Đường, sự thật, và sự sống điều nào quan trọng hơn?

 Câu hỏi:

 

Mến gửi trang nhà Nazareth,

 

Trong một buổi tĩnh tâm của giáo xứ, tôi đã nghe linh mục đọc lại lời Chúa trong đó có câu Chúa nói: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Gioan 14:6). Tôi đã nêu câu hỏi với ngài, “trong ba điều Chúa đã xác định về Ngài, điều nào quan trọng nhất: đường, sự thật hay sự sống?” Vị linh mục trả lời tôi một cách không cần suy nghĩ: “đường”. Đường quan trọng nhất, vì theo linh mục này, nếu không có đường làm sao ta đến được với Thiên Chúa.

 

Nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn với câu trả lời này, sau đó tôi có hỏi một đại chủng sinh đang trong năm thứ tư chương trình thần học cũng một câu hỏi, và được thầy trả lời rằng “sự thật”. Thầy giải thích, nếu mọi sự không được diễn ra đúng như lời Chúa nói. Và nếu Chúa không phải là sự thật tuyệt đối cho ta tin theo thì việc con người tìm đến Chúa cũng là tìm đến một điều sai lạc. Đến với một sự lầm lẫn, xa ngoài chân lý.

 

Sau cùng tôi hỏi một anh bạn mà tôi cho là cũng có nhiều kiến thức và hiểu biết rộng rãi về tôn giáo câu hỏi như tôi đã hỏi hai vị trước. Anh này suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “sự sống”. Anh lý luận rằng, nếu con đường dẫn ta đi đến chỗ chết, hoặc đó là con đường cùng thì chẳng thà đừng đi. Hoặc nếu sự thật kia cũng chỉ là một sự thật không đem lại cho ta sự sống, thì sự thật ấy chỉ là sự thật hiểu theo một cái gì hết sức tự nhiên, biết về sự thật ấy cũng chả ích lợi gì.

 

Khi nghe ba câu trả lời như trên, thật sự tôi càng hoang mang và không hiểu Chúa muốn nói gì? Điều gì trong ba điều ấy là điều Chúa muốn cho ta chú ý đến nhất? Và một lần nữa, tôi muốn được nghe ý kiến của mục hỏi đáp trang nhà Nazareth.

 

Rất chân thành,

Ng.Q.C.

 

 

Đáp:

 

Trước hết, xin thành thật cảm ơn ông đã gửi cho trang nhà Nazareth câu hỏi rất đặc biệt này. Linh mục ông đã hỏi, đại chủng sinh năm thứ 4 thần học đang chuẩn bị làm linh mục, và người bạn hiểu nhiều, biết rộng của ông, ông cũng đã hỏi, vậy thì tôi biết trả lời ông như thế nào để ông hài lòng. Nhưng vì ông đã hỏi thì tôi cũng cố gắng biết tới đâu trả lời tới đó, với hy vọng sự chia sẻ chân tình của tôi sẽ là một đáp ứng thiện chí cho câu hỏi của ông.  

 

Trước hết, tôi mời ông cùng đọc lại đầy đủ trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan ở chương 14. Chương này được chú giải là “Những Lời Cuối” Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài. Những lời này diễn ra trong bối cảnh Ngài sắp bước vào cuộc khổ nạn và những gì sẽ xẩy đến cho Ngài, sẽ xẩy đến cho các ông. Ngài yêu thương các ông, không muốn các ông hoang mang, buồn và mặc cảm bị bỏ rơi, côi cút. Để yên ủi các ông (và cả chúng ta sau này), Ngài đã nói đến mục đích cuộc vắng mặt của Ngài, đến tình yêu Chúa Cha, đến sự an ủi của Thánh Thần. Ngài cũng khuyên các ông hãy can đảm, bền chí và tin tưởng nơi Ngài. Một trích đoạn Tin Mừng mà trong đó Chúa Giêsu đã trải dài tâm sự của mình một cách rốt ráo cho những kẻ Ngài yêu với ước mong các ông sẽ hiểu Ngài, nhưng kết cục không chỉ có Thôma mà cả Philípphê và Giuđa (không phải là Giuđa Iscariot) cũng hoang mang và có những câu hỏi như xem như rất ngớ ngẩn về những điều Chúa Giêsu đã nói với các ông. Ông Thôma thực tế hơn hỏi Chúa về nơi Ngài sẽ đến: “Chúng tôi không biết thầy đi đâu. Làm sao chúng tôi biết đường?” (câu 5). Ông Philípphê thì thắc mắc về Chúa Cha: “Xin chỉ cho chúng tôi biết Chúa Cha, như vậy là chúng tôi mãn nguyện” (câu 8). Và Giuđa thì băn khoăn tại sao những lời tâm huyết cuối cùng này Thầy chỉ nói cho các ông mà không cho nhiều người nghe: “Lạy Chúa, sao Ngài chỉ tỏ mình ra cho chúng con mà không cho toàn thể thế giới?” (câu 22).

 

Câu hỏi của ông dừng lại ở thắc mắc của Thôma. Nhưng dường như Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của Thôma. Thay vì nói cho Ông biết nơi Ngài sẽ đến để Ông biết đường như những nơi mà hằng các Ông và Chúa vẫn đến chỗ này, chỗ khác. Ngài đã nhân cơ hội mở ra cho Ông một tầm nhìn mới, một ý nghĩa mới mà Ông và nhân loại cần khám phá, cần biết về Ngài: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống”. Thánh ký Gioan không nói gì về phản ứng của Thôma sau câu trả lời của Chúa, nhưng theo những gì được ghi lại, thì có lẽ Ông không hiểu gì nhưng cũng không muốn hoặc không dám hỏi lại. Còn phần Chúa Giêsu thì cứ tiếp tục nói với các Ông. Và dĩ nhiên, càng dẫn các Ông đến những nghi vấn khác nhau.

   

Trở lại câu hỏi của ông là điều gì quan trọng hơn khi so sánh lời Chúa nói với Thôma: đường, sự thật, hay sự sống? Thật ra cả ba cũng đều quan trọng, cần thiết, và bổ túc cho nhau. Vì cả ba đều nói đến những đặc tính thuộc về Ngài – Chúa Giêsu, Thiên Chúa và người thật. Như ba đặc tính khác nhau của nước là thể hơi, thể lỏng, và thể cứng. Nước bốc hơi khi bị đun sôi. Hơi nước kết tụ thành mây bay lơ lủng trên bầu trời. Nước lỏng trong ao, hồ, sông, biển. Nước đông lạnh, đóng thành băng đá. Cả ba đều là nước. Khi Chúa Giêsu nói Ta “là” thì hiểu rằng cái ấy chính là Ngài. Vậy đường đây cũng là Ngài, sự thật đây cũng là Ngài, và sự sống đây cũng là Ngài.       Con người của Ngài phải được biết đến theo cái nhìn dưới những góc độ khác nhau. Nó cho ta thấy những sứ vụ khác nhau của Ngài.

 

Tuy khác nhau nhưng cùng là “Giêsu”, một Giêsu hoàn toàn, không chia cắt. Vì Ngài vừa là Thiên Chúa và cũng là người thật, nên con đường dẫn ta đến với Thiên Chúa cũng là Ngài. Ngài từ trời xuống thế để dẫn lối cho nhân loại về trời. Điều này trước đó Ngài cũng đã nói với Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, trừ Đấng từ trời mà xuống” (Gioan 3:13). Sự thật giải thoát con người cũng là Ngài. Ngài mới là Đấng giải thoát nhân loại khỏi sự gian dối của Satan. Điều này Ngài cũng đã nói với người Do Thái: “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” (Gioan 8:32). Sự sống thần linh của chúng ta trong Ba Ngôi Thiên Chúa cũng là Ngài, vì Ngài đến “để chiên Ngài được sống và sống dồi dào” (Gioan 10:10). Không những vậy, Ngài còn hiến mạng sống mình vì chúng ta: “Không ai có tình yêu lớn lao hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13).

 

Bởi đó theo tôi, chúng ta không nên phân tích từng lời ấy theo cái nhìn so sánh và mang ý nghĩa của ngôn ngữ nhân loại. Nhưng nên nhìn chung cả ba hình ảnh ấy trong ngôi vị và con người của Chúa Giêsu. Ngài vừa là con đường, sự thật giải thoát đưa ta đến với Thiên Chúa, và Ngài cũng chính là Thiên Chúa mà ta đang tìm kiếm. Còn như nếu muốn đem phân tích vấn đề thì con đường nào mà không dẫn ta đến sự sống thì con đường ấy là “tử lộ”. Không nên đi trên con đường ấy. Và con đường nào không phải là con đường thật, con đường đưa ta đến đích thì là con đường giả, con đường dẫn ta đi vào lầm lạc. Người đi trên đường này, dĩ nhiên, cũng sẽ bị lạc đường, không bao giờ đến đích. Sau cùng “con đường sự sống” là một đặc tính chỉ tìm thấy nơi chính Chúa Giêsu.

 

Bình thường khi nghĩ đến con đường, ta nghĩ đến một phương tiện giao thông. Đường làng, hương lộ, tỉnh lộ, đường xuyên bang, đường xuyên quốc gia. Đường dẫn về nhà, đường dẫn đến sở làm, đường dẫn đến nhà thờ, đường dẫn đến trường… Đường cũng là một lối dẫn trong sinh hoạt tâm linh gọi là đạo. Nhưng chưa bao giờ nghe có con đường nào cũng chính là sự thật duy nhất, dẫn đến sống hay chính là sự sống. Và vì thế, chúng ta không thể chẻ hay cưa Chúa Giêsu thành ba phần để phân tích đường, sự thật, và sự sống cái gì quan trọng hơn? Do cả ba đều hội tụ và kết hợp trong Ngài, nên khi nghĩ đến Chúa Giêsu, nói về Chúa Giêsu, hoặc viết về Chúa Giêsu thì cũng là nghĩ đến, nói đến, và viết về một ngôi vị, một con người.

 

Tóm lại, như Chúa Giêsu đã khích lệ các môn đệ, hãy cùng Ngài “lên đường” (Gioan 14:31), chúng ta hãy đồng hành với Ngài, tin tưởng vào lời Ngài, và sống bằng sức sống của Ngài. Vì Ngài “là đường, là sự thật, và là sự sống”.

 

Trần Mỹ Duyệt