những người đã ở lại với tín hữu của mình. Tôi nói về vấn đề này với các chủng sinh “Đức Thánh Cha Phanxico đã nói về mùi của đàn chiên, và Đức Thánh Cha động viên chúng ta hãy đồng hành cùng với dân của ta, và các linh mục của các thầy đang thực hiện điều đó.” Tôi nói “Cha và đoàn đã đến các trại, tại đây các linh mục đã chỉ cho mọi người xem tất cả, và người dân ở đó nói với đoàn rằng ban đầu khi họ đến đó, họ vẫn chưa có những xe rơ-mooc và đã phải ngủ ở ngoài trời dưới các lều bạt. Nhưng vị linh mục của họ, mặc dù ngài có nhà để ngủ, nhưng đã ngủ ở ngoài trời cùng với họ. Ngài nói, ‘Tôi phải ở cùng anh chị em. Làm sao tôi có thể trở về và ngủ trong nhà khi anh chị em, dân của tôi, không có chỗ để về?” Lòng trung tín đó của các linh mục theo các vị, và các chị nữ tu, và công việc mục tử tốt lành của các vị giám mục cũng đã làm tôi thực sự rất cảm kích.

Điều gì làm ngài xúc động nhất?

Tôi thấy sự vắng bóng của lòng oán hận là điều làm tôi vô cùng cảm kích; vâng, ý nghĩa của sự bất công ở đây là quá lớn và vết thương sâu hoắm mà những người cuồng tín đã đuổi họ ra khỏi nhà cửa, ly tán gia đình của họ và giết chết những người hàng xóm của họ. Có một vực sâu qua lớn của sự bất công ở đó và một khao khát rằng thế giới tiếp tục chiến đấu chống lại nạn diệt chủng của nhóm chiến binh qua các người cuồng tín. Nhưng dường như những người ở đây không có lòng hận thù và oán ghét.

Một phụ nữ đã nói với tôi khi tôi đến thăm — tôi vào trong nhà di động của bà. Bà cho tôi xem bức ảnh của đứa con trai; cậu ấy vừa lập gia đình được 1 tháng trước khi bị hành quyết — và bà đã phải đứng chứng kiến con mình bị hành quyết. Người mẹ đó nói, “Bọn chúng nhạo báng con khi giết con trai của con; chúng nói, ‘Mụ ấy là người Ki-tô hữu; mụ ấy phải tha thứ cho chúng ta.” Các bạn có tưởng tượng nổi không? Người mẹ đó phải chứng kiến con trai mình bị những người cuồng tín hành quyết trước mặt mình, những người này còn nhạo báng bà rằng bà phải tha thứ cho họ. Và bà nói, “Con tha thứ. Con chắc chắn tha thứ cho họ.” Lời nói đó với tôi đáng giá cả một đời tu đức.

Đây là những con người tốt lành có lòng tin vững mạnh. Họ hỏi tôi không biết thế giới có quên họ không, và họ hỏi không biết có ai biết được họ đã phải trải qua những gì không — điều này thực sự làm cho chuyến đi mang giá trị đích thực, vì đó đơn giản là những gì chúng tôi muốn làm: Nói với họ rằng chúng ta thực sự biết họ đã phải trải qua những gì, chúng ta thực sự nghe tiếng họ nói, và chúng ta không bao giờ quên họ.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã có lần nhận xét rằng khi Phát xít tìm cách tàn sát người Do Thái trong lò thiêu tập thể, họ cũng nhắm đến việc tàn phá Giáo Hội qua việc phá hủy gốc rễ ban đầu của Ki-tô giáo. Ngài thấy có gì tương tự như vậy trong cuộc thảm sát người Ki-tô hữu lần này ở Syria và Iraq — những người này thực sự là các dân tộc Assyria và Aramea được ghi chép trong Kinh Thánh, họ đã đón nhận Tin Mừng trực tiếp từ Thánh Tô-ma?

Dĩ nhiên, chúng ta cần họ như những người tiên khởi. Khi tôi ngồi cùng với những anh em Giám mục và Linh mục, tôi nói rằng chúng tôi cảm thấy mình giống như những em bé. Tôi đến từ Tổng Giáo Phận New York, mới chỉ 208 tuổi. Tôi nói, “Các vị tiền nhân đức tin của anh em chắc có lẽ đã có mặt trong ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên ở Jerusalem.” Chính Thánh Tô-ma đã đến với họ. Họ đã có lễ nghi, những bài thánh ca và những văn bản kinh của họ. Chúng tôi đã gặp một vị Giám mục chạy thoát khỏi Mosul, và ngài chỉ có đúng 20 phút để thu gom những bản kinh viết tay cổ xưa này — bây giờ, bằng ký ức của đức tin — và ngài đã phải khóc khi kể cho chúng tôi rằng, “Con không thể lấy được nhiều; con chỉ cố chộp lấy, chộp lấy từng quyển và bỏ vào trong 1 bao tải; và đó là tất cả những gì con lấy được: vài bản kinh viết tay và sách thánh và chén thánh.”

Đây là những người tiên khởi của chúng ta, và chúng ta chứng kiến họ phải di tản, họ bị đe dọa và chứng kiến họ đang phân vân về sự sống còn của họ. Chúng ta đều biết cửa hỏa ngục sẽ không đánh bại được Giáo Hội, nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng chúng ta không bao giờ ngừng cố gắng. Và đó là những gì những người ở đây đang trải qua … Họ thực sự là những người tử đạo vì đức tin; họ tử đạo vì tình yêu, vì họ muốn tha thứ, và họ đang giúp đỡ nhau rất nhiều.

Trong Tông huấn Amoris Laetitia (Tình yêu Gia Đình), Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng chúng ta phải làm mọi việc có thể để giúp những Ki-tô hữu ở Trung Đông trở về được với những mảnh đất tiền nhân của họ. Ngài sẽ trả lời như thế nào với những người trong các giáo xứ nói rằng, “Thưa Hồng y, chúng con muốn giúp. Chúng con có thể làm được gì?”

Bạn nói đúng, mọi người đều hỏi câu hỏi đó. Và tôi hỏi ngược lại họ, “Chúng ta có thể làm được gì?” Họ luôn luôn bắt đầu bằng việc kêu gọi cầu nguyện — và đôi khi chúng ta nghĩ rằng đó là một việc bâng quơ — nhưng họ nói, “Xin nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyện.”

Tôi có thể nhớ lại thuở nhỏ: Hàng ngày chúng tôi đều nhớ đến sự chịu đựng những đau khổ của các Ki-tô hữu ở sau Bức Màn Sắt [ND: phân chia 2 miền Đông Tây trong thời Chiến tranh lạnh 1945-1991]. Chúng tôi cầu nguyện cho họ hàng ngày, chúng tôi cầu nguyện cho họ trong mỗi Thánh lễ, và chúng tôi nghe những câu chuyện của họ. Bây giờ chúng ta phải làm giống như vậy trong kinh nguyện hàng ngày cho những Ki-tô hữu đang bị bách hại ở Trung Đông và vượt xa hơn nữa. Ý tôi muốn nói, hãy xem những gì đang xảy ra ở Ấn độ và Pakistan. Những Ki-tô hữu đang bị bách hại phải nằm trong một phần của những lời kinh nguyện hàng ngày của chúng ta.

Thứ 2: Chúng tôi cố gắng chăm sóc họ! Nếu họ không có những nhu cầu cơ bản để sinh tồn — và, tạ ơn Chúa, họ đã có được chỗ ở căn bản, chăm sóc y tế, thực phẩm và học hành cho trẻ em — chúng tôi phải thấy rằng họ có được những thứ căn bản đó và duy trì được nó, vì nếu họ không có được những thứ đó, họ sẽ tuyệt vọng và bỏ đi. Vì vậy chúng tôi có những tổ chức như CNEWA, CRS và Aid to the Church in Need để hỗ trợ cho những anh chị em đang phục vụ ở đây. Tôi hỏi Đức Tổng Giám mục Erbil cho tôi xin một danh sách những nhu cầu mọi người cần, và tôi đã mang danh sách đó về. Tôi sẽ sớm chuyển danh sách đó tới các tổ chức.

Và điều thứ 3, chúng tôi không muốn quên đưa ra tiếng nói của chúng tôi.

Một trong các linh mục ở đây nói rằng điều cuối cùng chúng tôi cần ở đây là thêm vũ khí và thêm bom — nhưng về mặt khác họ biết rõ rằng cần phải có một biện pháp nào đó giống như một hành động đáp trả quân sự cho những người cuồng tín khát máu Daesh. Nhưng tôi nghĩ họ muốn nói [họ muốn] có thêm nhiều tiếng nói với các chính phủ để có được một biện pháp bảo vệ và phòng ngừa quốc tế nào đó cho những người đang phải chịu đau khổ ở đó.

Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ thực sự học được bài học tinh thần nào từ những Ki-tô hữu này — những người mà ngài đã thấy mất tất cả và phải dồn chật vào trong nhà thờ ca hát?

Trước hết, chúng tôi học được rằng đức tin của chúng tôi thực sự đúng như lời Chúa Giê-su nói: “hòn ngọc vô giá” của chúng tôi. Chúng tôi thường có khuynh hướng xem việc đó là điều đương nhiên, nhưng đối với những người này, theo đúng nghĩa đen họ chịu mất tất cả mọi thứ, chứ không chịu mất đức tin. Như vậy, trước tiên, chúng tôi học được tính tối thượng của đức tin. Chúng tôi học được rằng chúng tôi phải đặt cho mình câu hỏi: Chúng ta có được chuẩn bị để sống đức tin theo cách thức chúng ta sẵn sàng chết vì đức tin không? Vì những người ở đây, họ sẽ từ bỏ tất cả ngoại trừ đức tin. Có một người phụ nữ đã nói, “Bọn chúng không thể lấy mất đức tin của chúng con.”

Thứ 2, chúng tôi học được tầm quan trọng của tình đoàn kết. Đây là bài học của Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô trở nên sống động trước mắt: Khi một bộ phận trên cơ thể bị đau thì toàn thân đều đau. Vì thế chúng tôi cùng phải trải qua đau khổ cùng với họ, và chúng tôi không thể trở nên chai lỳ trước nỗi đau của họ. Vì vậy tình đoàn kết là một bài học thứ 2.

Thứ 3, chúng tôi học được sự cần thiết của lòng mến khách và sự bao dung, đó là một sự mến khách trường kỳ, chúng ta ở trong gia đình Giáo Hội. Tôi nói với họ, “Anh chị em biết không, cha không hiểu ngôn ngữ của anh chị em, chúng tôi đến từ một xứ sở xa thật xa — tuy vậy, cha vẫn cảm thấy như mình đang ở nhà vậy, vì chúng ta đều là những thành viên của gia đình đức tin, và chúng ta là một.”

Và đó là rất thật. Đó là lòng mến khách, đó là sự đoàn kết, là những động lực dẫn chúng ta tới lòng nhân ái cho những con người này — một lòng nhân ái tích cực — và chúng ta không thể quên họ.

Peter Jesserer Smith
Nguồn: ncregister.com]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 20/04/2016]