Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo đã ghi nhận rất nhiều tước hiệu như: Ðấng chỉ đàng, Ðấng toàn thánh, Bà Evà mới, Ðấng đầy ân sủng, Ðấng trọn đời Ðồng trinh, Ðấng Vô Nhiễm, Hình ảnh cánh chung của Hội Thánh, Mẹ các sinh linh, Nữ tỳ của Chúa, Tòa Ðấng khôn ngoan, Trạng sư.. (GLHTCG trang 938). Chính những danh hiệu ấy giúp chúng ta hiểu rằng, cuộc đời Mẹ được nhân loại biết đến từ lúc lời Fiat thốt lên, và ân sủng Thiên Chúa đến với Mẹ từ đây. Nếu không có ân sủng của Chúa thì một thụ tạo như Mẹ, liệu có được vinh dự tột bậc ấy chăng?
Đức Maria trong ý định của Thiên Chúa
Những chương đầu trình thuật của sách Sáng Thế chưa nhắc đến Ðức Maria. Chỉ sau khi Tổ Tông loài người phạm tội, bóng dáng về một người nữ khác ngoài Evà mới được nhắc đến: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà. Giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).
Tiếp đến, các ngôn sứ có đề cập đến nhân vật này qua những danh xưng như: cô gái Xion, thiếu nữ Xion… (x. Gr 31, 4; Is 1, 8…). Nếu như kế hoạch cứu độ là một tiến trình tiệm tiến, thì danh xưng và vai trò của Ðức Maria cũng phải qua một thời gian dài mới được biết và hiểu như hiện nay. Những hình ảnh có tính cách tượng trưng được tiên báo trong Cựu Ước dần dần được thay thế bằng một con người chân thật và sống động hơn cụ thể qua việc Thiên Chúa sai sứ thần Gap-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê gọi là Na-da-rét gặp một thiếu nữ tên là Maria.
Những trích dẫn từ Kinh thánh gợi nhắc về Mẹ lúc thì thật uy nghiêm, vững chắc “thành Xion, núi Xion”, khi thì lại dùng hình ảnh có tính so sánh, ước lệ như “trăng, sao, mặt trời”. Từ đó cho thấy, Mẹ là thụ tạo kết tinh của những nét đẹp tinh tuyền và thuần khiết. Vẻ đẹp ấy được phát xuất từ chính tình yêu, từ ân sủng như Mẹ đã nói với Thánh Nữ Bênađêta “Mẹ đẹp bởi Mẹ yêu nhiều”. Tình yêu đối với Ðấng Thánh đã khiến cho Mẹ có đời sống thánh thiện tuyệt hảo mà thánh Augustino gọi là “Một ngoại lệ ân sủng của Thiên Chúa”.
Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại
Công đồng Êphêsô đã xác nhận “Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ đã sinh ra người con về nhân tính mà Ngôi Vị người con là Thiên Chúa”. Từ khi đáp lại lời “xin vâng” với Sứ Thần, cuộc đời Mẹ bước sang một khúc ngoặt của trang sử mới. Tiếng xin vâng này không ngừng được Mẹ lặp đi lặp lại trong mọi biến cố của cuộc đời, nhất là trong những lúc gian nan thử thách đầy cam go như: nguy cơ bị Hôn phu từ bỏ; rủi ro hình phạt bị ném đá có thể xảy ra; sinh con trong đêm đông giá lạnh hiu quạnh; hành trình trốn sang Aicập; nhất là bước theo con trên đường thập giá và chứng kiến cái chết nhục nhã tức tuởi của Người trên núi Sọ…
Người Mẹ ấy cũng chính là người Mẹ của mỗi tín hữu. Thời điểm trước khi hấp hối trên thập giá, Đức Giêsu đã trao phó cho Mẹ đàn em đông đúc của mình mà vị Tông Đồ được Ngài yêu mến làm đại diện: “Thưa Bà đây là con của Bà” (Ga 19, 26).
Hơn bao giờ hết chúng ta cảm tạ giây phút mà Ðức Giêsu đã trao chúng ta cho Mẹ, vì Giáo Hội sẽ không thể tìm đâu ra một mẫu gương tuyệt vời, thánh thiện không tỳ vết nào ngoài Mẹ. Chính vì vậy, phụng vụ Giáo hội đã dành nhiều ngày lễ để tôn kính Mẹ: Lễ Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, Sinh nhật Ðức Mẹ… Tất cả những tước hiệu, những mỹ từ được dùng để ca ngợi Mẹ cũng không thể xóa nhòa hai chữ ân sủng mà Thiên Chúa đã ghi sâu trên cuộc đời của Mẹ.
Cuối cùng, xin mượn lời Ðức TGM Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã viết như một lời nhắn nhủ cho các con cái hãy yêu mến thiết tha Ðức Mẹ: “Con là tâm hồn trẻ muốn sống rất trung thực, con hãy bắt chước Ðức Mẹ, trong Ðức Mẹ không còn cái “tôi” nữa, tỳ vết của con người cũ không có. Đức Mẹ Vô Nhiễm và đầy tràn Chúa đến nỗi không thể nói đến Mẹ Maria mà không nghĩ đến Chúa Giêsu”. (ĐHV 940)
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu