Được ngồi hàng đầu trong Đại thính đường Phaolô 6 só 150 trẻ em bệnh nhân đến từ Italia và 15 nước khác, trong đó có 15 em đến từ Cộng hòa Trung Phi được ĐHY Dieudonné Nzapalainga, TGM giáo phận Bangui thủ đô của nước này hướng dẫn đến đây.
Trong số 7 ngàn người hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, các bác sĩ, y tá, các nhân viên khác, những người thiện nguyện, các gia đình và các bệnh nhân.
Lịch sử và hoạt động của Nhà Thương Chúa Hài Đồng Giêsu
Bệnh Viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu được thành lập năm 1869 như bệnh viện nhi đồng đầu tiên ở Italia do sáng kiến của gia đình quận công Salviati, theo kiểu mẫu Bệnh viện Nhi đồng ở Paris. Năm 1924, gia đình Salviati đã tặng nhà thương này cho Tòa Thánh và từ đó trở thành bệnh viện của ĐGH.
Năm 1985, Bệnh viện này được nhìn nhận như một viện điều trị và săn sóc có tính chất khoa học (IRCCS), ngoài việc chữa trị các bệnh nhân, còn có hoạt động nghiên cứu khẩn trương. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp quốc tế (JCI) chứng thực nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu là bệnh viện nổi bật về việc tiếp đón, săn sóc và chữa trị các em bệnh nhân.
Năm 2014, Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu khánh thành các phòng thí nghiệm nghiên cứu mới, trải rộng trên diện tích 5 ngàn mét vuông, được trang bị với những kỹ thuật tân tiến nhất để nghiên cứu về di truyền học và các tế bào. Một cuộc đầu tư hạ tầng cơ cấu và kỹ thuật quan trọng, trù định bên trong các cơ sở của Nhà thương một phân bộ dược khoa (Cell Factory) hoàn toàn chuyên về việc cung cấp rộng lớn các phương pháp điều trị tân tiến.
Ngày nay, Bệnh viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu là bệnh viện đa khoa và là trung tâm nghiên cứu bệnh nhi đồng lớn nhất ở Âu Châu với hơn 2500 nhân viên, được liên kết với các trung tâm lớn trên thế giới trong lãnh vực này, là điểm tham chiếu về sức khỏe trẻ em và thiếu niên đến từ toàn Italia và nước ngoài. Đối với Italia, bệnh viện này là trụ sở của Orphanet, là cơ sở dữ liệu (database) lớn nhất thế giới về các bệnh hiếm, có 39 nước tham gia cơ sở này.
Việc săn sóc sức khỏe của Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu được tiến hành tại 4 trung tâm nhập viện và điều trị: trước tiên là trụ sở nguyên thủy trên đồi Gianicolo cạnh Đại chủng viện Bắc Mỹ và không xa đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo; tiếp đến là trụ sở mới gần Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma; thứ ba là trụ sở ở Palidoro cách Roma khoảng 30 cây số, và sau cùng là Santa Marinella, cách Roma 75 cây số về hướng bắc. Cả hai trung tâm này ở gần bờ biển. Tổng cộng trong 4 cơ sở vừa nói có 607 giường trên một diện tích 500 ngàn mét vuông. Mỗi năm bệnh viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng có 27 ngàn vụ nhập viện, 26 ngàn vụ giải phẫu, 70 ngàn vụ chữa trị trong ngày (Day Hospital), 78 ngàn trường hợp cấp cứu, và 1 triệu 600 ngàn vụ chẩn bệnh. Thực là những con số đáng kể trên bình diện Âu Châu. Trong số các bệnh nhân trẻ em được điều trị có 30% đến từ các vùng ngoài Roma và Lazio, và 13% khác đến từ nước ngoài.
Cộng tác quốc tế
Bệnh viện Chúa Hài Đồng hiện diện trên bình diện quốc tế với những căn thiệp cộng tác với những nước đang lên: tại Giordani, Kampuchia, Việt Nam, Ethiopia và Cộng Hòa Trung Phi có những dự án cộng tác với các trung tâm lâm sàng và phẫu thuật ở địa phương về việc huấn luyện, y khoa nhi đong cơ bản, chỉnh hình, thần kinh và phẫu thuật chuyên ngành. Trong khi đó với nước Nga, Macedonia, Ucraina, Venezuela, Liban, Palestine, Kosovo, Camerun và Algérie, Bệnh viện Chúa Hài Đồng có những dự án chuyên ngành cấp cao liên quan đến việc huấn luyện thường trú và trợ giúp lâm sàng phẫu thuật ở Roma cho những trường hợp nặng nhất. Sự dấn thân của Bệnh viện này với các nước xa xăm như thế không có nghĩa là quên thành Roma. Tại đây, Bệnh viện Nhi đồng của T có một đơn vị y tế lưu động dành cho các giáo xứ và các khu phố nghèo nhất.
Bệnh viện Nhi Đồng đảm nhận việc chữa trị trong tất cả các ngành y khoa chuyên biệt. Ghép cơ phận, các bệnh di truyền và chuyển hóa (metaboliche), bệnh tim và phẫu thuật tim mạch, thần kinh học, ung thư và huyết học, phục hồi chức năng. Đó là những lãnhvực điều trị và nghiên cứu rất xuất sắc. Đặc biệt Bệnh viện Chúa Hài Đồng là trung tâm ở Âu Châu có khả năng đáp ứng tất cả những đòi hỏi về ngành ghép cơ phận cho nhi đồng: tim, tủy, giác mạc, kể cả hoạt động ghép gan và thận, nguyên trong năm 2015 có 326 vụ ghép cơ phận. Năm 2010, có cuộc ghép tim nhân tạo trường kỳ đầu tiên trong lồng ngực được thực hiện cho một em bé tại Bệnh viện Nhi Đồng này. Ngoài các hoạt động chữa trị, Bệnh viện còn có dịch vụ tiếp đón các gia đình, đặc biệt những gia đình đến từ ngoài vùng Lazio, và theo đuổi tiến trình trị liệu lâu dài. Với sự trợ giúp của một hệ thống các hiệp hội, tổ chức, các khách sạn, Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu đã đảm bảo việc trú ngụ miễn phí cho khoảng 3.500 gia đình, với tổng cộng hơn 88 ngàn đêm mỗi năm.
Buổi tiếp kiến
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Bà Mariella Enoc, Chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu, đã chính thức cám ơn ĐTC vì đã cho phép sử dụng bãi đáp trực thăng trong Nội thành Vatican dành cho những trường hợp khẩn cấp. Từ khi khởi động chương trình này, đã có 80 trường hợp chuyên chở khẩn cấp các em bệnh nhân, với sự cộng tác của sở Hiến binh Vatican, Sở y tế Vatican và sở xe cứu thương Ares 118 của Italia.
Tiếp lời bà Enoc, một nữ y tá, Valentina Vanzi, một nhân viên trợ tá Ông Dino Pantaleoni, một sinh viên ngành y tá Luca Adriani, sau cùng là một nữ bệnh nhân Serana Antonucci, lần lượt trình bày hoạt động của mình và nêu vài câu hỏi xin ĐTC giải đáp.
Trong bài nói chuyện, ngài đã trả lời cho các câu hỏi đó, và nói rằng:
”Valentina, câu hỏi của bà về các trẻ em đau khổ thật là một câu hỏi lớn lao và khó khăn, tôi không có một câu trả lời, nhưng tôi nghĩ tốt hơn nên bỏ ngỏ câu hỏi này. Cả Chúa Giêsu cũng không đưa ra câu trả lời bằng lời nói. Đứng trước một vài trường hợp xảy ra bấy giờ, tức là những người vô tội đã chịu đau khổ trong những hoàn cảnh đau thương, Chúa Giêsu không đưa ra một bài giảng, một diễn văn lý thuyết. Chắc chắn là Ngài có thể làm, nhưng Ngài không làm. Khi sống giữa chúng ta, Chúa không giải thích tại sao ta đau khổ. Trái lại Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường để mang lại ý nghĩa cho kinh nghiệm đau khổ của con người: Chúa không giải thích tại sao người ta đau khổ, nhưng khi chịu đựng đau khổ với tình yêu thương, Chúa chỉ cho chúng ta thấy Ngài chịu đau khổ cho ai. Chúa đã hiến mạng sống vì chúng ta và qua món quà đó, món quà rất quí giá đối với Ngài, Chúa đã cứu thoát chúng ta. Và ai theo Chúa Giêsu thì cũng làm như vậy: thay vì tìm hiểu tại sao, thì họ sống mỗi ngày cho người nào đó.
Bà Valentina thật là yêu sách và cũng xin một liều thuốc cho người đang chịu đau khổ. Thật là một yêu cầu đẹp đẽ; tôi chỉ nói một điều nhỏ thôi, đó là chúng ta có thể học nơi các trẻ em: khám phá mỗi ngày giá trị của lòng biết ơn, biết nói ”cám ơn”. Chúng ta dạy điều đó cho các trẻ em nhưng rồi nhiều khi những người lớn chúng ta lại không làm. Nói cám ơn, chỉ vì chúng ta đứng trước một người, đó là một liều thuốc làm cho niềm hy vọng khỏi bị giảm bớt, lạnh lẽo, và đó là một thứ bệnh hay lây. Nói lời cám ơn sẽ nuôi dương hy vọng, niềm hy vọng trong đó chúng ta được cứu rỗi, như thánh Phaolô đã nói (Xc Rm 8,24). Niềm hy vọng chính là nhiên liệu cho đời sống Kitô, làm cho chúng ta tiến bước mỗi ngày. Vì thế, thật là đẹp khi sống như người biết ơn, như con cái Thiên Chúa, đơn sơ và vui mừng, bé nhỏ và vui tươi.
Trả lời anh Luca hỏi đâu là nhãn hiệu của công xưởng là nhà thương ”Chúa Hài Đồng Giêsu” ngoài những khả năng chuyên môn cần thiết. ĐTC đáp: Với những người trẻ Kitô như anh Luca, sau khi học hành bắt đầu đối diện với thế giới công việc, một thế giới phải được mở ra cho người trẻ, chứ không phải cho thị trường, tôi khuyên hai yếu tố này. Trước tiên là giữ cho những giấc mơ của mình được sinh động. Đừng bao giờ làm cho những giấc mơ ấy bị tê liệt! Chúng ta sẽ nghe đọc trong bài Tin Mừng Chúa nhật tới đây, chính Thiên Chúa đôi khi thông báo qua những giấc mơ, nhưng nhất là Chúa mời gọi chúng ta thực hành những giấc mơ lớn, dù khó khăn. Chúa thúc đẩy chúng ta đừng ngừng làm điều thiện, đừng bao giờ dập tắt ước muốn sống những dự án to lớn. Tôi thích nghĩ rằng chính Chúa cũng có những giấc mơ, cả trong lúc này, cho mỗi người chúng ta. Một cuộc sống không có mơ ước thì không xứng đáng với Thiên Chúa, một cuộc sống mệt mỏi và cam chịu, không hài lòng, thì người ta sống vất vưởng, không phấn khởi, sống cho qua ngày vậy thôi.
Tôi nói thêm yếu tố thứ hai này là sau những giấc mơ, còn cần phải có sự trao tặng. Bà Serena đã là làm chứng cho chúng ta về sức mạnh của người trao tặng, cho đi. Xét cho cùng, người ta có thể sống theo hai đối tượng: một là đặt sở hữu lên trên sự cho đi. Ta có thể làm việc và nghĩ trước tiên tới sự kiếm tiền, hoặc là tìm cách cố gắng hết sức để mưu ích cho tha nhân. Khi ấy công việc, tuy có đủ loại khó khăn, nó trở thành một sự đóng góp vào công ích, nhiều khi cho một sứ mạng. Và chúng ta luôn đứng trước hai ngã đường: một là làm cái gì để mưu ích cho tôi, để đạt thành công, để được nổi tiếng; hai là đi theo trực giác phục vụ, trao ban và yêu thương. Nhiều khi hai điều này trộn lẫn với nhau, nhưng luôn luôn phải nhận ra điều nào chiếm chỗ thứ nhất. Mỗi sáng ta có thể nói: bây giờ tôi phải đi đến nơi đó, làm việc này, gặp người kia, đương đầu với các vấn đề, nhưng tôi muốn sống ngày hôm nay như Chúa muốn: không phải như một gánh nặng, nhưng như một hồng ân. Nay đến lượt tôi phải làm một chút điều thiện, để mang Chúa Giêsu, để làm chứng không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm. Mỗi ngày ta có thể ra khỏi nhà với một tâm hồn khép kín vào mình, hay là với mộp tâm hồn cởi mở, sẵn sàng gặp gỡ và trao ban. Thật là niềm vui lớn khi sống với một con tim cởi mở, hơn là một con tim khép kín. Các con có đồng ý không.
Tôi cầu chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh sống với một con tim cởi mở, giữa tinh thần tươi đẹp như thế của gia đình. Cám ơn Anh chị em thật nhiều.
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 15.12.2016)